Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Ra đi hay ở lại?

Alan Phan

“Bạn có con đường của bạn. Tôi có con đường của tôi. Còn con đường phải, con đường đúng, con đường duy nhất…nó không tồn tại. You have your way. I have my way. As for the right way, the correct way, and the only way, it does not exist.” ― Friedrich Nietzsche
Tôi vừa về lại Việt Nam. Sau một thời gian dài ở Âu Mỹ, mình phải tập thích ứng lại với môi trường nơi đây, dù thú vị nhưng khá khó khăn cho mọi giác quan.
Buổi sáng ngủ dậy không còn lười biếng nằm nghe chim hót trong khu vườn nhỏ thưởng lơ thơ vài cọng nắng sớm. Thay vào đó là những âm thanh chát chúa của xe tải, còi xe, tiếng gọi nhau của nhóm tài xế, nhân công phía dưới đường. Hai buổi sáng, một loa phóng thanh chạy qua nhà, ồn ào về một buổi đại nhạc hội cuối tuần.
Cũng như mọi thành phố khác nơi Âu Mỹ, buổi sáng Saigon là một dòng chảy xiết của đoàn người lên đường vội vã tìm kế mưu sinh, quay cuồng trong cối xay của tha nhân và cơ chế. Cái khác biệt là một tư duy hơi rối loạn nơi đây, những hụt hẫng lo ngại về một tương lai không thể dự đoán. Nhưng tôi vẫn cười vỗ vai các bạn trẻ,” Hãy bình tâm. Tài sản lớn nhất của bạn vẫn là thời gian. Hãy chuẩn bị cho những gì sẽ đến, tốt hay xấu, lành hay dữ”.
Câu hỏi thường gặp trong những bắt tay chào hỏi ở các quán cà phê hay ngoài đường phố là,” Bác nghĩ thế nào về kinh tế VN trong 5 năm tới?”; “Bác khuyên cháu nên tìm đường ra đi hay bám trụ tại đây để chờ cơ hội/”…

Lại chuyện kinh tế vĩ mô
Về kinh tế, tôi nói đi nói lại nhiều lần là không thể có một dự đoán chuẩn xác nào khi các số liệu dùng trong phân tích gần như hoàn toàn bố láo. Tuy nhiên, vài hiện tương có thể giúp nhận rõ xu hướng chung của kinh tế Việt Nam trong 5 năm sắp đến. Phân khúc FDI (đầu tư nước ngoài) sẽ tăng trưởng mạnh, và các công ty FDI sẽ tạo một khoảng cách càng ngày càng xa với các doanh nghiệp nội. TPP (Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương) có thể được Quốc hội Mỹ phê chuẩn vào cuối 2014, gây thêm nhiều cơ hội cho ngành may mặc, giầy dép, nội thất…Tuy nhiên, ở mặt trái, TPP sẽ đòi hỏi những điều chỉnh đáng kể cho các ngành nghề khác, và nếu doanh nghiệp nội không sẵn sàng, các công ty FDI sẽ lợi dụng TPP để tiếp tục hưởng lợi nhiều nhất.
Hai cơ hội trên có thể bị trật đường rầy vì hai yếu tố căn bản khác thể hiện hai rào cản khá lớn cho sự phát triển của một nền kinh tế thuần Việt. Thứ nhất là sự can thiệp thường trực của các định chế chánh phủ và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để bảo đảm vai trò chủ đạo kinh tế quốc gia. Đây là một gánh nặng mà ngay cả Tập Cận Bình cũng không giải quyết được khi tha thiết muốn cải tổ kinh tế Trung Quốc.
Thứ hai là tổng số lượng nợ xấu, nợ công và nợ DNNN. Tôi nghĩ ngay cả các chuyên gia hoạch định kinh tế quốc gia cũng không biết rõ con số này. Ước tính từ bên ngoài đưa ra một biên độ từ 150 tỷ USD đến 200 tỷ USD. Con số nào thì cũng nằm trong “top ten” của thế giới. Và mọi giải pháp cần một khoàng thời gian hơn 10 năm.
Vẫn là những yếu tố cá nhân
Tuy nhiên, tôi luôn tin rằng kinh tế vĩ mô ảnh hưởng rất ít đến những cơ hội tiềm tàng cho mỗi cá nhân. Đơn giản vì đây là một nền kinh tế “chưa cất cánh” và khi bắt đầu dưới đáy, con đường trước mặt chỉ có hướng đi lên. Sau khi ngủ đông suốt 75 năm, những năm vừa qua là khi Việt Nam thức giấc. Rất nhiều kỳ vọng từ người dân cũng như các nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, sau vài năm bon chen tranh đấu, với quá nhiều lỗi lầm và một tư duy đầy ảo tưởng, con rồng Việt bị vấp té và có lẽ đang muốn quay ra ngủ tiếp thêm vài thập kỷ?
Khi nói đến yếu tố cá nhân, chúng ta phải công nhận sự đặc thù của từng trường hợp. Nhưng theo tôi, các thành phần sau đây có lẽ nên bám trụ để rút tỉa mọi quyền lộc đang được phân chia. Thu tóm cho nhiều vì có lẽ đây là những chuyến tàu chót từ một “bonanza” của thế kỷ.
Việt Nam đang là một thiên đường cho các “con ông cháu cha”, các “thái tử đen đỏ”, các “dại gia sân sau” của thế lực chính trị vì đây là một nền kinh tế dựa trên “quan hệ”. Khi sử dụng cả cơ chế để làm lợi thế cạnh tranh, thì ngay cả những công ty đa quốc bài bản nhất cũng phải chào thua.
Thứ hai là các cá nhân hay doanh nghiệp làm việc hay gia công cho khu vực FDI. Họ sẽ an tâm với sự tăng trưởng hàng năm của khu vực này. Một lợi điểm khác là sự học hỏi các kỹ năng, kinh nghiệm và quan hệ quốc tế từ các công ty FDI. Tôi luôn tin rằng đây là một quy trình đáng giá hơn cả các bằng cấp cao nhất từ những đại học đẳng cấp.
Sau cùng, trong suy thoái, các doanh nhân có thể khám phá ra nhiều giải pháp sáng tạo và cùng lúc, họ sẽ lĩnh hội một tinh thần năng động để tiếp tục bước tới. Huấn luyện dưới những điều kiện khắt khe đòi hỏi một kỷ luật trong kiên nhẫn và chắc chắn sẽ trở thành một kỹ năng cần thiết cho những cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Dĩ nhiên có những bạn chọn cho mình một giải pháp nhẹ nhàng hơn. Ngay cả Tôn Tử cũng nhắc nhở là “tam thập lục kế vĩ đào di thượng”. Trong đời tôi, xấu hổ mà nói, tôi cũng đã nhiều lần bỏ chạy để bảo tồn sinh lực cho các trận đấu kế tiếp. Thực ra, chỉ có mình mới biết tính toán rõ rệt hết mọi tình thế để ra quyết định sau cùng.
Tôi không phải là anh hùng, siêu nhân hay bậc đại trí đại dũng nên tầm nhìn của tôi thường bị giới hạn, không như các đỉnh cao. Nhưng tôi hiểu một điều: quyết định nào của tôi cũng là một thể hiện tự do trong tư duy cá nhân dù nhiều khi bị rất nhiều ngăn trở và sai lầm. Phải can đảm vượt qua để sống đích thực với con người của mình.
Alan Phan

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"