Ngô Đình Nhu
Dân Luận: Rất ít trí thức Việt Nam có tầm nhìn như thế này, và trong số những người lãnh đạo Việt Nam lại càng hiếm hơn. Cho đến nay có bao nhiêu người Việt đọc tác phẩm này của ông Ngô Đình Nhu?
Xem lại lịch sử của các công cuộc chinh phục của Tây phương, chúng ta
nhận thấy rằng khi bị tấn công, các dân tộc đều ý thức ngay tình thế
nghiêm trọng và sự cần thiết phải vận dụng lực lượng quốc gia để đương
đầu với một thử thách quyết định sự sống còn của tập thể. Bản năng sinh
tồn đã đánh thức ngay khả năng tự vệ đối với một vật ngoại lai toan xâm
nhập vào nội bộ cơ thể.
Nhiều loại phản ứng
Nhưng nếu ý thức nguy cơ và sự phản ứng tự vệ đều có như nhau, thì
trái lại, tính chất của sự phản ứng, cường độ của sự phản ứng, và hậu
quả của sự phản ứng khác nhau, tùy theo hoàn cảnh lịch sử, tùy theo khả
năng của người lãnh đạo trong các lúc quyết liệt ấy, tùy theo tinh thần
của dân chúng lúc bị tấn công, tùy theo phương tiện vận dụng được và tùy
theo trình độ dân trí của dân tộc lúc bị tấn công.
Cố nhiên là sự nghiệp và hành động của một dân tộc, mặc dầu do một số
người quyết định trong một thời gian nhất định, nhưng cũng do nhiều
hoàn cảnh và yếu tố chi phối.
Nhưng xét theo kết quả của sự phản ứng của từng dân tộc, chúng ta có
thể chia các nước đã phải đón chịu sự tấn công ghê gớm của Tây phương ra
làm bốn loại.
Trước hết có những dân tộc như dân tộc Nhật Bổn, phản ứng có hiệu
quả, chặn đứng được sự tấn công, bảo vệ được nền độc lập, và nắm được cơ
hội để tự cường lên đến mức ngang hàng với các cường quốc Âu Mỹ.
Kế đó những dân tộc như dân tộc Trung Hoa, phản ứng không có hiệu
quả, chiến bại trước sự tấn công, nhưng vì hoàn cảnh chính trị lúc bấy
giờ trong trường hợp của Trung Hoa và Thái Lan thì đúng là sự mâu thuẫn
giữa các cường quốc chinh phục nền độc lập tuy bị sứt mẻ, nhưng chủ
quyền vẫn được bảo tồn.
Tuy nhiên, nước nhà cũng bị đặt vào tình trạng bán thuộc địa, do đó
không tự cường nổi mà phải kéo dài tình trạng thấp kém để chờ cơ hội
mới.
Sau đó có những dân tộc như dân tộc Việt Nam và Nam Dương phản ứng
không hiệu quả, chiến bại trước sự tấn công, độc lập bị mất, chủ quyền
bị sụp đổ, nước nhà bị biến thành thuộc địa, thống trị bởi ngoại quốc.
Việc lỡ cơ hội đối với chúng ta chẳng những có nghĩa là kéo dài tình
trạng thấp kém lại còn mang ách nô lệ vào thân. Muốn nắm bắt cơ hội mới,
trước tiên chúng ta cần phải tranh giành độc lập.
Sau hết có những dân tộc như các bộ lạc Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Nam Mỹ,
phản ứng không hiệu quả, chiến bại trước sự tấn công, độc lập bị mất,
chủ quyền bị sụp đổ, nước nhà bị thôn tính và dân tộc bị đồng hóa.
Đối với các dân tộc sau này, vấn đề không còn nữa và trong lịch sử họ
chỉ còn để lại cái vết mỏng manh của một sự đi qua, đôi khi đánh dấu
bằng những phế tích của vài đền đài. Nếu ngày nay, chúng ta lấy làm may
mắn mà thấy rằng số phận ác nghiệt trên không phải là số phận của chúng
ta, thì chúng ta không nên quên rằng, nhân loại ngày nay còn xa lắm mới
tiến được đến mức để cho, đương nhiên, số phận ác nghiệt trên không phải
là số phận của những dân tộc nhỏ bé như dân tộc của chúng ta. Trong
trình độ tiến hóa của nhân loại ngày nay, sự một dân tộc nhỏ như chúng
ta tránh được hay không số phận khốn khổ ấy tùy thuộc ở sự nỗ lực tranh
đấu của chúng ta. Và chính điểm này sẽ đè nặng lên sự lựa chọn đường lối
của chúng ta sau này.
