Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Nói với anh

Du A Lien
Dân Luận: Bài viết sau đây là của chị Du A Lien, dành tặng cho người chồng của mình là anh Nguyễn Văn Thạnh. Anh Nguyễn Văn Thạnh là một blogger, một nhà hoạt động xã hội và là thành viên Con Đường Việt Nam tại Đà Nẵng. Anh đã có nhiều bài viết đăng trên Dân Luận về tự do kinh tế gắn liền với tự do chính trị, quyền con người và quyền công dân. Anh đã nhiều lần bị cơ quan an ninh sách nhiễu, nhưng đỉnh điểm là gia đình anh bị cơ quan an ninh ép chủ nhà ngừng hợp đồng thuê nhà, rồi bắt giữ xe chở đồ khi chuyển sang nhà thuê mới, và ép chủ nhà mới không cho gia đình anh thuê nhà. Vợ và gia đình anh Thạnh cũng liên tục gặp áp lực từ phía an ninh, họ yêu cầu anh Thạnh dừng các hoạt động của mình, nếu không vợ anh có thể phải trả giá bằng công việc dạy học của mình.
Dân Luận xin chia sẻ góc nhìn của chị Du A Lien để độc giả tham khảo...
Một mùa Noel em không có cảm giác gì về nó. Dường như mọi giác quan đều phớt lờ với không khí Noel năm nay… Cũng do lòng mình ích kỉ, chỉ nhìn thấy mỗi hình hài chính mình, chỉ cảm thấy sự cô độc của chính mình. Anh từng nói: “Em cứ theo anh đến cùng trời cuối đất, chẳng có gì phải lo lắng, vui-buồn, ngọt-đắng… cuộc sống là một sự trải nghiệm, cứ an nhiên mà sống mà cảm nhận cuộc đời. Em phải hiểu rằng nhờ tổ tiên ta - những con khỉ dám từ bỏ cành cây để tiến về phía cánh đồng mà dần dần hai chi sau mới tiến hóa nâng tạo dáng đứng thẳng ngẩng cao đầu của chúng ta hôm nay”. Em bằng lòng theo anh có cả chủ động và bị động đan xen. Chủ động vì em muốn khám phá anh và khám phá thế giới cùng với anh, quá nhiều kì thú và vì thế em cũng chấp nhận những trắc trở thuộc về anh…Bị động vì em nghĩ là mình cần thêm thời gian, bị động vì bản thân em xưa nay sống quen êm đềm, chưa từng thử qua phong ba bão táp. Em chưa sẵn sàng và anh kéo em đi…
Hành trình với anh quả có rất nhiều điều thú vị ngọt ngào đến kinh ngạc em cảm ơn điều đó - những trải nghiệm tuyệt vời. Cũng có nhiều vị tê chát mà em hiểu mình phải thưởng thức nó trọn vẹn vì chính xác là nó dành cho em, khi em đã chọn - những trải nghiệm ý nghĩa. Chúng ta hôm nay “được-mất” những gì? Và em thì đang nghĩ về câu hỏi sẽ tiếp tục mất thêm những gì? Cho đến thời điểm này, những mất mát lớn nhất dành cho cả 2 chính là cảm xúc của gia đình chúng ta. Khi để gia đình phải lo lắng, bị tổn thương thì đó là điều đau khổ nhất phải không anh? Bây giờ cuộc sống lại bắt em phải lựa chọn, em sẽ nói anh: Một là hãy dừng lại và quay về với gia đình, chúng ta sống bình thường như mọi người, bình yên như mọi người với niềm hạnh phúc bình dị như-mọi-người. Hay anh cứ đi tiếp với chí hướng của anh và lại thêm mất mát, thêm tổn thương cho gia đình nhưng thỏa chí tang bồng của một chàng trai đất Quang Trung-Nguyễn Huệ.
Giá mà em chỉ là một họa sĩ nghiệp dư và tự do, nhưng em là một giáo viên, em phải sống cái cách như những người giáo viên khác. Dạy học không chỉ là chuyện mưu sinh, đó còn là niềm yêu thích. Nhưng dù em có nói gì, thì cũng không ảnh hưởng đến sự lựa chọn của anh, em biết. Anh là một người như vậy. Xưa nay vậy, bây giờ và sau này vẫn vậy. Nếu anh làm điều gì thì điều đó chính xác là quyết định của anh chứ không phải của người khác. Anh cũng sẽ “tham khảo” em chiếu lệ như cách anh xem qua lời giải một bài toán từ một cuốn sách giải cũ kĩ lỗi thời mà từ lâu anh thấy nhàm chán không có hứng thú. Em vẫn rất ấn tượng với cách anh giải những bài trắc nghiệm Hóa của em theo cái cách sáng tạo và tối ưu nhất về thời gian, cũng ngạc nhiên với cách thông minh của anh trong món Casio-Hóa. Nhưng cuộc sống không đơn thuần như một bài toán. Có quá nhiều ẩn số mà quá ít phương trình. Chúng ta đâm đầu vào ngõ cụt này rồi lại quay ra đi khám phá một ngõ cụt mới. Anh thấy trò đó có thú vị không? Anh sẽ nói là anh sẽ tìm ra những phương trình mới để giải bài toán phức tạp của anh.
