Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Vai trò các Đảng Chính trị trong nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (P.3)

Diên Vỹ chuyển ngữ
Trích dịch từ cuốn Việt Nam: Nhà nước, Chiến tranh và Cách mạng (1945-1946) của David G. Marr, NXB: University of California Press, 2013.
Xiết chặt ốc
Trong khi đó, nghi ngờ và thù địch đang sôi sục giữa Việt Minh và Việt Quốc tại các tỉnh phía bắc thủ đô. Vào tháng Tư, một thành viên của Khu uỷ Bắc bộ đi dọc theo tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai để ký một “thoả thuận liên hiệp” với đại diện Việt Quốc từ bốn thị xã của các tỉnh nhằm thiết lập các uỷ ban hành chính được các bên chấp thuận. Nhưng văn bản với đầy dẫy ngôn ngữ quan liêu cho thấy những căng thẳng sâu đậm và thiếu tin tưởng nhau. Đầu tháng Năm, Khu uỷ Bắc bộ nhắc nhở tỉnh uỷ Bắc Giang nên linh hoạt hơn với các đảng viên Việt Quốc, “giữ tinh thần liên hiệp” và chuẩn bị kế hoạch dự phòng nhằm “tránh các hoạt động bất thường xảy ra”. Trong thời gian này Trần Đăng Ninh, người đứng đầu bộ phận an ninh của ĐCS Đông Dương đến thăm Vĩnh Yên với lý do thảo luận việc sửa đê và đã bị Vũ Hồng Khanh bắt giữ. Ninh và hai đồng chí tìm cách trốn hoặc được thả, nhưng sự kiện của họ được dùng làm lý do để kêu gọi việc đàn áp Việt Quốc. Vào giữa tháng Năm, Bộ Nội vụ ra lệnh cho toàn thể các công chức hiện đang làm việc tại bảy thị xã các tỉnh phía bắc và tây bắc Hà Nội phải di dời và tham gia các uỷ ban hành chính đang thành lập tại các địa điểm mới. Những ai không đi sẽ được xem làm bị mất việc làm trong chính quyền.

Các đơn vị Vệ quốc Quân tuần tra nghiêm ngặt hơn chung quanh các vị trí của Đảng Việt Quốc từ đầu tháng Năm. Khi quân Trung Quốc rút theo tuyến đường sắt về Vân Nam, dân quân Việt Minh địa phương liền phong toả các thị xã do Việt Quốc nắm giữ. Trong các trận đụng độ chung quanh Phú Thọ vào ngày 20 tháng Năm, Việt Quốc bắt giữ và xử tử một nhóm Việt Minh, thả các tử thi trôi trên sông Hồng để răn đe. Từ ngày 18 tháng Sáu, Việt Quốc phát động một cuộc tấn công lớn vào hai hướng Phú Thọ và Việt Trì. Cả hai bên sử dụng súng máy và đôi khi cả súng cối. Sau bốn ngày giao tranh, Việt Quốc tại Phú Thọ hết đạn và buộc phải rút lên thượng nguồn. Vũ Hồng Khanh chỉ huy phòng vệ Việt Trì với 350 quân, bao gồm 120 học viên từ trường quân sự Yên Bái. Sau chín ngày giao tranh, khi nghe tin Phú Thọ đã thất thủ và các đồng chí ở Vĩnh Yên đang đàm phán với kẻ thù, Khanh và hầu hết quân của ông rút khỏi Việt Trì vào ban đêm và đi về phía tây bắc đến Yên Bái. Trong suốt tháng Năm và Sáu, tờ Việt Nam, một bộ phận của Việt Quốc ở Hà Nội đã tăng cường những lời kêu gọi thống thiết với Vệ quốc Quân VNDCCH chấm dứt tấn công những đồng bào mình.
