Nguyễn Văn Thạnh
Những ngôi nhà tôi thuê, thường ở trong kiệt sâu, có một đặc điểm
là có rất nhiều chuột. Nửa đêm, tôi bị thức giấc bỡi lũ chuột. Tôi hết
sức bực mình, thức dậy, bật điện và tìm nó đập “cho chết”. Chuột là loài
vô cùng khôn, chúng trốn rất giỏi, sau một hồi vật vã tìm, truy đuổi,
tôi cũng không đập được chúng.
Chuột là một động vật sống cấp thấp nhưng chúng cũng biết chạy trốn
các rủi ro để bảo tồn sự sống cho mình. Mỗi sinh vật sống, đều có nhu
cầu bảo tồn sự sống chính mình. Đó là qui luật căn bản đầu tiên của sự
sống. Con người cũng vậy.
Là một động vật bật cao, con người khác các loài vật khác. Theo tôi,
mỗi chúng ta thực hiện hai chức năng sống, cấp thấp là bảo tồn sự sống,
cấp cao hơn là thực hiện ý chí sống. Đây là điều nâng tầm con người lên
trên những thực thể sống khác. Con người có văn minh, có cao thượng là
nhờ thực hiện sống theo ý chí sống.
Là một cơ thể sống, đầu tiên chúng ta phải tìm cách bảo tồn sự sống:
ăn uống, tránh các mối hiểm nguy, tìm nơi an toàn, tranh đấu với kẻ
thù,… Bản năng sống của con người vô cùng mạnh mẽ (vì nó có trí khôn).
Lẽ tự nhiên, chúng ta luôn né tránh việc rủi ro-liên lụy, tìm nơi an toàn cho mình và gia đình.
Nhiều bạn bè đã khuyên tôi “nên né cặp vợ chồng Lê Anh Hùng - Lê Thị
Phương Anh, họ đi đâu là gây rắc rối đó, việc họ làm dính đến ông rất
to, chắc chắn chính quyền không để yên cặp vợ chồng này, dính vô sẽ liên
lụy, mệt lắm,…”.
Nghe lời bạn khuyên, tôi chợp nghĩ đến những chủ nhà trọ, những người
đã né tôi, chỉ vì nghe ai đó nói tôi là “thành phần không tốt, phản
động”. Vì một chút sợ liên lụy mà họ từ bỏ công lý, từ bỏ quyền công dân
(quyền cho người khác thuê nhà), thậm chí là quên đi nghĩa vụ một công
dân tốt nên làm. Một xã hội mà phần lớn con người đều né, thì liệu có
còn là một xã hội lành mạnh, văn minh?
Qua thông tin trên mạng, tôi biết một số việc làm của anh chị
(Hùng-Anh), nhưng tôi nghĩ đó là chuyện riêng của họ. Là một người viết
lách, tôi quan tâm đến quốc pháp và công lý. Tôi thấy vụ việc họ và bạn
bè bị nhân viên công lực khám (theo tường trình thì đạp cửa xông
vào-điều này cũng xảy ra với tôi hôm tối 18.12.2013)
nơi ở giữa đêm khuya (tối 7.12.2013), mời về đồn, tịch thu tài liệu,
tài sản như vậy là trái pháp luật. Tôi đi đến để ủng hộ họ đơn giản là
đến để chứng giám cho công lý và sự thật.
Tôi cũng có thân xác là thịt da, cũng được sinh ra và nuôi dưỡng từ
bố mẹ, cũng có gia đình vợ con như bao người; cũng biết đâu là hiểm
nguy, đâu là an toàn. Tôi cũng biết Né. Tuy nhiên, sau một phút đắn đo
để né, tôi nghĩ đến đến xã hội, nghĩ đến trách nhiệm của mình. Đồng ý là
con người nên biết Né, nhưng không nên quá né, né tất cả.
Tôi nhớ đến những giọt máu quí giá mà tôi nhận được khi vô (bệnh)
viện, tôi nghĩ nếu họ cũng Né (cho máu sẽ làm ảnh hướng sức khỏe) thì có
lẽ tôi không còn sống đến hôm nay, rồi tôi nghĩ đến những con người
nghĩa khí khác. Xã hội sẽ ra sao nếu họ Né hết?
Tôi biết mình sức yếu, chỉ có thể phù hợp với viết lách nhưng khi cần
sự hiện diện của tôi ở quan café, lòng đường để chứng giám, lên tiếng
ủng hộ hay bảo vệ công lý, tôi vẫn sẽ làm, không từ nan hay né tránh.
Chúng ta sống, thụ hưởng từ xã hội và có trách nhiệm kiến tạo xã hội.
Trong xã hội, nếu nhiều người thụ hưởng và né thì những người kiến tạo
xã hội sẽ thêm gánh nặng-cứ thế, thêm một người né thì gánh thêm nặng,
đến lúc sẽ đè bẹp những người quả cảm, hào sảng, những tinh hoa của dân
tộc.
Tôi không muốn làm anh hùng, cũng không mê muội làm thiêu thân, tôi
sống với sự tỉnh táo của ý chí và muốn làm những điều mình cho là
đúng-nên làm trong khả năng mình có thể.
Tôi cũng sẽ Né khi biết rằng gánh đã quá nặng (vợ con, bố mẹ quá đau
khổ); biết rằng việc mình làm là vô ích - khi người Né nhiều quá!
Tây Sơn, 28/12/2013
Nguyễn Văn Thạnh
Nguyễn Văn Thạnh