Viết Từ Sài Gòn
Một cảnh sát vũ trang canh gác cạnh bức chân
dung của cố chủ tịch Hồ Chí Minh, bên ngoài địa điểm tổ chức Đại hội
toàn quốc lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 17/1/2011, ảnh minh
họa.
Khi con thú trở nên yếu đuối, hành động nó chọn thường nhật là tấn
công bất kì con vật nào đến gần, vì làm như thế, nó sẽ thấy an toàn,
tính mạng bớt bị đe dọa… Còn con người, mà nói xa hơn một chút là chế độ
chính trị do con người thiết lập ra, suy cho cùng, nó cũng có sinh mệnh
tập thể của nó, và một khi tự thấy mình trở nên yếu đuối, què quặt, lựa
chọn của nó cũng đầy tính bản năng. Ở những thể chế độc tài, lựa chọn
hành động của chúng có khi còn tệ hơn cả cầm thú.
Theo tin một số báo trong và ngoài nước: Việt Nam vừa ra nghị định,
nói rằng, từ ngày 1 tháng Hai năm 2014, người thi hành công vụ có quyền
bắn người chống đối cán bộ làm nhiệm vụ. Nghị định này là kết quả của
luật đã được ban hành trước đây, nay có vẻ được thúc đẩy thi hành.
Nghị định có nội dung rằng, người thi hành công vụ được sử dụng vũ
lực, công cụ hỗ trợ để phòng vệ, khống chế, bắt giữ người chống đối.
Biện pháp đặc biệt được áp dụng là cho phép nổ súng.
Một pháp lệnh của Quốc Hội CSVN ban hành hồi năm 2011 quy định “quản
lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”, nêu ra các điều kiện
và trường hợp để “người thi hành công vụ” được phép “sử dụng công cụ hỗ
trợ khi ngăn chặn người đang có hành vi đe doạ trực tiếp đến tính mạng,
sức khoẻ của người khác, bắt giữ người theo quy định của pháp luật,
thực hiện phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật”.
Đến tháng ba năm nay, người ta thấy Bộ Công an loan báo “đề xuất, nếu
thấy hành vi chống đối sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức
khỏe, tài sản cho mình hoặc người khác, cán bộ thi hành công vụ thì
“được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm...”
Bây giờ, nhà cầm quyền Hà Nội vừa ra nghị định mang số 208/2013/CP-NĐ
ban hành ngày 17/12/2013 cho quyền các loại lực lượng võ trang của chế
độ, đặc biệt là Công an Cảnh sát bắn người dân. Tuy nói rằng họ chỉ được
phép nổ súng trong các trường hợp “cần thiết”, “cấp bách” và căn cứ
“tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể”.
Từng có nhiều tranh luận sôi nổi trên báo chí ở Việt Nam về các lệnh
nói trên của nhà cầm quyền, đặc biệt là những âu lo về những kẻ “bảo vệ
pháp luật” nhưng lạm dụng võ khí để bắn người bừa bãi mà không bị truy
cứu trách nhiệm giết người.
Đã có rất nhiều vụ công an lạm dụng quyền hạn đã bắn người bừa bãi dù
người ta không có hành vi đe dọa tính mạng hay nguy hiểm gì cho ai.
Nghị định này gây nên nhiều quan ngại. Trong thời gian qua, công an
Việt Nam liên tục bị tai tiếng trong nhiều vụ vô cớ bắt người, đánh
người, trong nhiều trường hợp dẫn đến tử vong.
Từ đầu năm 2013 đến nay, ít nhất đã có 10 người chết trong đồn công
an sau khi họ bị bắt giữ và bị tra tấn. Nạn nhân mới nhất là Y beo Ksor
đã chết dọc đường khi được đưa từ nhà giam của Công an tỉnh Đắc Lắc đến
bệnh viện đa khoa của tỉnh ngày 14/12/2013 vừa qua.
Và cái nghị định đầy sát khí, mỗi con chữ của nó đều tanh tưởi mùi
máu này nói lên điều gì? Nó cho thấy nhà nước Cộng sản Việt nam đã thật
sự sợ hãi! Vì sao nói rằng nhà nước Cộng sản Việt Nam sợ hãi? Và vì sao
để giải quyết sợ hãi, phải nổ súng?
Ở phần câu hỏi vì sao nói rằng nhà nước Cộng sản Việt Nam sợ hãi, có
lẽ không cần phân tích gì nhiều cũng dễ dàng nhận ra nguyên nhân sợ hãi
của họ. Bởi lẽ, xét về cục diện chung của thế giới, họ đã quá lạc hậu,
kiểu hành xử man rợ về an ninh xã hội, tham lam, tàn ác về mặt kinh tế
và bầy hầy về mặt văn hóa của tập hợp quyền lực độc tài này đã làm cho
người dân hoàn toàn thất vọng, mất hẳn niềm tin vào họ.
Đặc biệt, kiểu quản lý chèn ép theo qui luật cá lớn nuốt cá bé để
cướp trắng tài sản, đất đai của nhân dân cộng với hàng hàng lớp lớp quan
chức Cộng sản đè đầu cưỡi cổ, sống phè phỡn trên nỗi thống khổ của nhân
dân đã vô hình trung tạo ra nhiều thế hệ dân oan Việt Nam. Và với kiểu
giáo dục nhồi sọ chính trị, tẩy não trí thức của họ đã làm cho phần đông
trí thức phản tỉnh, suy tư về vấn đề dân chủ, về con đường và tương lai
của dân tộc… Tất cả những biểu hiện và hiện tượng trong nhân dân đều
cho ra một hệ quả khó tránh: Nhà nước ộng sản Việt Nam phải sụp đổ trong
một ngày rất gần!
