Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Vai trò các Đảng Chính trị trong nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (P.1)

Diên Vỹ chuyển ngữ
Trích dịch từ cuốn Việt Nam: Nhà nước, Chiến tranh và Cách mạng (1945-1946) của David G. Marr, NXB: University of California Press, 2013.
Chương 7: Đối phó với Thành phần Đối lập trong nước
...
Vai trò các Đảng Chính trị trong nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà
Ba ngày sau lễ tuyên ngôn độc lập 2 tháng Chín 1945, chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH) đã ra sắc lệnh giải tán hai đảng chính trị trên cơ sở âm mưu phá hoại nền độc lập quốc gia. Đại Việt Quốc Gia Xã Hội Đảng bị cáo giác là tư thông với ngoại quốc nhằm phá hoại nền độc lập quốc gia và Đại Việt Quốc Dân Đảng bị cho là có âm mưu phá hoại kinh tế và độc lập nước nhà. Những thành viên nào trong hai đảng vẫn còn tiếp tục hoạt động sẽ bị “Toà án chiểu luật nghiêm trị”. Một tuần lễ sau, hai tổ chức thanh niên mới thành lập ở miền bắc cũng bị đối xử tương tự. Báo chí nhanh chóng nhận diện bốn tổ chức này là “thân Nhật” mặc dù chẳng ai giải thích tại sao họ lại bị đối xử khác so với nhiều hội nhóm đã cộng tác với người Nhật trong những tháng trước. Hơn nữa Nhật không còn là mối đe doạ đến nền độc lập của Việt Nam, tại sao lại chú tâm vào một kẻ thù đã hết thời? Dù câu trả lời là gì đi nữa (chúng ta sẽ bàn sau), giới lãnh đạo VNDCCH muốn gửi một thông điệp rộng hơn: họ muốn xác định xem tổ chức trong nước nào đang là mối đe doạ đến an ninh quốc gia và vì thế cần phải chế ngự.

Lịch sử Việt Nam giai đoạn 1925-45 thường miêu tả các đảng phái cộng sản và phi cộng sản như những kẻ thù truyền kiếp của nhau. Đa phần quan điểm này là kết quả của việc đem những hành động căm thù, phản bội, giết chóc của giai đoạn 1945-54 vào để giải thích tình hình của giai đoạn trước đấy khi các nhà hoạt động chính trị theo đuổi những ý thức hệ khác nhau nhưng lại có cùng trình độ học vấn, thường xuyên làm việc với nhau và đôi khi còn có quan hệ máu mủ hoặc hôn nhân với nhau. Các tổ chức với những chủ trương khác nhau vẫn chia sẻ thông tin (có chọn lọc), cùng ký chung các bản tuyên bố cũng như thành lập hoặc huỷ bỏ các liên minh chiến lược một cách hoà bình. Tại miền nam Trung Quốc giai đoạn 1924-27 người Việt từ những tổ chức phản đế khác nhau đã tương tác lẫn nhau cùng với người Trung Quốc, Triều Tiên và những người thuộc quốc tịch khác. Trong những năm 1930 một số các tổ chức thiên tả và trung lập tại Đông Dương đã cùng nhau thúc đẩy những thay đổi căn bản trong hệ thống thuộc địa. Sự kiện nổi bật nhất là liên minh chính trị trong giai đoạn 1933-37 tại Nam Kỳ giữa các thành viên của Đệ Tam Quốc Tế (“Stalinist”) và Đệ Tứ Quốc Tế (“Trotskyist”). Trong giai đoạn 1941-44 ở miền Nam Trung Quốc, Đông Dương Cộng sản Đảng, Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội đều tham gia vào cùng một mặt trận chống Nhật, đôi khi họ tố giác ai đấy với chính quyền bảo trợ Trung Quốc nhưng không hề có việc bắt cóc hoặc thủ tiêu nhau. Chính việc tranh giành kết nạp thành viên, đóng góp ủng hộ và sự bảo trợ của Trung Quốc đã gia tăng căng thẳng giữa các nhóm lưu vong hơn là sự khác biệt về ý thức hệ.
