Mẹ Nấm
Trở thành người được uỷ quyền trong vụ án “Khiếu kiện Quyết định
hành chính về việc cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất” do ông
Phạm Khắc Mẫn khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm tôi sẽ đặt mình vào
vị trí của một người dân oan vào ngày mai, ngày 30/12/2013.
Ông nông dân tên Mẫn tìm gặp tôi năm 2012 lúc thông tin về vụ án gia đình Đoàn Văn Vươn đang tràn ngập trên mặt báo.
Để thực hiện dự án du lịch sinh thái Bãi Dông, do Công ty Cổ phần
Phát triển Du lịch Cam Ranh là chủ đầu tư, tháng 10/2008, UBND huyện Cam
Lâm đã ban hành các quyết định thu hồi đất của nhiều hộ dân trong đó có
hộ gia đình ông Phạm Khắc Mẫn tại thôn Cù Hin, xã Cam Hải Đông. Diện
tích đất bị thu hồi của ông Mẫn là 10.122,7m2 đất rừng trồng sản xuất,
nuôi thuỷ sản, mức bồi thường tài sản trên đất là 15.965.712 đồng. Thử
làm phép chia bạn sẽ thấy một m2 đất được đền bù khoảng 1.578đ (Một ngàn
năm trăm bảy mươi tám đồng).
Ông Phạm Khắc Mẫn đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng để khiếu nại sự việc này.
Hơn 1 tháng sau, ngày 5/12/2008 ông Nguyễn Xuân Hà – Chủ tịch UBND
huyện Cam Lâm tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất số
1719/QĐ-CC.
Bị cưỡng chế thu hồi đất với mức đền bù không thoả đáng, ông Phạm
Khắc Mẫn đã gửi đơn kiện ông Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm và đề nghị huỷ
bỏ quyết định cưỡng chế 1719/QĐ-CC.
Hơn một năm trời kiên trì ròng rã vượt qua các thủ tục hành chính, vụ
án đã được đưa ra xét xử sơ thẩm ở Toà án nhân dân huyện Cam Lâm vào
cuối hồi tháng 9/2013. Tại phiên toà, đại diện của UBND huyện Cam Lâm
bất ngờ công bố rằng UBND huyện đã ban hành Quyết định số 1192/ QĐ-UBND
để bãi bỏ quyết định cưỡng chế số 1719/QĐ-CC, ngày 5/12/2008 do ông
Nguyễn Xuân Hà (nguyên Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm) ban hành đối với hộ
ông Mẫn.
Kết quả: Toà án nhân dân huyện Cam Lâm đã “bác yêu cầu khởi kiện của
ông Phạm Khắc Mẫn” vì đối tượng bị khởi kiện là quyết định cưỡng chế
1719/QĐ-CC do ông Nguyễn Xuân Hà ban hành đã không còn tồn tại.
Mảnh đất đầy mồ hôi, và máu mà ông Mẫn nhọc nhằn đổ ra mưu sinh bị
cưỡng chế thu hồi lại để phục vụ cho dự án khu du lịch sinh thái Bãi
Dông của Công ty Cổ phần Phát triển Du lịch Cam Ranh với diện tích
10,122.70m2 được niêm yết đền bù lúc đầu với giá 7,455,040đ (Bảy triệu,
bốn trăm năm mươi lăm ngàn, không trăm, bốn mươi đồng) sau tăng lên
15.965.712đ nói lên điều gì?
Nhà nước không thể lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân trong
việc hoàn tất các thủ tục giấy tờ xác minh sở hữu đất để cướp đoạt tài
sản của họ với giá hỗ trợ đền bù rẻ mạt.
Nhà nước càng không thể tận dụng các kẻ hở của luật pháp để tuỳ tiện ban hành các quyết định nhằm che giấu sai phạm của mình.
Theo dòng trình tự các văn bản, các quyết định mà ông Phạm Khắc Mẫn
cung cấp tôi phát hiện ra việc thu hồi, cưỡng chế đất của UBND huyện Cam
Lâm được thực hiện rất bài bản, “đúng quy trình” như sau:
- Bước 1: ban hành các quyết định thu hồi đất (cụ thể ở đây là 1023/QĐ-UBND và 1024/QĐ-UBND ngày 14/10/2008).