Phản ứng của Nhật Bản
Nước Nhật đã phản ứng như thế nào để đạt những kết quả mà chúng ta mục kích ngày nay?
Trước hết dân tộc Nhật có được cái vận may là trong thời kỳ mà vận
mạng của quốc gia Nhật, như của các quốc gia khác trong xã hội Đông Á,
như chỉ mành treo chuông việc mất còn chỉ trong ly tấc, được có một lớp
người lãnh đạo cực kỳ sáng suốt. Họ nhận thấy ngay con đường sáng của
dân tộc Những người này, trong một giai đoạn quyết liệt đã cởi bỏ được
cho quốc gia tính tự phụ cổ truyền, và có đủ can đảm nhìn các biến cố
với con mắt thiết thực. Nhờ vậy nên, trái với các quốc gia đồng thuyền
khác, khư khư quấn cả mình và đầu một cách mù quáng trong lớp áo kiêu
căng, quốc gia Nhật ý thức được ba điều tối quan trọng:
1.- Lực lượng xâm lăng hơn hẳn lực lượng kháng chiến quốc gia về kỹ thuật tổ chức và kỹ thuật võ trang.
2.- Muốn chống lại nổi lực lượng xâm lăng và lâm thời thắng họ, chỉ
có cách duy nhất là chế ngự được kỹ thuật tinh xảo của địch thủ.
3.- Mâu thuẫn nội bộ giữa các cường quốc trong mặt trận xâm lăng của
Tây phương là cơ hội duy nhất để bảo vệ nền độc lập và phát triển dân
tộc.
Óc sáng suốt và phi thường của những nhà lãnh đạo Nhật Bản lúc ấy đã
cấp thời tìm ra, ngay khi dân tộc gặp phải nguy cơ trên lần đầu tiên,
những biện pháp ứng phó duy nhất có hiệu quả mà như chúng ta đã thấy ở
trên, các nhà lãnh đạo Nga đã tìm ra và áp dụng sau nhiều thế kỷ chiến
đấu với các cường quốc Tây Âu.
Học kỹ thuật của địch thủ để thắng địch thủ, chế ngự kỹ thuật của địch thủ để thắng địch thủ.
Các sự kiện trên đây là nguồn gốc của cuộc cách mạng duy tân của Nhật
thời Minh Trị. Những kỹ thuật của Tây phương trong mọi lĩnh vực được
phân tích học hỏi và áp dụng triệt để. Nhu cầu cấp thời đã đặt ưu tiên
cho lĩnh vực quân sự và chính trị. Lề lối lãnh đạo cổ truyền theo chế độ
quân chủ chuyên chế của xã hội Đông Á đã nhường chỗ cho lý thuyết chính
trị của Tây phương. Quân đội tập hợp và võ trang theo thời xưa đã biến
thành một quân lực hùng hậu tổ chức võ trang theo Tây phương.
Sau đó các phương pháp sản xuất kinh tế được duy tân. Chuyên viên Tây
phương tấp nập, vì quyền lợi cá nhân quyến rũ và nhất là vì mâu thuẫn
chính trị giữa các cường quốc chinh phục.
Nhờ sáng suốt các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã nắm ngay được cơ hội. Một
trăm năm sau một cơ hội tương tự mới trở lại lần thứ nhì cho các dân tộc
bị chinh phục như dân tộc Việt Nam. Và nhờ nắm được cơ hội ngay lần đó
nên họ đã thành công trong công việc đưa dân tộc Nhật lên hàng tiến bộ
như chúng ta thấy ngày nay.