Tương phản với Phú Thọ và Việt Trì, lãnh đạo Việt Quốc tại Vĩnh Yên là Đỗ Đình Đạo đã tổ chức những cuộc thảo luận với đại diện Việt Minh từ giữa tháng Sáu, và cả hai phía đều đồng ý đình chiến trong hai tháng. Cuối cùng Đạo đồng ý thành lập một uỷ ban hành chính chung tại Vĩnh Yên và chấp nhận các điều khoản để nhập chung đội vũ trang của ông vào Vệ quốc Quân. Huỳnh Thúc Kháng đưa ra một chỉ thị thống nhất trong vai trò quyền chủ tịch VNDCCH. Chính trị viên của Quân khu 1 đã chủ toạ buổi lễ chính thức sát nhập Quốc dân Quân vào Vệ quốc Quân của VNDCCH. Các đơn vị Việt Quốc sau đó đã bị tách ra và điều về các tiểu đoàn Vệ quốc ở những nơi khác. Đạo và người phó của mình là Lê Thanh chuyển về Hà Nội.
Vào cuối tháng Sáu tại Hà Nội các thành viên Việt Quốc đã thảo luận việc có nên phục tùng quyền thống lĩnh của Việt Minh, hoặc chạy sang biên giới, hoặc tìm cách đảo chính lật đổ chính phủ trung ương VNDCCH. Trương Tử Anh, người đứng đầu nhóm hoạt động bí mật của Đại Việt liên minh với Việt Quốc đã kêu gọi việc nổi dậy, có thể bằng một cuộc tấn công vào lính Pháp để gây bối rối. Cũng vào cuối tháng Sáu, Võ Nguyên Giáp đã thăm dò Đại tá Jean Crépin, quyền tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Kỳ về thái độ của Pháp sẽ ra sao trong trường hợp VNDCCH leo thang các hoạt động tấn công Việt Quốc và Việt Cách. Crépin trả lời rằng quân Pháp “sẽ không can thiệp vào một việc nội bộ như thế.” Vì Vệ quốc Quân đang trên đà tấn công trong suốt mấy tuần lễ dọc hành lang tây bắc, cả Giáp và Crépin có lẽ đang nói về thành phố Hà Nội. Khi người Pháp đề xuất một kế hoạch diễu binh chung quanh hồ Hoàn Kiếm vào ngày Quốc khánh Pháp 14 tháng Bảy, an ninh VNDCCH sợ rằng sự kiện này sẽ là mục tiêu hấp dẫn cho các phần tử chống chính quyền. Sáng sớm ngày 12 tháng Bảy, Công an lùng sục một ngôi nhà và được cho là đã khám phá ra một kế hoạch do Trương Tử Anh ký trong đó dự định sẽ ném lựu đạn vào toán quân người châu Phi trong buổi diễu binh của Quân đội Pháp nhân ngày Quốc khánh, sau đó Đại Việt hoặc các đơn vị Pháp sẽ bắt giữ các lãnh đạo của ĐCS Đông Dương và VNDCCH, và Anh sẽ tuyên bố thành lập một chính phủ Việt Nam mới. Giám đốc Công an là Lê Giản đã đem tài liệu này đến Quyền Chủ tịch Huỳnh Thúc Kháng, ông được kể là đã đeo kính vào, đọc vài đoạn rồi đập gậy xuống sàn, hét lên “Diệt! Diệt hết bọn bán nước hại dân! Đồ chó má.” Sau đấy Lê Giản đến tìm Giáp và ông này đã ra lệnh tấn công các văn phòng Việt Quốc tại Hà Nội lẫn các tỉnh.