- Bước 2: ban hành quyết định mới huỷ bỏ quyết định thu hồi đất cũ
(cụ thể ở đây là Quyết định số 703/ QĐ-UBND ngày 14/04/2009). Quyết định
này được ban hành trong nội bộ, không thông báo đến người dân, không ra
thêm quyết định thu hồi đất mới nào. Tình trạng đất lúc này đương nhiên
lại thuộc quyền quản lý của các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức.
- Bước 3: ban hành quyết định cưỡng chế nhà mặc dù đã huỷ bỏ quyết định thu hồi đất. (1719/QĐ-CC ngày 5/12/2008).
- Bước 4: ban hành quyết định huỷ quyết định cưỡng chế sau khi đã ủi sập nhà, lấy xong đất (1192/QĐ-UBND ngày 23/08/2013)
Pháp luật là để bảo vệ ai?
Khi nhà nước (ở đây đại diện là ông Chủ tịch UBND huyện) ra một quyết
định cưỡng chế sai xoá sổ một gia đình, đẩy người nông dân như ông Mẫn
vô tình cảnh mất nhà, mất đất, mất nơi làm ăn sinh sống, để rồi sau đó
khi bị khởi kiện, họ lẳng lặng ra một quyết định mới để huỷ bỏ cái quyết
định đập phá nhà người ta trước kia. Vậy là huề làng ư???
Để sửa sai cho một văn bản, UBND huyện đã giải quyết một cách rất tối
ưu bằng một quyết định mới nhằm vô hiệu hoá cái sai của mình?
Kết quả cuối cùng mà người dân phải gánh chịu đó là: đất vẫn mất, nhà đã bị giật sập. Khiếu kiện cái gì Uỷ ban ra quyết định huỷ cái đó xem con kiến còn kiện củ khoai được đến bao giờ.
Kết quả cuối cùng mà người dân phải gánh chịu đó là: đất vẫn mất, nhà đã bị giật sập. Khiếu kiện cái gì Uỷ ban ra quyết định huỷ cái đó xem con kiến còn kiện củ khoai được đến bao giờ.
Tôi đã hỏi ông Mẫn: “Chú thực sự muốn gì khi kiên trì đi qua bao khó
khăn trong vụ kiện này?” và ông trả lời: “Chú cần có sự công bằng”.
Cái sự cần của ông Mẫn tuy nhẹ tênh nhưng rõ ràng là rất khó, bởi
người ra cái quyết định cưỡng chế nhà ông năm xưa nay đã lên tới chức
Trưởng ban nội chính tỉnh Khánh Hoà – ông Nguyễn Xuân Hà.
Cái sự cần của ông Mẫn để đạt được chắc sẽ rất khó khăn khi mới đây
tôi và chú đến phòng Công chứng tỉnh để làm giấy uỷ quyền thì công chứng
viên ở đây đã từ chối với lý do “rất khó, kiện chính quyền chứ không
phải kiện cá nhân… và người đứng đầu chính quyền làm sai giống như trong
một nhà cha mẹ làm sai thì con cái phải bênh vực..”.
Tôi nói với ông Mẫn: “Con sẽ đi cùng chú để tìm kiếm công bằng trên
con đường này, dẫu biết là rất khó khăn, và có thể chúng ta sẽ lại thua
tiếp ở phiên phúc thẩm này. Nhưng khi chú đã để con được đến, được chứng
kiến thì nhất định con sẽ đem phần sự thật này đến với nhiều người
khác”.
Đường tìm đến công bằng xã hội của những người như ông Mẫn hẳn sẽ là
một con đường gian nan, nhưng tôi tin rằng dù kết quả có không như mong
đợi thì sẽ lại có rất nhiều người thấy rõ sự bất cập của hệ thống luật
pháp tại Việt Nam, và sự yếu thế không nơi trợ giúp của những người nông
dân để từ đó cùng liên kết lại để bảo vệ chính mình.
Tôi cũng tin rằng mọi tranh đấu cho sự thay đổi tốt đẹp hơn của một xã hội cần được bắt đầu từ sự tranh đấu cho từng con người.