Trần Huỳnh Duy Thức
Xuyên Mộc 3/11/2013
Hôm nay là Chủ Nhật, buổi trưa ở đây vắng lặng hơn ở Xuân Lộc vì ít
tiếng chim hót, dù là ở đây có nhiều cây xanh hơn. Ba thường chỉ chợp
mắt 30’ rồi buông mình vào suy tư “tôi tư duy là tôi tồn tại” là câu
triết lý mà ba rất thích. Cai duy nhất tạo ra sự khác biệt của thế giới
loài người với các loài động vật khác chính là khả năng suy nghĩ. Nhờ nó
con người mới hiểu được các quy luật vũ trụ và sáng tạo ra các giá trị
phục vụ cho mình.
Chủ nhật tuần sau là đám giỗ bà nội. Đã hai năm rồi ba chưa thắp được
cho bà nội nén hương… Khi nội còn sống, có những điều ba chưa làm được
cho nội cũng khiến ba thật chạnh lòng. Ông bà nội cũng như ông bà ngoại
đã phải trải qua những tháng ngày cơ cực nhất để nuôi ba mẹ khôn lớn.
Hai con sẽ rất khó hình dung ra được tình cảnh khốn cùng đó. Nhưng hồi
đó ba không thấy khổ cực gì cả dù có phải ăn cơm lừng độn với khoai và
thiếu chất đạm nghiêm trọng. Có lẽ do trẻ thơ hồn nhiên và sức trẻ nhiều
nên ba cứ vui đùa cả ngày mà chẳng thấy chán. Thời gian khác thì làm
lụng, chẳng có lúc nào mà nghĩ đến đau buồn, khổ cực. Nhưng khi lên cấp
3, vào cái tuổi mà người ta gọi là bắt đầu biết suy nghĩ, thì ba cũng
bắt đầu cảm nhận được sự tuổi nhục của cái nghèo cái khổ. Ba vẫn còn nhớ
như in cảm xúc vào buổi tối khi ba học lớp 11. Tối đó ba đi chơi về trễ
nên rất đói, nhưng nhìn phần cơm đã để riêng cho ba thì ít hơn mọi bữa
nên ba rất tức giận. Có lẽ ai đó trong nhà vì quá đói đã lén ăn bớt. Ba
đã định giãy nãy với bà nội vì chuyện này. Nhưng lúc đó bà Nội đang ngồi
trên võng và kéo suyễn nên ba dằn lòng lại trong một lát. Rồi ba nghĩ
nếu mình là bà nội, ông nội phải chứng kiến cảnh con mình thiếu ăn như
vậy dù đã làm hết sức mình, thì mình phải đau khổ đến mức nào. Một cảm
giác kinh khủng chiếm lấy ba, rồi sau đó là ân hận. Ba ôm tô cơm nguội
độn khoai chan với nước tương ăn cùng vài cọng rau muống ngồi ăn trên
bậc thềm tam cấp trước chiếc võng của bà nội, ăn ngấu nghiến. Bà nội hỏi
ba chơi ở đâu mà về trễ, rồi hỏi ba ăn có no không, ba nói dối là đủ
no. Ba hỏi bà nội “Nếu sau này nhà mình có tiền, má thích ăn gì và muốn
làm gì?”. Bà nội chắc có lẽ vì không đọc được quyết tâm của ba nên trả
lời rằng “Có cơm cho tụi con đủ ăn mà không phải độn là vui lắm rồi,
nghĩ gì đến nhiều tiền con”. Ba cười với nội và không nói gì.
Kể từ đó ba quyết tâm mãnh liệt sẽ làm cho gia đình mình hết nghèo và
sống đầy đủ. Ba không bao giờ quên tự nhắc mình về ý thức trách nhiệm
này từ ngày ấy. Ba đang viết mà thấy nhớ nội quá… Rạng sáng hôm qua ba
tỉnh giấc khi đang mơ được ôm nội và thổn thức. Ba thấy mình vừa ra tù
là chạy ngay đến chỗ nội. Trong mơ nội vẫn còn sống. Ba quỳ dưới chân
nội và ngã vào lòng bà nội ngã vào lòng nội, cảm giác như hai câu thơ ba
làm lúc còn ở B34: “Con về bên má quỳ thưa, bão giông tan hết gió mưa
thuận hoà”. Hơn 30s sau khi tỉnh giấc ba mới nhận ra là mình đang mơ.