Đảo chính của Nhật ngày 9 tháng Ba 1945 khiến mọi đảng phái người Việt thuộc mọi thành phần chính trị phải thẩm định lại thái độ và tương lai của mình. Những tổ chức từng có quan hệ đặc biệt với người Pháp đã ngưng hoạt động, và những người cầm đầu cố gắng hết sức để ẩn mình. Những ai từng làm việc với Nhật hoặc giúp người Nhật tránh bố ráp của Pháp đã công khai xuất hiện, lập đảng, mở báo, hội họp và thăm dò giới hạn đặc ân của người Nhật. Những tổ chức ủng hộ phe Đồng minh tìm cách chuẩn bị cho khả năng người Mỹ đổ bộ vào Đông Dương hoặc Trung Quốc tấn công từ phía Bắc trong khi lên án các tổ chức đang hợp tác với Nhật. Tất cả các tổ chức chống thực dân đều đã lợi dụng tình trạng tương đối hỗn loạn tại Sở Liêm phóng Đông Dương vì các nhân viên Pháp đều bị quản chế. Như đã đề cập ở trên, dù mức độ bạo lực chính trị đã tăng lên vào tháng Bảy, nhưng những người lãnh đạo chính trị và trí thức tên tuổi thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau vẫn tiếp tục gặp gỡ, trao đổi tin đồn và bàn về việc thành lập những liên minh yêu nước. Phần còn lại của chương này sẽ được viết theo lối gần như là biên niên ký, phân tích về các nhóm đối lập theo thứ tự họ bị chính phủ VNDCCH và ĐCS Đông Dương đàn áp. Đến tháng Tám 1946, ngoại trừ Nhà thờ Công giáo, phe đối lập đã bị đập tan, vô hiệu hoá hoặc buộc phải lưu vong.
Các Đảng Đại Việt: Đàn áp Ngay Lập tức
Tháng Năm 1945, các thành viên của một số đảng Đại Việt có quan hệ với Nhật sang Trung Quốc để gặp các lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sự kiện này dẫn đến việc thành lập Đại Việt Quốc Dân Đảng, một liên minh chuyên chú trọng vào việc điều phối các hoạt động trong và ngoài nước trong trường hợp Trung Quốc chiếm Đông Dương. Việc này hoá ra là một lựa chọn đầy thảm hoạ về mặt chiến lược của Quốc Dân Đảng, không phải vì nó buộc phải thoả hiệp tổ chức mình theo quan điểm của Quốc Dân Đảng Trung Quốc đỡ đầu mà vì thoả thuận này khiến các lãnh đạo Việt Nam Quốc dân Đảng phải chấp nhận tình trạng nương tựa vào khả năng của Đại Việt trong nước thay vì dùng người của họ để thâm nhập như ĐCS Đông Dương đã làm từ lâu. Khi Nhật bất ngờ đầu hàng vào giữa tháng Tám, các nhóm vũ trang của Đại Việt tại Hà Nội, Hải Phòng và Hải Dương đã phải tự tay hành động mà không được trợ giúp từ các đơn vị vũ trang Quốc Dân Đảng dọc theo biên giới Quảng Tây và Vân Nam, các đơn vị này phải đợi phép Trung Quốc để tiến vào Đông Dương.
Trương Tử Anh, lãnh tụ có khả năng nhất của Đại Việt đã đưa một đơn vị gồm 250 người vào Hà Nội tối 17 tháng Tám, lúc ấy một số quan chức trung thành với chính phủ đang tìm cách động viên các đơn vị Dân vệ và Công an nhằm ngăn cản lực lượng Việt Minh đang tìm cách chiếm chính quyền. Tuy nhiên, sáng 19 tháng Tám các phần tử này đã không chống cự lại khi đám đông do Việt Minh dẫn đầu tràn vào các công sở chính phủ. Vào tối đó tại Hà Nội, một phiên họp khẩn cấp giữa Đại Việt và các đảng viên Quốc Dân Đảng địa phương đã không đồng ý về một kế hoạch phản công cuộc đảo chính ngay lập tức. Với các lực lượng tiếp ứng từ các tỉnh vẫn bị kẹt vì lũ sông Hồng, đề xuất này nhanh chóng bị bỏ qua, và các đơn vị Đại Việt phải rút quân về phía đông và tây Hà Nội để đợi lệnh. Chính trong bối cảnh này chính phủ lâm thời VNDCCH đã đặt Đại Việt Quốc Dân Đảng ra ngoài vòng pháp luật vào ngày 5 tháng Chín vì biết rằng đơn vị quân đội đầu tiên của họ sẽ đến Hà Nội vào ngày 9 tháng Chín. ĐCS Đông Dương cũng hiểu rõ rằng các quan chức Pháp đang mô tả Việt Minh như là một sản phẩm của Nhật, vì thế rất có lợi khi tiếp tục vạch trần và trừng phạt những ai được cho là tay sai của Nhật như là một biện pháp củng cố uy tín với phe Đồng minh.
