Ngô Nhân Dụng
Lev Tolstoi mở đầu cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Anna Karenina với một
câu vẫn được các người yêu văn chương nhắc lại hơn một thế kỷ qua: “Các
gia đình hạnh phúc đều giống nhau, mỗi gia đình bất hạnh thì bất hạnh
theo cách riêng.” Các chế độ cộng sản chiếm được chính quyền cùng một
cách, nhưng khi suy tàn thì mỗi đảng tan rã theo một cách khác nhau.
Các đảng cộng sản lên nắm quyền đều dùng bạo động và thủ đoạn bất
chấp đạo lý, trong khi các đối thủ của họ đều còn sống trong những quy
tắc luân lý quen thuộc của cả xã hội. Giữa một đám nhiều người đang
tranh đấu với nhau, kẻ nào xảo quyệt và tàn bạo nhất sẽ tiêu diệt những
người thành thật và lương thiện, những người bị gọi là “ngây thơ”. Hoặc
Mao nêu khẩu hiệu: “Súng đẻ ra quyền.” Lenin nói, “Chiến tranh là bà mụ
đỡ cho cách mạng.”
Nhưng khi các chế độ cộng sản ở Liên Xô và Ðông Âu sụp đổ thì mỗi nơi
tan hàng theo một kiểu riêng. Ðảng Cộng Sản Ba Lan tự chuyển giao chức
thủ tướng cho một luật sư của Công Ðoàn Ðoàn Kết sau khi cả bộ chính trị
hoàn toàn bế tắc trong cảnh kinh tế suy sụp. Cộng sản Ðông Ðức chịu
thua để bức tường Berlin bị phá sập sau khi dân chúng hàng loạt kéo nhau
vượt biên qua phía Tây; dân thành phố Leipzig từ nhà thờ đi ra diễn
hành trong im lặng liên tiếp; cảnh sát công an ở, Dresden từ chối không
bắn vào những đồng bào đi biểu tình. Cộng sản Tiệp Khắc phải nhượng bộ ý
nguyện của người dân, sau các cuộc biểu tình thủ đô. Hungary đã bắt đầu
thay đổi từ thời năm 1980, đợi đến năm 1989 chế độ sụp đổ một cách ôn
hòa. Cộng sản Rumania hoàn toàn nhắm mắt bịt tai, cưỡng lại đến cùng;
đưa tới cái chết thảm khốc của vợ chồng Nicolae Ceaucescu, nhà lãnh tụ
sau cùng. Tại Bulgaria, vừa nghe tin tường Berlin sập Bộ Chính Trị bèn
họp nhau cách chức Tổng Bí Thư Todor Zhivkov, cầm quyền suốt 35 năm, rồi
giải tán đảng, sửa hiến pháp, tổ chức bầu cử để vẫn được nắm chính
quyền. Cộng Sản Nga tự ý bắt đầu thay đổi từ thời Gorbachev để tự cứu
vãn, hy vọng nhờ thế đảng sẽ cai trị lâu dài hơn. Nhưng cuối cùng không
tự cứu nổi, vì đã hết thuốc chữa. Một yếu tố quyết định tình trạng sụp
đổ của các chế độ cộng sản trên là trình độ nhận thức của người dân
trong các nước đó được nung nấu đến mức chín mùi. Khi chế độ sụp đổ, mọi
người đều thở phào nhẹ nhõm, kể cả các đảng viên. Không một chi bộ đảng
nào đưa một ngón tay ra để cứu đảng.
Ðảng Cộng Sản Việt Nam sẽ tan rã như thế nào? Cần nêu lên câu hỏi
này, càng sớm càng tốt. Thứ nhất, vì điều đó chắc chắn xảy ra. Tình
trạng nội bộ của họ đang tan rữa, ung thối, không thấy cách cứu chữa.
Trong khi đó trình độ nhận thức của người dân Việt Nam đang dâng cao.
Một cô sinh viên ngoài 20 tuổi Nguyễn Phương Uyên, đứng trước tòa án
giữa đám công an chìm nổi vẫn thản nhiên nói: “Tôi chống đảng chứ không
chống nước Việt Nam”.
Thứ hai, cần nhìn thấy trước cảnh đảng Cộng Sản tan rã để người Việt
cùng nhau chuẩn bị sẵn sàng việc xây dựng chế độ dân chủ tự do sắp tới.
Phải chuẩn bị sớm, nếu không sẽ lúng túng trong thời gian chuyển tiếp,
càng kéo dài quá lâu càng tai hại cho tương lai dân tộc. Kinh nghiệm ở
Ðông Âu và tại các nước thuộc Liên Bang Xô Viết cũ cho thấy: Thay đổi
nhanh chóng thì trong 20 năm kinh tế phồn thịnh, xã hội ổn định xong
rồi; còn nếu để thời kỳ chuyển tiếp kéo dài thì 30 năm sau vẫn lúng
túng. Bây giờ, việc xóa bỏ chế độ cộng sản không phải là điều khó nữa,
vì trước sau chính họ sẽ tan rã. Nhưng công việc xây dựng lại nền tảng
mới cho đất nước sau đó sẽ khó gấp bội. Khó nhất là vì cả nền móng xã
hội đã bị phá hư nát từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Cho nên
người Việt Nam cần thảo luận với nhau ngay từ bây giờ những chuẩn bị
tương lai, khi đảng Cộng Sản vẫn chưa tan hàng.