Và cố nhiên là những dân tộc nào lỡ cơ hội thứ nhắt, như trên đã
trình bày, đều còn nằm vào tình trạng như chúng ta ngày nay. Và cơ hội
thứ nhì sau Thế Giới Đại Chiến lần thứ hai, một trăm năm sau như chúng
ta sẽ thấy dưới đây. Và vấn đề hiện tại cho chúng ta là liệu lần này có
nắm lấy được cơ hội không?
Nước Nhật đã thành công trong công cuộc Tây phương hóa để chống lại
người Tây phương. Độc lập vẫn còn, chủ quyền vẫn nguyên, người Nhật cũng
như người Nga đã hoàn toàn chủ động công cuộc Tây phương hóa của họ. Vì
vậy cho nên, không lúc nào có sự gián đoạn trong việc diễn tiến của
lịch sử của họ. Điều này tối quan trọng như chúng ta sẽ thấy dưới đây.
Nói một cách đại khái, một nền văn minh là một toàn bộ gồm những giá
trị làm tiêu chuẩn trong các lĩnh vực của đời sống: kỹ thuật, chính trị,
văn hóa, xã hội và nghệ thuật.
Trong cái toàn bộ đó, các giá trị quân bình lẫn nhau gây nên một
trạng thái điều hòa. Nếu trạng thái điều hòa động tiến thì nền văn minh
đang hồi phát triển. Nếu trạng thái điều hòa tỉnh chỉ, nền văn minh đến
lúc suy đồi. Mất một yếu tố quân bình, hay bị một phần tử ngoại lai xâm
nhập, trạng thái điều hòa sẽ mất và nền văn minh liên hệ sẽ bị đặt vào
một tình trạng báo động nguy hiểm. Nếu những phần tử của xã hội liên hệ
không ý thức và phản ứng kịp thời, và mất chủ động con thuyền chung thì
nền văn minh sẽ sụp đổ và tan rã, các giá trị tiêu chuẩn đều bị phá sản.
Trái lại nếu những phần tử của xã hội liên hệ ý thức kịp thời nguy cơ
đưa đến và phản ứng hiệu quả, vẫn nắm được chủ động con thuyền, thì sẽ
chế ngự được các cuộc xáo động và đưa nền văn minh đến một trạng thái
điều hòa mới.
Tất cả các dân tộc như dân tộc Nhật, khi bị sự tấn công của Tây
phương, phản ứng hiệu quả bằng cách chế ngự kỹ thuật Tây phương để làm
khí giới chống lại Tây phương, đã thành công trong công cuộc bảo vệ độc
lập và phát triển dân tộc Nhưng kỹ thuật Tây phương là một vật ngoại lai
được nhập cảng vào trạng thái điều hòa của nền văn minh Nhật. Và vì vậy
cho nên sự thâu nhận kỹ thuật Tây phương làm mất trạng thái điều hòa
nói trên và gây cho xã hội Nhật nhiều chấn động đe dọa các giá trị tiêu
chuẩn cổ truyền. Nhưng giữa hai thái độ: một là bảo vệ sự tồn tại của
dân tộc với cái giá phải trả là chịu đựng những chấn động do một vật
ngoại lai gây nên, hai là bảo vệ sự thuần túy của trạng thái điều hòa
của nền văn minh cũ, việc lựa chọn không thành vấn đề. Bởi vì những
người muốn bảo vệ sự thuần túy của trạng thái điều hòa cũ chắc chắn là
sẽ không có phương tiện để làm việc đó, và như vậy chỉ dẫn dắt dân tộc
đến chỗ nô lệ và cùng khốn như dân tộc Việt Nam.