Rồi ba buồn vì nội không còn trong vòng tay ba nữa. Ba không ngủ lại
được nhưng cảm giác dần vui lên vì tin rằng hẳn nội rất thương nhớ ba
nên thường hay về thăm ba trong mộng.
Gần 5 năm qua hai con của ba lớn lên trong tình yêu thương vô bờ của
mẹ nhưng thiếu vắng sự chăm sóc của ba. Ba rất biết ơn mẹ đã không để
hai đứa con thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần, và con truyền được nghị
lực và niềm tin để tụi con vững bước trên chặng đường chông gai vừa qua.
Ba cũng rất hạnh phúc vì 2 đứa đã không phụ thuộc tình thương yêu của
ba mẹ mà cố gắng vương lên để xứng đáng với điều đó. Càng lớn tụi con sẽ
càng hiểu tình yêu mà mẹ giành cho mình là bao la đến thế nào.Đến khi
mình có con thì mới thực sự hiểu sau sắc thế nào là tình mẫu tử. Bao năm
qua các con là mục đích sống của mẹ, là động lực để mẹ vượt qua giông
bão. Ba rất vui vì thấy rằng hai đứa đã cảm nhận và thấu hiểu được điều
đó. Hãy cố gắng hơn nữa để xứng đáng với những gì mà mẹ đã giành cho tụi
con nha!
Ngày 4/11/2013
Hôm nay ba muốn trao đổi với hai bạn nhỏ về chữ “Lợi” và ứng xử với cái lợi như thế nào?
Văn hoá nho giáo xem lợi là cái xấu khiến cho tâm lý con người ngại
khi nói về cái lợi. Nền văn hoá đó còn tạo ra được tiêu chuẩn đạo đức mà
người ta được ca ngợi khi từ bỏ cái lợi dù là rất chính đáng của mình.
Nho giáo xây dựng hai mặt đối lập nhau giữa “nghĩa” và “lợi” thậm chí là
phủ định lẫn nhau. Nó cho rằng người ta vì lợi mà mất nghĩa muốn có
nghĩa thì phải từ bỏ lợi, không thể vừa có được lợi vừa có được nghĩa và
nghĩa thì có thể tạo ra lợi nhưng lợi không thể tạo ra nghĩa. Cái tư
tưởng này ra đời vào bối cảnh cổ đại Trung Quốc bắt đầu xuất hiện những
phong trào mà các tầng lớp dân bị trị bắt đầu đòi hỏi quyền lợi của
mình. Các phong trào này lúc đó được hỗ trợ bởi các học thuyết tư tưởng
tiến bộ hơn của Mặc Gia(vì lợi ích của giới tiểu thủ công nghiệp), Dương
Gia (đại diện cho lợi ích của người sở hữu đất đai nhỏ - tiểu nông và
địa chủ nhỏ) hay Nông Gia (vì lợi ích của người nông dân). Giới cai trị
phong kiến lúc đó lung túng và lo sợ các phong trào này phát triển sẽ
ảnh hưởng đe doạ đến quyền lợi của họ. Do vậy thuyết “nghĩa” và “lợi”
của Nho Giáo đã nhanh chóng trở thành điểm tựa cho các tầng lớp này sử
dụng để áp chế các đòi hỏi chính đáng của người dân, biến những đòi hỏi
trở thành điều xấu xa về mặt đạo đức. Họ đã thành công nhờ nắm quyền lực
trong tay. Nhưng hậu quả của việc này đã làm Trung Quốc lụn bại trở
thành gã khổng lồ bạc nhược và bị xâu xé cho dù nó đã phát triển và đạt
được những thành tựu vĩ đại trước các nước phương Tây đến cả ngàn năm
(kiếm những thành tựu này). Nguyên nhân là nó đã tạo nên một nền văn hoá
ứng xử tiêu cực mà ba đã viết từ lần trước, ở đó nhào nặn ra những con
người cam chịu và thụ động. Họ không dám, thậm chí không có ý thức đấu
tranh vì quyền lợi chính đáng của mình mà chỉ trông đợi vào sự ban phát
ân huệ từ vua – quan. Nền văn hoá này ảnh hưởng sâu sắc đến các nước
Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc khiến các nước này chậm phát triển mấy trăm
năm so với sự tiến bộ của thời đại.