Và một khi thấy trước nguy cơ sụp đổ nhưng không thể cứu vãn được
tình thế, máu côn đồ, máu độc tài sẽ trổi dậy để duy trì quyền lực,
quyền lợi phe nhóm. Những biểu hiện trong mười năm trở lại đây từ việc
bắt người vô cớ rồi đánh chết trong quá trình tạm giam, nhân viên dân
phòng hành hung người lao động không ngoại trừ phụ nữ và trẻ em, các
nhóm công an tấn công người biểu tình ôn hòa chống bành trướng Trung
Cộng, bắt nhốt các blogger, các cây bút dân chủ, bắt nhốt những nhà đấu
tranh nhân quyền…
Tất cả các hành vi này đều xuất phát từ động cơ sợ hãi, mà nỗi sợ hãi
lớn nhất có tính phổ quát, chi phối toàn bộ hành vi của họ chính là: Sợ
dân chủ, sợ văn minh!
Và, vì sao sợ dân chủ, sợ văn minh, người ta phải sử dụng đến súng và
bạo lực? Câu hỏi này mới nghe tưởng là thừa và ngớ ngẩn, đó là qui
luật, cần gì bàn thêm! Nhưng không phải thế, có cả ngàn lẻ một phương
thức để điều chỉnh bộ máy quản lý cho thích hợp/thích nghi với điều kiện
tiến bộ xã hội mà không tốn bất kì viên đạn nào, không tốn bất kì giọt
máu nào của nhân dân cũng như không tổn hại đến bất kì sự tín nhiệm nào
(nếu có!)… Ở đây, nhà nước Cộng sản Việt Nam đã không chọn các phương
thức tối ưu, họ đã chọn ngay phương pháp bạo hành và man rợ. Vì sao?
Vì ngay từ những ngày đầu thành lập, họ đã chọn con đường bạo động và
cướp bóc. Cuộc nổi dậy đầu tiên của đảng Cộng sản là một cuộc cướp
chính quyền, sau đó là những thủ đoạn thanh trừng, giết hại hàng loạt
các đảng phái khác để đi đến độc quyền lãnh đạo miền Bắc. Rồi sau đó là
hàng loạt các cuộc thanh trừng giữa nội bộ trung ương đảng Cộng sản, mãi
đến những năm sau 30 tháng Tư 1975, mức độ và thủ đoạn trong thanh
trừng càng tàn ác gấp bội lần bởi nó hàm chứa cả yếu tố trả thù và sự
mặc cảm về văn hóa.
Bởi ngay từ đầu, sự nghiệp của đảng Cộng sản Việt Nam được đặt trên
nền tảng bạo lực nên càng về sau, tính bạo lực cũng như tập khí của họ
càng phát triển theo chiều hướng này. Và bạo lực cũng là sở trường, là
kim chỉ nam trong hành động lãnh đạo đất nước của họ.
Chính vì những yêu cầu lãnh đạo hàm chứa yếu tố bạo lực quá cao đã
dẫn đến một hệ thống “công bộc” hoạt động dựa trên nguyên tắc bạo lực,
không cần biết phải trái, đúng sai, pháp luật chỉ là cái vỏ bọc chứa bên
trong những hành vi khát máu… Khi hữu sự, người Cộng sản dùng ngay đến
sở trường (mà cũng là bản chất) của họ.
Thử đặt lại vấn đề, nếu không cho phép sử dụng bạo lực, không cho
phép đụng chạm đến phẩm hạnh của công dân và hàng loạt các chế tài được
đặt ra nhằm hạn chế vấn đề bạo lực, lúc này, công an sẽ làm được trò
trống gì? Và đặc biệt, nếu tuân thủ và hành động đúng pháp luật, các lực
lượng dân phòng tồn tại có ý nghĩa gì nữa hay không?
Câu trả lời là không, lực lượng dân phòng sẽ không làm được bất kì
việc gì, ngay cả việc hiểu về pháp luật họ cũng không làm được nốt. Bởi
vì với kiến thức nền của họ đã hỏng tận gốc, rất khó để đào tạo, và nếu
có đào tạo tốt chăng nữa thì cũng rất khó để mở mang trí tuệ cho họ, khả
năng tiếp thu họ đã bị chai lì vì bản năng bạo lực, cây gậy, nắm đấm đi
trước, suy nghĩ (nếu có) đến sau. Với lực lượng công an cũng vậy, chỉ
có bạo lực thì họ mới hoạt động trôi chảy, mới là công an Cộng sản!
Lần này, đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn đúng sở trường, bản chất của
họ, đó là trao cho công an quyền phát huy đến tận gốc bạo lực: Bắn!
Nhưng đó là lựa chọn của đảng Cộng sản. Còn lựa chọn của nhân dân thì
như thế nào? Cũng không lâu nữa đâu, chính nhân dân sẽ trả lời cho nhà
nước Cộng sản biết rằng lựa chọn của họ là đúng hay là sai lầm!
Viết từ Sài Gòn, 24-12-2013