Dù đảng Cộng Sản sẽ đến ngày tan rã, nhưng chắc sẽ tan hàng theo một
cách khác với các chế độ Ðông Âu hay Nga. Người Việt Nam sống trong một
nền văn hóa khác các nước Âu Châu mà lại giống với dân các nước ở Á
Ðông. Các nước Nam Hàn, Ðài Loan đã từng chuyển từ các chế độ độc tài
sang dân chủ sau những cuộc biểu tình của sinh viên và công nhân, nhiều
lần bị đàn áp đẫm máu nhưng cuối cùng vẫn thắng lợi. Nhưng Việt Nam cũng
khác với hai nước này; vì chính quyền nước họ không chịu nhục khi bị
ngoại bang khống chế, như ảnh hưởng của Trung Cộng đang đè nặng trên
nước ta. Gần đây nhiều người đã coi Miến Ðiện như một tấm gương mà Việt
Nam có thể noi theo. Nhưng nếp sống của người Miến Ðiện cũng ôn hòa hơn
người Việt, mà chế độ độc tài ở đó không tàn ác và gian dối tinh vi như
các chế độ cộng sản trên thế giới. Những lãnh tụ độc tài ở cả ba nước
Nam Hàn, Ðài Loan và Miến Ðiện đều được giáo dục và sống theo đạo lý cổ
truyền của dân tộc họ, không ai nhắm mắt theo một “tín ngưỡng” mới như
các lãnh tụ cộng sản ở Châu Âu hay Châu Á. Cho nên, khó tưởng tượng Cộng
sản nước ta sẽ tan theo “kịch bản” nào khi biến chuyển xảy ra, mà cũng
không nên phí thời giờ ngồi tưởng tượng.
Chính trong đảng Cộng sản hiện nay cũng nhiều người nói đến một cuộc
“thay máu” cho đảng, để tự cứu vãn. Nhưng một đảng đang nắm quyền với
những nhóm trong nội bộ đang hưởng đủ thứ lợi lộc nhờ khai thác quyền
hành thì rất khó thay máu. Nhiều đảng viên muốn thay đổi không được, đã
âm thầm ngưng hoạt động hoặc rút ra khỏi đảng. Một số người còn làm đơn
xin ra đảng, như vào năm 2009, nhà văn Phạm Ðình Trọng xin ra đảng, rồi
sau đó bị đảng tuyên án khai trừ để triệt hết các quyền lợi của đảng
viên mà ông đại tá này được hưởng. Năm nay ông Lê Hiếu Ðằng đã “tính sổ
đời mình” từ lúc gia nhập đảng Cộng sản cho tới những ngày nằm trong
bệnh viện có thời giờ suy nghĩ lại. Ngày 4 Tháng Mười Hai 2013 khi ông
Lê Hiếu Ðằng tuyên bố rời đảng, thành lập đảng mới. Lời tuyên bố công
khai bỏ đảng của Lê Hiếu Ðằng có thể tạo nên một làn sóng bỏ đảng trong
thời gian tới. Sau ông Ðằng tới lượt Bác Sĩ Nguyễn Ðắc Diên. Nhà báo
Phạm Chí Dũng đã nối gót hai người này. Phạm Chí Dũng đã từng đậu tiến
sĩ, từng là nhân viên ngành an ninh, đã công bố việc từ bỏ đảng của mình
để gây tiếng vang, và anh đã thành công. Khi đảng ủy Viện Nghiên Cứu
Phát Triển họp yêu cầu anh xét lại, Phạm Chí Dũng từ chối. Ðến khi họ bỏ
phiếu có 60% đảng viên dự phiên họp không đồng ý khai trừ, cho thấy họ
hiểu hành động của anh có lý do chính đáng; nhưng cuối cùng nhóm lãnh
đạo vẫn tuyên bố khai trừ.
Hiện tượng trên cho thấy đảng cộng sản thực sự đang tan rã, không
cách nào tránh được. Theo Phạm Chí Dũng, hiện nay trong ba triệu đảng
viên cộng sản có chừng 30% còn gắn bó với đảng vì các quyền lợi họ đang
hưởng nhờ nắm các chức vụ. Ngoài ra, một nửa là những người không dám bỏ
đảng nhưng chỉ xu thời, gió chiều nào xoay chiều đó. Nếu một biến cố
lớn xảy ra, họ sẽ tự tan hàng mà không nuối tiếc. Một số nhỏ đảng viên
cũng muốn đảng Cộng sản trả lại quyền tự do cho người dân, chấp nhận các
đảng chính trị khác, bỏ độc quyền cai quản đất nước. Nhưng họ có khả
năng làm cho đảng Cộng sản tự thay đổi để dân Việt Nam được sống trong
dân chủ tự do hay không?