Tình trạng này chỉ thay đổi ở nước nào mà cái tư tưởng “nghĩa đối
nghịch lơi” sai làm nói trên bị thay đổi bằng những quan điểm ứng xử
đúng đắn về lợi.
Lợi nghĩa rộng bao hàm cả quyền lợi, ích lợi, cả vật chất lẫn tinh thần.
Lợi là động lực tự nhiên của con người mà nhờ đó cả xã hội loài người
mới phát triển. Con người càng làm lợi cho mình thì xã hội càng phát
triển.
Con người hành động vì lợi không có gì là sai trái cả.Hành động tốt
hay xấu là do cách người ta làm ra lợi và dùng lợi ứng xử với những
người khác nhau như thế nào.
Lợi và nghĩa không phủ định nhau mà có thể cùng tồn tại với nhau trong cùng một hành động
Điều tốt đẹp sẽ xảy ra khi ứng xử của con người và đạo đức xã hội cân
bằng được giữa lợi và nghĩa. Và cái xấu sẽ hoành hành khi sự cân bằng
này bị thiên lệch về lợi hay nghĩa.
Đối diện với một xã hội bị cho là suy thoái về đạo đức thì nguyên
nhân thường được người ta gán cho là sự ích kỉ cá nhân vì những biểu
hiện hay thấy là con người phần lớn ứng xử với nhau vì lợi riêng. Giải
pháp sai lầm trong trường hợp này là đánh vào chủ nghĩa cá nhân với hy
vọng triệt tiêu hoặc ít ra là hạn chế động cơ hám lợi của con người.
Nhưng tự cổ chí kim từ Đông sang Tây, hành động vì lợi là một động lực
tự nhiên của con người mà không một ai có thể thay đổi được. Động lực đó
càng mãnh liệt khi cái lợi đó là lợi riêng. Do vậy sự áp chế bằng quyền
lực thực chất là đè nén các động lực này chỉ dẫn đến những biến tướng
tai hại, một trong những cái xấu nhất của nó là thói đạo đức giả. Nhiều
người hành động vì lợi nhưng che dấu bằng nghĩ. Lắm kẻ dùng lợi chung để
thủ lợi riêng. Những lễ nghĩa được cho là đạo đức tốt đẹp chỉ tồn tại
trên danh nghĩa, sách vỡ mà có khi người ta dùng chúng để tranh giành và
trừng phạt lẫn nhau. Còn trong thực tế thì mối quan hệ xã hội giữa con
người với nhau được chi phối bằng các mối quan hệ thuần tuý vật chất. Ở
một tình trạng nhẹ hơn đạo đức giả là thói quen tâm lý vòng vo khiến xã
hội hoạt động không hiệu quả. VD: một người muốn được trả lương xứng
đáng với năng lực, thành quả mình làm ra được. Nếu là người Singapore
thì người ấy sẽ rất thẳng thắn đề nghị cấp trên tăng lương kèm theo
những chứng minh về năng lực của mình, nhưng nếu là ở Trung Quốc hay
Việt Nam thì tụi con sẽ thấy người làm thuê rất ngại nói về những điều
như vậy vì có tâm lý sợ người khác nghĩ mình “trọng tiền bạc”. Từ đó họ
dùng nhiều cách vòng vo khác nhau để đạt được mục đích của mình, cách
xấu nhất là làm cho đồng nghiệp của mình hiệu quả thấp hơn mình. Cách
được cho là khéo léo và tế nhị nhất là xin nghỉ việc vào lúc mình đang
làm việc hiệu quả nhất.