Từ tháng Chín đến tháng Mười 1945, các tổ chức của VNDCCH hoặc Việt Minh có thể đã giết hoặc bắt giữ vài trăm đảng viên Đại Việt. Ngày 1 tháng Chín, một đơn vị vũ trang Việt Minh đã tấn công một nhóm Đại Việt Duy Tân tại Ninh Bình, giết chết tám người, bắt giữ mười một người và tịch thu ba khẩu súng. Trong những tuần lễ kế tiếp, những ai bị tình nghi là Đại Việt đã bị bắt giữ tại Ninh Bình, bị điều tra cặn kẽ và báo cáo là đã trả tự do cho tất cả vào cuối tháng Mười. Tỉnh uỷ Tuyên Quang báo cáo là có vài nhóm Đại Việt đang hoạt động vào đầu tháng Chín, nhưng sự hiện hữu của họ không là bao so với việc phải đối phó với những khó khăn khi quân đội Trung Quốc tràn vào tỉnh này. Tỉnh Thái Bình báo cáo có một tổ chức Đại Việt Quốc Gia từng gây khó khăn cho phe Việt Minh trước ngày 19 tháng Tám hiện đang bị tan rã. Tuy nhiên các thành viên Đại Việt cùng nằm trong số những người được cho là phản quốc bị bắt giữ tại địa phương, và trong vài trường hợp đã bị giết chết mà không được lệnh. Tại Phú Thọ, hai mươi bốn đảng viên Đại Việt bị bắt, trong đó chỉ còn bốn người bị giam vào cuối tháng Mười. Trong khi đó, tổ chức Đại Việt địa phương được báo cáo là đã giải tán. Ở Hưng Yên, Nguyễn Thị Trang Nghiêm bị bắt vào ngày 1 tháng Mười hai vì tội rải truyền đơn phản động tại một tiệm ăn, và đã bị trục xuất vài ngày sau đó. Cha và em bà cũng là thành viên của Liên minh Đại Việt Quốc Gia.
Trương Tử Anh vẫn tìm cách thiết lập được một mạng lưới Đại Việt bí mật dù bị công an truy lùng, đồng thời ông liên tục cảnh báo giới lãnh đạo Quốc Dân Đảng không nên thương lượng bất kỳ giải pháp chia sẻ quyền lực nào với ĐCS Đông Dương. Trong suốt năm 1946 công an tiếp tục truy lùng các thành viên Đại Việt. Ví dụ như ngày 8 tháng Ba, chồng bà Bùi Thị Dịu đã bị dân quân dẫn đi mà không một lời giải thích, những yêu cầu lên cấp huyện cùng như thư kiến nghị của bà gửi lên Hà Nội đều bị tảng lờ. Vào tháng Năm, chồng bà Dịu bị truy tố là cán bộ đang hoạt động của Đại Việt Duy tân và vụ án của ông được chuyển về Toà án Quân sự tại Hà Nội. Ngay cả những ai bị tình nghi là có liên hệ đến Đại Việt và được trả tự do vẫn bị liên tục nghi ngờ, đày đoạ và có thể bị bắt lại. Trong khi ấy, vài nhân viên của chính quyền thuộc địa cũ từng bị người Pháp cách chức vì là thành viên của Đại Việt Dân Chính xin làm việc lại trong chính quyền VNDCCH lại được chấp thuận. Nguyễn Huy Thành, từng bị đuổi việc vào năm 1942 vì đã tìm cách tuyên truyền đồng nghiệp tại Toà Công sứ Phúc Yên, đã được nhận vào làm việc cho chínhy quyền vào tháng Chín 1946.
Đa phần vì tài tuyên truyền khéo léo của Việt Minh, khái niệm “Đại Việt” trở thành biểu tượng của việc mù quáng hợp tác với quân chiếm đóng Nhật, ngược lại với những chiến sĩ Việt Minh đã giải phóng đất nước khỏi bọn đế quốc phát xít “lùn”. Tuy nhiên trước ngày 9 tháng Ba 1945 chỉ có vài người Việt có quan hệ mật thiết với quân Nhật chính là người Pháp mới làm phía Việt Minh vất vả. Sau ngày 9 tháng Ba, người Việt trong khắp các hệ phái chính trị - bao gồm cả những người theo Việt Minh - đã có liên hệ phi bạo lực với quân đội cũng như nhân viên dân sự Nhật. Tuyên bố của Việt Minh về việc chống Nhật đa phần được thổi phồng từ vài trận phục kích ở miền núi phía bắc. Việc đưa ra hình ảnh kẻ phản bội hèn hạ trong nước có tên Đại Việt giúp phóng đại huyền thoại Quân đội Giải phóng chiến đấu chống lại Quân đội Nhật Hoàng.
