Nhật Lệ
Chỉ trong thời gian rất ngắn mới đây, 4 bị cáo có liên quan đến
hành vi tham nhũng đã bị tuyên với mức án cao nhất: tử hình. Dư luận hỷ
hả, coi đó như cú đấm vào mặt bọn giặc tham nhũng lãng phí; báo, đài (kể
cả báo đài chân chính - đi cùng nhân dân, phản ánh hiện thực có phê
phán mọi mặt đời sống xã hội, nói lên tiếng nói gan ruột của nhân dân
trăn trở, bức xúc trước những hiện tượng suy đồi... và báo đài công cụ -
dùng để tuyên truyền vì mục đích nào đó) nhất loạt đưa tin cả hình, lẫn
tiếng... Nhiều người bày tỏ đồng tình với mức án tử hình những kẻ đang
ngày đêm làm mục ruỗng cơ đồ của dân tộc Việt, vốn được xây đắp trên
biết bao mồ hôi, nước mắt và xương máu của nhân dân.
Án tử dành cho tội phạm tham nhũng, lãng phí đã phần nào làm dịu cơn
khát của công luận về một thái độ nghiêm khắc cần phải có trong công
cuộc phòng chống quốc nạn này. Các quan toà đã góp phần gióng lên tiếng
chuông cảnh tỉnh những ai còn còn mê mãi với tham sân si, đắm chìm trong
tiền tài danh lợi bằng mọi giá...
Dường như, các quan toà được tiếp thêm sức mạnh, bản lĩnh... đến độ
áp lực, khi trước phiên xét xử Dương Chí Dũng và đồng bọn tại Vinalines,
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tự tin thông báo với cử tri: Bà
con cứ chờ xem... Còn Ông Phạm Anh Tuấn, phó trưởng ban Nội chính Trung
ương thì: "Nếu như trước đây, mức án tham nhũng thường bị cho là nhẹ,
thậm chí cho hưởng án "treo" nhiều vì căn cứ vào người phạm tội có nhân
thân tốt, phạm tội lần đầu... Tuy nhiên, với loại tội phạm này, trong
tình hình hiện nay, một mặt phải dáp ứng yêu cầu pháp lý, nhưng cũng
phải đáp ứng yêu cầu chính trị, đòi hỏi của xã hội, vì vậy phải xử đủ
nghiêm để răn đe". Nếu đúng như vậy thì rất đáng lo ngại, bởi không
khéo, chúng ta lại chuyển từ trạng thái hữu khuynh sang tả khuynh trong
phòng chống tham nhũng, lãng phí một cách vô thức.
Xưa nay, đâu cũng vậy, quan toà chỉ phục tùng duy nhất và tuyệt đối
thần Công lý. Đúng như nhà báo Kỳ Duyên đã viết (trên Quê Choa, NL.),
chỉ cần thiếu một trong ba thứ Bất vị: Bất vị thân, Bất vị quyền và Bất
vị tiền thì Công lý trở nên mù loà. Nói đúng hơn, công lý đã bị các quan
toà làm cho mù loà. Toà là toà, toà không được chạy theo dư luận, càng
không phải làm nhiệm vụ chính trị gì cả. Nếu luật chưa đủ nghiêm hoặc
thiếu thì trước tiên cần kịp thời sửa đổi, bổ sung cho đến khi có hiệu
lực mới được căn cứ vào đó mà lượng hình. Nếu không như vậy thì há chẳng
phải Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và 2 bị cáo Vũ Quốc Hảo và Đặng Văn
Hai trong vụ án ALC II, Ngân hàng NN&PTNT là "bị lộ" không đúng lúc
ư; há chẳng phải là Vinashine với mức độ thiệt hại lớn hơn cả trăm lần
"được lộ" đúng thời điểm ư; và há chẳng phải hàng trăm, hàng ngàn vụ
tham ô, cố ý làm trái trên 500 triệu, lâu nay được hưởng án treo hoặc
dưới khung hình phạt cần phải giám đốc thẩm theo hướng tăng hình phạt...
Thế thì, các quan toà sẽ rất bận!
Người viết căm dận tội phạm tham nhũng lãng phí và người viết cũng
căm dận quan toà xét xử chỉ phục vụ mục đích chính trị, nhằm xoa dịu cơn
cuồng nộ của dân chúng mà thoát ly hoặc coi cán cân công lý là thứ yếu.
Lịch sử dân tộc này đã trải qua những chương bi thương, những cuộc đấu
tố, dựa vào nhận thức chủ quan của người lãnh đạo mà hậu quả của nó mãi
mãi là ám ảnh kinh hoàng đối với những ai có lương tri.
Trở lại với án tử hình và biện chứng của chống tham nhũng. Trên quan
điểm khách quan, toàn diện và biện chứng, người viết cố gắng tỉnh táo,
sáng suốt để xem xét tham nhũng và cách thức phòng chống thì ngộ ra điều
ai cũng biết là muốn phòng chống tham nhũng hiệu quả thì phải làm cho
mọi người không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham
nhũng. Động lực của tham nhũng là tiền tài danh lợi nhưng với Việt Nam
thì động lực của bọn tham nhũng được đẩy đến mức cao siêu hơn, bất chấp
tất cả nhằm hy sinh đời bố củng cố đời con, cháu, chút, chít... Đây là
đặc trưng của tham nhũng Việt, khẳng định: Tham nhũng có mặt ở hầu khắp
mọi nơi nhưng không ở đâu nó ngang nhiên, hoành hoành thách thức cả hệ
thống chính trị như ở nước ta.