Vào bảy giờ sáng ngày 12 tháng Bảy, Công an với sự trợ giúp của dân quân Việt Minh đã bao vây thêm bảy địa điểm tại Hà Nội. Trong vài trường hợp họ bị chống trả bằng súng tự động và đã phản công bằng cách quẳng lựu đạn lên mái nhà bên cạnh cho rơi xuống bên trong đến khi những người trong nhà đầu hàng. Hơn một trăm người bị bắt đi, một số không bao giờ quay về. Tại một căn nhà ở số 7 Phố Ôn Như Hầu, công an mạo nhận là đã tìm thấy một tù nhân bị trói, một căn phòng chứa dụng cụ tra tấn, và bảy xác người được chôn sơ xài ngoài vườn sau. Khi nghe tin về những xác chết, hàng trăm dân chúng đã tràn đến khu vực mà không bị công an ngăn cản - họ nhìn ngó, than khóc hoặc lớn tiếng lên án thủ phạm. Chính quyền thông báo với các nhà báo, và không bao lâu sau những vụ bố ráp này được tóm tắt lại là “Vụ án Ôn Như Hầu”. Ở Huế, một tờ báo của Việt Minh chạy tin: “Sào huyệt của bọn bắt cóc, tống tiền và sát nhân đã bị tiêu diệt.” Tờ báo Độc Lập của Đảng Dân Chủ tại Hà Nội đăng tin trang nhất: “Công an phát hiện và bắt giữ hang ổ bọn khủng bố”, rồi khẳng định rằng công an đã nhận được tin tình báo về một âm mưu chống đối chính quyền, ám sát, bán nước và sử dụng các khẩu hiệu cực đoan để lừa dối dân chúng. Công an đã phát hiện được một máy in, “truyền đơn nổi loạn”, tiền giả, súng ống và một số người đang bị giam giữ để lấy tiền chuộc. Bọn tội phạm đã bị bắt giữ và đang được điều tra… Có thể vì bị kiểm duyệt, tên Quốc Dân Đảng đã không được nhắc đến trong các bài báo ban đầu.
“Vụ án Ôn Như Hầu” chưa bao giờ là đề tài nghiên cứu lịch sử nghiêm túc. Câu chuyện bên trong của Lê Giản khiến ta phải đưa ra câu hỏi liệu có phải Công an và một số lãnh đạo cao cấp của ĐCS Đông Dương muốn dùng bằng chứng Dương Tử Anh đang âm mưu đảo chính như là một nguyên cớ để ấn công và xoá sạch toàn bộ Quốc Dân Đảng, và từ đó vu cáo thêm cho Pháp đã thảo luận với một thành phần thứ ba và tăng cường quyền kiểm soát của ĐCS Đông Dương đối với bộ máy hành chính và Vệ quốc Quân. Tài liệu chủ chốt đã được đưa cho Huỳnh Thúc Kháng trong đó liệt kê chi tiết việc tấn công vào cuộc diễu binh nhân ngày lễ Độc lập Pháp, được Lê Giản công nhận là “bản thảo viết tay” của Trương Tử Anh, chỉ được dùng trong nội bộ đảng Đại Việt mà thôi. Lê Giản không đưa ra một bằng chứng nào về việc thông đồng của người Pháp trong dự định đảo chính ngày 14 tháng Bảy ngoài việc Sainteny nhất quyết đòi hỏi cuộc diễu binh. Nếu người Pháp quyết định tổ chức đảo chính (một hành động mà họ từng nghĩ đến và trì hoãn nhiều lần trước đây), chẳng có lý do nào họ lại dựa vào Trương Tử Anh làm kẻ châm ngòi, nói gì đến việc cho ông cơ hội thành lập chính quyền. Công an đã cố tình đánh lận lằn ranh giữa tổ chức tổ chức Đại Việt bí mật của Anh và các nhóm do Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam lãnh đạo trước đây khi họ nhắm vào các toà soạn báo Việt Nam và những cơ sở Việt Quốc khác. Rất có thể là các cán bộ Việt Quốc đã đoán được hung tin ba ngày trước đấy, khi văn phòng trung ương đảng cho biết rằng con dấu chính thức và một tư trang của Khanh bị mất. “E rằng ai đó sẽ dùng chúng với mục đích xấu, chúng tôi tuyên bố rằng chúng không còn giá trị,” thông báo của văn phòng trung ương kết luận. Theo sau việc Công an tấn công và bắt giữ, ai đấy trong chính quyền lại tìm cách giới hạn việc quần chúng lên án Quốc Dân Đảng với mục đích cho thấy đảng vẫn giữ vững việc tuyên truyền về mặt trận thống nhất. Tuy nhiên, thiệt hại đã xảy ra và ngoại trừ vài cá nhân lãnh đạo, mọi công dân trong nước VNDCCH từ đây sẽ kinh hoàng khi bị nhận diện là Việt Quốc. “Việt Quốc” trở thành đồng nghĩa với phản quốc.