Trotskyist: “Phe Tả Đối lập” của ĐCS Đông Dương
Không bao lâu sau khi các đảng Đại Việt bị giải tán, những người Trotskyist cũng bị lên án là kẻ thù của VNDCCH. Những thành viên Đệ Tam Quốc Tế (ĐCS Đông Dương) và Đệ Tứ Quốc Tế từ lâu đã tố cáo nhau là chuyên phục vụ quyền lợi của đế quốc. Đấu đá này đa phần chỉ nằm trong hình thức báo chí, truyền đơn và diễn thuyết cho đến tháng Tám 1945, ở Sài Gòn tình trạng này nhanh chóng phát triển thành việc công khai đối đầu vì quyền lực, về cách đối phó với phe Đồng minh và về việc liệu có nên khuyến khích cuộc đấu tranh giai cấp hay không. Các cuộc họp nhằm thành lập mặt trận thống nhất cách mạng miền nam Việt Nam biến thành những trận chửi mắng, tiếp theo là việc tố cáo nhau trên báo chí làm tình hình càng xấu hơn và khiến việc thoả hiệp khó thành công. Nhóm “Đấu Tranh” (La Lutte) thuộc Đệ Tứ Quốc Tế và Liên Minh Quốc Tế Cộng Sản lên án Việt Minh vì đã tin tưởng vào các cường quốc Đồng minh, những nước rõ ràng là đế quốc, vì thế chúng sẽ tìm cách phá vỡ một Việt Nam độc lập hơn là thừa nhận sự hiện hữu của nó. Cả hai nhóm Trotskyist này đều chỉ ra rằng chiến thuật hiển nhiên là vũ trang cho quần chúng và tấn công toán quân Anh và Pháp đầu tiên đến miền nam hơn là tìm cách thương lượng một vài thoả hiệp nào đấy trong khi kẻ địch đổ quân vào ngày một nhiều. Khi Trần Văn Giàu, lãnh đạo ĐCS Đông Dương và chủ tịch Uỷ ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ gặp gỡ một đại diện người Pháp, những người Trotskyist đã lên án ông phản bội cách mạng, ông trả đũa bằng cách tố cáo họ là những kẻ khiêu khích. Dù vậy, khi chiếc máy bay đầu tiên chở quân Anh hạ cánh tại phi trường Tân Sơn Nhất vào ngày 6 tháng Chín, Lâm uỷ Nam Bộ đã cử bốn thành viên của nhóm Đấu Tranh vào phái đoàn tiếp đón - và họ đã nhận lời. Ba ngày sau Giàu nhường chức cho một luật sư không đảng phái là Phạm Văn Bạch, và một số thành viên Trotskyist đã được mời vào Uỷ ban Miền Nam được mở rộng.
Nhưng vào ngày 7-8 tháng Chín tại châu thổ sông Mê Kông, một số thành viên Trotskyist lại tham gia với những môn đệ của vị lãnh đạo giáo phái Hoà Hảo đầy lôi cuốn là Huỳnh Phú Sổ trong một trận tấn công đẫm máu vào phe Việt Minh tại Cần Thơ. Dương Bạch Mai (thuộc ĐCS Đông Dương), người đứng đầu bộ phận an ninh của Lâm uỷ Nam Bộ, bắt đầu tống giam những người Trotskyist vào nhà tù Khám Lớn nổi tiếng tại Sài Gòn, nơi quân Anh tìm thấy họ vào tối 22 tháng Chín và giao họ cho quân Pháp. Những cuộc tấn công của liên quân Anh-Pháp đêm ấy khiến Trần Văn Giàu đưa ra lời kêu gọi tổng kháng chiến vũ trang chống lại đế quốc và tay sai, lời lẽ rất giống như của những người Trotskyist vào tháng trước. Những người Trotskyist đã chiến đấu cùng với các nhóm quân khác và đã khước từ lời đề nghị ngừng bắn của quân Anh từ 3 đến 9 tháng Mười (xem chương 4). Trong cuộc tổng rút quân khỏi Sài Gòn vào giữa tháng Mười, các tiểu đội thuộc ĐCS Đông Dương đã ráo riết lùng sục và bắt giữ những người phái Trotskyist và sau đó giết chết ít nhất là hai mươi người cầm đầu. Phan Văn Hùm, một trong những nhân vật chính trị khả kính nhất tại miền nam từ những năm 1930 đã bị xử bắn trên một chuyến tàu ở phía bắc Phan Thiết, xác của ông bị quẳng xuống sông. Những người Trotskyist khác ẩn náu trong lực lượng vũ trang Hoà Hảo và các tổ chức quốc gia phi tôn giáo khác trong vùng châu thổ sông Mê Kông. Quyết định xóa sổ toàn bộ một nhóm Marxist chống thực dân tại miền nam đã tạo cơn sốc đối với người Việt đang cảnh giác về chính trị trong cả nước và vẫn còn bị lên án cho đến ngày nay.
