Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Lê Thăng Long giải thiêng ĐCSVN

Nguyễn Ngọc Già

Sau đơn xin vào ĐCSVN, ông Lê Thăng Long có bài kêu gọi ủng hộ cá nhân mình trở thành một Lý Quang Diệu của Việt Nam. Cả hai điều này tiếp tục gây ra làn sóng phê phán ông càng mạnh mẽ. Đó là tín hiệu thật đáng vui mừng trong một xã hội như đang sống trên "Chuyên Tàu Băng Giá" [1], giờ đây cuộc sống lạnh lùng, lặng lẽ, thờ ơ, hững hờ đó đang dần dần biến mất.

Ông Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực, một việc tạm gọi là "scandal", làm nổ ra tranh cãi ầm ĩ, thậm chí ông bị bôi nhọ hết sức tồi bại. Qua sự việc đó, người viết bài đã nhận định [2]:

"...Chính khách luôn đi liền với sự kiện và chữ nghĩa. Ngôn ngữ chuẩn xác của chính khách có thể giết chết kẻ thù ngọt lịm mà vẫn đảm bảo văn minh, hòa bình và hiện đại. Chính khách là một nghề. Hơn thế, nó là một nghề tinh tế và chuyên nghiệp thuộc hàng nghệ thuật. Không phải sao? Một chính khách giỏi và thành công khi biết xây dựng hình tượng và quan trọng hơn, tạo sự kiện và biết cuốn hút, thuyết phục quần chúng cũng như dư luận chạy theo sự kiện mình đưa ra".

Lần này, ông Lê Thăng Long đã tiếp tục chứng tỏ bản thân như một chính khách có nghề và độc đáo hơn.

Không làm cũng cằn nhằn, làm cũng cằn nhằn.

M.C Nguyễn Cao Kỳ Duyên từng cho biết [3]:

"...Cho đến gần đây qua mạng lưới mở rộng và kết hợp của mạng xã hội, tôi mới nếm thử mùi vị của 'văn hóa chỉ trích'. Tôi đã bị không phải một lần mà bao nhiêu lần, hầu như mỗi khi tôi post hình đi nghỉ mát, đi chơi, đi ăn hoặc những món ăn lạ (như bao nhiêu triệu người khác), y rằng cũng có vài người hằn học comment: "Sao không để tiền đi làm từ thiện?", "Có biết là bao nhiêu người đang đói khổ không?". Tôi "phiên dịch" như vậy nghe cho lịch sự chứ thật ra có nhiều câu nghe không được ngọt ngào như vậy (chẳng hạn như câu này của "Kimlien Kimlien: 'Suot ngay dj ngj .mat voi an uog. Mjen trug dg bj bao lu kja. Do vo tam' ). 

Wow... một người không biết tôi và cũng không biết là tôi có cho cứu trợ cho miền Trung không đã vội kết án một cách gay gắt. Thật ra, tôi có làm từ thiện và có cho từ thiện khá đều đặn nhưng tôi ít nói ra. Không nói nhưng bị thiên hạ chỉ trích quá, lâu lâu tôi cũng phải "xì" ra cho những người như KimLien biết: "Dạ thưa bác, em cũng có cho từ thiện chứ không đến nỗi vô tâm như bác nghĩ". Nhưng vừa hé ra lại gặp những người như bạn Trongtai Nguyen nhận xét: 'Đã làm việc tốt thì không cần ai biết. Nói ra rồi chẳng để làm chi', hay Lam Truc Huynh viết: 'Đã có lòng làm từ thiện thì nên âm thầm, không nên phô trương cho mọi người biết".

Chúng ta hẳn không quên cậu bé thông minh, khôi ngô Đỗ Nhật Nam đã bị ném đá, sau phát biểu của cậu mà trang megafun gọi là [4]: "Một đám đông sợ hãi và vô văn hóa".

Câu chuyện thầy giáo Đỗ Việt Khoa cũng đã gây ầm ĩ, khi ông Văn Như Cương, một người từng tỏ ra ủng hộ và giúp đỡ thầy Khoa, đã dùng nhiều từ ngữ xúc phạm đến đồng nghiệp để đả kích thầy Khoa, như: [5] "không bình thường", "tự đề cao mình", "đánh giá mình rất quan trọng", "định ứng cử vào quốc hội" v.v...

Ông Nguyễn Xuân Châu - một người Úc gốc Việt, từng bày tỏ mong muốn trở thành Thủ tướng Việt Nam để giúp dân, giúp nước, cũng đã nhận biệt danh "thủ tướng khùng".