Trí sáng suốt của các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã dạy họ phải chọn thái
độ thứ nhất. Tuy nhiên mặc dù họ thành công trên một phương diện, phương
diện phát triển, nhưng họ phải đương đầu với các chấn động do một vật
ngoại lai là kỹ thuật Tây phương đã mang đến cho xã hội Nhật. Chúng ta
càng quan niệm rõ rệt hơn sự phá hoại của các chấn động trên nếu chúng
ta ý thức rằng kỹ thuật Tây phương không thể tách rời ra khỏi toàn bộ
nền văn minh Tây phương. Kỹ thuật Tây phương là một bộ phận của toàn bộ
trên. Nếu thâu nhận kỹ thuật Tây phương rồi, thì sớm muộn gì cũng phải
thâu nhận lối suy luận của Tây phương để chế ngự và phát triển kỹ thuật
kia. Thâu nhận lối suy luận của Tây phương thì lại lần hồi thâu nhận lối
sống của Tây phương, vân vân… Nghĩa là, tưởng rằng thâu nhận xong kỹ
thuật Tây phương để chống Tây Phương là rồi việc là một lỗi lầm lớn. Bởi
vì kỹ thuật Tây Phương mở cửa, nhưng sau kỹ thuật lần hồi các phần tử
của toàn bộ văn minh Tây phương sẽ lần lần do cửa đã mở xâm nhập. Và sự
thật thì chính là tất cả văn minh Tây phương chớ không riêng gì kỹ thuật
Tây phương đã gây cuộc chấn động trong trạng thái điều hòa của các xã
hội đã mở cửa đón kỹ thuật Tây phương để tìm đường sống.
Như vậy dù chúng ta có mở cửa hay không mở cửa để đón kỹ thuật Tây
phương vào, thì sớm muộn gì văn minh Tây phương cũng sẽ vào nội bộ ta mà
gây cuộc chấn động. Chỉ có khác một điều là, nếu chúng ta không mở cửa
thì chúng ta sẽ chết ngay dưới sự tấn công khốc liệt của các lực lượng
Tây phương, và chúng ta không còn chủ động được con thuyền của chúng ta
nữa, như trường hợp Việt Nam.
Nếu chúng ta mở cửa thì ít ra, mặc dầu tất cả sóng gió nhưng chúng ta
vẫn chủ động con thuyền của chúng ta để có thể đưa nó được đến một
trạng thái điều hòa mới. Đó là trường hợp của Nhật Bản, trong khi và sau
khi duy tân xã hội Nhật trải qua nhiều cuộc chấn động dữ dội mà ảnh
hưởng ngày nay vẫn còn.
Nếp sống mới nằm chồng lên nếp sống cũ, văn minh cũ đã hết tiến,
nhưng trạng thái điều hòa của văn minh mới vẫn chưa ổn định. Nhưng mặc
dấu tất cả khuyết điểm đó, mặc dầu tất cả các cuộc chấn động phát sinh
từ cuộc chiến đấu giữa hai nền văn minh, xã hội Nhật không bao giờ bị
gián đoạn trong sự lãnh đạo và lúc nào dân tộc Nhật cũng chủ động con
thuyền của họ. Chỉ một điều kiện này cũng đủ để bảo đảm cho tương lai.
Phản ứng Trung Hoa và Thái Lan
Nay nếu chúng ta so sánh trường hợp của Trung Hoa và Thái Lan với trường hợp Nhật Bản, các ý tưởng trên đây càng được xác nhận.
Trung Hoa và Thái Lan cũng bị sự tấn công của Tây phương như Nhật
Bản. Nhưng các nhà lãnh đạo lại lựa chọn thái độ thứ hai, như đã nói
trên kia, nghĩa là bảo vệ trạng thái điều hòa của nền văn minh cũ. Chỉ
nhờ mâu thuẫn chính trị giữa các cường quốc nên hai quốc gia trên, sau
khi chiến bại, không bị chinh phục, và biến làm thuộc địa như Việt Nam.
Tuy nhiên, chủ quyền đã sút mẻ, họ không còn hoàn toàn chủ động con
thuyền, không chủ động được công cuộc phát triển. Chính vì ý thức dùng
kỹ thuật Tây phương để chống Tây phương và lâm thời thắng Tây phương
chưa chín mùi trong não người lãnh đạo, nên cơ hội phát triển đã bỏ lỡ.
Các mâu thuẫn chính trị giữa các cường quốc Tây phương một khi đã
ngăn cản được sự chinh phục thật sự lãnh thổ của họ, không được lợi dụng
để phát triển dân tộc như ở Nhật.
Vì vậy mà dân tộc Trung Hoa và dân tộc Thái Lan vẫn nằm trong tình
trạng chậm tiến, cho đến ngày cơ hội thứ hai đưa đến, như ta đã thấy
trên kia. Ngày nay Trung Hoa đã nắm được cơ hội thứ hai và đang mạnh bạo
phát triển, Tây phương hóa theo kiểu Cộng Sản. Nhưng cho đến ngày giờ
này chưa có triệu chứng gì cho chúng ta thấy rằng Thái Lan đã nắm được
cơ hội.