Ở miền bắc, những người trong Đệ Tứ Quốc Tế không gây ảnh hưởng được như ở miền nam. Trong Chiến tranh Thái Bình Dương, vài người Trotskyist vẫn còn hoạt động trong nhà xuất bản Hàn Thuyên tại Hà Nội, nơi những học giả thiên tả khác nhau vẫn đang tiếp tục cân nhắc giá trị của “cách mạng vĩnh viễn” và “cách mạng hai giai đoạn”. Một số thợ mỏ, phu khuân vác và công nhân dệt vẫn còn ưa chuộng lập luận của phe Trotskyist về vấn đề đấu tranh giai cấp và lực lượng vô sản kiểm soát nơi sản xuất. Tháng Tám 1945 công nhân tại Cẩm Phả phía đông bắc Hải Phòng đã thành lập các uỷ ban điều hành các mỏ than, các tuyến đường sắt và hệ thống điện tín, nhưng không tuyên bố theo chủ trương của Đệ Tứ Quốc Tế. Lương Đức Thiệp, một cảm tình viên của Trotskyist tiếp tục phân phát tài liệu về chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa cá nhân tiểu tư sản. Vị thế của Trung Quốc trong cuộc đấu tranh phản đế trên toàn cầu cũng là một tranh luận sôi nổi giữa Đệ Tam Quốc Tế và Đệ Tứ Quốc Tế trong những năm 1930, nhưng lúc ấy không có một nhân vật Troskyist nào ở miền bắc đứng lên kêu gọi kháng chiến vũ trang ngay lập tức đối với việc chiếm đóng của Quốc Dân Đảng Trung Quốc sắp xảy ra, không như tình thế tương tự đã xảy ra với quân Anh tại Sài Gòn. Tuy nhiên các tờ báo của ĐCS Đông Dương và Việt Minh tại miền bắc đã đặt những người Troskyist vào danh sách những kẻ thù nguy hiểm cần phải truy tận gốc và vô hiệu hoá (xem chương 8).
Những người Trotskyist không là đối tượng trong sắc lệnh trục xuất của chính phủ VNDCCH. Thay vì thế, các uỷ ban nhân dân tỉnh được lệnh thường xuyên báo cáo các vụ phát hiện và xử lý thành phần Trotskyist. Đầu tháng Chín, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hải Phòng đã báo cáo việc “khẩn cấp trấn áp” một số phần tử Trotskyist trong thành phố. Vào tháng Mười, tỉnh Hưng Yên cho biết đã phát hiện ra “thành phần phản động Trotskyist” đang lưu trữ một số báo Chiến Đấu, nhưng chỉ có hai người bị bắt giữ. Trong thành phần “phản động” bắt buộc phải báo cáo, tỉnh Quảng Yên đã đề cập một cách mơ hồ rằng “hai phần tử Trotskyist trung thành đã được giác ngộ.” Vào tháng Mười, Nguyên Công Tính bị bắt tại Hà Đông với tội là thành viên “Đệ Tứ Quốc Tế Cộng Sản” và giao cho công an Thái Nguyên, ở đó ông bị đưa vào trại trục xuất Bắc Cạn. Vào tháng Tư 1946, đơn khiếu nại của mẹ ông về địa điểm giam giữ được trả lời nhưng Bắc Cạn lại không có hồ sơ tông tích của ông. Tỉnh Hải Dương báo cáo một nhóm Trotskyist đã bị “đập tan”. Tháng Mười hai tại Hà Nội có hai người bị bắt và bị tố giác là theo phe Trotskyist và bị chuyển đến Bắc Cạn. Sáu tháng sau họ kiến nghị xin được trả tự do, tự nhận rằng “trước đây đã có tư tưởng Đệ Tứ Quốc Tế Cộng Sản” nhưng chỉ mang tính chính trị phi bạo lực, và hứa sẽ không còn chống đối chính quyền.
Trong biên bản một cuộc họp vào cuối tháng Mười một 1946 giữa các cán bộ Phòng Thông tin và Tuyên truyền của chính quyền VNDCCH cho biết rằng trong số những người Việt từ Pháp quay về Hải Dương đã có “một số phần tử Trotskyist cực đoan đang hoạt động nhưng không có kết quả đáng kể.” Ngoại trừ tài liệu trên, các văn bản chính phủ năm 1946 không hề nhắc đến lực lượng Trotskyist. Hoặc là chính quyền đã không còn đưa Trotskyist vào danh sách cần tiêu diệt, hoặc các chính quyền địa phương không còn ai bị tình nghi là Trotskyist để báo cáo theo thành phần “phản động”. Trên báo chí tính ngữ Trotskyist vẫn tiếp tục được sử dụng, thường là để cảnh cáo các nhân viên nào công khai than phiền về việc lương bổng không bắt kịp nạn lạm phát, hoặc những ai dám kêu gọi công nhân có quyền kiểm soát các doanh nghiệp. Điều thú vị là Hồ Hữu Tường, người lãnh đạo nhóm Đệ Tứ Quốc Tế Tháng Mười trong những năm 1930 đã được bầu vào Hội đồng Quản trị trường Đại học Hà Nội vào tháng Mười hai 1945, ông dạy môn khoa học xã hội ở Khoa Văn và cộng tác với các trí thức theo Việt Minh để chuẩn bị cho đại hội văn hoá toàn quốc.
Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội: Chia rẽ và Tan vỡ
Trong hầu hết giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ II, Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội hoạt động như là một tổ chức bao trùm trong đó các nhóm chống thực dân tại miền nam Trung Quốc được công nhận và ủng hộ bởi Tướng Trương Phát Khuê, tư lệnh của Đệ tứ Quân khu (Quảng Tây-Quảng Đông). Nhưng vào khoảng tháng Năm 1945 Hồ Chí Minh đã quyết định thực hiện các hoạt động xuyên biên giới của Việt Minh tại phía bắc Bắc Kỳ mà không tham khảo với Việt Cách, khiến cho Tướng Tiêu Văn, cấp dưới của Tướng Trương chuyên trách sự vụ Đông Dương lấy làm khó chịu. Tướng Tiêu Văn tìm cách nâng cao vị thế của Nguyễn Hải Thần, một nhà quốc gia lưu vong sáu mươi bảy tuổi, được vì nể vì từng hoạt động với Phan Bội Châu (1867-1940). Hàng trăm người Việt lưu vong đang dồn về chung quanh Thần để đợi ông dẫn họ vượt biên giới cùng với lực lượng Đệ tứ Quân khu đánh Nhật. Tuy nhiên khi Nhật bất ngờ đầu hàng Đồng minh vào giữa tháng Tám 1945, Thống chế Tưởng Giới Thạch tại Trùng Khánh quyết định giao nhiệm vụ tiếp quản Đông Dương cho Tướng Lư Hán ở Vân Nam thay vì Tướng Trương. Tướng Lư không có lý do gì phải thiên vị Việt Cách hơn Việt Nam Quốc Dân Đảng hoặc Việt Minh, mặc dù ông vẫn nhận Tướng Tiêu vào đơn vị tiếp quản của mình.
Đến ngày 20 tháng Tám 1945, các đơn vị của Việt Cách cùng với các đơn vị tiền trạm Trung Quốc vượt sang Cao Bằng và Lạng Sơn. Thật thế, ngày hôm ấy một đơn vị Việt Cách đã xuất hiện tại Tuyên Quang, cách biên giới tám mươi ki lô mét về phía nam. Ngày 1 tháng Chín, một nhóm lớn Việt Cách đi cùng với quân Trung Quốc vào đến thị trấn duyên hải Móng Cái và tuyên bố thành lập “Chính phủ Quốc gia Lâm thời Việt Nam” do Nguyễn Hải Thần đứng đầu. Mười hai ngày sau đơn vị Việt Cách tại Lạng Sơn đã báo với Hà Nội rằng lá cờ của họ đã được chính phủ Trung Quốc và phe Đồng minh công nhận là “cờ của toàn thể các đảng phái cách mạng Việt Nam.” Thậm chí họ còn đưa ra một bản phác hoạ của lá cờ Việt Cách với những đường kẻ ngang màu xanh và trắng trên góc trái của một nền đỏ. Khi quân Trung Quốc lê bước tiến về Hà Nội và Hải Phòng, các tư lệnh sư đoàn ra lệnh cho các cán bộ Việt Cách để lại các toán dân sự tại những thị trấn dọc đường đi, vì thế khiến Thần không thể nào tập trung lực lượng của mình để gây được ảnh hưởng chính trị. Khi Thần về đến Hà Nội vào ngày 16 tháng Chín, ông chỉ có một đơn vị bảo vệ nhỏ bé và có lẽ chẳng biết điều gì sẽ xảy đến.
Ngày 30 tháng Chín, Nguyễn Hải Thần dẫn đầu một đoàn đại biểu Việt Cách đến gặp Tướng Tiêu Văn để tìm cách thảo luận việc dẹp bỏ chính phủ lâm thời của VNDCCH đè bẹp ĐCS Đông Dương. Theo một điềm báo viên của công an VNDCCH, tướng Tiêu mỉa mai hỏi nhóm Việt Cách rằng họ đang có bao nhiêu lính và súng để thực hiện việc đảo chính và khiển trách họ vì đã nghĩ đến việc cần phải loại trừ phe cộng sản thay vì chấp nhận họ là một phần của mặt trận thống nhất dân tộc (đàm phán giữa Quốc Dân Đảng và ĐCS Trung Quốc đang diễn ra tại Trùng Khánh) Lời lẽ khinh thường của Tiêu chắc chắn đã làm Thần nổi giận, nhưng hoàn cảnh không cho phép ông rời bỏ người Trung Quốc. Sau đó Thần còn bị sỉ nhục hơn khi bảy người cấp dưới trong Việt Cách cùng với năm thành viên Việt Minh ký kết một bản “Đoàn kết tinh thần” trong đó tuyên bố giữ vững “cuộc đấu tranh chung chống quân Pháp xâm lược để bảo vệ tự do và độc lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.” Ngày 25 tháng Mười một, Trương Trung Phụng, một thành viên Việt Cách cùng ký bản “đoàn kết tinh thần” bị Quốc Dân Đảng bắt cóc và được thả 16 ngày sau. Một thành viên khác của Việt Cách là Đinh Trương Dương được VNDCCH giao nhiệm vụ đi vào miền trung Việt Nam. Tuy nhiên một số thành viên Việt Cách khác đã huỷ bỏ quan hệ với chính quyền chỉ sau vài ngày, và Thần đã công khai lên án vai trò của ĐCS Đông Dương trong chính quyền VNDCCH. Tại Hà Nội, hàng loạt những cuộc đụng độ bạo lực đã xảy ra giữa hai phía Việt Cách và Việt Minh, làm chấn động dân chúng và thử thách tính kiên nhẫn của các tư lệnh Trung Quốc.
