Ngọc Lan
TACLOBAN, Philippines - Thứ Bảy,
21 Tháng Mười Hai là ngày cuối cùng thực hiện việc cứu trợ nạn nhân bão
Haiyan của VOICE tại thành phố Ormoc. Sau đó, cả đoàn đi đến Tacloban,
trung tâm tàn phá của trận bão lịch sử vừa qua tại Philippines, để thăm
những người Việt Nam còn lại nơi đây.
Hơn một tháng trôi qua từ ngày cơn bão ập đến quật ngã thành phố này,
hôm nay cùng những thành viên và thiện nguyện viên của VOICE đặt chân
đến Tacloban, chứng kiến những gì bày ra trước mắt, tôi mới hiểu rõ hơn
thế nào là sự tàn bạo của thiên nhiên.
Nụ cười Ormoc
Sau gần 3 giờ đi tàu cao tốc, cả nhóm cứu trợ của VOICE cùng một số
thiện nguyện viên của các tổ chức thiện nguyện tại địa phương đặt chân
lên bến cảng Ormoc vào lúc hơn 10 giờ sáng. Chứng tích tàn phá nơi đây
sau trận bão Haiyan gần như hãy còn nguyên vẹn. Những mái che bị đánh
nát. Những mái nhà bị lật tung. Và những con đường bị cào xới. Có khác
chăng, sự hồi sinh của cuộc sống náo nhiệt, ồn ào nơi bến cảng được tái
diễn như nó vốn có từ trước.
Chuyến xe đưa chúng tôi đến khách sạn để cất hành lý trước khi chạy
đến nơi cứu trợ đi qua những phố xá mang đầy chứng tích của Haiyan, dù
rằng đây chưa phải là tâm điểm của trận bão.
Một hình ảnh ngay lập tức gây sự chú ý là có cả một đoàn người đứng
ngay phía trước khách sạn chúng tôi dừng chân. Họ làm gì vậy? - Charge
pin điện thoại, đèn pin và... chơi game.
Khách sạn kéo những ổ điện ra bên ngoài cho những người có nhu cầu
charge những thứ cần charge mà họ không thể tự làm được ở nhà vì chưa có
điện. Thông thường dịch vụ gì của khách sạn cũng đều đắt đỏ hơn bên
ngoài, thế nhưng tại đây, khách sạn cho mọi người charge điện miễn phí
đến ngày 3 Tháng Giêng, 2014. Bên cạnh những người đứng ngồi chờ pin đầy
đủ xài thì lại có chừng 3-4 máy chơi game điện tử được đặt ngay tại đó.
Không chỉ có trẻ em, mà một vài người lớn cũng ngồi mê mải với thú vui
này. Thấy tôi đưa máy chụp hình, mọi người quay nhìn, cười, chẳng chút
phiền lo.
Hai chiếc xe loại 7 chỗ ngồi tiếp tục chở chúng tôi đến điểm hẹn ở Ormoc để phát quà cứu trợ lần 2.
Cũng như nơi cứu trợ ở Medelin, Cebu, chúng tôi nhận ra ngay nơi mình cần đến khi thấy lố nhố người đứng chờ sẵn.
Như lời của Vy Hạnh, một thành viên của VOICE, thì “Nơi đây bị bão
tàn phá nhiều hơn, thiệt hại nhiều hơn, người dân nghèo hơn, nên số quà
dành cho người dân Ormoc cũng có phần hơn.” 580 phần quà được phát ra ở
Ormoc, so với 420 phần ở Medelin. Ngoài ra, một số quần áo cũ, kem, bàn
chải đánh răng, và kẹo bánh cũng được phát cho các em nhỏ.
Một ngôi nhà kiên cố cũng trở thành điêu tàn khi Haiyan ập đến. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Có một điều thật lạ mà tôi vẫn chưa thể nào giải thích được. Ðó là,
dù hoang tàn và đổ nát đó, dù nghèo khó và lam lũ đó, nhưng người dân
nơi đây không có dáng vẻ làm toát lên sự thương hại từ người khác. Bởi
vì, họ luôn cười. Gương mặt họ không chứa đựng sự sầu não. Nụ cười của
họ khiến mình cũng phải cười, và vì cười, nên thấy lòng mình vui.
