Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Ði cứu trợ, và cân đong đo đếm quà cứu trợ

Ngọc Lan, phóng viên báo Người Việt
CEBU, Philippines - Theo qui định, 6 giờ 30 sáng ngày 20 Tháng Mười Hai, tất cả những người tham dự chuyến đi cứu trợ cùng VOICE về thị trấn Medelin, cách trung tâm Cebu khoảng 150 cây số, phải có mặt ăn sáng để đúng 7 giờ khởi hành.
Tuy vậy, khi xe lăn bánh thì đồng hồ chỉ đúng 7 giờ 30 phút. Dự trù mất khoảng 3 tiếng để đến được Meledin, nơi cũng từng bị trận bão Haiyan quét qua, tuy không thảm khốc như vùng tâm bão Tacloban.

Luật Sư Trịnh Hội trao quà cho nạn nhân bão lụt ở Cebu, Philippines. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Khi còn khoảng hơn nửa giờ đồng hồ sẽ đến nơi phát quà, lác đác hai bên đường có những em nhỏ, và đôi khi có cả những phụ nữ, bỗng chạy ra đứng bên đường chìa tay ra, khi thấy xe chở chúng tôi chạy đến. Sau một thoáng ngạc nhiên, tôi chợt nhớ ra là phía trước đầu xe có căng tấm băng-rôn cho biết đây là đoàn xe cứu trợ của VOICE! Thảo nào người ta không chạy ra xin.

Ðến lúc tài xế dừng xe lại, nhìn xuống đường, dù không ai nói, mọi người tự khắc biết ngay mấy trăm người đang đứng lố nhố dưới trời nắng oi ả kia là những người thực sự biết chúng tôi đến và chờ chúng tôi. Bởi vì vào đầu tháng này, cũng chính nơi đây, các thiện nguyện viên của VOICE đã phát thực phẩm cứu trợ cho họ lần thứ nhất.
Tất cả xuống xe, theo hướng dẫn của ban tổ chức tại địa phương, chúng tôi bước vào trong gian phòng nhỏ, trông có vẻ như phòng cầu nguyện, với những hàng ghế đơn sơ và bàn thờ Chúa. Người dân bắt đầu lục tục kéo vào ngồi đầy các dãy ghế và tụ tập bên ngoài (vì phòng không thể chứa hết). Ðưa mắt nhìn quanh, tôi chợt nhận ra tất cả những người có mặt trong phòng đều là người già! Họ có sự ưu tiên như thế.
Hầu hết người đến đều cầm trên tay một mảnh giấy, như kiểu bằng chứng từ ban tổ chức phát ra, cầm đến thì mới được nhận quà.
Theo lời của Ann Phạm, một thành viên của VOICE, từ Canada sang, thì ngày hôm nay sẽ có 420 phần quà được phát ra. Mỗi phần chỉ đơn giản là một bao thư trong đó có 1,000 pesos, (khoảng chừng $25) để giúp họ “ăn Noel.”
Những người chờ đợi để được nhận món quà là những người, như lời Luật Sư Trịnh Hội nói, “Cách đây ba thập kỷ, quý vị đã là người dang rộng vòng tay bảo bọc cho người tị nạn Việt Nam. Hôm nay, chúng tôi trở lại đây để đáp lại ân tình đó, dù rằng món quà này rất nhỏ nhưng chúng tôi muốn quý vị có thêm được niềm vui trong ngày Giáng Sinh và Năm Mới.”

