Diên Vỹ chuyển ngữ
Viên sĩ quan thiết giáp Nga đã phát minh ra một trong những
loại vũ khí nổi tiếng nhất thế giới. Thay vì thế, ông ước mình thiết kế
một chiếc máy cắt cỏ còn hơn.
Mikhail Klashnikov, người chế tạo khẩu AK-47, đang viếng tham một
triển lãm về súng của ông tại một cơ xưởng quốc phòng tại thành phố
Izhevsk, Urals. (Reuters)
Mikhail Kalashnikov vừa qua đời ở tuổi 94 tại Izhevsk, tên tuổi ông
sẽ được mãi mãi gắn liền với một trong những vũ khí tiêu biểu và gây
tranh cãi nhất trên thế giới.
Khi loại súng trường tấn công AK-47 hay “Kalashnikov” lần đầu tiên
được đưa vào sản xuất sáu thập niên trước, rõ ràng là ông chẳng bao giờ
biết trước rằng không chỉ nó đã trở thành một thứ súng cá nhân tiêu
chuẩn cho quân đội Sô Viết mà còn trở thành một loại vũ khí được ưa chọn
của vô số chiến quân du kích, quân khủng bố, và thậm chí cả tội phạm
trên toàn cầu.
Kalashnikov sinh năm 1919 trong một gia đình nông dân nghèo gồm 19
người con tại vùng Altai phía nam nước Nga, chỉ hai năm sau cuộc Cách
mạng Vô sản. Thời trẻ ông từng mơ trở thành nhà thơ. Thật ra ông đã làm
thơ trong suốt cả đời mình và đã xuất bản sáu cuốn sách, nhưng chính
năng khiếu tự học về ngành thiết kế đã khiến ông nổi tiếng. “Không có
tôi, vẫn còn vô số những nhà thơ tồi,” ông nói với các phóng viên vào
năm 2009. “Tôi đã chọn một con đường khác.”
Con đường đời mà Kalashnikov cuối cùng đã lựa chọn bắt đầu khi ông bị
tuyển vào lực lượng Hồng Quân năm 1938. Ông trở thành một người lính
lái tăng và thợ máy, cho đến khi ông bị thương trong chiến đấu vào tháng
Mười năm 1941 trong Chiến tranh Thế giới II, ông đã leo lên chức chỉ
huy tổ thiết giáp. Trong khi đang hồi phục tại một bện viện, Kalashnikov
nghe thấy những người lính khác than phiền về tính thiếu tin cậy của
những khẩu súng trường Sô Viết. Kinh nghiệm bản thân đầy bực bội của
Kalashnikov vềi loại vũ khí tiêu chuẩn trên đã khiến ông bắt tay vào
thiết kế một loại súng bán tự động.
Mặc dù bản vẽ về kiểu súng mới đầu tiên mà ông đệ trình đã không
thuyết phục được cấp trên, tài năng thiết kế của ổng đã được lưu ý và
ông được phòng chỉ huy pháo binh chuyển sang bộ phận chế tạo súng cá
nhân vào năm 1942. Ông dùng những phát minh trong công việc để tham gia
vào một cuộc thi thiết kế súng trường vào năm 1946 và một năm sau thiết
kế thắng giải của ông đã trở thành khuôn mẫu cho loại súng "Avtomat
Kalashnikova 1947" (AK-47), và từ đấy đặt tên tuổi của nhà sáng chế vào
lịch sử.
Chỉ trong vòng hai năm, súng AK-47 đã được Quân đội Sô Viết sử dụng
và trở thành loại súng tiêu chuẩn do quân đội cấp phát vào năm 1956.
Tính bền vững, tin cậy và dễ sử dụng trong mọi điều kiện khiến nó trở
thành thứ vũ khiếu chủ yếu tại hầu hết các chiến trường trong giai đoạn
Chiến tranh Lạnh.
Vai trò to lớn của nó trong nhiều cuộc chiến tranh du kích do Liên Sô
hậu thuẫn như cuộc Chiến Việt Nam đã biến nó trở thành một biểu tượng
phản văn hoá mà ảnh hưởng của nó có lẽ chỉ đứng sau bức chân dung nhà
cách mạng Marxist Che Guevara do Alberto Korda chụp mà thôi. Thậm chí
khẩu súng AK-47 còn được đưa vào lá quốc kỳ của Mozambique để vinh danh
vai trò tối trọng của loại vũ khí này trong phong trào giải phóng của
quốc gia này.
Nhưng nếu độ tin cậy và hiệu quả của súng Kalashnikov là đặc điểm vũ
khí tối thượng, nó cũng trở thành một thứ vũ khí giết người rẻ tiền và
dễ tìm mà một số người cho rằng số người thiệt mạng vì nó còn cao hơn cả
số nạn nhân chết vì quả bom hạt nhân thả tại thành phố Nhật Hiroshima.
Hơn 60 năm sau khi nó được đưa vào sản xuất, dự đoán hiện nay có đến 100
triệu khẩu AK-47 đang lưu hành trên thế giới.
Từ các chiến trường, giờ đây nó đã hiện diện trên mọi nơi mọi lúc -
một thứ vũ khí được ưa chuộng bởi các tập đoàn tội phạm ma tuý Mễ và các
nhóm Hồi giáo cực đoan. “Tại một số nơi, giá một khẩu AK-47 chỉ có 15
Mỹ kim, hoặc thậm chỉ chỉ với một bao gạo,” cựu Tổng Thư ký Liên Hiệp
Quốc Kofi Annan nói vào năm 2001. “Chúng rất dễ vận hành và không cần
huấn luyện nhiều, ngay cả một đứa trẻ cũng có thể sử dụng được. Chúng
rất dễ che đậy và vận chuyển. Vì chúng không cần bảo trì nhiều, chúng có
thể được dùng trong nhiều thập niên.”
Đấy là một huyền thoại khiến Kalashnikov cảm thấy khó chịu.
“Khi tôi thấy Bin Laden mang khẩu AK-47, tôi thấy bất an,” ông nói
với Reuters vào năm 2002. “Nhưng tôi có thể làm được gì đây, quân khủng
bố không phải là những kẻ dại dột: họ cũng biết chọn loại súng đáng tin
cậy nhất.”
Ông thấy mình vô tội đối với việc vũ khí của ông thường nằm trong tay
những kẻ xấu. “Tôi phát minh một thứ vũ khí được dùng để bảo vệ binê
giới Tổ Quốc. Tôi không có lỗi khi súng của tôi được sử dụng không đúng
chỗ,” ông nói.
Kalashnikov cũng nói rằng ông “thà phát minh ra một loại máy mọi
người có thể sử dụng và giúp nông dân làm việc, như máy cắt cỏ chẳng
hạn.”
Tuy nhiên, Kalashnikov thường phản ứng một cách khó chịu khi được hỏi về số người bị giết bởi thứ vũ khí do ông chế tạo.
“Đôi khi người ta hỏi ‘Sao ông ngủ ngon được khi biết rằng có quá
nhiều người đã chết vì vũ khí của ông?’ Không nên đổ tội cho người thiết
kế, mà lỗi chính là từ những chính trị gia, những người không thể thoả
thuận sử dụng những biện pháp ôn hoà để không phải dùng đến vũ khí.”