Trở lại thời gian một trăm năm giữa hai cơ hội dân tộc Trung Hoa và
Thái Lan vẫn ở trong tình trạng bi đát của những nước bị biến thành bán
thuộc địa. Công cuộc Tây phương hóa, trong thời kỳ đó, hai quốc gia trên
không được tự ý mình đặt thành một công cuộc quốc gia, nhưng họ vẫn
không tránh được, vì không làm sao kháng cự nổi trước sự tấn công mãnh
liệt của kỹ thuật Tây phương.
Chỉ khác với trường hợp Nhật Bản ở chỗ là công cuộc Tây phương hóa
không được hướng dẫn và không được chủ động. Những cuộc duy tân hỗn loạn
càng mang đến những chấn động kinh khủng trong xã hội, mà lại không có
một cố gắng nào để chủ động con thuyền hầu đưa nó đến một trạng thái
điều hòa mới. Tất cả những xáo trộn trong xã hội Trung Hoa và Thái Lan
trong thời kỳ trên đều phát sinh từ các sự kiện trên đây. Duy chỉ có một
sự kiện còn ít nhiều khả năng thuyên giảm tính cách trầm trọng của tình
trạng trên, là chủ quyền trong hai quốc gia trên không hoàn toàn mất
nên xã hội của họ không bị tan rã và không hề bị gián đoạn trong sự lãnh
đạo. Vấn đề lãnh đạo quốc gia vẫn được chuyền tay nhau từ thế hệ trước
sang thế hệ sau.
Phản ứng của Việt Nam
Đối với Việt Nam sự kiện chót này lại cũng không có nữa. Vì vậy mà
tình trạng của Việt Nam trong thời kỳ qua và ngay bây giờ còn trầm trọng
hơn tình trạng của Trung Hoa và của Thái Lan nhiều.
Sau cuộc chiến bại, nước Việt Nam bị chiếm làm thuộc địa. Chủ quyền
bị mất hẳn, việc lèo lái con thuyền của chúng ta không còn ở trong tay
của chúng ta nữa. Và sự kiện ấy đã xảy ra, vì, trong một giai đoạn quyết
liệt của lịch sử dân tộc, chúng ta đã gặp phải một lớp người lãnh đạo
thiếu sáng suốt và thiếu thiết thực, kiêu căng và không thức thời, không
chịu phóng tầm mắt mà nhìn vào vấn đề thiết thực của dân tộc, tự giam
hãm trí óc trong những quan niệm chật hẹp về quyền bính và triều đại.
Những khuyết điểm đó đã dẫn dắt đến sự lỡ cơ hội phát triển cho dân
tộc lần thứ nhất. Hơn thế nữa, việc lỡ cơ hội đối với chúng ta khốc hại
bội phần hơn là đối với Trung Hoa và Thái Lan. Trong một trăm năm lệ
thuộc, xã hội của chúng ta tan rã và công cuộc lãnh đạo quốc gia đã bị
đứt đoạn. Dầu nhà Nguyễn có công khai thác đất đai rộng lớn gấp mấy lần
phần đất mà Nguyễn Triều lúc nào cũng lấy làm tự hào đã góp phần vào di
sản quốc gia, thì họ cũng không bù đắp được lỗi lầm về lãnh đạo trong
một giai đoạn quyết liệt của dân tộc như chúng ta đã thấy trên đây.
Sau này các sử gia của chúng ta làm việc theo kỹ thuật khoa học, tất
nhiên sẽ tìm thấy những chi tiết và nhận thấy rõ hơn trường hợp không
tha thứ được của nhà Nguyễn khi phạm vào những lỗi lầm to tát lưu lại
hậu quả tàn khốc cho dân tộc.
Việc tai hại thứ nhất cho chúng ta ở chỗ là chính lúc nền văn minh
của chúng ta phải đương đầu với những cuộc chấn động do những phần tử
ngoại lai gây nên trong xã hội chúng ta, lại là lúc mà chúng ta không
còn chủ động vận mạng của chúng ta được nữa.