Ông Trương Đình Anh từng mong muốn trở thành thủ tướng vào năm 40 tuổi. Sau này blogger Hiệu Minh có bài "Trương Đình Anh có nên mơ làm Thủ tướng?" [6], với "chất giọng" mỉa mai, cùng hành động đá xoáy vào ông đương kim Thủ tướng Việt Nam.

Có lẽ còn rất nhiều câu chuyện, nhiều con người quanh ta mà mỗi người đều có thể thấy khi người đó làm những chuyện mà một số người hay nói: "không giống ai". Tại sao những người chỉ trích, miệt thị người khác không đặt câu hỏi: "Việc những người đó làm có hại đến ai và có phạm pháp không?".

Đó là nói về dân thường. Nói về các chính khách, thử hỏi có ai không biết đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel - một người xuất thân từ quốc gia cộng sản? Nếu người dân Đức hẹp hòi và thành kiến, làm sao có thể có một Thủ tướng được người dân trong và ngoài nước Đức mến mộ như hiện nay? 

Nếu dân Hoa Kỳ vẫn còn mang nặng thành kiến màu da, chắc hẳn không thể có một Mr. Barrack Obama?

Nếu người Nam Phi không ủng hộ Nelson Mandela, chắc cũng không có một quốc tang trọng thể ảnh hưởng cả thế giới như vừa qua?

Còn Việt Nam? ông Võ Nguyên Giáp vẫn đang là đề tài tranh cãi lớn về "công - tội", về nhân cách sống và cả về trình độ thật sự để được coi như nhà quân sự tài ba.

Thay vì Lê Thăng Long mong vào ĐCSVN và làm Lý Quang Diệu Việt Nam, nếu đó là Trần Huỳnh Duy Thức thì có bị ném đá tơi bời không nhỉ? Chắc là không. Lý do? Có lẽ vì Lê Thăng Long đã từng "nhận tội"(?). Hóa ra, điều làm cho một số người có cớ để miệt thị, xúc phạm nhân phẩm ông Lê Thăng Long là vì thế (?). Quả là:

Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì
(Một cõi đi về - Trịnh Công Sơn)

Những ai mắng chửi không tiếc lời đối với ông Long, họ có dám thử hành động rồi "nhận tội" và chấp nhận đi tù như ông không(?). Một số người Việt Nam vẫn thích người khác làm theo ý mình trong khi bất chấp ý nguyện và những gì phía sau của người đó, họ vẫn chưa biết rõ.


Ai mới bị "Hội chứng hoang tưởng" và "Hội chứng phản xã hội"? 


Giáo sư Nguyễn Huệ Chi kể câu chuyện [7]:

"...Còn nhớ ngày xưa tôi có xem cuốn truyện dịch "Thế giới người mù" kể chuyện một thanh niên sáng mắt bị lạc vào một thung lũng, trong đó là cả một cộng đồng người mù đang sống. Bản tính hăng hái, thương người, anh hòa nhập nhanh chóng với cộng đồng người mù ấy, được họ cưu mang, dựng cho một căn nhà, và cưới cho một cô vợ mù. Nhưng rồi dần dần, những điều anh mách bảo cho tập thể cư dân này dựa vào đôi mắt nhìn xa trông rộng của anh, làm họ đâm nghi ngờ và ghen ghét, ngỡ anh là một phù thủy, một người không hiểu vì sao lại khác với mình. Cuối cùng họ nhờ cô vợ của anh ngấm ngầm dò tìm và cô tìm ra nguyên nhân là ở đôi mắt khác người của anh. Thế là họ bàn nhau tìm cách bắt anh để dùng dao khoét đi cái vật nó là nguyên nhân làm cho anh thấy những điều cộng đồng không thấy. May sao anh dò ra được âm mưu đó và bằng mọi giá trốn thoát khỏi thung lũng. Hiện tại, công đồng người Việt đang ở vào tình cảnh oái oăm của một “thế giới người mù” chăng? Tôi không tin điều đó..."

Trích dẫn trên là lời bình trong bài của GS. Nguyễn Văn Tuấn, khi ông Tuấn đứng trước trường hợp thầy Đỗ Việt Khoa đã thốt lên:

"Đọc bản tin viết về sự việc thầy Đỗ Việt Khoa sắp bỏ nghề giáo mà thấy buồn nôn. Buồn không phải vì chuyện thầy Khoa bỏ ngành Giáo dục (mà tôi cho là một quyết định hết sức đúng), nhưng vì câu hỏi "được gì, mất gì". Câu hỏi gì mà tàn nhẫn thế!...".

