Trà Mi-VOA
Ông Đinh Đăng Định, nguyên giáo viên môn hóa trường trung học phổ thông Lê Qúy Đôn ở tỉnh Đắc Nông, đang thọ án 6 năm tù
Đại sứ của Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu và nhiều nước khác kêu gọi Việt
Nam phóng thích một nhà hoạt động ôn hòa đang bị ung thư dạ dày giai
đoạn cuối trong trại giam.
Nhà bất đồng chính kiến Đinh Đăng Định, nguyên giáo viên môn hóa
trường trung học phổ thông Lê Qúy Đôn ở tỉnh Đắc Nông, đang thọ án 6 năm
tù tại trại giam An Phước (Bình Dương) về tội danh ‘tuyên truyền chống
nhà nước’ sau các hoạt động kêu gọi dân chủ-đa đảng và phản đối dự án
khai thác bauxite Tây Nguyên do Trung Quốc trúng thầu.
Tin AP cho biết thư ngỏ của các nhà ngoại giao Tây phương gửi Ngoại
trưởng Việt Nam hôm 19/12 thúc giục nhà cầm quyền Hà Nội trả tự do cho
ông Định trên cơ sở nhân đạo để ông được về nhà chữa bệnh.
Con gái lớn của ông Định cho VOA Việt ngữ biết cách đây nửa tháng, cô
và mẹ ra tận Hà Nội lần lượt gõ cửa các cơ quan ngoại giao nước ngoài
để cầu cứu sự can thiệp:
“Em đã gặp khá nhiều đại sứ như đại sứ Úc, Đức, Canada, Thụy
Điển, Mỹ, và Liên hiệp Châu Âu EU. Khi họ nghe gia đình em trình bày, họ
rất cảm động, có người còn rơi nước mắt nữa cơ. Họ là người nước ngoài,
nhưng lắng nghe câu chuyện của gia đình em họ lại xúc động đến thế
trong khi những nhà lãnh đạo Việt Nam sao lại đan tâm cầm tù bố em như
vậy dù bố em đang bị bệnh hiểm nghèo như thế.”
Cô Đinh Phương Thảo nói từ hôm 17/12 vừa qua, bố cô được trại giam
chuyển ra bệnh viện 30/4 của Bộ Công An ở TPHCM để tiến hành đợt hóa trị
lần ba trong tám đợt dự kiến.
Tuy nhiên, cô cho biết từ ngày ông Định bị phát hiện lâm bạo bệnh tới
nay, nhà chức trách Việt Nam vẫn nhất quyết từ chối không trao hồ sơ
bệnh án để ông biết rõ bệnh tình của mình, dù ông và gia đình đã nhiều
lần đề nghị. Thậm chí yêu cầu của ông Định đòi biết tên hóa chất mà bệnh
viện của Bộ Công an dùng điều trị cho ông cũng không được đáp ứng.
“Cái hồ sơ bệnh án đó họ cứ đá qua đá lại, không ai chịu nhận
trách nhiệm để cấp cho bố em. Bố em nói [được biết bệnh án] là quyền cơ
bản của một con người, của người bệnh, nhất là đang trong tình trạng
hiểm nghèo. Hai lần hóa trị trước cho bố em, cũng hoàn toàn không có
bệnh án rồi. Không những thế, họ vừa truyền hóa chất trị bệnh vào người
bố xong chưa đầy 12 tiếng họ đã mang ông trở lại trại giam.”
Con gái nhà bất đồng chính kiến Đinh Đăng Định cho hay nguyện vọng
của ông bây giờ là được thông báo đầy đủ, công khai về bệnh trạng của
mình và được chữa trị ở một bệnh viện khác ngoài bệnh viện của Bộ Công
An.
Gia đình ông đã nhiều lần xin giới hữu trách giải quyết yêu cầu này
và tình nguyện chi trả mọi chi phí điều trị, nhưng bị khước từ.
Không lâu trước khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tới thăm Việt Nam
từ ngày 14-17 tháng này, gia đình ông Định đột nhiên nhận được giấy báo
của Tòa Tối cao yêu cầu nộp bản án để Giám đốc thẩm cho ông mặc dù từ
phiên phúc thẩm tới nay, ông Định và gia đình chưa hề làm đơn kháng cáo
xin lên Giám đốc thẩm. Tại tòa phúc thẩm tháng11 năm ngoái, nhà hoạt
động Đinh Đăng Định bị giữ y án 6 năm tù.
Cô Thảo nói đề nghị ‘kỳ lạ’ này của nhà cầm quyền là điều hiếm thấy và khó hiểu:
“Nội dung giấy báo của họ nói rằng Phòng Hình sự của Tòa án Tối
cao đã nhận được giấy xin Giám đốc thẩm của gia đình. Họ đề nghị chúng
tôi nhanh chóng cung cấp bản án để họ hoàn tất thủ tục hồ sơ Giám đốc
thẩm. Tuy gia đình em không nộp đơn xin Giám đốc thẩm, nhưng nhận thông
báo này của họ thì thôi cũng làm theo. Gia đình em đã gửi bản án lên cho
họ hơn 10 ngày nay. Họ chưa phản hồi gì.”
Con gái ông Định nói tình trạng của ông rất nguy cấp và họ hy vọng
ông được sớm ra khỏi trại giam để gia đình có thể chăm sóc, chạy chữa
cho ông.
Giới hữu trách Việt Nam không phản hồi khi được hỏi bình luận về vụ việc của nhà bất đồng chính kiến Đinh Đăng Định.
Quốc tế đang gia tăng áp lực đòi Hà Nội phóng thích tù nhân lương tâm
và nới lỏng các giới hạn về quyền tự do bày tỏ quan điểm trong bối cảnh
Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc hồi tháng 11 năm nay,
Ngoại trưởng Mỹ thăm Việt Nam trung tuần tháng này, và giữa lúc Việt Nam
đang đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương với các
nước bao gồm Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy Hà Nội đang cân nhắc các biện pháp sớm cải thiện nhân quyền.