Trọng Thiện
Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa truyền thống của Trung
Quốc, đặc biệt giới trí thức tinh hoa. Văn hóa Nho giáo coi lễ là cách
quản lý gia đình và xã hội, nên sự phục tùng được đặt lên hàng đầu.
Trong gia đình, con trái ý cha mẹ là con bất hiếu. Ở cấp quốc gia, quân
trái ý vua là bất trung. Những hành vi này trở thành nền tảng giá trị
đạo đức trong xã hội cũng như triết lý trong cai trị của nhà nước phong
kiến. Trong quá khứ, khi xã hội khá đồng nhất thì lễ đã rất thành công
trong sắp đặt xã hội và duy trì vai trò quản lý của nhà nước.
Ảnh: khi chiếm vị trí độc tôn cũng là lúc Nho giáo tự chôn mình (nguồn: internet)
Suốt một thế kỷ qua, Việt Nam đã trải qua những biến động lịch sử,
văn hóa và chính trị to lớn. Các tư tưởng triết học phương Tây nhanh
chóng thâm nhập vào Việt Nam trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ nước ta.
Cùng với sự tan rã của triều đình phong kiến, các giá trị truyền thống
như lễ đã bị vỡ vụn. Chúng ta có thể học được rất nhiều điều từ sự đổ vỡ
của Nho giáo. Theo nhà văn hóa, nhà sử học Trần Trọng Kim, một tư tưởng
đã thống trị Việt Nam hơn 2000 năm mà bị đạp đổ nhanh chóng là do nhiều
nguyên nhân nội sinh, cũng như ngoại sinh dưới đây.
Thứ nhất, Việt Nam ta xưa tôn sùng Nho giáo, cho là chính đạo độc
tôn. Luân lý, phong tục, chính trị, bất cứ việc gì cũng lấy Nho giáo làm
cốt. Tuy nhiên, các học thuyết về tôn giáo hay chính trị cũng tuân theo
cái lẽ huyền bí của trời đất. Khi chiếm vị trí độc tôn, không ai dám
phê bình đến, không dám sửa đổi nữa, lâu ngày thành cái vỏ cứng, rồi cứ
khô dần đi. Khi đó, Nho giáo không có cái sinh khí sinh hoạt hàng ngày
làm cho ngày càng mới thêm, càng tươi tốt thêm, thì tất là cái tinh thần
mất mòn đi, sau chỉ còn cái xác không mà thôi.
Thứ hai, bỏ qua việc tiếp thu đôi khi hời hợt, thấy cái vỏ chứ không
thấy cái hồn, nhiều trí thức người Việt cứ quen tiếp thu thụ động, theo
cái khuôn nhất định của tiền nhân để lại. Việc phải trái hay dở thế nào,
cũng chỉ ở trong cái khuôn đó, chứ không chệch ra ngoài được. Mặc trời
đất vận động, xã hội biến đổi, họ vẫn thuận theo lễ, nể sợ bề trên nên
sự phê bình phản biện càng ngày càng hẹp lại, thậm chí không dám cất
tiếng, chỉ phù họa với ý của bề trên.
Thứ ba, do coi Nho giáo là tư tưởng độc tôn nên không biết có cái tư
tưởng gì khác nữa mà so sánh cái hơn, cái kém. Trí thức chỉ sáng tác văn
chương, học thuộc chữ nghĩa trong cái lồng Nho giáo và nghĩ rằng mình
đã thấu hiểu và thuận theo thiên lý. Vì không tìm hiểu rộng ra ngoài Nho
giáo, nên đất nước rất kém về khoa học kỹ thuật cũng như nền kỹ trị xã
hội. Đến khi thời thế biến đổi, bỗng chốc tư tưởng phương Tây tràn vào,
mà nhất là cái thế lực ấy lại mạnh hơn và năng động hơn, thì làm thế nào
mà đứng được? Người trong nước lúc đó như đang ngủ mê, thức dậy, ngơ
ngác không biết xoay xở thế nào. Lúc đầu tìm cách kháng cự lại, sau thấy
càng cựa bao nhiêu lại càng bị đè bẹp bấy nhiêu, thế bất đắc dĩ mới
đành chịu bẹp.
Từ bài học lịch sử chúng ta phải thấy việc tôn sùng bất cứ một điều
duy nhất nào đó sẽ dẫn đến xơ cứng, suy kiệt và thụt lùi. Nó ngăn cản xã
hội sáng tạo trong tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho vấn đề của mình.
Điều này cũng được chia sẻ bởi Albert Einstein khi ông nói “vấn đề không
thể được giải quyết bằng lối suy nghĩ cũ, lối suy nghĩ đã tạo ra chính
vấn đề đó.”