Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Lê Thăng Long không phải như người ta tưởng.


 Nguyễn Ngọc Già

Anh Long thân mến!

Tôi không nghĩ tôi quá lời và chắc anh cũng không cho rằng tôi khách sáo khi tôi dùng chữ "thân mến", phải không Long? Dù hơi lâu, tôi không viết thư cho anh, nhưng tôi biết anh hiểu và chưa bao giờ phiền trách tôi.

Nhân đây, tôi cũng mạn phép anh để nói với độc giả câu chuyện nhỏ giữa anh và tôi, khi nhớ lại việc tôi ủng hộ Phong Trào Con Đường Việt Nam, do anh - thay mặt anh Thức và anh Định - khởi xướng.

Từ ngày Long tự do cho đến sau này, anh luôn tâm niệm làm sao Thức có thể ra tù nhanh nhất. Tôi xin được làm chứng nhân cho điều này, trước tất cả độc giả có quan tâm đến nhóm Nghiên cứu Chấn nói riêng và tất cả tù nhân lương tâm nói chung. Không chỉ nghĩ đến tự do cho Thức, Long và CĐVN còn nghĩ đến tự do cho những tù nhân lương tâm khác. Một sự tự do có kế hoạch, có trật tự, không thể ôm đồm và ồ ạt. Công bằng cũng có tính tương đối của nó trong hoàn cảnh ngặt nghèo như Việt Nam đầy bất công.

Tôi và Long đã từng chia sẻ với nhau suy tư này nhiều lần, bằng nhiều cách diễn giải và phân tích khác nhau. Việc CĐVN phát hành sách về Thức là một trong các hành động thực tế để đưa tiếng nói đến với đồng bào trong và ngoài nước, cùng nhiều tổ chức trên thế giới. Nói chung, tất cả những nơi nào chúng tôi có thể nghĩ ra. Chúng tôi có cùng suy nghĩ: cần phải quốc tế hóa vấn đề tù nhân lương tâm bằng phương pháp ôn hòa, bởi không một ai còn chút niềm tin gì vào nền tư pháp hiện nay.

Trong đời tôi, có thể nói, tôi chưa từng có diễm phúc gặp một người bạn nào như Lê Thăng Long: một người bạn chí tình, chí nghĩa, trung thực và tốt bụng như anh. Tôi cho rằng: Thức và Định thật may mắn khi gặp một người bạn như thế, giữa Việt Nam hôm nay - có "bè" mà hầu như không có mấy ai có thể gọi là "bạn". Bởi đã gọi nhau là Bạn - như tôi được dạy từ tấm bé - một người chân tình, không bao giờ được phép đối xử bạc bẽo hay bỏ rơi người bạn của mình.

Nhiều lần trao đổi qua email (tôi không đưa số điện thoại cá nhân của mình cho Long, cũng như anh Trần Văn Huỳnh và cả 2 người cũng chưa bao giờ đề nghị điều này), ở Long - dù chịu hàm oan từ tù ngục cho đến những lời miệt thị khi anh khởi xướng Phong Trào Con Đường Việt Nam - không có suy nghĩ khinh ghét hay hận thù, đối với những gì mà chế độ này nhẫn tâm buộc anh nhận lãnh cùng miệng lưỡi thế gian quá sức cay nghiệt. Chúng tôi chỉ nói về việc giải thoát tù nhân lương tâm và những hướng đi của CĐVN làm sao ngày càng hiệu quả hơn và tiếp cận với quần chúng nhiều hơn. 

Trong anh, luôn thể hiện nỗi thao thức cho dân tộc, cho quê hương, dù anh biết tiếng nói của anh không được đánh giá cao từ dư luận. Long cũng chưa bao giờ xem việc này có ý nghĩa gì tác động làm anh yếm thế hay bi quan. Anh sống tự nhiên và có thể nói: Anh sống ung dung tự tại. Riêng tôi, dù chưa bao giờ nói với anh, trong suy nghĩ cá nhân, tôi ví anh như một "diễn viên phụ" nhưng là "diễn viên phụ xuất sắc nhất đoạt giải Oscar". Có thể so với Thức, với Định, Long là như thế. 

Long không "màu mè hoa lá hẹ", lên gân hay sính chữ trong cách diễn đạt suy nghĩ. Một "vai diễn phụ", nhưng gây ấn tượng mãnh liệt và làm người ta nhớ lâu hơn rất nhiều những "vai chính" đang đầy dãy trong xã hội hiện nay. Một "vai diễn phụ", nhưng thiếu Long, nhất định CĐVN không có những thành công ban đầu, dù nhỏ nhoi, trong gần 2 năm qua. Sự hy sinh - không cần hồi đáp bằng những lời hoa mỹ mà rỗng tuếch từ dư luận - của Lê Thăng Long xứng đáng nhận hai chữ: Cao Cả.

Việc Lê Thăng Long rời khỏi CĐVN có thoáng làm tôi ngạc nhiên một chút. Cũng xin mở ngoặc, CĐVN là một phong trào, không phải là một tổ chức như một số người hay nghĩ và thường gọi.

Những con người trong CĐVN, họ là người hiền lương và không có tham vọng quyền lực chính trị hay tranh giành vị trí, dù chỉ trong nội bộ CĐVN. Ít nhất với Lê Thăng Long, Nguyễn Công Huân và anh Trần Văn Huỳnh - những người mà tôi quen biết và có trao đổi công việc của CĐVN.

