Thanh Phương
Với hàng loạt tổ chức, hiệp hội, mạng lưới, diễn đàn ra đời, với
phong trào góp ý Hiến pháp, có lẽ chưa bao giờ phong trào đấu tranh cho
nhân quyền và dân chủ lan rộng như trong năm 2013. Sự kiện Việt Nam được
bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc càng khiến dư
luận trong và ngoài nước chú ý hơn về tình hình nhân quyền, cũng như
càng giúp nâng cao ý thức nhân quyền của người dân.
Theo cái nhìn của linh mục Phan Văn Lợi, một trong những người sáng
lập khối 8406, phong trào đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền trong năm
2013 đã phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Như Cha Phan Văn Lợi có nhắc lại, bất chấp lời kêu gọi khẩn thiết
của giới nhân sĩ trí thức, cũng như nhiều người khác, các đại biểu Quốc
hội Việt Nam vẫn thông qua bản Hiến pháp sửa đổi vào ngày 28/11/2013.
Ngay ngày hôm sau, 29/11/2013, nhóm 72 nhân sĩ trí thức đã ra tuyên bố
phản đối một bản Hiến pháp mà theo họ chỉ là nhằm « thể chế hóa cương
lĩnh của đảng Cộng sản Việt Nam, coi thường nguyện vọng của đông đảo
nhân dân muốn xây dựng một Hiến pháp làm nền tảng cho một chế độ dân chủ
với Nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân và vì dân ». Bản tuyên
bố của nhóm kiến nghị 72 cho rằng Quốc hội « đã tự chứng tỏ không đại
diện cho nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc ».
Theo nhóm kiến nghị 72, do Hiến pháp này không thật sự là Hiến pháp của
nhân dân, cho nên người dân có thể sử dụng quyền bất tuân dân sự của
mình.
Đối với nhà báo độc lập Nguyễn Hữu Vinh, khi đưa ra bản dự thảo sửa
đổi Hiến pháp, chính quyền Hà Nội nghĩ rằng qua đó họ có thể tái khẳng
định tính chính đáng của đảng Cộng sản, nhưng họ đã không ngờ lại có
nhiều tiếng nói đòi xóa bỏ chế độ độc đảng, đòi hỏi dân chủ như thế.
Vào tháng 7 vừa qua, khoảng hơn 100 blogger ở Việt Nam đã ký tên vào
tuyên bố 258, đòi chính quyền Hà Nội sửa đổi pháp luật « để chứng minh
cam kết tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc », đặc biệt là
xem xét lại Điều 258 của Bộ luật Hình sự về “tội lợi dụng các quyền tự
do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ
chức, công dân”.
Tuyên bố 258 coi như khai sinh cho Mạng lưới blogger Việt Nam, chính
thức ra mắt vào đúng Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12. Trả lời RFI Việt
ngữ, blogger Hoàng Vi nhắc lại mục tiêu hoạt động ở Mạng lưới blogger
Việt Nam.
Trong buổi chính thức ra mắt nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12, các
thành viên của Mạng lưới blogger Việt Nam tại Hà Nội và Sài Gòn đã công
khai đứng ra phân phát các tài liệu về nhân quyền và những quả bóng bay
in dòng chữ « Quyền con người của chúng ta phải được tôn trọng ». Công
an Việt Nam đã dùng đủ mọi cách ngăn chận hoạt động này, kể cả dùng cây
hương (nhan) để chọc bễ bong bóng và cướp tài liệu nhân quyền. Trên mạng
You Tube, người ta đã nhìn thấy một cảnh cực kỳ khôi hài: Một anh công
an, mặc sắc phục hẳn hoi, giật một túi đeo lưng có đựng tài liệu nhân
quyền của một blogger và khi người chung quanh tri hô, anh công an này
đã bỏ chạy thục mạng như một kẻ cướp chính hiệu!
Ngày 13/11/2013, lần đầu tiên Việt Nam đã trúng cử vào Hội đồng Nhân
quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Đối với chính quyền Hà Nội,
việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền cho thấy « sự ghi nhận
của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc
đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh
vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng…
». Thế nhưng, đối với nhà báo Nguyễn Hữu Vinh, chiếc ghế Hội đồng này
chưa chắc đã thúc đẩy Việt Nam tôn trọng nhân quyền hơn.
