Phạm Minh Hoàng
“Dạ chào thầy Hoàng! Con là Ngô Minh Tâm, con đang học tại Bách khoa Thành phố (HCM). Con là con của Ngô Hào, người mới bị tuyên 15 năm tù giam đây ạ!”
Đó là những giòng chữ mà em đã gởi kết bạn với tôi trên facebook vào
một ngày của tháng 10/2013. Tôi không thể nào quên vì tôi không hề nghĩ
sẽ có ngày gặp con của Ngô Hào, nhất nữa đó lại là một sinh viên trường
cũ của mình. Thầy trò hẹn nhau ngoài quán cóc. Trong vòng 10 phút, Tâm
đã phác họa cho tôi những nét chính về người cha của mình vừa bị kết án
15 năm trong phiên sơ thẩm đầu tháng 10/2013, về người mẹ của mình đang
bị ung thư vòm hầu, mất khả năng lao động và đang chạy chữa vô cùng tốn
kém, về người em của mình phải bỏ học để chăm sóc mẹ và nhờ tôi giúp đỡ.
Thú thật, cho dù ít có dịp tiếp xúc với gia đình các tù nhân chính trị
nhưng tôi đã tức khắc cảm nhận được một ngọn núi của những khó khăn
trước mặt. Nhưng chúng tôi đã cùng nhau bài luận về kế hoạch vận động từ
trong lẫn ngoài nước, từ ngoại giao đến nhân đạo để đấu tranh cho ông.
Khi thấy tôi băn khoăn về đời sống, sinh hoạt gia đình, em nói:
- Con nói thật là gia đình đang khó khăn nhưng ưu tiên của con là cho ba.
Nói xong câu ấy là em vội lên xe để đi dạy thêm, chắt bóp từng đồng
để tiếp tục gánh nặng gia đình. Trước khi rồ ga, em quay lại:
- Trưa nay em chưa ăn thầy ạ!
Thời gian trôi qua, những nỗ lực vận động đã bắt đầu nhưng tôi cảm
nhận tất cả tiến hành cực kỳ chậm chạp trong khi phiên phúc thẩm đang
đến rất gần. Ngày 23/12, tòa án Phú Yên tuyên y án 15 năm cho ông Ngô
Hào trong một phiên tòa chỉ kéo dài hơn tiếng rưỡi. Đến chiều ngày hôm
ấy, trong không khí tưng bừng náo nhiệt đón Giáng sinh, người ta lần đầu
tiên nghe được tiếng gào khóc của vợ ông, của mẹ Minh Tâm.
Em gặp lại tôi vài ngày sau đó, nét mặt và giọng nói của em có phần căng thẳng hơn nhưng giờ lại có chút bình thản, cương nghị:
- Họ chỉ cho ba trả lời Có hoặc Không. Mỗi lần ba định nói gì thêm
đều bị từ chối. Trong suốt phiên tòa mẹ con phát bệnh tưởng ngất xỉu.
Chỉ có ba mẹ con nhưng họ huy động hơn 50 công an sắc phục chưa kể công
an chìm và nhân viên tòa án. Ban đầu con cố giữ thái độ lịch sự, gọi chú
xưng cháu với họ, nhưng riết rồi không chịu được nên đã phải chỉ thẳng
vào mặt họ mà chửi.
Tôi chỉ biết an ủi em với những từ ngữ mình có trong đầu và khuyên em
giữ bình tĩnh để tiếp tục sống với mẹ và em trai, đối phó với nghịch
cảnh cũng như hoàn tất học trình kỹ sư một cách tốt đẹp.
- Trước phiên phúc thẩm, công an đã vào trường làm việc với con có lẽ
với mục đích nhắc nhở con chớ manh động, liên hệ với các “phần tử xấu”.