Trong bài "Hội chứng hoang tưởng", BS. Ngọc cho biết [8]:

"...Triệu chứng nổi bật của người mắc chứng PPD (paranoid personality disorder) là không tin tưởng vào người khác, lúc nào cũng nghi ngờ người khác, nghi ngờ cả người thân và đồng nghiệp. Người mắc bệnh PPD có những đặc tính nổi bật như thiếu tin tưởng vào người khác, lúc nào cũng nghi kị người khác. Trong đầu của bệnh nhân PPD là người khác lúc nào cũng tìm cách ám hại mình, bất cứ hành động mang tính tích cực nào của người khác cũng được hiểu là có ý đồ xấu xa. Điều này rất đúng với người cộng sản vì họ không tin ai cả. Trong xã hội do người cộng sản điều hành và cấu tạo nên, ai cũng nghi kỵ lẫn nhau. Ngay cả trong gia đình cũng nghi kỵ lẫn nhau. Trong xã hội VN hiện nay mọi thành viên đều là những người tù dự khuyết. Bầu Kiên có thể là anh hùng hôm qua nhưng đùng một cái là tù nhân. Một ông cựu bộ trưởng đáng kính vẫn có thể đi tù dễ dàng. Người cộng sản không tin ai cả vì chính họ cũng không tin họ nói thật"...

"Một hội chứng có liên quan đến PPD là hội chứng phản xã hội (antisocial personality disorder, viết tắt APD). Đặc điểm chính của APD là khuynh hướng không quan tâm đến quyền lợi của người khác, hay xâm phạm quyền lợi người khác. Hội chứng này cũng rất phù hợp với người cộng sản vốn rất vô cảm và có khi tàn ác..."

Nếu độc giả nào có nhã hứng, xin mời vào bài viết chi tiết để xem blogger này phân tích thấu đáo dưới góc nhìn một bác sĩ. 

Trong "Bên Thắng Cuộc", nhà báo Huy Đức cũng  nhắc đến quan chức cộng sản, dù bị bệnh ung thư đến giai đoạn cuối, nhưng vẫn khăng khăng bản thân mạnh khỏe và còn cho rằng bác sĩ đã cố tình "nói xấu" rồi trừng phạt các bác sĩ, ví dụ như thái độ ông Đoàn Khuê [9]:

"Theo ông Nguyễn Văn An: “Sau khi anh em đưa cho tôi bệnh án của Đoàn Khuê: ung thư gan giai đoạn ba, chỉ có thể kéo dài cuộc sống không quá một năm, họp Thường vụ Bộ Chính trị, tôi đưa vấn đề sức khỏe ra, ông Đoàn Khuê vẫn cãi. Tôi phải công bố bệnh án”. Đoàn Khuê đập bàn tuyên bố: “Tôi là người khỏe mạnh, chúng nó phá. Tôi sẽ cho hai thằng đó nghỉ”. Đại tá Vũ Bằng Đình nhớ lại: “Cả tôi và anh Lê Thi, bí thư Đảng ủy Viện 108, nhận được quyết định nghỉ ngay lập tức. Không chỉ “lỡ cơ hội” trở thành nguyên thủ quốc gia, bệnh tình Đoàn Khuê tiến triển xấu từng ngày. Cuộc sống của ông chỉ còn sáu tháng thay vì một năm như dự đoán. Ngày 16-1-1998, Tướng Đoàn Khuê chết.."

Hoặc ông Đỗ Mười, người bị bệnh tâm thần:

"...Giữa thập niên 1990, thỉnh thoảng, bị cánh nhà báo chặn lại khi vừa bước từ toilet ra, Tổng Bí thư Đỗ Mười, với quần quên kéo khóa, leo lên chiếc bàn nước nhỏ đặt phía sau Hội trường Ba Đình, ngồi xếp bằng vui vẻ chuyện trò với dân báo chí. Nhiều khi cao hứng, ông nói: “Tôi đã từng bị thần kinh đấy”.

Các chính khách Việt Nam đương thời thì sao? Mời độc giả tạm đọc bài viết "Những phát ngôn bi hài của quan chức Việt Nam" [10], vì không tài nào thu thập đầy đủ hết từ các "quý ông", "quý bà" cộng sản, trong đó tuyệt đại đa số là "giáo sư", "tiến sĩ", trong đó "quý bà" Bộ trưởng Bộ Y tế nói: “Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc xin sẽ xử vắc xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật…”. Bà Tiến là một giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, nghe đâu còn được Hàn Quốc cấp bằng "giáo sư"... nữa (!). Ai oán thật! Có ai muốn nói về "hội chứng PPD" và "hội chứng APD" của bà Bộ trưởng y tế không (?)