Ngược lại, blogger Hoàng Vi thì hy vọng là với sự giám sát chặt chẽ
của quốc tế, việc Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là một
điều kiện thuận lợi cho đấu tranh nhân quyền.
Trước mắt, blogger Hoàng Vi cho rằng năm 2013 đã chứng kiến sự khởi
đầu của những tổ chức xã hội dân sự đấu tranh bằng những hành động thiết
thực cho nhân quyền ở Việt Nam, trong bối cảnh mà các quyền tự do căn
bản như tự do ngôn luận, tự do hội họp vẫn còn bị hạn chế, bị đàn áp.
Vào cuối năm, người ta lại chứng kiến sự ra đời của Diễn đàn Xã hội
Dân sự trong tháng 11 (*), không chỉ với những bài viết trên mạng mà còn
với nhi những hoạt động khác nữa như tiếp xúc với nhiều cơ quan ngoại
giao ở Hà Nội như với tất cả các tham tán chính trị của các nước Liên
Hiệp Châu Âu, Canada cũng như một số vị đại sứ của các nước này; làm
việc với báo cáo viên về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, Phó Chủ tịch Hội
đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (phụ trách các vấn đề kinh tế), Phó Trợ lý
Ngoại trưởng và Ngoại trưởng Hoa Kỳ; tham dự ngày nhân quyền với các
nước Liên Hiệp Châu Âu…
Diễn đàn lấy khẩu hiệu của cụ Phan Châu Trinh làm phương châm hoạt
động: Thực thi Dân Quyền; Nâng cao Dân Trí; Chấn hưng Dân Khí; Cải thiện
Dân Sinh. Diễn đàn này vừa thông báo là đầu tháng 1-2014 sẽ hoàn thành
cơ sở Công nghệ thông tin (một trang web) để có thể thử nghiệm trong nội
bộ và sau đó sẽ khai trương và bắt đầu dự án thực thi quyền giám sát
pháp luật của người dân.
Theo cái nhìn của giáo sư Jonathan London, thuộc Đại học City
University of Hong Kong, một nhà xã hội học nghiên cứu rất nhiều về Việt
Nam, trong năm 2013, đặc biệt là qua việc góp ý Hiến pháp, nền văn hóa
chính trị, cũng như ý thức nhân quyền, dân chủ của người dân đã được
nâng cao và ông cho rằng đó là những điểm đáng lạc quan cho tương lai
của Việt Nam:
« Tôi thấy năm 2013 là một năm rất quan trọng và đặc biệt trong lịch
sử đương đại của đất nước Việt Nam, đặc biệt đối với sự phát triển
chính trị xã hội của đất nước.
Có lẽ đó là một đánh giá, một góc nhìn mà một số người sẽ thấy là
quá lạc quan hay ngây thơ. Đặc biệt vì những kết quả chính thức mà Việt
Nam đã đạt được trong năm là không đáng kể, thậm chí là một năm có nhiều
bước thụt lùi. Tôi không nghĩ như vậy.
Vâng, đã có nhiều cái không thể nào gọi là tốt đẹp. Những chiến dịch
đàn áp thì vẫn còn. Những luật lệ mới có mục đích làm im lặng tiếng nói
của dân thì cũng có. Và vẫn còn những nạn nhân của một chế độ quá bảo
thủ, được thể hiện qua việc những người đòi cải cách bị đe dọa, bỏ tù…
Trong khi đó, vào lúc mà đất nước đang đối phó nhiều vấn đề gay gắt
trong những lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, và tham nhũng, Nhà nước Việt
Nam hình như chưa sẵn sàng hay chưa có khả năng để tự cải cách mình.
Song, năm 2013 đã có những phát triển có thể được coi là hứa hẹn một cách sâu sắc:
Trong năm 2013, toàn dân Việt Nam đã có cơ hội để tham gia tích cực
vào một tranh luận công khai về Hiến pháp của Việt Nam và qua đó, ý thức
của nhiều người dân đã tiến bộ một cách đáng kể về ý nghĩa của hiến
pháp và những hạn chế của Hiến pháp Việt Nam từ trước đến nay.