Vì không là một tổ chức nên không có nội quy, không có chế tài, tất cả đều dựa trên tự giác, tự nguyện bằng tấm lòng của họ. 

Làm người ai cũng thích tự do, phóng khoáng, ít ai chịu bó buộc trong khuôn khổ một tổ chức, đặc biệt tổ chức chính trị, càng khó khăn hơn nhiều. Thấy điều gì phải, điều gì tốt cho mọi người thì làm, nó như một rừng hoa mà không có nghệ nhân chăm sóc. Tôi đã từng nói với Long về điều này và khuyên anh cần phải hỏi ý kiến mọi người để tiến hành hay liên kết thành một tổ chức có nội quy, có tài chánh, có đường lối, có tôn chỉ nhất quán v.v... nói chung là một tổ chức quy củ để hoạt động hiệu quả hơn, nếu đa số mọi người không đồng ý thì cứ hãy là phong trào như thế và đừng nghĩ gì xa hơn những gì đã và đang làm. Bởi ngay cả khi Việt Nam có tự do dân chủ thật sự, CĐVN vẫn có thể tiếp tục tồn tại và còn đáng để tồn tại thêm 10 năm sau đó, với công việc mang đúng tính chất thiện nguyện như hiện nay họ đang làm bất vụ lợi.

Riêng anh Nguyễn Công Huân, đối với tôi, một người thích hợp với nghiên cứu, giảng dạy và các hoạt động dân sự hơn làm chính trị, dù là chính trị trong sạch. 

Có một số ý kiến lo ngại "lộ bí mật" "tổ chức" sau khi anh Long rời khỏi CĐVN, thì những người này có thể yên tâm về việc ĐCSVN khai thác Lê Thăng Long theo dạng ruồng bố và tóm gọn từ một "kẻ chiêu hồi" hay "tên mật thám". Do đó, bất kỳ độc giả nào đọc đến đây, tôi xin mạn phép nói rõ: bài viết này không dành cho ĐCSVN hay bất kể ai còn yêu quý ĐCSVN, cũng như những ai "nghi hoài" (không phải "hoài nghi") (!). Đơn giản, vì khái niệm "Chân - Thiện - Mỹ" gần như vô nghĩa với họ. Cứ hãy để cho những trí giả đó đắm mình bên trang sách cao siêu trên "Chuyến Tàu Băng Giá" [*]

Anh Long!

Việc anh muốn tham gia vào tổ chức ĐCSVN, tiếp tục làm một số người xỉa xói, chửi bới và mỉa mai.

Tôi buồn cười, vì từ Phong Trào Con Đường Việt Nam, anh là "loại rác rưởi", nay anh "lên" một "vị trí" "cao hơn": "hoang tưởng", "tâm thần", "trở cờ", "phản trắc" hay "nội gián", "gián điệp" gì gì đấy. Có người lại còn ban bố - với tư cách kẻ bề trên - cho anh cụm từ "ngây thơ". Tôi muốn nói đến cả cái nết xấu: chụp mũ vô bằng vô chứng, thói rất tệ mà họ ra rả chửi cộng sản, trong khi cứ tiếp tục hành xử như thế.

Thử đặt câu hỏi cho những người đang chỉ trích: Bao nhiêu phần trăm tin ĐCSVN kết nạp anh? Nếu câu trả lời thật sự từ "con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối", kết quả tại sao không phải là 1% hay 2% gì đó? Long có thể nhờ ngay trang Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự làm cuộc thăm dò này thử? Biết đâu kết quả không cần kinh ngạc như người ta đã không ngạc nhiên về vụ thông qua cái gọi là "hiến pháp mới" thì sao?

Tôi cũng tin Lê Thăng Long không vô đảng được, bởi điều lệ đảng cho biết cần 2 đảng viên giới thiệu và người muốn vào đảng phải "hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng" (khoản 2 điều 1 của điều lệ ĐCSVN). Hoàn cảnh anh Long thiếu hẳn cái khoản 2 điều 1. Vả lại, anh tìm đâu ra 2 ông (bà) đảng viên đủ "gan cóc tía" đứng ra giới thiệu anh? Lê Thanh Hải và Nguyễn Thị Quyết Tâm? Hay Nguyễn Văn Đua và Nguyễn Thị Thu Hà? Hoặc Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Nguyễn Thiện Nhân? Đừng nói với tôi anh sẽ nhờ Nguyễn Văn Hưởng và Trần Đại Quang hay Lê Hồng Anh nhé! Tôi tin anh đang cười và vô số độc giả cũng cười nốt. Chơi thôi mà! Sao nhiều người cứ gọi anh là "ngây thơ"? Anh "ác" lắm, nghen Long! 

Tôi thích ý nghĩ của anh: Hãy yêu thương và ôm hôn kẻ thù của mình. 

Tôi chờ những nội dung tiếp theo mà anh đã trả lời báo chí mấy hôm nay. Tôi tin anh, Lê Thăng Long - Một người luôn gây bất ngờ cho tôi. Và có thể cho rất nhiều người khác.

Hãy liên lạc với tôi nếu có gì cần trao đổi. Thời buổi công nghệ thông tin quả có khác. Chân lý mà tôi biết anh có: minh bạch, công khai - điều mà anh và tôi đã nói với nhau rất nhiều.

Nguyễn Ngọc Già
________________

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"