Còn rất nhiều các tác động tiêu cực khác của các giải pháp sai lầm
nói trên mà hai đứa hãy quan sát và phân tích để thấy rõ. Ở đây ba muốn
nhấn mạnh một tác động xấu nhất của nó là triệt tiêu mất động lực phát
triển. Đây là nguyên nhân căn bản khiển các nước theo văn hoá Nho Giáo
bị đẩy lùi xa phía sau kể từ thời trung đại đến thế kỉ 18, 19 và 20. Ở
các nước này, trong hàng ngàn năm, các lễ giáo kiểu “trọng nghĩa khinh
tài” (tài là tiền chứ không phải tài năng) không chỉ được nhồi nhét giáo
dục cho con người từ nhỏ mà còn được luật hoá để trở thành các quy tắc
ứng xử bắt buộc cho quan lại và dân thường. Vi phạm các quy tắc này sẽ
bị phạt tiền và tù. Nhưng thực tế thì chẳng mấy khi quan lại bị phạt mà
hầu hết dân thường bị lãnh đủ. Do vậy, cũng từ xuất phát từ động lực tự
nhiên của con người là lợi nên người dân dần dần hướng đến những gì
thiệt hại ít nhất cho mình khi không làm đc gì sinh ra lợi. Điều này
cuối cùng tạo ra một xã hội ở tình trạng mà con người chẳng dám, chẳng
dại làm gì mà quan lại không muốn, chỉ thụ động chờ sự ban phát. Sự chủ
động phổ biến nhất mà họ có thể làm là đút lót.
Như vậy không thể triệt tiêu lợi riêng để có lợi chung, cũng chẳng
thể tập trung cho lợi chung để có lợi riêng. Trong thời kì kinh tế bao
cấp, mọi người được hướng toàn bộ vào phục vụ lợi chung nhưng hiệu quả
thực sự là rất thấp mà tụi con đã được nghe nói nhiều. Sự đổi mới kinh
tế đã tạo ra thành tựu ở Trung Quốc và Việt Nam về bản chất chính là làm
cho con người có quyền làm lợi cho mình.
Tuy nhiên, giải pháp đúng đắn nhất cho tất cả các vấn đề nêu trên là
làm sao để con người cân bằng được giữa lợi riêng và lợi chung thì xã
hội sẽ cân bằng được giá trị vật chất và tinh thần. Các giải pháp cực
đoan nhằm triệt tiêu phía này hay phía kia đều phá vỡ sự cân bằng này
đều làm cho xã hội suy thoái và/hoặc phát triển thiếu bền vững, gây ra
rất nhiều những vấn nạn. Đề tài “làm sao để cân bằng được các giá trị
trong cuộc sống” ba đã trao đổi với hai bạn trẻ hồi 2 năm trước. Ngày
mai ba sẽ trao đỗi kĩ hơn về nó trên phương diện những ứng xử cá nhân.
Giờ thì ba xem film 18h trên VTV3 “Quý bà Go Bong Shit” (rất giống mẹ
hihi).
Ngày 5/11/2013
Ứng xử cá nhân của mọi người quyết định nên tầm thức văn hoá của cả
một dân tộc vì đó là ứng xử của số đông đa số. Rồi tầm thức này lại ảnh
hưởng mạnh mẽ đến ứng xử cá nhân. Cứ như vậy tác động qua lại như hình
xoắn ốc, có thể đi lên và tạo nên sự thăng hoa, nhưng cũng có thể đi
xuống và dẫn đến lụn bại. Do vậy, như thư trước ba đã viết, việc giáo
dục để định hình văn hoá ứng xử cá nhân để có được một tầm thức văn hoá
tiến bộ của một dân tộc là hết sức quan trọng, quyết định mức độ thịnh
vượng và văn minh của quốc gia. Ba sẽ so sánh giữa nước Anh và Trung
Quốc để tụi con thấy rõ được điều này.
Trung Quốc: Một quốc gia có lịch sử và nên văn minh lâu đời nhất trên
thế giới. Rất nhiều phát minh quan trọng về Vật Lý, Thiên Văn, Toán Học
được người Trung Quốc tìm ra hàng trăm, hàng ngàn năm trước cả châu Âu.