Chỉ giản đơn như vậy nhưng để viết ra, nói ra một cách tường tận e
rằng thời lượng phải rất nhiều. Tỷ như, điều kiện cần và đủ để không
muốn tham nhũng là đời sống thu nhập phải thế này và do đó công việc
phải thế này, CCCCC (con cháu các cụ cả) phải thế này, số lượng cắp ô
đi, cắp ô về phải thế này, hiệu quả của nền sản xuất xã hội (tức là việc
phân bổ sử dụng nguồn lực, Năng suất lao động, mức tiêu hao vật chất
trên một đơn vị sản phẩm, phân phối giá trị thặng dư và vật phẩm tiêu
dùng...) phải thế này...; rồi khi cuối năm, cuối tháng, bất cứ đồng bạc
nào có trong tài khoản của mình (của gia đình mình, thậm chí cả họ hàng,
người quen của mình) mà không rõ nguồn gốc thì đều bị tước đoạt và buộc
phải giải trình...
Còn không thể và không giám tham nhũng thì đòi hỏi cơ chế quản lý
công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình của các đối tượng có khả
năng tham nhũng tiềm tàng. Chặn tay từ xa những ai vẫn còn quen thói cha
chung không ai khóc, bốc tài sản nhà nước như thò tay vào túi quần
mình. Muốn như vậy thì thiết chế tổ chức và quản lý xã hội phải dân chủ
công khai và minh bạch nhằm giám sát quyền lực một cách hiệu quả, giám
sát tự thân chứ không phải lúc nào cũng hô hào tăng cường, nâng cao,
quyết liệt... mà cuối cùng thì vẫn vườn không nhà trống. Người dân và
công luận được công khai bày tỏ quan điểm để phản biện các chính sách
"trên trời", không hợp lý, thậm chí phản khoa học góp phần phòng ngừa
tham nhũng. Đồng thời, chân thành lắng nghe nhân dân và công luận tố cáo
để phát hiện tham nhũng. Trên cơ sở đó xử lý kịp thời, đúng pháp luật
mọi hành vi tham nhũng. Bảo vệ người tố cáo... Chống tham nhũng mà lực
lượng nòng cốt (thanh tra, kiểm toán, công an...) không phát hiện được
tham nhũng thì chống ai? Phòng ngừa tham nhũng mà vẫn để những ông Quan
làm chính sách quản lý đến nỗi, khi mất hàng đống tiền nhà nước rồi mà
ông cứ ngơ ngác và nói không có ý kiến gì về số tài sản bị mất thì phòng
ngừa được ai? Mai này liệu tình huống ngơ ngác đến thảm hại của ông Chủ
có còn lặp lại? Cách trám trít, loại trừ những lỗ hổng chết người này
thực ra ai cũng biết. Chuyện là chúng ta có muốn hay không mà thôi.
Biện chứng của phòng chống tham nhũng, dù chưa đầy đủ nhưng cơ bản là
như vậy. Nếu chúng ta xoa dịu đám đông, bằng cách tuyên thật nhiều án
tử, chất chứa trong đó cả yếu tố chính trị thì thật ra chúng ta mới chỉ
tác động đến phần ngọn, là uống thuốc độc để giải khát và là điều trị
triệu chứng chứ tuyệt nhiên không phải chặn từ gốc. Thế há chẳng phải
lợi bất cập hại? Phòng chống tham nhũng đương nhiên phải trừng phạt
nghiêm khắc tội phạm tham nhũng. Song hành với nó, còn mục tiêu quan
trọng hơn, theo người viết, là phải lấy lại tiền cho nhân dân, không để
bọn tham nhũng hy sinh đời bố củng cố đời con, rồi khi con chúng lớn lên
lại quay lại vòng tuần hoàn này. Tử hình ai đó mà không thu được đồng
nào trong khi nếu tuyên mức án nghiêm khắc khác mà có thể thu lại gấp
hai, gấp ba lần số tiền chúng tham nhũng, trả về cho nhân dân, thật là
vấn đề đáng cân nhắc.
Sẽ đáng cân nhắc hơn, nếu xét trong biện chứng của phòng chống tham
nhũng nói trên thì mới hay, suy đến cùng những tội phạm như Dương Chí
Dũng thực ra vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân. Thế thì phải tìm ra thủ
phạm đích thực chứ. Về logic, rất khó quy kết ai đó tham ô tiền nhà nước
mà đại diện nhà nước (nguyên đơn dân sự) lại không có ý kiến gì về số
tiền đã mất. Đại diện Nhà nước như vậy liệu có vô can? Nếu khẳng định
Đại diện nhà nước theo kiểu này mà vô can thì tiền mất là tiền của ai và
ai mới đích thực là nguyên nhân của sự mất mát đó. Truy xét như vậy mới
mong thấy được gốc rễ của vấn đề, mới mong phòng chống tham nhũng có
hiệu quả.
Không cần lấy lòng dân qua các áp lực chính trị phi lý. Hãy để các
quan toà làm việc của mình. Bằng không, sẽ dẫn đến thực trạng khôi hài,
dở khóc, dở cười; đi không được mà ở lại cũng không xong trong tương lai
mà thôi. Muộn còn hơn không, hãy nhìn thẳng căn nguyên từ tồn tại xã
hội mà chúng ta đang có để có tư duy và hành động đúng đắn.