Khi tướng Tiêu Văn tăng cường áp lực lên các đảng phái để thành lập một chính quyền quốc gia thống nhất, Hồ Chí Minh đã dùng chiến thuật mưu mẹo để nâng đỡ Nguyễn Hải Thần bằng cái giá của giới lãnh đạo Quốc Dân Đảng. Hình ảnh Thần giúp gợi lại tình đồng chí giữa ông với Phan Bội Châu cũng như tiểu sử luôn từ chối hợp tác với thực dân Pháp. Giới lãnh đạo Trung Quốc từ Thống chế Tưởng trở xuống đều công khai tôn trọng Thần, mặc dù đôi khi người Việt chế nhạo ông vì không nói sõi tiếng mẹ đẻ. Thần cho thấy có ít khả năng xây dựng một nền tảng quyền lực trong nước, và do đó rất hợp trong chức vụ phó chủ tịch dưới mắt của Hồ. Các thành viên Việt Minh đã chơi trò chia rẽ bên trong Việt Cách, khiến cho Việt Nam Quốc Dân Đảng vô cùng khó chịu.
Trong khi các lãnh đạo Việt Minh, Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Cách bắt tay nhau và mặc cả những giới hạn pháp lý, các chức bộ trưởng và những công báo chung, một cuộc đấu đá mãnh liệt đã xảy ra giữa các chủ bút, những người tuyển mộ đảng viên, những người gây quỹ và lực lượng bảo vệ vũ trang. Bộ Thông tin và Tuyên truyền VNDCCH cho đăng những bức thư vu khống trên nhiều tờ báo lên án Nguyễn Hải Thần đã không chịu đóng góp nhân sự của Việt Cách để chiến đấu tại miền nam, và tố cáo ông đã thương lượng với người Pháp. Báo chí thường xuyên cáo buộc quan chức đối lập chuyên tống tiền thường dân thấp cổ bé miệng. Công an VNDCCH thường xuyên bắt giữ thành viên Việt Cách với cáo buộc tống tiền dân thường đặc biệt là người gốc Hoa. Thành viên Việt Minh và Việt Cách giật xé biểu ngữ của nhau, đe dọa nhau bằng vũ lực và đôi khi phá đám các cuộc họp của đối phương. Bồ Xuân Luật, một cán bộ Việt Cách đã chia tay với Nguyễn Hải Thần, được lãnh đạo VNDCCH khuyến khích mở tờ báo riêng. Mười ngày sau tại trung tâm Hà Nội, Luật bị hai chiếc xe vũ trang phục kích và may mắn thoát chết với hai viện đạn chỉ làm bị thương. Tờ báo Đồng Minh của ông tiếp tục xuất bản đến tháng Mười một 1946.
Các đơn vị Việt Cách tại các thị trấn từ biên giới Trung Quốc đến vùng châu thổ sông Hồng đã không gặp khó khăn trong việc giữ vững vị trí của mình, ít nhất là cho đến khi Trung Quốc bắt đầu rút quân vào tháng Tư 1946. Các giáo viên, nhân viên dân sự và cảnh sát địa phương phải quyết định có nên trung thành với Việt Cách, hoặc giữ trung lập hoặc phải bỏ đi. Một báo cáo vào cuối năm 1945 của Bộ Giáo dục ở Hà Nội cho biết có bốn tỉnh trong đó một số trường học bị lính Trung Quốc chiếm đóng, trong khi những trường khác các lớp học bị gián đoạn vì các thành viên Việt Cách “quấy rầy” giáo viên, học sinh và dân địa phương. Việt Cách thỉnh thoảng trên thực tế phải công nhận chính quyền VNDCCH, như khi họ xin giấy phép chính quyền để mua và vận chuyển hai mươi tấn muối.