Những người này có thể học kinh nghiệm của Mikhail Sergeyevich
Gorbachev, tổng bí thư sau cùng của Cộng Sản Liên Xô. Trong một cuộc
phỏng vấn bởi phóng viên Jonathan Steele, báo The Guardian, Anh Quốc hai
năm trước đây, Gorbachev nói điều ông hối hận nhất là vào những năm
1990, 91 ông vẫn cố gắng cải tổ cơ cấu chế độ, nấn ná quá lâu nhưng vô
ích. Ông nói, đáng lẽ phải nhất quyết từ chức vào Tháng Tư năm 1991, rồi
cùng một số người trong Trung Ương Ðảng thành lập một đảng chính trị
mới.
Vào Mùa Xuân năm đó, trong nội bộ đảng Cộng Sản Liên Xô cũng có hai
khuynh hướng, nhóm bảo thủ muốn ngưng ngay các chính sách đổi mới, nhóm
cấp tiến muốn bước vào đường dân chủ hóa. Trong một cuộc họp của Trung
Ương Ðảng, phe bảo thủ yêu cầu tuyên bố tình trạng khẩn cấp, chấm dứt
chính sách cởi mở, kiểm duyệt báo chí gắt gao hơn, Gorbachev đã phản ứng
lại rất mạnh, ông nói: “Tôi đã mỵ dân quá đủ rồi. Tôi sẽ từ chức.”
Trong cuộc phỏng vấn với báo The Guardian Gorbachev kể lại rằng, “Bộ
Chính Trị triệu tập một phiên họp trong 3 giờ đồng hồ mà không có tôi.
Ba giờ đồng hồ sau họ đến mời tôi trở lại và yêu cầu tôi rút lại quyết
định từ chức.” Sau đó Gorbachev bèn rút lại quyết định từ chức và cũng
không có ai muốn đưa vấn đề này ra biểu quyết. Bây giờ ông hối hận, đáng
lẽ ông phải cương quyết rút lui để thành lập một đảng mới, với chủ
trương tự do dân chủ. Vì trong thời gian đó đã có hàng trăm ủy viên
Trung Ương Ðảng đang bàn nhau, đồng ý tách ra lập một đảng mới rồi.
“Nhưng lúc đó tôi lại cảm thấy mình không có quyền ‘từ bỏ đảng,’” ông
thú nhận. “Bây giờ thì tôi nghĩ là đáng lẽ tôi phải lợi dụng ngay cơ hội
đó để thành lập một đảng mới và phải kiên quyết từ bỏ đảng Cộng sản
bằng được.”
Trong thời gian Gorbachev đang phân vân giữa hai con đường như trên,
đảng Cộng Sản Việt Nam cũng bỏ mất một cơ hội khi họ gạt bỏ các đề nghị
cải cách của Trần Xuân Bách, người rút ra bài học Ðông Âu sớm nhất. Họ
đã theo Nguyễn Văn Linh, quay đầu xin Trung Cộng che chở, để cùng tiếp
tục “tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội”. Hậu quả là mối nhục Thành Ðô sẽ ghi mãi
trong lịch sử.
Hiện nay trong đảng Cộng sản cũng không có người nào có tư thế và khả
năng như Gorbachev. Chỉ có những đảng viên như Lê Hiếu Ðằng mới can đảm
tuyên bố công khai từ bỏ đảng, và thành lập đảng mới. Khi số người can
đảm như Lê Hiếu Ðằng, Phạm Chí Dũng, Phạm Ðình Trọng, vân vân, đông đúc
hơn, họ sẽ không chỉ từ bỏ đảng một mình mà còn góp công xóa bỏ ách độc
tài đang đè lên đầu lên cổ đồng bào.
Tháng Bảy năm 2012, mục này đã kêu gọi các đảng viên cộng sản hãy tạo
một phong trào từ bỏ đảng. Khi rất nhiều đảng viên công khai bỏ đảng,
guồng máy trừng phạt và trả thù sẽ hết hiệu lực. Các đảng viên khác sẽ
hết sợ. Khi số đảng viên công khai bỏ đảng lên cao, đến lượt dân chúng
được giải phóng về tâm lý. Người dân bị xử oan ức không còn sợ nữa, giới
thanh niên, phụ nữ, trí thức, các người lãnh đạo tôn giáo, người lao
động sẽ cùng mạnh dạn đứng lên đòi các quyền tự do căn bản của mình. Một
phong trào phản kháng bất bạo động như thế chắc chắn sẽ làm cho guồng
máy cường quyền phải chịu thua.