Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Anh Lê Thăng Long nếu có khùng?

Nguyễn Văn Thạnh
Thời gian rồi, anh Lê Thăng Long làm xôn xao các diễn đàn bằng việc tuyên bố rút lui khỏi phong trào Con Đường Việt Nam - PT mà anh là một người sáng lập - và có đơn xin gia nhập Đảng CSVN. Nhiều người cho rằng anh bị khùng, người đa nghi hơn cho rằng “thuốc” đã đến lúc phát huy tác dụng, người cẩn thận hơn cho rằng anh “hoang tưởng”.
Tôi viết bài này, chia sẻ suy nghĩ của tôi, một người có ủng hộ phong trào CĐVN, có tiếp xúc với anh vài lần. Hy vọng rằng, trong bài viết này tôi giữ được sự công tâm, có cái nhìn đa chiều.
Là một người cổ xúy cho dân chủ, tôi tôn trọng quyền được lên tiếng của mọi người, dù xấu hay tốt, nói vô hay nói ra, khen hay chê. Tôi tôn trọng các ý kiến và làm việc trên các giả thuyết.
Đầu tiên, phải nói rằng những người lên tiếng như anh và tôi nhiều lúc rất mệt mỏi, không chỉ là chuyện sách nhiễu, tù đày, hành hung, đánh đập, tạm giam,… mà còn là từ gia đình, người thân. Mấy hôm nay, tôi thấm thía chuyện này. Mẹ tôi thì khóc lóc, kể lể. Tôi xuống Qui Nhơn làm CMND về muộn bà cũng lo, lên mạng truy cập thông tin bà cũng ngăn. Đến giờ ăn cơm hay cả nhà xem tivi, tôi cũng bị “dàn đồng ca”. Má tôi nhiều lần muốn nhốt tôi vô buồng (một phòng nhỏ trong kiến trúc nhà ở quê, nơi để lúa gạo, vật quý,..), bà muốn chăm tôi như đứa trẻ lên ba. Bà nói nửa đùa, nửa thật “con cứng đầu quá, làm vậy má mới an tâm”. Anh em ruột cũng ngán tôi, sợ tôi vô nhà, công an lại đụng đến. Đứa em trai mà tôi ở nhờ phòng trọ, sau khi rắc rối, chủ nhà cũng đuổi đi. Nó cũng mệt mỏi phần vì đi tìm phòng, phần vì nó cũng bị chứng máu khó đông, đi lại cũng khó khăn như tôi.