Tư tưởng triết học của người Trung Quốc cũng hình thành rất sớm như ở
Hy Lạp và Ấn Độ. Các tư tưởng này cũng rất đa dạng và phong phú nhưng
Nho Giáo lại chiếm giữ vai trò thống trị xuyên suốt trong gần 2500 năm
trong hầu hết các triều đại của TQ. Trong quá trình này Nho Giáo đã có
rất nhiều cải biến nhưng bản chất của nó vẫn là những căn bản được xác
lập bởi Khổng Tử - người sáng lập ra Nho Giáo. Các tư tưởng này ăn sâu
vào mọi tầng lớp xã hội, biến nó thành một loại hiến pháp tự nhiên không
phải bàn cãi, không cầu thay đổi. Do đó nó làm xã hội và con người TQ
trở nên xơ cứng từ thời kì cận đại trước những biến đổi sâu sắc và nhanh
chóng ở Châu Âu vào thời đó. Từ sau thế kỉ 15 TQ trở nên suy thoái
nhanh chóng, tỉ lệ nghịch với tốc độ phát triển nhanh chóng ở Châu Âu.
Đến cuối thế kỉ 18 thì TQ hoàn toàn lệ thuộc và sự điều khiển và xâu xé
của các nước Phương Tây và kể cả Nhật Bản – một nước nhỏ hơn TQ rất
nhiều và từng là chư hầu của TQ (như VN) nhưng đã kịp thay thế Nho Giáo
từ thế kỉ 19. Có rất nhiều nguyên nhân làm Nho Giáo bám chặt lâu dài vào
xã hội Trung Quốc. Nhưng theo ba một trong những nguyên nhân quan trọng
là người Trung Hoa quá đặt nặng vấn đề sắc tộc trong ý niệm về dân tộc
và quốc gia. Do đó Nho Giáo dễ dàng xây dựng tinh thần dân tộc và niềm
tin về chủ quyền quốc gia xung quanh một gia tộc được đại diện bởi một
người là Hoàng Đế. Từ đó sức mạnh dân tộc để bảo vệ chủ quyền quốc gia
được biến thành để bảo vệ cho một triều đại. Nghiên cứu lịch sử các cuộc
cách mạng ở Trung Quốc thì tụi con sẽ thấy rằng những cuộc đấu tranh
của người Trung Quốc nhằm để cải thiện và bảo vệ quyền lợi của mình thì
rất yếu ớt và luôn thất bại. Còn các cuộc cách mạng lật đổ và thay đổi
triều đại thì luôn khốc liệt và đẫm máu lại thường dẫn đến thành công.
Nhưng các cuộc cách mạng này không mang lại nhiều thay đổi về quyền lợi
và lợi ích của quần chúng một cách thực chất. Rất nhiều lần thay đổi
triều đại nhưng các chế độ mới đều là quân chủ chuyên chế, chủ quyền
quốc gia thuộc về một người, một nhóm người. Nhìn một cách biện chứng
thì có thể nói rằng nguyên nhân của tình trạng trên là vì thiếu ý thức
đấu tranh thực sự cho quyền lợi của mình mà lại bị lợi dụng cuốn theo
các cuộc đấu tranh vì quyền lợi của một nhóm người nhân danh dân tộc,
quốc gia.