Họ kéo nhau đi nhận quà cứu trợ tíu tít, rộn ràng. Họ cùng vỗ tay,
cùng hát bài “Merry Christmas” một cách say sưa. Tôi ghi nhận lại hình
ảnh đó, không khí đó và thầm ước mơ người dân quê tôi cũng sẽ hành xử
được như vậy, dù trong nghịch cảnh.
Trong số người đi lãnh quà, một phần quà trị giá 1,000 peso (khoảng
$25), có người phụ nữ bị cụt cả hai bàn tay, tên là Darlisa Dayang, 53
tuổi. Bà Dayang kể nhà bà có 4 người. Trận bão quét đến, cả 4 người
trong gia đình bà đều ướt mẹp từ đầu đến chân trong 4 ngày, vì nhà bị
tung nóc, hư đổ, và cũng là 4 ngày cả nhà bà chịu đói. Nhắc lại chuyện
đã qua, bà đưa khúc tay còn lại lên chùi những giọt nước mắt chực rơi
xuống.
Ði cùng bà Dayang là người hàng xóm đã 78 tuổi, bà Salustiana Aying.
Bà Aying cho biết khi nhà bà bị bão thổi, không còn gì để ăn, bà phải
ăn cả xác cà phê còn sót lại để cầm cự mà sống.
Khi buổi phát quà kết thúc, mọi người chuẩn bị đi về, thì một người
phụ nữ lớn tuổi khác hớt hải chạy đến. Vừa thở hổn hển, mặt nhợt nhạt,
tay ôm ngang bụng tỏ vẻ đau đớn, bà vừa chìa ra miếng giấy ghi tên nhận
quà và nói một loạt tiếng địa phương trong đứt quãng. Ra là bà phải ở
nhà trông cháu, không gửi cho ai được nên bà bị trễ. Bà chạy đến nên mệt
và đau. Chiếc phong bì bà nhận là một trong hai chiếc còn sót lại. Như
vậy, còn có một ai đó đã không thể đến được...
Trước khi rời Ormoc, cả đoàn kéo đến một ngôi trường tiểu học ngay
trong xóm. Cũng cùng chung số phận với nạn nhân Haiyan, ngôi trường có
những phòng học bị tốc mái, lung lay.
Hỗ trợ như thế nào để góp phần xây dựng, khôi phục lại ngôi trường
này, cùng những dụng cụ học tập cho học sinh, hỗ trợ các cô giáo và xây
lại phòng khám sức khỏe gần đó, là điều những người điều hành tổ chức
VOICE đang suy tính.
Chúng tôi rời Ormoc, mang theo những lời cám ơn cùng nụ cười của các
em bé và người dân nơi đây, đi tìm nơi ăn trưa trước khi tiến về
Tacloban.
Tacloban, nguyên vẹn sự hoang tàn một tháng sau cơn bão
Chúng tôi nhận ra cuộc sống hằng ngày tại Ormoc chưa hồi sinh như
xưa khi đi tìm nơi ăn trưa, trước khi tiếp tục hành trình gần 100 cây số
đến trung tâm bão.
Gần 90% các món ăn có trong thực đơn đều đề chữ “Sold out” là điều chúng tôi nhìn thấy ở tiệm đầu tiên chúng tôi ghé vào, dù loạt người chờ đợi khá đông, và chỉ còn có một món để chọn.
Gần 90% các món ăn có trong thực đơn đều đề chữ “Sold out” là điều chúng tôi nhìn thấy ở tiệm đầu tiên chúng tôi ghé vào, dù loạt người chờ đợi khá đông, và chỉ còn có một món để chọn.
Ðến tiệm thứ hai, người đầy nghẹt bên trong, muốn ăn phải chịu khó chờ 1 tiếng.
Lý do cho hiện tượng này: Nhiều nhà hàng đóng cửa vì nguyên liệu không đủ bán, điện đóm không đủ cung cấp, và... bị sập.