Phần ba má đẻ, gia đình đã vậy; bên vợ, ba má vợ tôi cũng bị “huyết áp và yếu tim”. Tôi thật sự thấy có lỗi, rất nặng nề với các bậc sinh thành.
Rồi vợ tôi, một cô gái phố cổ Hội An, chân yếu tay mềm, vì thương tôi mà chấp nhận ưng tôi rồi bị cuốn vào công việc. Cô ấy hết bị đe dọa hành hung ở nhà, lại bị làm “ầm ĩ” ở trường (trong vụ xe hàng). Tôi thấu hiểu áp lực, nỗi khổ của cô ấy chịu đựng nhưng nhiều lúc vì không nghe lời tôi dặn nên tôi cũng nổi nóng. Sống trong tâm trạng vừa thương vừa tức giận; vừa muốn nghe lời ba má, làm con có hiếu; vừa muốn sống như con người tự do, làm điều mình cho là đúng, làm tôi nhiều lúc thấy bức bối, “khùng khí”. Một cảm giác thật kinh khủng.
Tôi nghĩ anh Long trải qua cảm giác “ác liệt, khủng khiếp” hơn thế nhiều lần. Khi anh đi tù, con anh đứa rất nhỏ, đứa nằm nôi. Tôi chưa có con nên chưa có cảm giác nhung nhớ, thương con. Rồi gia đình anh bao nhiêu người là “đảng viên gộc”. Bố mẹ tôi, dòng họ tôi chỉ là lương dân, không chút gì tình cảm với đảng, không ăn một “giọt lộc” nào của đảng, chỉ vì lo lắng cho tôi thôi mà tôi đã thấy sự quyết liệt, huống chi là anh (theo tôi thấy ba má, gia đình anh Long rất thành công, hưởng nhiều “lộc” của chế độ)? Anh hẳn sẽ bị sức ép gia đình ghê gớm lắm.
Khi anh đi tù, anh là một doanh nhân thành đạt, nắm tiền tỷ trong tay, đi tù là mất tất cả. Tôi thấy nhiều người mất vài triệu bạc đã tiếc đứt tóc, đứt ruột; thậm chí là khóc lăn lộn (cảnh quê tôi). Mất từng đó của tiền, hẳn không phải là chuyện thường?
Tổng hợp những gì anh đã trải qua, anh có “khùng” thật, cũng là điều có thể.
Là một người quan tâm đến chính trị, tôi thường đọc những chuyện hậu cung ở các nước độc tài như Liên Xô, Trung Quốc,…thấy nhiều câu chuyện người ta đầu độc, tiêu diệt đối thủ chính trị, tù nhân chính trị bằng thuốc độc, thuốc gây mất trí nhớ, thuốc gây điên mà rùng mình. Ai dám chắc điều này không xảy ra ở xứ ta? Giữa thanh thiên bạch nhật, người ta còn mượn tay côn đồ đánh người máu me đầy mặt, chấn thương sọ não thì trong thế giới âm u nhà tù, ai mà biết được điều gì? Khi người ta biết rằng, một tay có thể che bầu trời thì không gì là không dám làm!?!
Nếu anh bị nạn (đầu độc), anh là người rất đáng thương, một con người dù có khùng cũng đáng để nghiêng mình. Người khùng mà lòng còn canh cánh với nước non, với dân tộc thì cũng đáng yêu lắm.
Trên đây là suy luận theo giả thiết anh khùng thật như ai đó nói về anh, còn đây là cảm nhận của tôi. Khi có dịp vô Sài Gòn, tôi thường ghé đến thăm anh, thậm chí là có lần ngủ lại nhà anh. Cảm nhận của tôi về anh: anh là người hết sức bình thường, giàu tình cảm, rất thương yêu gia đình, con cái, có trách nhiệm với công việc, bạn bè. Có lần anh nói với tôi: “nếu anh không nhận tội, giờ anh vẫn còn ở tù, má anh đang bệnh thế này chắc anh không có cơ hội chăm sóc, báo hiếu. Có khi bà xanh cỏ, anh còn chưa ra,…”. Đó là lúc anh đang chăm sóc mẹ anh khi cụ đang chiến đấu với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Thời gian ngắn sau thì nghe má anh mất. Nghĩ về câu nói đó của anh, tôi rất ngậm ngùi.
Vì cùng cổ xúy cho phong trào CĐVN, chúng tôi cũng trao đổi với nhau về các vấn đề chính sự cùng quan tâm, tôi nhận thấy trong anh có sự chân thành, chung thủy với bạn bè cùng lý tưởng (tôi có cảm nhận anh là một người bạn chân thành, một “phụ tá” thân tín cho anh Trần Huỳnh Duy Thức). Không dám nhận xét về anh, nhưng nếu nói quan điểm thì tôi thấy anh có phần “ngây thơ chính trị”, kiểu tin rằng ĐCS là một đảng còn có nhiều con người tốt, có lý tưởng cao đẹp, có thể chuyển hóa để lãnh đạo đất nước (tôi nghĩ điều này có thể anh hấp thu tình cảm đảng của gia đình?). Anh thật tâm, chân thành muốn làm điều gì đó cho đất nước, nhưng có vẻ nôn nóng trong việc mong muốn giải quyết vấn đề. Anh hay nói với tôi “nếu không hóa giải được thì sẽ đổ máu, con người sẽ bắn giết nhau, cắt cổ nhau, thủ tiêu nhau,… rất kinh khủng (có lẽ anh nghe những chuyện giết nhau từ bố mẹ, ông bà hồi chiến tranh?).
Đọc các bài anh công bố gần đây, thấy nhiều điều “quái quái”, nhưng tôi tôn trọng anh, dù anh “ngây thơ chính trị”, chân thành quá mức hay “đang đánh võ say”,… Một danh nhân thế giới đã nói “chính trị là nghệ thuật của những điều có thể”. Ai mà biết được điều gì?
Khi anh công bố PT CĐVN, nhiều người công kích anh là chim muồi, là “con đường vô liêm sỉ”, nhưng tôi thì đăng ký ủng hộ, đơn giản là tôi đọc nội dung của nó. Phong trào CĐVN bàn đến vấn đề quyền con người (QCN), một vấn đề có vẻ mới mẻ, cần thiết cho cuộc sống. Cổ xúy cho QCN mà đi tù thì cũng đáng.
Qua câu chuyện về anh Lê Thăng Long và liên hệ bản thân, tôi suy ngẫm và rút ra kinh nghiệm “người có tấm lòng, lên tiếng cho lẽ phải, cho công lý rất là hiếm, họ bị nhiều áp lực khó khăn, thiệt hại. Họ có thể làm được hay không làm được, họ làm tiếp hay nghỉ, tiến lên hay rút lui,… ta cũng nên tôn trọng. Dù gì họ cũng đã có thành ý tốt. Dù có thất bại, “hoang tưởng”,… nếu không góp được hòn đá, viên sỏi trên con đường dân chủ thì ít ra họ cũng có lòng, hơn bao người xa lánh sự đời, tìm kiếm hạnh phúc, thành đạt trong lối sống ích kỷ”.
Thời đại dân chủ, ai cũng có quyền nói nhưng nói lời đau người khác cho sướng miệng thì mình cũng tổn thương uy tín! (Chưa xét đến hậu quả làm lòng người ly tán, kéo dài con đường đến đích dân chủ).
Tây Sơn 30/12/2013
Nguyễn Văn Thạnh
www.danquyen.org

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"