Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Lenin lại đổ

Diên Vỹ chuyển ngữ

Một người đang đập vỡ bức tượng Lenin sau khi nó bị kéo đổ trong một cuộc biểu tình tại Quảng trường Độc Lập, Kiev vào tháng Mười hai. Ảnh AFP
Cứ vào mỗi cuối năm, chúng ta lại chiêm nghiệm về những bí ẩn vĩ đại trong cuộc sống. Tại sao nam giới lại có núm vú? Tại sao đàn ông Á châu có lông rậm ở vùng kín nhưng hiếm khi cần phải cạo râu?
Tại sao lại có quá nhiều tượng của Lenin, nhưng lại chẳng có bức tượng nào của Bert Weedon? (một nhạc sĩ guitar nổi tiếng của Anh trong những thập niên 50-60 - ND)
Câu hỏi cuối cứ lắng đọng mãi trong chúng ta sau khi một bức tượng đồ sộ của Vladimir Ilyich Ulyanov, aka Lenin, đã bị người biểu tình phá sập tại thủ đô Kiev, Ukrainian vào ngày 8 tháng Mười hai. Người dân cũng đặc biệt nổi giận tại Bangkok và Singapore, những nơi vừa trải qua những cuộc nổi loạn tháng này, và thậm chí cả ở Hà Nội, vốn có một bức tượng Lenin đang đứng trước hiểm nguy. Tại Kiev, những người biểu tình đã nổi nóng vì theo họ, công trình tượng đài của Lenin là biểu tượng về việc quốc gia họ vẫn tiếp tục bị Nga thống trị.

Họ đã ngây thơ khi hi vọng rằng gông xiềng Moscow đã bị đập tan khi Liên Sô sụp đổ, nhưng họ đã không nghĩ đến khả năng nổi lên của một nhân vật đế quốc khác giống Lenin. Và rồi Vladimir Putin xuất hiện, ép Tổng thống Viktor Yanukovich phải từ bỏ việc thắt chặt quan hệ với Liên Âu.
Kinh hoàng, người dân nổi dậy. Và Lenin ngã xuống.
Được tạc từ đá granite đỏ như máu và dựng phía ngoài khu Besarabsky Market nổi tiếng của thành phố, bức tượng là một hình ảnh huy hoàng nhưng việc nó bị huỷ hoại lại quá bi thảm.
Nhưng vẫn còn vô số những tượng Lenin khác trên thế giới, thường là tại những địa điểm khác thường như Bologna (một thành phố ở Ý - ND), London và Tiraspol (một thành phố ở Moldova - ND).
Bức tượng gây ấn tượng nhất là tại Seattle (thuộc tiểu bang Washington, Hoa Kỳ - ND) với hình ảnh vị lãnh tụ cách mạng cộng sản đang mạnh mẽ bước lên phía trước, được đặt dưới chân cầu Aurora Street trong khu phố Fremont quái đản.
Có nguồn gốc từ Slovakia, bức tượng được một giáo viên lập dị người Mỹ thế chấp căn nhà của mình để cứu nó ra khỏi bãi đồng nát ở Poprad và đưa về Hoa Kỳ.
Ở khu vực Đông nam Á này, bức tượng Lenin nổi tiếng nhất nằm tại một công viên nhỏ trong trung tâm Hà Nội, gần nơi một đám đông dân chúng tụ tập sáng ngày 9 tháng Mười hai 2007.
Sau khi được ra hiệu, mọi người ùa đến Đại sứ Quán Trung Quốc kế bên và phất cờ Việt Nam, bắt đầu hò hét lên án phản đối những tuyên bố lấn lướt của Bắc Kinh về chủ quyền trên biển Đông.
Đấy là một cảnh tượng tuyệt vời, và cũng như những cuộc biểu tình gần đây tại Bangkok, lực lượng công an lẫn an ninh đã không hề can thiệp.
Với không khi sục sôi như thế, và biết rõ ác cảm của dân chúng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, giới lãnh đạo Hà Nội đã đúng khi lo sợ những gì có thể xảy ra đối với bức tượng Lenin của họ trong tương lai.
Đương nhiên, đấy là lý do vì sao tin tức về việc bức tượng Lenin ở Kiev bị đập phá đã bị kiểm duyệt tại Việt Nam. Ban đầu, tin này được đăng trên mạng và BBC tường thuật rằng “nó đã trở thành mẩu tin được đọc nhiều nhất, thậm chí còn phổ biến hơn cả tin tức về cái chết của Mandela và các cuộc biểu tình tại Thái Lan.”
Và cơ quan kiểm duyệt đã ra tay hành động, xoá sạch bất kỳ nội dung nào đề cập đến việc đập tượng Lenin tại Kiev.
Điều này không gì ngạc nhiên vì vào tháng Mười một, Quốc hội tại Hà Nội đã thông qua Hiến pháp mới tái xác nhận ĐCS Việt Nam là đảng chính trị duy nhất được hoạt động trong nước.
Những ai phê phán quyết định trên hoặc kêu gọi thành lập một chính quyền đa đảng đều bị bỏ tù dài hạn.
Blogger Nguyễn Văn Hải đang chịu mức án 12 năm tù vì đã viết bài tố cáo chính quyền tham nhũng cũng như phản đối Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh hải.
Thật vậy, chính quyền vô cùng lo lắng, đến nỗi quán Cà phê Cộng nổi tiếng tại Hà Nội đã bị theo dõi vì những trang trí mang tính “báng bổ”.
Quán cà phê treo những biểu ngữ của ĐCS Việt Nam và những di vật về Hồ Chí Minh, và bảng thực đơn được viết trên tuyển tập của Lenin.
Giới lãnh đạo Hà Nội chẳng lấy làm thích thú. Như truyền thông nhà nước đã đăng: “Quán cà phê này đã chà đạp lên giá trị tư tưởng của chúng ta và những nền tảng đạo đức của các bậc lãnh đạo như Lenin và đặc biệt là Hồ Chí Minh.”
Vậy thì trong khi việc này đã không trả lời được những bí ẩn to tát của đời sống, nó cũng cho phép chúng ta rút ra được hai kết luận chắc chắn.
Trước hết, khi ĐCS Việt Nam bị lật đổ, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ vui mừng lấy lại tên thật của mình là Sài Gòn, và thứ hai, Bert Weedon rất có thể là một ứng viên để thay thế cái gã-gì-đấy tại Hà Nội.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"