Một thành viên VOICE đong gạo cho nạn nhân bão lụt. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Ðúng như những gì tôi được nghe, người dân nơi đây xếp hàng rất nhanh và trật tự. Cứ lần lượt theo hàng lối mà họ bước vào đưa tấm giấy và nhận lấy chiếc phong bì từ tay các thành viên của VOICE.
Lúc tôi đứng nhìn những người dân Philippines lam lũ, đen đúa, gương mặt hằn nét gian truân, mỉm cười nói lời cám ơn những thiện nguyện viên, cũng là lúc tôi học được “cách cho” từ Trịnh Hội, từ anh Hoàng, một thành viên lâu năm của VOICE. Họ không xem những người đến nhận quà là người chịu ơn và mình đóng vai người ban ơn. Cách họ trao chiếc bì thư có đựng tiền, cùng gương mặt, giọng nói, cái nắm tay, lời chúc Giáng Sinh,... dường như đều chứa đựng sự cảm thông, chia sẻ và biết ơn.
Một cậu bé đứng xem phát quà với gương mặt thật tươi. Thấy tôi đưa máy về phía em để chụp hình, em lập tức “tạo dáng” ngay. Nụ cười cậu bé không gợn chút mặc cảm của sự túng khó, âu lo...
Ann, cô gái có gương mặt khả ái với nụ cười lúc nào cũng nở trên môi, đứng nhìn cảnh phát quà, cho biết, “Ðây là lần đầu em tham gia làm công việc như thế này. Nhưng mà nhìn thấy họ vui, em cũng thấy được an ủi. Em hình dung là sẽ đông nhưng họ trật tự hơn em nghĩ nên em thấy vui lắm.”
Em Trương Thị Mỹ Ngân, người Kiên Giang, vừa tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, tình nguyện tham gia công việc cùng VOICE, chia sẻ, “Hình ảnh của những người đến nhận quà cứu trợ cho em thấy sự đồng cảm với họ. Nhà cửa họ mất hết, tiền bạc mất hết, có người còn bị thương tích khi bão xảy ra, thế nhưng, khi tụi em đến cứu trợ, thì họ rất vui, gặp mình họ vui, dù đói nhưng họ không có sự giành giật mà xếp hàng rất trật tự.”
Những người được chọn nhận quà lần này là những người già, phụ nữ mới sanh, gia đình có con nhỏ và người bị bệnh tật. Có những cụ già chống gậy chầm chậm bước tới nhận quà. Có người mẹ trẻ măng, gương mặt đầy mồ hôi, bồng trên tay đứa con còn chưa đầy tháng, vội vã chạy vào xếp hàng. Cũng có những em còn nhỏ, thay cha mẹ đi nhận quà cứu trợ từ VOICE.


Trẻ em Philippines chia sẻ miếng bánh. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Buổi phát quà có lẽ sẽ hoàn toàn để lại trong tôi đầy những niềm vui, nếu như không có một tình huống khó xử xảy ra. Ðó là có ba phụ nữ và một người đàn ông lớn tuổi đến khá sớm, nhưng họ lại không có phiếu nhận quà. Thế là họ cứ ngồi chờ, trong lúc bao nhiêu phiếu nhận quà phát ra là có bấy nhiêu người đến nhận. Nghe Trịnh Hội cùng các bạn của VOICE bàn sẽ cho mỗi người một ít tiền, dĩ nhiên không bằng phần tiền có trong bao thư để họ đi về, tôi lên tiếng, “Mình có một ít tiền mặt của độc giả gửi theo, để mình lấy tiền đó cho được không?” Hội đồng ý, nhưng khi nghe tôi nói cho mỗi người 500 peso, thì các bạn ở VOICE không chịu!
“Cho chừng 100 peso thôi, cho tượng trưng thôi, chứ nếu Lan làm như vậy thì sẽ không công bằng, vì khi họ không có phiếu, tức là những người giúp chọn giùm mình thấy có điều gì đó nên không cho họ phiếu, mình cho nhiều như vậy sẽ gây nên sự ganh tị, rồi thêm người khác cũng kéo vào nữa thì sao...” Hội giải thích.
Tôi thật sự lúng túng. Ðúng là mình cần phải theo những qui định của ban tổ chức, không nên tự ý phá vỡ lề lối. Ðúng là còn có rất nhiều người đến và về tay không hãy còn đứng đầy bên ngoài... Nhưng đồng thời, vẻ lam lũ, ánh mắt buồn rười rượi của bốn người già đó cứ ngước mắt nhìn người khác nhận quà, rồi chờ đợi, khiến tôi xốn xang!
Mang tâm trạng không thoải mái đó, tôi bước ra ngoài. Một vài bạn trẻ của VOICE đang chơi với các em nhỏ. Vy Hạnh, một thành viên khác của VOICE, lấy từ trong giỏ ra phong bánh nhỏ xíu đưa cho một cậu bé chừng độ 5 tuổi và bảo, “Em chia cho các bạn khác với nhé!” Cậu bé cầm lấy, đưa lên miệng cắn để xé cái bao, mẹ em đứng bên nhắc điều gì đó với em bằng tiếng địa phương. Em mở bánh ra, bẻ một phần chìa cho một em đứng gần, rồi lại bẻ thêm nữa đưa cho một em khác. Hình ảnh đó khiến lòng tôi dịu lại.