Nhưng con trả lời là những gì con làm cho ba là rất bình thường và
không có gì sai trái cả. Sau cùng ông công an này (hình như cấp bậc đại
tá) đã dọa rằng: ”Chỉ cần một lá thư của tôi là em sẽ ra trường sớm” (ý
nói là đuổi học).
Vài ngày sau phiên phúc thẩm, lá thư gởi cho ba của em đã làm nhiều
người phải chẩy nước mắt. Phóng viên Ca Dao của đài RFA đã viết rằng: "...
Trở về căn nhà dột nát, người con trai trưởng gói trọn những dòng nước
mắt của Mẹ, những uất ức của em vào những con chữ trong lá thư gửi cho
Cha. Lá thư sẽ không bao giờ đến được tay người nhận. Nhưng hàng chục
ngàn người khác đã thay người Cha đọc lá thư này..."
* * *
Cũng qua mạng xã hội mà tôi cũng đã làm quen được với Phương Thảo,
con gái lớn của nhà giáo Đinh Đăng Định, bị kết án 6 năm tù theo điều 88
bộ Luật hình sự. Bố Định bị bắt khi ông viết bài phải đối dự án bô-xít
cũng như bày tỏ suy nghĩ của mình qua các cuộc phỏng vấn. Điều cần nói
là ông bị bắt ở Dak Nông và nơi ông ở chỉ cách nhà máy khai thác bô-xít
Nhân Cơ khoảng 10 cây số, nghĩa là một nơi tương đối thưa vắng. Điều này
đưa đến nhận định là cộng sản muốn triệt tiêu ngay trong trứng nước mọi
ý kiến trái chiều đặc biệt là ở những nơi dư luận ít quan tâm tới hoặc
những nơi “nhậy cảm”. Thảo lớn hơn Tâm 4 tuổi, tốt nghiệp khoa Toán-Tin
Đại Học Khoa Học Tự Nhiên. Theo Thảo, thì dù cho chỉ còn 4 năm tù nhưng
chưa chắc bố còn sống được đến lúc ấy vì dạ dày đã bị cắt ¾, hiện đang
điều trị tại bệnh viện 30/4 và các bác sĩ đang chuẩn bị bước vào giai
đoạn hóa trị. Trong những lúc thập tử nhất sinh như thế nhưng thầy Định
vẫn giữ một niềm lạc quan khó có thể ngờ. Thảo nói:
- Bố con bảo, nếu mà bố con có thể sống sót và được về, thì nhất định
sẽ gặp mọi người. Con nghĩ thầy và bố con khi đàm đạo sẽ rất hợp, vì
đều là nhà giáo, lại cùng chung lý tưởng.
Đầu tháng 12/2013, Thảo cùng mẹ lặn lội ra Hà Nội đến gõ cửa 6 tòa
đại sứ để vận động cho bố. Gia đình đang nỗ lực vận động mọi nơi để miễn
thi hành án cho bố vì lý do sức khỏe. Thảo kể :“Nhiều nhân viên đã
không cầm được nước mắt khi con kể lại tình trạng của bố. Họ đã hỏi han
rất nhiều và lo lắng rằng những can thiệp này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến
gia đình. Nhưng con và mẹ vẫn kiên quyết vận động đến cùng”.
Và chỉ trong vòng trên dưới 10 ngày, các đại sứ quán tại Hà Nội đã
cùng nhau kiến nghị lên nhà cầm quyền VN miễn thi hành án để thầy Định
được sống với gia đình trong tình trạng sức khỏe như hiện thời. Đến nay
chưa có động tĩnh gì nhưng Thảo và gia đình vẫn giữ niềm lạc quan.