Riêng tôi cho rằng việc mà Việt Nam đã có thảo luận về Hiến pháp là
quan trọng hơn cả việc mà Quốc hội của Nhà nước và đảng đã thông qua một
hiến pháp « mới như cũ ».
Trong năm 2013, toàn dân Việt Nam đã có cơ hội để nâng cao ý thức về
nhân quyền qua việc trao đổi và đấu tranh vì nhân quyền ở Việt Nam một
cách công khai để yêu cầu và khuyến khích nhà nước của họ tôn trọng và
đẩy mạnh những quyền còn người mà nhà nước Việt Nam đã ký kết.
Và có lẽ quan trọng hơn cả là trong năm 2013 Việt Nam đã phát triển
một diễn luận thực sự công khai về những vấn đề chính trị, xã hội, kinh
tế mà đã không có ở Việt Nam trong một thời gian rất lâu. Chắc chắn, ở
đây chúng ta thấy rõ sự quan trọng của Internet và các nhà blogger và
những người tôi gọi là mini-blogger, chia sẻ ý kiến quan điểm qua mạng
Facebook chẳng hạn.
Mạng chỉ là một phương diện. Nhưng ở đây quan trọng là mạng ở Việt
Nam đã thành một phương tiện cho dân để chia sẻ và trao đổi ý kiến một
cách đa chiều.
Ngoài ra, trong năm 2013 chúng ta thấy rõ nhiều người có đủ dũng cảm
chính trị để lên tiếng vì sự yêu nước của họ, bất chấp những biện pháp
mang tính đàn áp của chính quyền. Trong năm 2013 đã có bao nhiêu hội,
bao nhiêu mạng lưới phi chính thức đã được thành lập?
Tôi đặc biệt xin nhấn mạnh: Những người trong chính quyền thực sự có
yêu nước, nhưng khác với trước, những người trong và ngoài nhà nước
Việt Nam hiện nay đã không ngại lên tiếng nữa, vì họ thấy rõ sự cần
thiết của những cải cách.
Đến bây giờ vẫn còn một khoảng cách quá lớn giữa những người đang
đòi cải cách và những người chưa muốn thay đổi gì cả. Chúng ta thấy tình
hình này rất rõ trong ngày mà Quốc hội thông qua Hiến pháp với một tỷ
lệ mà chúng ta chỉ thường thấy ở những nước như Bắc Triều Tiên.
Theo tôi, một trong những trở ngại cơ bản nhất mà Việt Nam phải đối
phó trong năm tới là làm cho chính quyền suy nghĩ một cách khác về những
người trong và ngoài Nnhà nước đang đòi cải cách.
Thay vì thấy những người này là thù địch, hãy nhận ra những người
này là những người yêu nước, những người có thể góp phần mạnh mẽ vào sự
phát triển của đất nước Việt Nam. Vâng, ở cuối năm 2013 Việt Nam vẫn có
chế độ độc đảng. Nhưng, trong năm 2013, tôi thấy Việt Nam đã thành một
nước đa nguyên hơn nhiều về mặt văn hóa chính trị
Vâng, chúng ta không nên phóng đại việc này. Nhưng chúng ta cũng nên
nhìn rõ sự quan trọng của những tiến bộ rõ nét này và theo dõi sự phát
triển của nó trong thời gian tới.
Trong năm tới, tôi ước rằng toàn dân Việt Nam sẽ tiếp tục tiến tới
một xã hội cởi mở hơn. Muốn như thế, phải chấm dứt hành vi đàn áp mọi
kiểu và khuyến khích sự phát triển của một nước văn minh hơn, một nước
mà trong đó người dân mọi tầng lớp đều được tham gia vào đời sống chính
trị xã hội của đất nước ».
Nguồn: RFI tiếng Việt
[*] Bài viết có chút nhầm lẫn. Diễn đàn Xã Hội Dân sự không phải ra đời “trong tháng 11“, mà là từ ngày 23/9/2013, qua bản TUYÊN BỐ Về thực thi quyền Dân sự và Chính trị.