Xã hội Nhật Bản khi gặp phải hoàn cảnh đó, đã may mắn được đặt dưới
sự lãnh đạo của một lớp người vừa cực kỳ sáng suốt, vừa đủ chủ quyền và
thừa phương tiện để nắm vững con thuyền quốc gia. Thế mà, xã hội Nhật
vân bị xáo trộn đến tận nền tảng và phải bỏ trạng thái điêu hòa của văn
minh để tìm một trạng thái điều hòa mới, như chúng ta đã biết.
Trái lại, dân tộc chúng ta, trong cơn bão tố lại không người lèo lái.
Lớp người lãnh đạo trước đã biến mất trong cơn chiến bại. Các lớp người
kế tiếp bị kẻ chinh phục tiêu diệt. Trong khi đó, theo chân người chiến
thắng, văn minh mới ồ ạt đưa đến gây ra một cuộc duy tân hỗn độn, không
lề lối không mục đích. Những giá trị tiêu chuẩn cổ truyền cùng với sự
chiến bại của dân tộc, bị phá sản và khinh miệt. Trong khi đó những giá
trị tiêu chuẩn mới chưa có, xã hội không giá trị tiêu chuẩn như con
thuyền trôi dạt, không phương hướng và không sinh lực.
Tình trạng này là nguyên nhân duy nhất cho tất cả các quái tượng đã
hiện ra trong suốt thời gian gần một trăm năm mà chúng ta, khi nhìn
thấy, phải vừa đau đớn vừa tủi nhục. Xã hội chia làm hai khối: một bên
cố gắng bảo vệ lây các giá trị cổ truyền đã chết thành thây ma, một bên
duy tân nhưng không biết duy tân để làm gì, và cũng không biết duy tân
theo hướng nào, chỉ bắt chước cử chỉ như khỉ và lời nói như sáo. Hai bên
tân, cựu khinh miệt nhau, thật là một hiện tượng rõ rệt của một xã hội
đang tan rã.
Tình trạng càng trở nên bi thảm khi chính phủ “mới” với sự ủng hộ của
kẻ xâm lăng đã thắng phái “cũ”. Các giá trị cũ, tuy đã chết như cây khô
vì không người vun tưới, nhưng đó là những tiêu chuẩn giá trị thật, có
thời đã đào tạo được những thế hệ người gồm nhiều đức tính cao cả. Với
sự sụp đổ của những giá trị đó, tiết tháo và tính khí của người xưa cũng
mất luôn. Lớp người “mới”, lại không biết duy tân để làm gì ngoài sự
hưởng thụ vật chất, không có sáng tạo, không có những biểu lộ chứng minh
cho sinh lực của một xã hội. Có lẽ không bao giờ dân tộc chúng ta đã
xuống đến thấp như vậy và chưa bao giờ chúng ta đã đến gần chỗ diệt vong
như vậy. Ngược lại, chính vì đã vượt qua được những bước tuyệt vọng như
vậy, mà chúng ta lại càng tin tưởng vào sinh khí của dân tộc.
Hậu quả tai hại nhất mà thời kỳ Tây thuộc đã để lại cho chúng ta là
sự tan rã của xã hội Việt Nam và sự gián đoạn trong việc lãnh đạo quốc
gia. Cũng như chủ nghĩa đế quốc kiểu Pháp đã để lại cho chúng ta một hậu
quả tai hại không kém: lớp người tai mắt trong xã hội thời Pháp không
thể dùng vào các nhiệm vụ lãnh đạo được.
So sánh như trên đây, trường hợp của Nhật và Trung Hoa với trường hợp
của chúng ta, chúng ta mới ý thức sung mãn tính cách vô cùng trầm trọng
của tình trạng nguy ngập mà xã hội chúng ta đang lâm vào. Tất cả ba dân
tộc đều ở trong xã hội Đông Á, cùng một văn minh, cùng một giá trị
truyền thống, đã cùng, trong một lúc, gặp phải một nguy cơ chung.