Nước Anh: là một quốc gia chưa hình thành vào thời cổ đại và vẫn còn
chậm phát triển ở thời trung đại so với nhiều quốc gia khác ở Châu Âu
vào thời đó như Pháp và Đức. Từ thế kỉ X trở đi Anh bắt đầu phát triển
rồi trở thành quốc gia hùng cường nhất Thế Giới và mãi đến giữa thế kỉ
20, góp phần tạo nên sự thịnh vượng cho thế giới trong nhiều thế kỉ. Tui
con đã học lịch sử nên biết nhiều nguyên nhân của kỳ tích này. Ở đề tài
này ba sẽ phân tích nguyên nhân ở khía cạnh ứng xử cá nhân. Người Anh
không coi trọng yếu tố sắc tộc trong tinh thần dân tộc và không gắn nó
với chủ quyền quốc gia. Như tụi cọn biết, năm 1066 công tước William xứ
Normandy của nước Pháp đã giao chiến với vua Anh lúc đó là Harold – một
người Anglo Xắcxông gốc (chủng tộc chủ yếu của người Anh). Harold bại
trận do người Anh không quan tâm nhiều đến cuộc chiến này. Họ chỉ xem
đây là cuộc chiến tranh giành ngôi báu. Thay vào đó họ làm một điều mà
người Châu Á cảm thấy rất khác thường. Đó là, họ ra điều kiện cho
William muốn làm vua Anh thì phải ký vào bản cam kết sẽ luôn bảo vệ
quyền lợi cho người dân Anh với những yêu cầu rất cụ thể. William đồng ý
và được dân Anh tuyên làm vua nước mình. Điều thú vị là William là
người Pháp và còn không biết nói tiếng Anh hơn nữa lúc đó Pháp vẫn là
đối thủ của Anh. Nhưng William đã thực hiện đúng cam kết, tăng nhiều
quyền lợi cho dân Anh và hi sinh một số đặc quyền của vua Anh so với các
triều đại trước đó. Những cải cách này đã làm Anh phát triển tốt đẹp,
trở nên hùng mạnh hơn nên càng là đối thủ đáng gờm hơn của Pháp. Sử gọi
triều đại này là triều đạ Normandy, cũng là một thời kỳ phát triển quan
trọng về văn học, văn hoá, kinh tế,… của nước Anh. Triều đại này kết
thúc qua sự kiên vua John phải kí vào bản đại hiến chương vào năm 1215.
John là hậu duệ của Vua William nhưng đã tiến hành chiến tranh với chính
xứ Normandy-nguồn gốc của chính gia tộc này. Năm 1213 để có tiền thực
hiện cuộc chiến này, vua John đã tăng thuế lên cao. Người dân Anh đã
phản đối mạnh mẽ và dựa vào tuyên bố “Đặc quyền lệnh của Henry I” (Là vị
vua kế nhiệm đời thứ 2 của vua William) để tuyên bố rằng vua John đã vi
phạm cam kết với dân Anh. Họ cử đại diện là 25 Nam Tước chuẩn bị sẵn
một bản thoả thuận trong đó buộc vua John nếu không muốn bị dân nổi dậy
và chống lại phải kí vào. Đó chính là bản đại hiến chương nói trên. Nội
dung cơ bản của nó như sau:
- Thần dân có quyền và phải luôn được đảm bảo tài sản và an toàn thân thể, tính mạng.
- Trong quan hệ giữa dân và vua, dân có quyền phản kháng bạo quân.
- Ngoài tô thuế phong kiến, vua không có quyền thu thêm bất kì một
loại thuế hay quyên góp nào khác trừ khi được sự đồng ý của toàn quốc.
- Chưa trình ra phán quyết hợp pháp và thẩm xét của luật pháp trong nước thì không được bắt bớ bất kì người tự do nào.
Tụi con sẽ không tìm thấy bất kì một tuyên bố tương tự nào như thế ở
Trung Quốc trong suốt mấy ngàn năm, mãi đến đầu thế kỉ XX. Sự tiến bộ
này của người Anh cũng khác biệt và vượt lên hẳn so với nhiều nước châu
Âu thời đó. Chính nhờ vậy mà nước Anh đã bức phá ngoạn mục. Sự kiện Đại
Hiến Chương đã dẫn đến việc tiến hành thành lập nghị viện, rồi từng bước
nghị viện dần giành được quyền lập pháp, biến Anh thành cái nôi của nên
dân chủ trong thời kì cận và hiện đại của thế giới. Do tính cách của
người Anh luôn thẳng thắn đòi hỏi và bảo vệ quyền lợi chính đáng của
mình như vậy nên sự thay đổi các triều đại ở Anh rất ít xảy ra, và khi
diễn ra lại rất ít đẫm máu cũng không kéo dài gây lầm than cho dân Anh.