Điều đáng nói, dù những phát ngôn, tuyên bố, việc làm của quan chức Việt Nam lạ lùng hay lố bịch, lố lăng giữa rừng người lố... nhố, họ cũng chưa bao giờ bị miệt thị là "khùng điên" gì cả. Tại sao vậy? Chẳng lẽ nhân quyền cũng phân chia "thứ bậc"(?!). 

Lê Thăng Long - một hiện tượng chính trị sáng tạo và độc đáo.

Đơn xin vào đảng của ông Lê Thăng Long, ngay phần gởi đi, không chỉ riêng ĐCSVN mà ông còn gửi tới đồng bào trong và ngoài nước cùng bạn bè quốc tế. Điếu đó nói lên ý nghĩa gì? Vốn sinh trưởng, lớn lên, học hành và kinh doanh trong môi trường độc đảng toàn trị, ông Long hoàn toàn biết điều kiện để được kết nạp vào ĐCSVN - yếu tố này chỉ cần biết đọc, viết và làm bốn phép tính cũng đủ hiểu khi đọc điều lệ ĐCSVN.

Với đơn xin vào đảng, ông Long đã đẩy ĐCSVN vào thế "chiếu bí" trên "bàn cờ chính trị" hôm nay. Có nhà nước nào lại đi bỏ tù ngay chính người đang bày tỏ lòng yêu quý và thiết tha để được đứng vào tổ chức nắm toàn quyền như ĐCSVN hiện nay?  

Người cộng sản đang mang tâm trạng  rối bời và bế tắc khi buộc phải chống đỡ nước cờ rất thông minh này. Tôi chân thành đề nghị ông Long hãy gửi bảo đảm "đơn xin vào đảng" qua đường bưu điện, đến các cá nhân và tổ chức đảng như trong lá đơn của ông. Đó là sơ sót nhỏ, hoàn toàn có thể thực hiện dễ dàng.

Ngoài yếu tố không thể bắt ông Lê Thăng Long bỏ tù một lần nữa, CSVN rơi vào thế hoàn toàn bị động - một trong những yếu tố quan trọng nhất mà không chính trị gia chuyên nghiệp nào muốn vấp phải.

Hãy tưởng tượng, một tổ chức tuyên bố "luôn gắn bó mật thiết với dân" phải im lặng trước lời khẩn cầu được đứng chung hàng ngũ, xuất phát từ thường dân, thì tổ chức đó sẽ như thế nào trong mắt đại đa số dân chúng, nếu không phải tổ chức đó chỉ luôn tìm mọi cách xa lánh và áp đặt quyền cai trị độc tôn của nó?

Hãy hình dung, một tổ chức "sáng ngời chính nghĩa" ra văn bản từ chối sự thiết tha của người dân được gắn bó chặt chẽ với mình để phục vụ nhân dân thì tổ chức đó có còn xứng với "đỉnh cao trí tuệ"?

Hãy để lương tâm  hướng về một tổ chức mệnh danh "là đạo đức, là văn minh" lại đi xách nhiễu, đàn áp, bôi nhọ ngay người đang tha thiết mong gọi mình là "đồng chí", thì "văn hóa" của tổ chức đó là loại văn hóa như thế nào?

Đó là lời giải đáp cho ý nghĩa: "Hãy yêu thương và ôm hôn kẻ thù của mình". Lê Thăng Long đã sáng tạo một cách thực tế, sống động và thuyết phục qua việc làm của ông. 

Một tổ chức không giải đáp thỏa đáng những câu hỏi như trên, lúc đó nó mất sạch: chính danh, chính nghĩa, đạo đức. Một tổ chức như thế hoàn toàn không có lý do tồn tại.

Chúng ta hãy cùng ngẫm nghĩ một hoạt cảnh rất vui, nhộn nhịp mà bình thường: Sau Lê Thăng Long xin vào đảng; sau Lê Hiếu Đằng, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Đắc Diên xin ra đảng, lần lượt mỗi tuần, mỗi tháng, lại có những người xin ra đảng, lần lượt lại có những nhà bất đồng chính kiến đang ở ngoài tù, những tù nhân lương tâm đang ở trong tù, những người dân oan, những hòa thượng, những linh mục, những mục sư, những blogger nổi tiếng, những sinh viên, giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng, những người Việt hải ngoại (còn quốc tịch Việt Nam) v.v... tiếp tục làm đơn xin vào đảng. 

Tại sao không gợi ý  ông André Menras Hồ Cương Quyết làm đơn xin vào đảng nhỉ? 


Lê Thăng Long - một chính trị gia độc đáo mà giản dị! Và còn nữa... nhưng bây giờ, người viết xin tạm nói đến đây thôi. 

Nguyễn Ngọc Già
________________











Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"