Ðến tiệm thứ ba, chúng tôi mới làm cho mình no bụng bằng những món
ăn đã nguội ngắt, trừ cơm còn âm ấm. Dĩ nhiên, không ai khen ngon. Chỉ
no để tiếp tục lên đường.
Từ lúc nhìn cột cây số báo hiệu còn 89 km đến Tacloban là tôi đã bắt
đầu lần lần chứng kiến cảnh đổ nát. Có thể nói ngay mà không cần phải
đắn đo rằng, không một ngôi nhà nào là không có dấu tích tàn phá của cơn
bão Haiyan.
Những ngôi nhà lướt qua tưởng hãy còn nguyên vẹn hình hài, nhưng
trông kỹ lại cũng sẽ thấy những vụn vỡ, dù ít dù nhiều. Số nhà bị sạt
mái, sụp một nửa, tốc toàn bộ ngói, đầy dẫy hai bên đường đi. Những hàng
dừa gục đầu dù hãy còn cố vươn mình thẳng đứng, xanh màu sự sống.
Thế nhưng khi khoảng cách đến Tacloban được thu ngắn thì những hoang
tàn và đổ nát càng lúc càng khiến mình ngộp thở. Không diễn tả được.
Tôi mở kính cửa sổ, chồm người ra chụp hình những ngôi nhà nay chỉ
còn là đống hổ lốn. Một tấm hình. Hai tấm hình. Năm tấm hình. Mười tấm
hình. Không đủ nói lên được hết những gì mà trận bão để lại. Tôi chỉ còn
cách cố cầm chặt máy, tì tay lên cửa để vừa có thể thu lại hình ảnh
những vụn vỡ còn lại trên đường, vừa để chiếc máy không bị bay ra khỏi
xe và vừa phải gồng mình tránh để bị văng qua văng lại trên chuyến xe
bão táp.
Những ngôi nhà bị san bằng. Những nấm mồ bị quật lên. Những rừng dừa
xơ xác gục đầu trong nắng chiều. Những thanh chắn trên đường bị đánh
quặt, cong queo. Những chiếc Jeepney tan nát nằm trước những ngôi nhà
sập nát. Ðây đó, vài chiếc xe hơi hãy còn nằm vắt vẻo trên những mái
nhà. Những ụ rác khổng lồ. Những trạm xăng bị bỏ phế. Những tòa nhà cao
tan tác. Khu thương mại Robinson kiên cố sầm uất ngày nào, giờ chẳng
khác gì một chiếc xe hơi bị bép dí sau tai nạn khủng khiếp...
Những mái lều trắng có dấu hồng thập tự còn giăng đầy. Và gần đó,
thêm một dãy lều trắng được dựng lên: Chính quyền thành phố làm việc tạm
trong đó, vì trụ sở đã không còn.
Là người từng có mặt tại Tacloban chỉ vài ngày sau khi Haiyan càn
quét, anh Văn Viết Hoàng, một thành viên của đoàn, cho biết, “Không khác
gì một tháng trước cả! Có khác chăng là rác trên đường được dọn đi để
cho xe chạy và mùi tử khí giảm bớt.”
Anh Hoàng đưa ra một hình ảnh so sánh cho dễ hiểu: Hãy cứ hình dung
thành phố này ở giữa, hai bên đều là biển. Một bên tát vào má bên này.
Một bên tát vào mà bên kia. Tất cả đều là phát chí mạng. Làm sao mà chịu
nổi!
Vậy mà trong lúc người ta tìm đường thoát chạy khỏi Tacloban, anh
Văn Viết Hoàng lại là người bỏ ra gần một tuần lễ lặn lội ở nơi này để
đi tìm những người Việt Nam còn sót lại, đưa họ về Cebu tìm nơi nương
náu.
Bất hạnh xảy ra cho người Việt cuối cùng còn ở lại tâm bão
Chuyến xe đưa chúng tôi đến Tacloban còn có thêm một mục đích: Ghé
thăm gia đình anh Phước Nguyễn, người Việt duy nhất còn trụ lại
Tacloban, cho đến thời điểm này.