Sự kiện đẫm máu nhất là cuộc cách mạng 1640, cũng xuất phát từ sự việc
lúc đó là vua Charles I cần tiền nên cũng tăng thuế nhưng không được
nghị viện Anh chấp nhận. Charles I giải tán nghị viện nhưng các đại biểu
nghị viện vẫn không nhượng bộ nên ông ta liều lĩnh tấn công – bắt giam
các lãnh đạo của nghị viện. Người dân Anh thực hiện các quyền đã được
thoả thuận của mình, tự vũ trang đứng lên ủng hộ các nghị sĩ chống lại
nhà Vua. Mấy năm đầu, quân đội nhà vua thắng thế nhưng đến năm 1649 thì
lực lượng vũ trang nhân dân đảo ngược tình thế. Họ bắt giữ và xử tử
Charles I. Nhưng cuộc cách mạng không vì thế mà kết thúc ngay được vì nó
được khởi nguồn bằng bạo lực và đáp trả bằng bạo lực. Những cuộc thanh
trừng và tranh giành bằng bạo lực vũ trang vẫn diễn ra hơn 10 năm nữa.
Đến năm 1660, chính những người đã lật đổ Charles I lại ủng hộ con của
ông ta lên làm vua gọi là Charles II. Đến đây cuộc cách mạng này mới
chấm dứt cùng với sự tang tóc của nó. (Tóm lại không cần kể người làm
vua là ai chỉ cần đảm bảo được quyền lợi của dân Anh thì người đó được
ủng hộ). Từ bài học này nên kể từ đó về sau người Anh không có thêm bất
cứ một cuộc cách mạng bạo lực nào nữa cho mãi đến bây giờ. Một sự cải
cách thay đổi sâu sắc các vấn đề chính trị cốt lõi của nước Anh được
diễn ra hoàn toàn trong hoà bình vào năm 1688. Đó là cuộc cách mạng
Quang Vinh mà tụi con đã học. Thay thế những cuộc cách mạng bạo lực
& lật đổ là các cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật lừng lẫy từ nước
Anh và lan rộng ra cả chau Âu rồi sau đó ra toàn thế giới. Chúng đã tạo
nên thành tưu vĩ đại nhất trong lịch sử phát triển của nhân loại, biến
đổi sau sắc điều kiện sống của loài người.
Từ lúc hình thành nên quốc gia, nước Anh đã trải qua vài lần thay đổi
triều đại. Bản chất của các chế độ này đã thay đổi từ toàn quân chủ
sang toàn dân chủ. Nhưng hình thức của chúng thì gần như không có thay
đổi gì đáng kể, vẫn là vua hay nữ hoàng là người đứng đầu đất nước. Điều
này chứng tỏ người dân Anh chỉ quan tâm đến thực chất – tức là những gì
thực sự mang đến quyền lợi thiết thực cho người dân, chứ không dễ bị
hình thức của các tên gọi triều đại, chế độ làm cho ảo tưởng. Sự quyết
tâm người anh bảo vệ quyền lợi của mình đã buộc những người cầm quyền
phải đáp ứng để có thể duy trì sự tồn tại và quyền lợi hợp lý cho mình.
Từ sự so sánh giữa lịch sử TQ và Anh như trên ta có thể rút ra những kết luận sau:
- Văn hoá ứng xử cá nhân của đa số người dân quyết định sự phát triển hoặc suy thoái của dân tộc, quốc gia.
- Mọi người cần có quyền và cần hành động để bảo vệ quyền lợi chính
đáng của mình. Đòi hỏi quyền lợi cho mình là không có gì xấu xa hay sai
trái
- Những cuộc cách mạng thay đổi triều đại, chế độ thì không chắn chắn
sẽ dẫn đến thay đổi tốt hơn cho người dân. Nhưng những cuộc cải cách
bởi áp lực của quần chúng đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình thì luôn
dẫn đến những sự thay đổi tốt đẹp cho toàn xã hội
Ngày 6/11/2013
Nhìn từ quan điểm cân bằng các giá trị trong cuộc sống thì thấy người
Anh đã cân bằng tốt giữa lợi riêng và lợi chung, giữa cá nhân và quốc
gia. Trong khi người TQ thường đề cao lợi chung của quốc gia mà đè nén
lợi riêng của cá nhân. Nhưng thực tế thì một số ít tầng lớp vua quan
trên cùng của xã hội mới được hưởng lợi lớn.
