Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Phật tính và Nhân Quyền

Thục Quyên
Đức Thế Tôn vẫn thản nhiên tiếp tục bước đi, tự tại và vô úy:
- Này Angulimala! Ta đã dừng lại từ lâu rồi, chính anh mới là người chưa dừng lại.
"Dừng lại" là thanh gươm trí tuệ mỗi người con Phật được trao truyền để cắt đứt tham đắm, sân hận, khổ đau, cắt đứt con đường tạo tác những ác nghiệp. Mỗi khi thế giới chung quanh hỗn loạn kéo theo sự chao đảo trong tâm, thì điều đầu tiên người phật tử cần làm là dừng lại, đừng để bị tham, giận, tự ái lôi kéo gây phiền não, đổ vỡ, tạo nghiệp.
Người bước vào cửa nhà Thiền buổi đầu thường đã được dạy "phản quan tự kỷ", xem xét lại mình, từ thân thể tới nội tâm, để thấy rõ thân thể, nội tâm mình như thế nào.
Như vậy mới có cơ may không đánh mất mình, không bị những người khác, vật khác lôi kéo, sai xử.
Trong thời buổi đảo điên của đất nước, bạo quyền đè đầu cưỡi cổ bóc lột, dân chúng lầm than ai óan, có lẽ cũng đã đến thời điểm mà mọi người con Phật khắp nơi cần khẩn cấp phản quan tự kỷ.
Ta có biết sống sự bình đẳng và tự do tuyệt đối của con người không?
Đức Phật nói:
"Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành"

"Ta là bậc đạo sư chỉ cho mọi người con đường đi. Hãy tự thắp đuốc lên mà đi".
Từ hơn nửa thế kỷ trước dương lịch, Phật tính là khái niệm Nhân Phẩm đã được Đức Phật đưa ra và giảng dạy.
Phật nhận mình chỉ là người Thầy chỉ đường, là người tìm ra con đường, dẫn đầu đi trước và vì lòng thương, trao truyền kinh nghiệm cho kẻ đi sau để giúp đỡ. Một đạo giáo mà chính vị giáo chủ không tự xưng là một vị thánh thần đầy quyền uy thưởng phạt, lại công nhận có bình đẳng tuyệt đối giữa mọi người không ngoại lệ, nếu được những tín đồ hành trì với hiểu biết thì sẽ đóng góp một nền tảng luân lý vững chắc để xây dựng một xã hội tiến bộ, đạo đức cho mọi người.
Phật giáo không quan niệm mối liên hệ theo trục thẳng từ một đấng tối cao xuống con người, mà coi trọng mối liên hệ chiều ngang giữa người với người, rất gần gũi với khái niệm dân chủ.
Bài học Đức Phật dạy ngay từ đầu là con người có khả năng tự giải thóat, tự thắp đuốc lên mà đi, không chấp nhận bóng tối của cuộc sống nô lệ, bất kể nô lệ cho bạo quyền hay cho cái tham sân si của chính mình. Nhận là học trò của Đức Phật là sẵn sàng đón nhận lòng tin của Đức Phật vào con người là có khả năng tự đốt đuốc và tự gánh trách nhiệm, vững bước tới sự giải thóat, bắt đầu từ ngay bây giờ và ở đây.