Ngày 20 tháng Bảy, Xứ uỷ Bắc Kỳ - không một lần nhắc đến Việt Quốc - đã thông báo với tất cả các tỉnh rằng công an vừa khám phá ra những hành vi tội phạm nghiêm trọng như tống tiền, bắt cóc và tiền giả, cần phải điều tra và truy tố. Xứ uỷ đặc biệt chỉ thị cho chính quyền địa phương có quyền ngăn chặn, bắt bớ và giam giữ các thành phần từ thoái hoá đến khủng bố. Các uỷ ban hành chính địa phương giờ đây được phép bắt giữ những thành viên hoặc nghi can Việt Quốc trong khi cũng nên cẩn thận không được trả thù hoặc trừng phạt toàn bộ. Các nguồn tài liệu cho biết dường như hàng nghìn người đã bị thẩm vấn trong những tháng kế tiếp, hàng trăm người bị tống giam hoặc đưa vào các trại trục xuất, và vài trăm người bị cách chức khỏi các cơ quan hành chính. Nhân viên các “phòng chính trị” thuộc phòng Công an tỉnh tra tấn đối tượng, ép ký bản tự khai rồi đề xuất sang uỷ ban hành chính tỉnh để trả tự do, tuyên án hoặc trục xuất. Ví dụ như tại Sơn Tây, công an lấy được một bản khai dài bốn trang của Dương Thể Tú, một sinh viên mỹ thuật hai mươi bốn tuổi, nhận là đảng viên Việt Quốc và cung cấp các hoạt động của đảng ở thị xã Việt Trì, nơi anh ta làm việc tại phòng tuyên truyền và huấn luyện. Tú thú nhận với những người thẩm vấn rằng anh đã nhầm đường lạc lối, xin được tha tội và hứa từ nay sẽ ủng hộ chính quyền. Chắc chắn là Tú đã bị đưa vào một trại trục xuất.
Mặc dù tờ Việt Nam ngưng xuất bản vào cuối tháng Bảy 1946, tờ báo đồng hướng với nó là Chính nghĩa Tuần báo vẫn tiếp tục xuất bản thêm ba tháng với quan điểm rất khác biệt so với giới truyền thông hiện đang bị Việt Minh thống lĩnh. Nó vẫn tiếp tục với một bài viết tương đối dài lên án chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa đế quốc Sô Viết (còn được mệnh danh là “Phát xít Đỏ”) và chỉ bị kiểm duyệt nhẹ. Chính nghĩa Tuần báo cũng phê phán việc hệ thống uỷ ban hành chính của VNDCCH và chính phủ đã không thiết lập một hệ thống toà án độc lập. Chiến lược đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng bị đặt vấn đề. Sự tồn tại duy nhất của tờ Chính nghĩa Tuần báo cho thấy một số thành viên nội các đã không vừa lòng với việc Trường Chinh đang tìm cách đồng nhất quan điểm dưới khẩu hiệu Liên Việt. Nếu thật thế thì nỗ lực tập hậu này đã bị thất bại vào tháng Mười, khi các biên tập viên biến mất khỏi tờ báo, sau đấy chỉ là những tin tức về tình hình trong nước. Người đọc chỉ được vài mẫu tin nhỏ về tình hình thế giới, những bình luận văn nghệ mang tính ru ngủ và những truyện ngắn của Khái Hưng. Đến đầu tháng Mười hai việc vô hiệu hoá tờ Chính nghĩa Tuần báo đã hoàn tất đến nỗi cơ quan kiểm duyệt không cần phải xoá bỏ một câu nào.