Nhưng dân tộc Nhật đã phản ứng. kịp thời, chiến thắng, bảo tồn độc
lập, giữ nguyên chủ quyền, nắm được ngay cơ hội thứ nhất để phát triển
dân tộc. Sự lãnh đạo quốc gia không bị gián đoạn, công cuộc duy tân được
hướng dẫn và các giá trị tiêu chuẩn truyền thống không bị phá sản. Nhờ
vậy nên xã hội Nhật vẫn tiến liên tục, chế ngự được các cuộc chấn động
do những giá trị ngoại lai gây nên sau khi xâm nhập vào trạng thái điều
hòa của nền văn minh cũ. Xã hội Nhật chỉ có bị bắt buộc phải bỏ trạng
thái điều hòa cũ để tìm một trạng thái điều hòa mới.
Dân tộc Trung Hoa không phản ứng kịp thời, chiến bại độc lập được bảo
tồn không phải nhờ ở nỗ lực chủ động mà nhờ ở ngoại cảnh. Chủ quyền bị
sứt mẻ, nên mặc dầu sự lãnh đạo quốc gia không bị gián đoạn, công cuộc
duy tân không được hướng dẫn, các giá trị truyền thống bị phá sản, nắm
không được cơ hội thứ nhất để phát triển dân tộc. Vì vậy cho nên, không
chế ngự được các cuộc chấn động do những giá trị ngoại lai gây nên sau
khi xâm nhập vào trạng thái điều hòa của nền văn minh cũ. Xã hội Trung
Hoa tuy không tiến triển liên tục, nhưng nhờ chủ quyền không mất nên
không bị tan rã. Ngày nay, Trung Hoa đã nắm được cơ hội thứ hai và đang
dốc hết nỗ lực của dân tộc để thực hiện công cuộc phát triển và duy tân
mà nước Nhật đã làm xong.
Và cố nhiên Trung Hoa cũng sẽ bỏ trạng thái điều hòa cũ để tìm một
trạng thái điều hòa mới. Nhưng công cuộc ấy sẽ thực hiện từ một xã hội
không bị tan rã và với một sự lãnh đạo không hề bị gián đoạn.
Dân tộc Việt Nam không phản ứng kịp thời, chiến bại, độc lập bị mất, nước nhà biến thành thuộc địa, chủ quyền hoàn toàn mất, chẳng những không nắm được cơ hội thứ nhất để phát triển dân tộc, lại hoàn toàn bất lực đối với một công cuộc duy tân bắt buộc, không hướng dẫn và hỗn độn.
Dân tộc Việt Nam không phản ứng kịp thời, chiến bại, độc lập bị mất, nước nhà biến thành thuộc địa, chủ quyền hoàn toàn mất, chẳng những không nắm được cơ hội thứ nhất để phát triển dân tộc, lại hoàn toàn bất lực đối với một công cuộc duy tân bắt buộc, không hướng dẫn và hỗn độn.
Các giá trị truyền thống bị phá sản. Hoàn toàn bất lực trước các cuộc
chấn động do những giá trị ngoại lai gây nên sau khi xâm nhập vào trạng
thái điều hòa của nền văn minh cũ. Vì không gặp trở lực nên các cuộc
chấn động mặc tình hoành hành phá hoại xã hội đến tan rã. Sự hoàn toàn
mất chủ quyền lại gây sự gián đoạn trong việc lãnh đạo quốc gia. Ngày
nay chưa có gì bảo đảm là chúng ta đã nắm được cơ hội thứ hai để thực
hiện công cuộc phát triển dân tộc. Giả sử chúng ta có nắm được thì công
cuộc phát triển và duy tân sẽ thực hiện từ một xã hội đã tan rã và với
một sự lãnh đạo quốc gia đã bị gián đoạn.
Hai hoàn cảnh này là hai điều kiện vô cùng nghiêm khắc đối với chúng
ta, nếu chúng ta nắm được cơ hội thứ hai. Và thế nào là nắm bắt được và
thế nào là không nắm được cơ hội, chúng ta sẽ trả lời rõ ràng các câu
hỏi đó sau này.
Giờ đây chúng ta tìm hiểu vì sao mà hai hoàn cảnh trên là hai điều
kiện vô cùng nghiêm khắc đối với chúng ta khi chúng ta bắt tay vào công
cuộc phát triển dân tộc và công cuộc Tây phương hóa.