* * *
Minh Tâm và Phương Thảo không phải là học trò của tôi nhưng cả hai em
đều là sinh viên của Đại Học Quốc Gia TPHCM, đại học hàng đầu của miền
Nam và là nơi mà tôi đã gắn bó trên 10 năm trước khi đi tù. Tâm là học
sinh giỏi nhiều năm liền của trường chuyên Lương Văn Chánh ở Tuy Hòa,
Phú Yên và đậu vào khoa Cơ Khí, ĐH Bách Khoa với điểm khá cao. Thảo là
con gái nhưng dám vào học khoa Toán Tin, vốn vẫn là đất của đám con
trai. Nói chung cả hai em đều là những học sinh và sinh viên giỏi và nếu
không có gì xảy ra thì mở ra cho các em trước mặt là một tương lai tươi
sáng.
Nhưng “đã có gì” xảy ra!
Cha của các em đã chọn một con đường chông gai và đầy gian khổ, là
đấu tranh để xây dựng một nước Việt Nam thực sự tự do, dân chủ và nhân
quyền và hiện đang hiện trong tình trạng tù đày. Một người còn phải ở 14
năm, người kia chỉ 4 năm nhưng có thể sẽ ít hơn, vì không biết còn sống
được không đến lúc mãn hạn. Gánh nặng để lại cho các em – là hai con
trưởng thực sự quá lớn – vì cả hai gia đình thực sự khó khăn và neo đơn.
Tuy nhiên hai người cha ấy không chỉ để lại gánh nặng, nhưng còn để lại một tấm gương.
- Con nghĩ trước tiên con sẽ ráng hết sức để săn sóc mẹ và cho em
trai cơ hội trở lại nhà trường. Tuy nhiên ngày hôm nay con đã tìm cho
mình một con đường. Ngô Minh Tâm đã nói như thế một tuần sau phiên tòa
phúc thẩm.
Tôi chỉ biết yên lặng nhìn sâu vào đôi mắt của em. Tôi không cần hỏi
thêm và em cũng không cần nói thêm. Từ hồi bị bắt đến nay đã gần hai năm
em chưa được gặp ba để nghe ba nói chuyện. “Ba giấu con hết mọi chuyện,
thậm chí ba còn đổi password trong tài khoản email mà con đã tạo cho ba
!”. Điều này có nghĩa là ông Ngô Hào đã dự đoán những khó khăn sẽ ập
lên đầu mình và ông không muốn các con liên lụy, và điều này cũng có
nghĩa là Tâm hoàn toàn chủ động và ý thức được con đường em đã chọn. Tôi
tự hỏi trong vài tháng nữa, ông Ngô Hào sẽ nghĩ sao khi con trai trưởng
của mình gặp và trải lòng ra cùng mình. Tôi bỗng nhớ đến Nguyễn Phi
Khanh.
Còn Thảo:
- Con có giấc mơ là sau này con sẽ đem sức lực và khả năng của mình để giúp đỡ cho những người bị áp bức.
- Con không sợ à?
- Thầy ơi, ngày xưa khi bố mới bị bắt, gia đình đã quá sợ hãi
nên bố con mới lâm vào tình cảnh này. Giờ bố con đang lâm
trọng bệnh, thời gian không còn nhiều nữa… Không được phép sợ
hãi nữa, thầy ạ.
- Nhưng làm thế nào con chia sẻ thời gian và công việc?
- Con sẽ dành trọn thời gian cho ước mơ của con.
Ba thầy trò chúng tôi nhìn nhau yên lặng.
Tôi thầm nghĩ ngày Tâm bước vào ngôi trường ĐH Bách Khoa thì cũng là
ngày tôi bước vào trại giam B34. Ngày tôi ngưng dạy ở ĐH Khoa Học Tự
Nhiên thì cũng là ngày Thảo bắt đầu cuộc đời sinh viên ở đây. Toàn ngược
đường cả.
Nhưng ngày hôm nay hoàn cảnh đất nước đã đẩy đưa chúng tôi ngồi lại gần nhau.
Và bên cạnh chúng tôi còn rất nhiều người nữa. Tôi chắc chắn là như thế.
Sàigòn, 31/12/2013
Phạm Minh Hoàng
Phạm Minh Hoàng