Em thì chỉ muốn anh đi theo con đường của cụ Phan Châu Trinh “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” trong từ tốn và ôn hòa bằng những bài phân tích như xưa nay anh làm và nhiều người ủng hộ. Mục tiêu ban đầu của anh là “tự lực khai trí-không đả kích chế độ, không thóa mạ con người, không phán xét lịch sử”. Như vậy và chỉ như vậy thôi. Giải quyết những vấn đề nhân văn như dân quyền, chống tham nhũng, oan sai… nhưng không đẩy thành mâu thuẫn giữa các cá nhân chấp pháp với những đội ngũ hành pháp. Anh thường nhắc đến cái gọi là “lỗi hệ thống”, nếu anh có đủ tài anh hãy cứ làm chuyên gia phân tích đi, nếu anh nói đúng, hợp lí lẽ, ôn tồn thì sẽ có người nghe. Đừng gieo mình vào địa đồ của những trò sách nhiễu lố bịch, hèn hạ... Vì anh đã biết rõ nó có thể như thế nào rồi, đâu cần phải thử thêm nữa? Vì
1. Họ với ta không có thù oán gì và những người cộng sản tử tế cũng có mục tiêu dân chủ, nhân quyền như ta, chỉ là sớm hay muộn thôi.
2. Chuyển biến dân chủ là một quá trình lâu dài và phải song hành với quá trình thăng tiến dân trí.
3. Quyền lực của một nền Tư pháp độc lập và quyền lực thứ 4 - báo chí tự do - thông luận là những giá trị cao cả mà bất cứ một hình thái chính trị xã hội nào cũng hướng đến trong tương lai.
Loài người đã thử qua nhiều hình thái kinh tế-chính trị để cuối cùng đi đến hình thái tiến bộ nhất: “dân chủ-pháp quyền”, mọi hình thái có tính chất tập quyền, độc quyền, lạm quyền rồi cũng bị thế giới văn minh đào thải. Cũng như công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến giờ chỉ còn là mớ hổ lốn, ngớ ngẩn, man di, mọi rợ, là sự hổ thẹn trong lịch sử tiến trình phát triển của loài người.
Em nghĩ những người dân chủ muốn có dân chủ theo kiểu “diễn biến hòa bình”, không có cách mạng, ko có xáo trộn xã hội, không có bạo lực… theo kiểu như Anh quốc thì hãy đấu tranh theo đường lối ôn hòa nhất, không chỉ là bất-bạo-động mà là rất ôn hòa trong thái độ, không chửi bới thóa mạ, đả kích… tránh tạo cớ cho chính quyền sử dụng vũ trang đàn áp. Đừng tạo thêm khoảng cách, đừng gây thêm oán thù không đáng có giữa dân chủ và chính quyền. Liên quan đến vấn đề này, hôm qua em đọc quyết định của anh Lê Thăng Long về việc xin vào Đảng để chấn hưng đất nước, em nghĩ cần thêm thời gian để có thể nói một điều gì đó xác đáng về quyết định táo bạo này. Riêng về điều này thì em cảm kích tấm lòng của anh Lê Thăng Long khi anh muốn làm cầu nối cho lề trái và lề phải cùng ngồi chung mâm. Vì đơn giản: “Chúng ta là người Việt Nam”. Bên thắng cuộc và bên thua cuộc ngồi cùng nhau thì đất nước mới mong có ngày ngẩng cao đầu sánh vai với cường quốc năm châu, và em không còn thuộc về “bên bỏ cuộc”. Khi nào chúng ta có sự thấu hiểu và không định kiến, chúng ta mới có thể nhìn thấy ưu điểm của nhau. Đừng định kiến và bảo thủ thì một người dân thường mới phát biểu một câu rất rõ ràng như vầy: “Phá nước đâu không thấy, thấy toàn gửi tiền về không”, để rồi mỗi năm Việt Nam nhận hơn chục tỉ USD kiều hối, con số khổng lồ mang trong nó biết bao nhiêu giọt mồ hôi, nỗi nhọc nhằn nơi xứ người… Hai tiếng ”ĐỒNG BÀO” thật thiêng liêng.
Chiều hôm kia đưa tang bà về, anh viết: “Người bà quá cố của tôi đã đi trọn một thế kỷ sóng gió của dân tộc nhưng vấn đề thì vẫn còn. Có lẽ, thế hệ chúng tôi sẽ phải giải quyết nó!”. Em cầu mong người bà của anh ở trên cao phù hộ độ trì cho anh. Nơi mặt đất này, mấy ngày qua, những ngọn gió lang bạt tự do đã làm dịu đi rất nhiều những nhọc nhằn… Xin được cảm ơn những ngọn gió lành, những kẻ lữ hành lang thang rong chơi… Hình như chúng ta có duyên với những gì thích phiêu lưu như gió… Con đường dài xa thăm thẳm, phong ba bão táp. Em tự hỏi anh lấy đâu ra năng lượng thế để chống lại cảm giác hoang hoải, cô đơn của một cánh chim lẻ loi… Anh trả lời bằng một câu của Đức Phật: “Hãy tin vào chính mình”. Xin bình yên cho anh, cho em, cho mọi người, mọi nhà. Năm mới sắp đến rồi...

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"