Những người từng cưu mang người tị nạn Việt Nam cách đây 30 năm. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Buổi phát quà diễn ra chừng 1 tiếng rưỡi, chúng tôi lên xe ra về trong lúc nhiều người dân Philippines vẫn còn đứng lại để vẫy chào chúng tôi. Nhìn gương mặt lúc nào cũng tươi cười của họ, tôi lại nhớ lời của Long, một luật sư trẻ từ Hà Nội sang làm việc với VOICE, “Người dân Philippines rất hay. Dù trở thành nạn nhân của bão lụt như vậy, có người đến trắng tay, nhưng lúc nào họ cũng lạc quan, lúc nào mình cũng nhìn thấy họ tươi cười vui vẻ.”
Ðường về dài hơn đường đi, bởi lẽ xe kẹt cứng như nêm. Sau hơn 4 tiếng đồng hồ rời khỏi Medelin, chúng tôi được chở đến trụ sở của CONCERN, một tổ chức thiện nguyện tại địa phương, để cân gạo, đong muối đường đậu làm thêm 300 phần quà nữa mang đi cứu trợ.
Trịnh Hội cho biết, “Ðây là quà dành cho những gia đình bị sót lại trong lần cứu trợ thứ nhất. Lần đầu VOICE dự định phát quà nhu yếu phẩm cho 3,000 gia đình, nhưng chỉ mới phát có 2,700, giờ phải làm cho xong để phát cho họ trước Noel.”
Mỗi phần gồm có gạo, đường, muối, đậu xanh, dầu ăn, cá khô và một món gì nữa tôi không nhớ.
Cả nhóm xúm lại mỗi người một tay. Người thì cân gạo “cho đủ 6 kg mỗi phần,” người thì đong đường sao cho “đừng có thừa cũng đừng có thiếu,” người thì cho đậu vào bao, người chuyên ngồi cột bọc... Ai cũng làm, và ai cũng tíu tít cái miệng, nhắc nhở nhau coi chừng ít nhiều cũng có, mà trêu chọc nhau cũng có... Tiếng cười nói vang ầm cả nhà.
Theo lời người sáng lập VOICE thì “đây chỉ mới là phân nửa công việc mà mình sẽ làm, tức là ngoài việc cứu trợ trước mắt mình còn giúp những việc mang tính lâu dài hơn như giúp xây lại trường học hay nơi trú ẩn nào đó.”
Trịnh Hội giải thích, “Kế hoạch cứu trợ nạn nhân bị bão Haiyan của VOICE gồm có ba phần. Phần đầu là tìm để giúp thì mình đã tìm ra, trong đó có cứu một số người Việt Nam. Phần hai là cứu trợ thực phẩm, phần ba là ổn định cuộc sống, tức có kế hoạch lâu dài giúp người dân tái thiết lại cuộc sống của họ.”
“Trước khi cơn bão xảy ra thì văn phòng dự định là cuối năm anh em thiện nguyện viên sẽ tổ chức một chuyến đi chơi chung với nhau. Nhưng cơn bão xảy ra, mọi người bảo thôi thì đi cứu trợ như vậy cũng là chuyến đi chơi Giáng Sinh của văn phòng luôn.” Trịnh Hội nói trong lúc tay không ngừng đong gạo và mắt nhìn vào cái cân.
Trở về đến khách sạn đã hơn 9 giờ tối. Mọi người lo đi ngủ để sáng mai thức sớm ra bến phà đi Ormoc, một trong những vùng bị tàn phá nặng nề nhất. Chỉ còn tôi vẫn còn đang ngồi lóc cóc gõ bài và tưởng tượng xem Ormoc nó ra làm sao...

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"