Thế nhưng, thay vì đến thăm anh tại nơi anh đang trú ẩn - nhà người
họ hàng bên vợ, vì nhà anh cũng đã thành đống gạch vụn trong cơn thịnh
nộ của Haiyan - thì phút cuối cùng chúng tôi nhận được tin nhắn: Hãy vào
thẳng bệnh viện, anh Phước đang nằm tại đó.
Anh được đưa vào bệnh viện trước khi chúng tôi có mặt chưa đầy một
giờ đồng hồ, với lý do thật... vô duyên: Nghe tin mọi người ghé thăm,
đặc biệt là có cả Luật Sư Trịnh Hội, nên anh muốn nấu bữa cơm ăn đãi cả
đoàn, dù mọi người đều nói không cần thiết. Tuy nhiên, con gà cạnh bếp
lửa còn chưa kịp cắt cổ thì hai chai xăng anh mang về đặt cạnh bên bếp
phựt cháy. Người chủ nhà hiếu khách bị phỏng mặt, một bên đùi trái, và
hai tay. Con gà cháy đen, nằm còng queo bên bếp. May là căn nhà ở tạm
hãy còn nguyên vẹn.
Chúng tôi ghé vào, mắt anh rướm nước, nói lời xin lỗi vì không đãi
được bữa cơm. Chúng tôi chẳng biết phải dùng từ nào để nói về tai nạn
xảy ra trong tình huống này.
Bệnh viện ngay vùng đổ nát này cũng chẳng lấy gì làm tiện nghi để ở lại. Họ đồng ý nếu anh muốn về nhà sau khi họ đã băng bó và thoa thuốc cho anh thì cứ việc về. Thế là, sẵn xe, chúng tôi mang anh về nhà, nơi anh có người vợ Philippines và 3 đứa con nhỏ. Ðây cũng là lý do để anh Phước không thể rời khỏi chốn này.
Bệnh viện ngay vùng đổ nát này cũng chẳng lấy gì làm tiện nghi để ở lại. Họ đồng ý nếu anh muốn về nhà sau khi họ đã băng bó và thoa thuốc cho anh thì cứ việc về. Thế là, sẵn xe, chúng tôi mang anh về nhà, nơi anh có người vợ Philippines và 3 đứa con nhỏ. Ðây cũng là lý do để anh Phước không thể rời khỏi chốn này.
Ngày tôi lên đường, một số độc giả có gửi theo tôi ít tiền, phần thì
nhờ chuyển cho VOICE, phần thì cho phép tôi tùy nghi sử dụng trong bất
cứ trường hợp nào thấy cần thiết. $900 tiền check, tôi đã gửi cho VOICE.
Số tiền mặt $350 tôi cứ ngỡ sau khi trở lại Manila, tôi cũng sẽ gửi
luôn cho VOICE vì tôi không biết cách làm sao cho những người dân
Philippines mà tôi đã gặp, bởi ai cũng khổ như ai. Thế nhưng, phút cuối
cùng trước khi rời khỏi Tacloban tôi đã tìm được người cần trao, dù rằng
trong tình huống không mong muốn. Anh Phước Nguyễn chuyển lời cám ơn
đến những người đã mở rộng vòng tay giúp đỡ anh và nhiều nạn nhân khác
của Haiyan.
VOICE cũng quyết định tặng gia đình anh Phước Nguyễn $2,000 và cho
anh mượn thêm $3,000 để làm vốn tìm kế sinh nhai sau khi anh bình phục.
7 giờ tối, đoàn chúng tôi trở về Ormoc trong bóng đêm phủ kín thành
phố, chỉ có ánh đèn xe soi lối qua những con đường bị cày xới, dằn xốc.
Chưa bao giờ, tôi đi lâu như vậy trên con đường mà có hơn 6,000 người
vừa chết, trong đó hãy còn những xác người vướng trong những ụ rác mà xe
chúng tôi lướt qua...