Nhân phẩm và nhân quyền

Kinh sách Phật giáo, giống như các tôn giáo khác, không trực tiếp đề cập tới nội dung hay hình thức bảo vệ nhân quyền theo quan niệm hiện nay. Nhưng vì đặt căn bản vào Nhân phẩm nên những tư tưởng Phật giáo đóng góp một cơ sở lý thuyết vững chắc đưa đến những hành động thể hiện và bảo vệ Nhân Quyền.
Phật giáo đã phát triển như một sự trao truyền cách thức con người nên sống,với những hướng dẫn cho con người khi đối mặt với cuộc sống hàng ngày. Học Phật mà để cho những phần phô diễn thánh tích, lễ nghi rườm rà lôi kéo thì dễ trật vuột không nhìn thấy cốt tủy của tư tưởng và những nguyên tắc Phật giáo để áp dụng, và dễ lạc đường.
Nêu cao Nhân phẩm, Phật giáo đánh thức trong con người sự tự tin, tự chủ, tự trọng.
Khái niệm Vô ngã chỉ rõ sự mong manh, không bền chắc và luôn luôn biến đổi của cái tôi và những cái tửơng là của tôi. Từ đó phá tan bức tường thành ích kỷ, để dũng mãnh gánh vác trách nhiệm bản thân và xã hội.
Xuất phát từ khái niệm Phật tính, nhân cách con người được tôn trọng triệt để: trong Phật giáo quyền Sống, quyền Tự Do, quyền Bình Đẳng đều có một giá trị hiện thực.
Khái niệm duyên khởi chuyển đạt trong kinh Tạp A Hàm:
"Cái này có thì cái kia có. Khi cái này sinh khởi thì cái kia sinh khởi.
Khi cái này không có mặt thì cái kia không có mặt. Khi cái này chấm dứt thì cái kia chấm dứt"
cho thấy sự tương tức giữa mọi người mọi vật. Không ai trong chúng ta có thể tồn tại một cách biệt lập, riêng rẽ, cũng như những hành động của chúng ta cũng chẳng bao giờ hòan toàn biệt lập, riêng rẽ.
Hiểu rõ thuyết Duyên khởi sẽ đưa đến nhận xét vạn vật luôn thay đổi và nếu tin vào những trạng huống mà mình cho là tuyệt đối để chấp thủ chúng, thì sẽ đưa tới tổn thương và thất vọng. Nhìn được mọi trạng huống chỉ là những nấc bậc trong tiến trình thay đổi liên tục và tương quan, ta có thể bắt đầu thoát ra khỏi sự lệ thuộc trạng huống này và làm chủ tình thế.
Khi vạn vật luôn thay đổi, không một hệ thống xã hội nào là bất biến, không một quyền lực chính trị nào có thể tồn tại mãi mãi. Đạo Phật không những nhận định sự thay đổi mà còn xác định sự thay đổi rất cần thiết để có sự sống, có sự phát triển, nhờ đó mới dần tới được lý tưởng.
Nhưng muốn thành công, chính bản thân Phật giáo phải đào tạo được những con người có khả năng thực sự ứng dụng sự trao truyền của Đức Phật vào cuộc cuộc sống thực tế trong xã hội. Chùa to, tượng vàng, quyền uy, chức tước hay ngược lại lẩn tránh cầu an đều không phải là đối tượng của sự mong cầu. Người phật tử có vận dụng trí tuệ để quán sát và tích cực giải đáp những vấn đề của xã hội thì mới giúp được người bớt khổ, an vui và hạnh phúc.
Như vậy mới thực sự đóng góp hữu ích cho xã hội.

Ngọn lửa ảo vọng của độc quyền chân lý

Một hôm Đức Phật nói với tôn giả Kassapa:
Này tôn giả, nguyên do của khổ đau là vô minh, tức là nhận thức sai lầm về thực tại. Đời vô thường mà ta tưởng là thường, đó là vô minh. Thực tại không có tự ngã mà ta tưởng là có tự ngã, đó là vô minh. Từ vô minh, phát sinh ra tham vọng, giận hờn, sợ hãi, ganh ghét, và bao nhiêu đau khổ khác. Con đường giải thoát là con đường quán chiếu thực tại để thực chứng được tự tính vô thường, vô ngã và duyên sinh của vạn hữu.
Khả năng tự đốt đuốc để soi sáng con đường mình đi cũng có nghĩa là tự gánh trách nhiệm quyết định những hành động của mình. Quyết định luôn luôn tùy thuộc ở nhận thức về thực tại do đó nhận thức cần phải luôn được kiểm nghiệm và thực chứng.
Sự thực tuy là một, nhưng cách diễn bày thì nhiều, vì nhận thức đến từ những góc độ tri giác khác nhau, nên có sự phân biệt cái này đúng và cái kia sai. Điều quan trọng là nhận thức phải được kiểm nghiệm trong thực tại, và phải luôn mang dấu chứng của tam ấn vô thường, vô ngã và duyên sinh. Nhờ đó, sức mạnh của đạo Phật là không có thái độ độc quyền về chân lý, vì chính thái độ này là gốc rễ của độc tài và bạo động.

