Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Tùng Phong Lê Văn Đồng là tác giả tác phẩm Chính đề Việt Nam

Gần đây có một số nguồn tin ghi rằng thiên chính luận Chính Đề Việt Nam là do ông Ngô Đình Nhu soạn thảo. Thông Luận đăng lại toàn bộ chính luận này để phục hồi lại sự thật và xác định lại một lần nữa tác giả của Chính đề Việt Nam là Tùng Phong Lê Văn Đồng. Khi tham gia nhóm Thông Luận, tiền thân của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, năm 1988, ông Lê Văn Đồng đã có nhã ý tặng quyền chính luận này cho anh em chúng tôi.
Sách được in lần đầu tại Sài Gòn năm 1965, sau cuộc đảo chính của các tướng lĩnh dẫn đến cảnh tượng khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Chính Đề Việt Nam trình bày quan điểm của tác giả về vấn đề dân chủ và phát triển đất nước trong bối cảnh thế giới vào thời điểm những năm 1960. Đây là một thiên chính luận có tính cách một cương lĩnh chính trị cho miền Nam lúc bấy giờ, nếu được giới lãnh đạo quan tâm chú ý.
Đáng tiếc là sách đã không được chính giới lúc bấy giờ trân trọng. Theo lời tác giả, sách chỉ bán được khoảng 100 quyển trong số 1000 ấn bản năm 1965.

chinh_de_vietnam1.jpg
Trang bià ấn bản 1965
Tác giả trên bià sách Chính Đề Việt Nam là Tùng Phong, bút danh của Lê Văn Đồng.
Ông Lê Văn Đồng du học luật tại Pháp, quen biết ông Ngô Đình Nhu tại Paris. Khi ông Ngô Đình Diệm về cầm quyền ông Nhu biết ông Đồng là người có bản lĩnh chính trị nên mời ông Đồng làm Đổng lý văn phòng bộ trưởng Canh Nông và tham gia bộ tham mưu chính tri của ông Diệm do ông Nhu câm đầu. Chẳng bao lâu hai ông Lê Văn Đồng và Ngô Đình Nhu bất đồng ý kiến (ông Đồng là một người dân chủ, ông Nhu chủ trương độc tài), ông Đồng từ chức năm 1957 và từ đó bị ông Nhu theo dõi như một đối thủ. Hai người thỉnh thoảng cũng gặp nhau như hai người bạn cũ, khi ông Nhu mời, nhưng lạnh nhạt.
Từ đó ông Đồng sinh sống bằng cách dạy học và làm những hồ sơ nghiên cứu chính trị cho toà đại sứ Mỹ.
Năm 1965, sau khi ông Diệm và ông Nhu bị lật đổ, ông Đồng mới cho xuất bản tại Sài Gòn cuốn Chính Đề Việt Nam đưới bút hiệu Tùng Phong, trong đó ông dứt khoát trình bày lập trường dân chủ trong cách giải quyết các vấn đề Việt Nam.
Năm 1975 ông Đồng tị nạn sang Mỹ. Ông chuyển sang ngành toán, đậu tiến sĩ toán và trở thành giáo sư toán tại đại học Louisiana.
Năm 1984 ông tình cờ đọc được cuốn Cơ Sở Tư Tưởng, dự án chính trị đầu tiên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên do ông Ngô Đình Luyện gửi. Ông chia sẻ quan điểm của Cơ Sở Tư Tưởng, và tham gia tích cực trong việc bàn bạc và tu chỉnh bản Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên.
Ông đột ngột qua đời vài tháng trước khi dự án chính trị được in ra lần đầu (1992).
Chính Đề Việt Nam không thể là của ông Ngô Đình Nhu vì nó trình bày một quan điểm chính trị trái ngược với chính sách của chế độ Ngô Đình Diệm và với những ý kiến mà ông Nhu đã phát biểu qua những bài diễn văn mà ông viết cho ông Diệm đọc. Nhóm Thông Luận, sau này trở thành Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, đã photocopy một số bản Chính Đề Việt Nam từ năm 1988. Chỉ đến hơn mười năm sau mới có vấn đề ông Nhu là tác giả. Những người gán Chính Đề Việt Nam cho ông Nhu chỉ dựa trên một sự kiện mỏng manh là lời thuật của ông Cao Xuân Vỹ theo đó "có lần ông Nhu đã nhờ ông Cao Xuân Vỹ gửi cho ông Lê Văn Đồng một tài liệu" mà không nói đó là tài liệu gì. Ông Vỹ sau này nói thêm đó là một tài liệu bằng tiếng Pháp. Hơn nữa trong hai năm 1988 và 1989 hai ông Ngô Đình Luyện và Lê Văn Đồng đã nhiều lần trao đổi trong sinh hoạt của nhóm Thông Luận, kể cả về cuốn Chính Đề Việt Nam; không bao giờ vấn đề ông Ngô Đình Nhu là tác giả Chính Đề Việt Nam được đặt ra.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"