Theo thoả thuận ba bên được ký kết vào ngày 23 tháng Mười hai 1945, Nguyễn Hải Thần được bổ nhiệm chức phó chủ tịch NDCCH trong một chính phủ liên hiệp lâm thời, được công bố đúng vào ngày 1 tháng Giêng 1946, năm ngày trước khi tổng tuyển cử toàn quốc. Theo thoả thuận ngày 23 tháng Mười hai, hai mươi thành viên Việt Cách được đưa vào Quốc hội không qua bầu cử. Họ không được bổ nhiệm vào các đơn vị cử tri như các ứng cử viên Quốc hội thường có. Một số thành viên Việt Cách muốn thực sự tham gia tranh cử. Hồ Đắc Thành cố gắng để tên tuổi và thông tin các nhân của mình được công bố chung với các ứng cử viên khác tại Nam Đinh, và đã đắc cử vào Quốc Hội từ tỉnh này. Bồ Xuân Luật cũng thắng cử từ Hưng Yên và không lâu sau trở thành thứ trưởng nông nghiệp VNDCCH. Khi Quốc Hội nhóm họp tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 2 tháng Ba 1946, Hồ Chí Minh phải báo với các đại biểu rằng Nguyễn Hải Thần “bị ốm” và không thể tham dự. Khi đề cử thành phần Nội các chính phủ với Quốc hội, Hồ đã sắp đặt trước để đề nghị Thần làm phó chủ tịch và một thành viên Việt Cách khác là Trương Đình Tri làm bộ trưởng bộ xã hội (bao gồm cả y tế, an sinh và lao động), ca ngợi Bác sĩ Tri là “chuyên viên nổi tiếng trên lĩnh vực y tế.”
Nhưng vấn đề ám ảnh mọi người trong ngày đầu tiên của tháng Ba chính là cuộc thương lượng đầy căng thẳng và quan trọng giữa VNDCCH, Pháp và Trung Quốc. Các thành viên Việt Cách hẳn đã rụng rời khi nghe được thoả thuận Trung-Pháp ngày 28 tháng Hai, trong đó Trùng Khánh chấp nhận việc người Pháp sẽ quay lại miền bắc Đông Dương cũng như việc Trung Quốc rút quân khỏi nơi đây. Có thể Hồ đã muốn Thần tham gia vào cuộc thương lượng với người Pháp và Trung Quốc, và chắc chắn ông muốn có được chữ ký của Thần trong bản Hiệp ước Sơ bộ ngày 6 tháng Ba, nhưng không ai tìm thấy Thần vì ông đã rời Hà Nội vài ngày trước đấy.
Bị Việt Nam Quốc Dân Đảng phủ bóng và ngày càng điêu đứng bởi những đấu đá nội bộ, Việt Cách đã mất phương hướng trong tháng Ba 1946. Một số thành viên chú trọng vào việc bảo vệ các thị xã phía bắc Hà Nội, những người khác bỏ sang Quốc Dân Đảng và vẫn còn những thành phần khác chấp nhận phục tùng Việt Minh. Một số các cuộc tấn công vào quân Pháp tại Hải Phòng có thể là của các thành viên Việt Cách. Vào cuối tháng Tư, lực lượng của Pháp đã khai quật mười hai xác người từ căn hầm của một căn cứ cũ của Việt Cách tại Hà Nội, bao gồm hai người Pháp bị mất tích vào ngày 24 tháng Mười hai 1945. Hoàng Cừ, một nhà báo nổi tiếng có liên hệ với Việt Cách bị bắt với tội danh chuyên chở bất hợp pháp một trăm tấn muối và bị tuyên án mười năm khổ sai. Chính phủ VNDCCH đã thương lượng với giới lãnh đạo Việt Cách tại Lạng Sơn để đổi ông sang biên giới Trung Quốc vào tháng Sáu, nhưng sau đó họ lại bị bắt buộc phải để người Pháp cùng chiếm giữ Lạng Sơn vào ngày 8 tháng Bảy. Các thành viên Việt Cách tại Quảng Yên và Móng Cái dường như đã rút quân về bên kia biên giới vào giữa tháng Sáu cùng lúc Trung Quốc rút quân. Hồ Đắc Thành, đại diện Việt Cách ở Nam Định có tên trong danh sách một mặt trận thống nhất rộng hơn do ĐCS Đông Dương khởi xướng mang tên Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam. Báo Đồng Minh tường thuật các cuộc họp giữa các chi bộ Việt Cách còn lại và việc một số thành viên tham gia khóa họp thứ hai của Quốc hội vào cuối tháng Mười. Công an theo dõi tài liệu thu được từ Việt Cách và mời các thành viên đến để truy vấn. Từ đấy trở đi một số thành viên Việt Cách phục tùng đã giúp chính quyền trưng bày hình ảnh của một mặt trận đoàn kết dân tộc, trong khi những người khác phải đối diện với tù đày hoặc truy bắt.
(còn tiếp)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"