Từ tháng Bảy đến tháng Mười một 1946, một số người không rõ bao nhiêu trong số năm mươi thành viên Việt Quốc nằm trong Quốc hội VNDCCH đã bị bắt. Trong các cuộc ruồng bắt của công an vào ngày 12 tháng Bảy, đại biểu Quốc hội Phan Kích Nam bị tố cáo tội bắt cóc và tống tiền và bị bắt giam lập tức. Một đại biểu khác là Nguyễn Đổng Lâm đã bị công an Hải Dương bắt và đề nghị đưa ông đi trại trục xuất trong hai năm. Uỷ ban hành chính tỉnh Hải Dương đồng ý,nói rằng “chính quyền địa phương sẽ làm việc rất khó khăn nếu để ông Lâm nằm ngoài vòng pháp luật.” Lâm từng tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Việt Quốc năm 1930, bị giam sáu năm trong nhà tù thực dân, và chỉ vừa quay lại tham gia hoạt động chính trị vào năm 1944. Vào cuối năm 1945 ông viết bài cho báo Việt Nam, năm 1946 ông lui về quê nhà tại Hải Dương. Ngày 7 tháng Tám, trường hợp của Lâm được chuyển lên ban Thanh tra Khu uỷ Bắc bộ và ở đó Nguyễn Văn Tố, chủ tịch không đảng phái của Ban Thường vụ Quốc hội nhanh chóng trả lời rằng ông không đồng ý việc bắt giữ Lâm. Ý kiến của Tố cũng được toàn bộ Ban Thường vụ ủng hộ, họ đã yêu cầu ban thanh tra ra lệnh cho công an Hải Dương thả Lâm. Ngày 21 tháng Tám, thanh tra đã làm theo, nói thêm rằng nếu tập trung được bằng chứng rõ ràng về tội trạng của Lâm, họ sẽ xin phép Ban Thường vụ để bắt Lâm lại.
Có nhiều vụ bắt giữ các đại biểu Quốc hội thuộc đảng Việt Quốc mà Nguyễn Văn Tố và Uỷ ban Thường vụ của ông không biết được. Các đại biểu Việt Quốc cũng bị địa phương quấy nhiễu. Trình Như Tấu đã phải kiến nghị đến năm cơ quan chính phủ sau khi một ban quân nhạc bao vây nhà ông đòi bồi thường một chiếc máy chữ mà họ dựng lên, đe doạ bạo lực nếu ông không chấp hành. Tấu nêu danh bốn người phá rối và yêu cầu được bảo vệ theo tư cách đại biểu Quốc hội, nhưng ông chẳng nhận được hồi đáp nào. Khi Quốc hội nhóm họp lần thứ hai vào cuối tháng Mười, không đến mười người trong số năm mươi đại biểu Việt Quốc tham dự.