Đạo Phật đi vào cuộc đời

Nhân duyên sinh của Phật giáo rất thích hợp cho một chế độ dân chủ và khoa học.
Một quốc gia lấy vũ trụ quan duyên sinh làm bối cảnh thì có thể thực hiện một sự đoàn kết sâu rộng và có thể kiến tạo được một nền văn hóa quốc gia nhân bản, hướng thiện. Sống và thể hiện giáo lý chính là phương cách mạnh mẽ và vững chắc nhất cho người phật tử để tự giải thoát và giải thóat xã hội khỏi mọi đàn áp, kềm kẹp.
Trên con đường chung đi tới giải thoát, phật giáo đồ có thể cần một sự tổ chức để nâng đỡ lẫn nhau, vì có kẻ trước người sau, kẻ nhanh người chậm. Nhưng mọi tổ chức phật giáo đều có tính cách tương đối và phải luôn giữ nền tảng là sự bình đẳng và tự do.
Sự hiện diện của nhiều môn phái, giáo hội, là do những khác biệt tùy duyên theo khế cơ nhưng phải luôn giữ trọn khế lý. Nghĩa là tuy có vài hình thức khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh, tâm lý và thời điểm, nhưng phải luôn phù hợp với căn bản của Đạo Phật, không chống lại với giáo lý vô thường, vô ngã và duyên khởi.
Khi có sự khác biệt giữa hai môn phái, hai giáo hội hay hai người giảng pháp, chỉ cần qúan sát tính chất khế lý của môn phái hay giáo hội hay người giảng pháp đó để thấy thật giả.
Thí dụ, khi Đức Phật đã trao truyền một giáo lý mà theo đó không có sự tôn thờ một vị thánh thần đầy quyền uy thưởng phạt, mà đặt cốt tủy nơi trí tuệ và sự thực chứng của cá nhân, thì hẳn nhiên đạo Phật không thể là một đạo giáo của mê tín dị đoan, cúng bái, xin xỏ, hay nô lệ cho một người, một chủ nghĩa nào cả.
Hoặc khi có sự tranh chấp giữa hai môn phái, hai giáo hội hay hai người giảng pháp, người phật tử có tu tập không cần bị lôi cuộn vào trận địa của sai-đúng, chỉ cần quán sát ngôn từ đôi bên xử dụng cũng thấy rõ bên nào là bên thực sự đi với mình trên con đường của Phật pháp: kẻ thấm nhuần giáo lý vô thường, vô ngã và duyên khởi ắt không khăng khăng cố chấp và biết rằng:
Sử dụng lời nói từ tốn, thuận thảo và lịch sự đối với người khác thì có thể dập tắt được những oán kết. Nhẫn nhục được trong những trường hợp bực tức, làm như thế thì ganh ghét và hờn oán sẽ tự tiêu tan. Kiêu căng, sử dụng những lời ác độc để chửi mắng, lăng mạ và tỏ ý khinh miệt người khác, làm như thế thì sẽ gây thêm thù oán
(Kinh Pháp Cú, phẩm Ngôn ngữ)
Trong đạo Phật không có vì sợ một Đấng tối cao trừng phạt mà lạy lục xin tha tội, mà có bài kinh sám hối tự đọc với tất cả tâm trí của mình để hiểu "Tâm được tịnh rồi, tội liền tiêu". Sám hối là để thấy sự vô minh của mình, tội tiêu rồi là để dồn năng lượng trí tuệ chiếu vào mọi sự, nhận rõ được nguyên nhân, để biết cách và có thể dứt trừ khổ não.
Một phật tử đúng nghĩa đã thực chứng những điều dạy của giáo pháp có tự tin và tự trọng, và sẽ không còn bị một ai lung lạc nữa. Người phật tử hiểu đạo tường tận thì có hướng đi cụ thể, không hoang mang, lung lay, sợ sệt khi nghe người khác phê bình đánh phá con đường mình đi. Không a dua, tìm cầu, không mất tự chủ, không bị đảo điên, không cải đạo.
Biết sống sự bình đẳng, tự do tuyệt đối của con người.
Biết tự soi đuốc trí tuệ mà đi.
Vững chắc thảnh thơi cho mình và cho cả những người chung quanh.
Thục Quyên

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"