Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Đấu thầu kiểu... EVN

Đào Lê Tố
Đã có những tín hiệu đáng tin cậy, ngành điện sắp tăng giá. Lý do thì vẫn "cũ rích": đưa giá điện sát giá thị trường để khuyến khích đầu tư. Ẩn chứa đằng sau đó vẫn là mục đích "cũ rích", bù lỗ do kinh doanh ngoài ngành, và làm ăn kém hiệu quả. Cách làm thì "vũ như cẩn": úp úp, mở mở, không công khai minh bạch nhằm lừa gạt, đánh úp công luận và người tiêu dùng.
image001_1.png
Ảnh minh họa
Lần tăng giá tới đây, EVN về cơ bản vẫn bổn cũ soạn lại. Dù rằng, cách nói khác đi. Đại thể, mỗi năm EVN cần khoảng 4 tỷ USD để đầu tư nguồn và lưới điện (Chiếm 35 % vốn đầu tư toàn xã hội), trong khi EVN chỉ bảo đảm được 20% số đó. Còn lại phải thu xếp qua các khoản vay trong nước và Quốc tế. Nhưng để vay được thì giá điện phải tăng bởi đơn giản, nếu giá điện không tăng, EVN không có lãi thì không ai cho vay... Có điều, vì sao cứ phải tăng giá thì EVN mới có lãi, EVN đã và đang sử dụng nguồn vốn vay khổng lồ như thế nào thì quyết không nói ra. Ví dụ nhỏ sau đây sẽ góp phần vén lên bức màn bí mật đó.
Để đầu tư dự án đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ phước - Cầu bông, EVN phải sử dụng nguồn vốn vay của cơ quan phát triển Pháp (AFD) theo thoả ước số CVN 1155 01 G. Thoả ước này quy định EVNNPT có quyền lựa chọn đơn vị trúng thầu và AFD là bên cho vay không có quyền lựa chọn đơn vị trúng thầu. Vậy nhưng, cách thức đấu thầu của EVN từ trước đến nay vẫn vậy, thích thì tuân thủ, không thích thì ngang ngược bỏ qua. Tại gói thầu số 28 là gói thầu cung cấp vật tư thiết bị cho dự án đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, hồ sơ mời thầu của EVNNPT quy định, kháng điện 500kV có thể là đơn pha hoặc ba pha; khoảng cách phóng điện không khí pha - pha ≥ 7.400mm, vừa phải đáp ứng theo tiêu chuẩn IEC (tiêu chuẩn của Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế). Khi mở thầu thì hai nhà thầu Isolux – Comin và ALSTOM GRID được lọt vào “chung kết” để EVNNPT lựa chọn. Tổ chuyên gia đấu thầu đã xem xét cẩn thận tiêu chuẩn kỹ thuật, đã có văn bản đề nghị tư vấn làm rõ và được trả lời: “Khoảng trống (clearance in air) pha - pha ≥ 7.400mm được yêu cầu trong hồ sơ mời thầu để lắp đặt thiết bị. Việc áp dụng khoảng trống này cho thiết bị không phải là điều kiện bắt buộc, mà được quy định bởi thử nghiệm cách điện (IEC 71-2-Annex A)” và khoảng trống áp dụng cho thiết bị theo yêu cầu đối với mức cách điện..., được áp dụng theo tiêu chuẩn IEC 60076-3 - table 7 như sau: Pha - pha ≥ 4.200mm”. Như vậy, nhà thầu Isolux - Comin chào thầu khoảng trống 6.400mm không vi phạm điều kiện kỹ thuật bắt buộc. Về giá cả, nhà thầu Isolux - Comin chào 18.860.000 USD trong khi nhà thầu ALSTOM GRID chào 20.940.000 USD, đắt hơn 2.000.000 USD, tương đương 44 tỷ đồng. Căn cứ vào đó, lúc đầu EVNNPT thống nhất chọn Isolux - Comin trúng thầu, với nhận xét: Để tận dụng nguồn vốn vay của AFD, rút ngắn tiến độ của dự án và mặt khác nhà thầu (Isolux - Comin) có giá chào hợp lý. Vì thế kết luận nhà thầu trúng thầu là liên danh Isolux - Comin. EVNNPT còn nhấn mạnh “Hồ sơ dự thầu của nhà thầu chào 6.400mm không đáp ứng yêu cầu 7.400mm, tuy nhiên vẫn đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn IEC-60076-3 (là 4.200mm) - đánh giá chấp nhận”. (Tờ trình 808 TTr/AMT ngày 8 tháng 3 năm 2012 của Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung - Đơn vị được EVNNPT uỷ quyền quản lý dự án).
Thế rồi, chẳng hiểu lobby, vận động thế nào, kết luận này ký chưa ráo mực thì EVN lại đưa ra quyết định khác, quay ngoắt 180 độ để lựa chọn nhà thầu ALSTOM GRID với giải thích: Isolux - Comin trượt thầu là do không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, cụ thể: Khoảng cách phóng điện không khí pha - pha không đạt giá trị ≥ 7.400mm. Bất nhất đến thế là cùng.
Đáng kinh ngạc hơn, khi Phóng viên Báo Lao Động lật lại hồ sơ thầu mà bài thầu EVNNPT đặt ra tương tự dự án đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước - Cầu Bông và phát hiện trong dự án đường dây 500kV Quảng Ninh – Hiệp Hòa, hồ sơ thầu mà EVNNPT đặt ra yêu cầu khoảng cách pha – pha cho kháng điện phải là ≥ 7.400mm. Thậm chí trong phần yêu cầu kỹ thuật chi tiết, EVNNPT có thêm ghi chú rằng “nếu nhà thầu nào không đáp ứng một trong các thông số yêu cầu trong hồ sơ kỹ thuật (trong đó có yêu cầu khoảng cách pha-pha là 7.400mm) sẽ bị đánh giá là không đáp ứng và sẽ bị loại”. Vậy nhưng, EVN nói vậy mà không phải vậy, nhà thầu Alstom Grid chào thầu khoảng cách pha-pha là 4.300mm vẫn được NPT chấp nhận cho trúng thầu.
So sánh với dự án đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước - Cầu Bông, bài thầu NPT đặt ra cũng là khoảng cách kháng điện pha-pha ≥ 7.400mm, nhưng nhà thầu Isolux – Comin đáp ứng khoảng cách này là 6.400mm lại không được EVNNPT chọn trúng thầu, làm Nhà nước gánh thêm hơn 44 tỉ đồng tiền đi vay. Vấn đề được đặt ra là với một tiêu chí xét thầu được EVNNPT đặt ra lại có hai sự lựa chọn, đây là sự tùy tiện trong chọn thầu cần phải được xem xét lại! (http://laodong.com.vn/kinh-doanh/vu-chon-thau-o-tcty-truyen-tai-dien-quoc-gia-hai-du-an-su-khuat-tat-140862.bld).
Chỉ một dự án nhỏ, khi thích thì giải thích cách này, khi không thì nói theo cách khác, lại còn đổ vấy cho nước ngoài để trốn tránh trách nhiệm. Theo giới lọc lõi trong đấu thầu, đây chẳng qua là trò ăn hai mang của chủ đầu tư ấy mà, ai chịu chi nhiều là chiến thắng. 44 tỷ đồng vốn vay, năm này, năm khác, chẳng mấy chốc phổng phao tới hàng trăm tỷ. Người dùng điện lại phải nai lưng ra trả nợ cho EVN thôi. Thế thì vốn nào cho đủ để EVN đầu tư, giá nào cho đủ để EVN bù lỗ...

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"