Từ cuối tháng Bảy đến cuối năm 1946, đa số những người bị Công an bắt giữ vì lý do chính trị đều trên danh nghĩa Việt Quốc, dù đúng hay không. Ví dụ như bốn trong năm người bị tỉnh Hà Đông trục xuất bị gán là Việt Quốc. Hà Nội nhận được rất nhiều đơn thỉnh nguyện do thân nhân của những người bị bắt giữ với tội danh tham gia Việt Quốc ở Phú Thọ. Việc bắt giữ mở rộng đến cả Quảng Nam ở miền trung Việt Nam, với một số người không rõ bao nhiêu bị gán là Việt Quốc và trục xuất vào tháng Chín. Không phải ai cũng ngoan ngoãn chấp hành việc bị bắt giữ. Phạm Đức Tuyên, một người Công giáo tại Thái Bình đã bảo công an rằng ông thích Đảng Việt Quốc vì họ khẳng định Hồ Chí Minh thân Pháp, và vì thuế quá cao. Đã đến lúc nên dẹp bỏ chính quyền hiện tại. Vì thế ông đã bị đề nghị trục xuất. Công an báo cáo với Khu uỷ Bắc bộ rằng Phạm Văn Giàu, bị đưa đến trại trục xuất ở Bắc Cạn, vẫn tiếp tục bày tỏ thái độ phản động, kêu gọi những người khác tham gia hát các bài hát Việt Quốc, và tuyên bố rằng các cựu hoàng Duy Tân và Bảo Đại đang cùng với Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Tam thành lập một chính phủ Việt Nam chính danh tại Nam Ninh. Giàu không biết rằng cựu hoàng Duy Tân đã thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay ở châu Phi một năm trước đấy, nhưng khẳng định về một chính quyền lưu vong khác không phải là ấu trĩ. Trong khi đó, ĐCS Đông Dương vẫn đang khắc phục những mất mát của mình bằng cách tiếp tục tra vấn các tù nhân Việt Quốc về những vụ bắt cóc cán bộ ĐCS Đông Dương xảy ra trong cuối năm 1945. Vào sáng ngày 19 tháng Mười hai tại Hà Nội - chỉ vài giờ trước khi chiến sự bùng nổ - một báo cáo của công an được chuyển lên Bộ Nội vụ về những nỗ lực tìm kiếm thông tin về số phận của một số thành viên được cho là đã bị phe Việt Quốc giết chết.
Sau khi rút về Yên Bái vào cuối tháng Sáu, Vũ Hồng Khanh sớm nhận ra rằng nguồn lương thực địa phương chỉ đủ cho các đơn vị quân sự Việt Quốc chứ không đủ cho các nhân viên dân sự, sinh viên, gia đình và những cảm tình viên đến từ châu thổ sông Hồng. Việc tái vận chuyển nguồn tiếp tế từ Lào Cai vị thất bại vì Việt Minh đã phá huỷ tuyến đường sắt. Đến tháng Mười một, Lào Cai cũng hầu như bị Việt Quốc bao vây và lương thực cùng đang cạn kiệt. Khanh ra lệnh vượt sông di tản sang Vân Nam và xử tử hai giảng viên quân sự vì tội đã tìm cách đưa học viên đi ngược về khu vực châu thổ. Tháng Mười 1947, khi quân Pháp nhảy dù xuống thị xã Phú Thọ, Công an VNDCCH được cho là đã giết hơn một trăm tù nhân Việt Quốc vì không muốn họ bỏ trốn hoặc lọt vào tay quân Pháp.
Tháng Mười một 1946 từ Đề lao Trung ương Hà Nội, Nguyễn Tường Thụy, cựu tổng giám đốc ngành Bưu điện đã gửi một thư thỉnh nguyện dài đến Chủ tịch Hồ Chí Minh để xin ông can thiệp. Là một nhân viên nhà nước chuyên nghiệp, Thụy nói rằng ông cố tình tránh gia nhập Quốc Dân Đảng cùng với em trai Nguyễn Tường Tam, và ông cũng không bàn chuyện chính trị với em mình. Thụy bày tỏ lòng tôn kính sâu nặng đối với “Cụ Chủ tịch”, nói rằng ông là người chỉ đạo việc in ấn bộ tem đầu tiên của VNDCCH với chân dung ca Cụ Chủ tịch. Thụy bị bắt giam vì liên quan đến số tiền bán tem được dùng hiến cho Quỹ Cứu quốc và Hội Cứu đói, nhưng rõ ràng đây chỉ là một nguyên cớ. Trong lời kết luận buồn bã, Thụy hứa không chỉ bản thân mình mà cả người mẹ già tóc bạc, vợ ông và mười người con sẽ mãi mãi biết ơn giúp đỡ của Cụ Chủ tịch. Tuy nhiên Thụy không nhận được hồi đáp nào về thỉnh nguyện của mình, và chúng ta không biết số phận của ông đã ra sao sau ngày 19 tháng Mười hai.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"