Đọc sách của Trung Quốc thì tụi con thường thấy họ đề cao và kêu gọi
quan lại hi sinh quyền lợi của mình và gia đình mình để chăm lo cho lợi
ích của dân chúng. Nhưng tụi con sẽ thấy quan điểm “không chăm lo được
cho mình và gia đình mình thì nói gì đến chăm sóc cho quần chúng” lại
rất phổ biến ở Anh và các nước phương Tây.
Tuy vậy, như ba viết ở thư trước không nên du nhập thụ động hay buông
thả theo các xu hướng văn hoá mới, mà phải tiếp nhận chúng một cách chủ
động để tạo ra sự giao thoa tích cực. Văn hoá chỉ giao thoa được khi nó
tìm ra được các điểm cân bằng. Mà sự cân bằng quan trọng nhất là sự cân
bằng giữa riêng và chung. Một người mà chỉ chăm chăm vào lợi ích riêng
của mình thì sẽ trở nên ích kỉ. Nếu chỉ nghĩ đến lợi ích chung thì sẽ
trở nên mất gốc và ảo tưởng. Nếu chỉ chăm lo cho gia đình mình thì sẽ
trở nên hẹp hòi và đánh mất cơ hội được tương trợ và hạnh phúc từ cộng
đồng.
Nhìn rộng và sâu hơn nữa từ khía cạnh cân bằng và giao thoa văn hoá
thì cần thấy rằng ứng xử của cá nhân nói riêng và số đông nói chung
không nên có văn hoá phủ định những gì khác mình. Mình có quyền phê phán
những gì thấy không tốt cho mình hoặc cho lợi ích chung để những điều
đó có thể trở nên tốt hơn. Với thái độ như vậy thì con người sẽ tìm ra
được những điểm chung để cân bằng lợi ích của nhau. Còn khi người ta chỉ
nhằm mục đích phủ định lẫn nhau thì sẽ luôn xung đột lật đỗ lẫn nhau và
đi kèm với các hành vi bạo lực rất khó tránh khỏi. Nghiên cứu kĩ hơn về
Anh và TQ thì tụi con sẽ thấy rõ điều này. Hì hì đề tài lần này nhức
đầu quá phải không hai bạn nhỏ. Nhưng ba biết rằng nó rất quan trọng và
cần thiết. Lần sau ba sẽ trao đổi một đề tài vui vẻ và thú vị hơn ha.
Tháng này là sinh nhật mẹ. Hai đứa hãy chuẩn bị cho mẹ một món quà
thật ý nghĩa nha. Hãy mang cho mẹ nhiều niềm vui thật thật lớn. Sau đó
là sinh nhật ông nội nữa. Bé Quân thử làm một vật kỉ niệm tặng ông nội
xem. Đến tháng sau đến giáng sinh và tết Tây, tụi con đừng quên gửi
thiệp chúc bác Hans và Ronate. Theo văn hoá người phương Tây, những sự
quan tâm như thế rất có ý nghĩa.
Ba yêu hai con gái cưng của ba lắm! Ba mong một ngày không xa sẽ thấy
hai đứa thành đạt và hạnh phúc. Rồi tụi con sẽ nhớ về thời gian này như
những kỉ niệm đẹp, Có nhiều điều không được may mắn với gia đình mình
lúc tụi con còn nhỏ. Nhưng hai đứa đã có được sự may mắn nhất trong đời
đó là mẹ. Hơn nữa, ông ngoại là người ông tuyệt vời nhất mà tụi con có
được trong cuộc đời này. Ba tin tụi con cũng cảm nhận được như vậy, và
đó chính là hạnh phúc!
Ba vừa điện thoại về cho cô sáu, biết được là ngày mai gia đình sẽ
lên thăm. Ba nhớ cả nhà lắm rồi nhất là bé Quân xinh đẹp. Ba dừng ở đây
nham lần sau ba sẽ viết thư cho mẹ nhân dịp sinh nhật.
Hôn ba mẹ con
Ba Thức
Ba Thức
TB: dạo này ba bắt đầu trồng bông ở khoảng đất nhỏ phía trước buồng. Chắc một tháng nữa sẽ đẹp hihi!