Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Chiếc roi mây và sự giáo dục

Dew Nguyễn
Gần đây dư luận dấy lên sự tức giận và phẫn nộ sau vụ hành hạ trẻ em ở nhà trẻ Phương Anh. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu và cũng không ai dám chắc là lần cuối sẽ gặp lại sự việc này – những bảo mẫu hành nghề bảo kê và sử dụng bạo lực với những đứa trẻ non nớt ngây thơ. Vậy mà vẫn có những con người cho rằng: những hành vi ấy không phải là “hành hạ” mà chỉ là một dạng biến chất của sự “giáo dục nghiêm khắc” của giáo viên mà thôi! Vậy đâu là quan điểm đúng và đâu là cái nhìn lệch lạc mà chúng ta cần phải lên tiếng phản bác?
Ai đã đọc qua tác phẩm “Mắt biếc” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cũng đều biết rằng nhân vật Ngạn đã có một tuổi thơ “dữ dội” với những trận roi mấy vỗ đen đét vào mông, vào đùi. Và cùng với sự răn đe và nghiêm khắc của ba mình, Ngạn đã tủi hờn biết bao. Nhưng anh cũng thừa nhận rằng chính nhờ sự giáo dục khắt khe đó mà anh so với những người bạn đồng lứa đã trưởng thành hơn rất nhiều. Đó là câu chuyện của Ngạn. Còn tôi, có một câu chuyện khác!
Ba tôi là giáo viên nhưng ông chưa từng dùng cây thước hay roi mây để đánh tôi. Điều đó không có nghĩa là tôi không nhận được sự giáo dục từ ông. Sự nghiêm khắc của ông toát ra từ đôi mắt và lời nói. Chỉ cần một tia nhìn là tôi sẽ biết ngay ba đang tức giận và tôi đã sai. Chỉ cần một lời dạy nhẹ nhàng và ân cần, cả đời này tôi mãi không quên.

Qua hai câu chuyện trên các bạn có thể thấy rằng: những bậc phụ huynh có những cách giáo dục khác nhau và không phải chiếc roi mây nào cũng cần phải vỗ đen đét vào mông, chỉ cần “đánh” vào sự nhận thức của một đứa trẻ là đủ! Để rồi khi những bậc làm cha, làm mẹ ấy bắt buộc phải san sẻ sự giáo dục cho những người xa lạ mà chúng ta gọi là cô, là thầy. Họ mong muốn con mình tốt hơn, giỏi hơn bằng sự vun đắp những kiến thức, sự dạy dỗ tốt đẹp hơn chứ không phải thấy con mình chịu những trận đòn roi, nhựng cái bạt tai hay những sự hù dọa khiếp vía không chỉ về mặt thể xác mà cả tinh thần trên những đứa con yêu quý của chính mình. Là bậc làm cha, làm mẹ ai mà không xót, không đau!
Cứ cho là “giáo viên” có quyền răn đe bằng hành động. Nhưng thiết nghĩ những người có lương tâm sẽ biết đâu là điểm dừng cho một sự trừng phạt xứng đáng. Mà nói cho cùng mấy đứa mẫu giáo biếng ăn, quậy phá thì có làm gì nên tội. Đầu óc non nớt và thân hình bé nhỏ làm sao chịu đựng nổi những sự giày vò lố lăng của những kẻ độc ác đó.
Họ dường như đã biến những chiếc roi mây thành cây chùy sắt đáng sợ và giáng xuống thẳng tay những hình hài bé nhỏ mà không mảy may thương xót! Và những nỗi sợ hãi đã bao trùm những đứa bé ngây thơ thay vì cảm nhận về tình thương của sự giáo dục đúng mực mà các em đang cần và rất cần. Sự giáo dục không đi lên từ những trận đòn roi. Sự giáo dục tốt lên từ sự mong mỏi thật tâm về tương lai tươi sáng của trẻ thơ khi ta là người lớn.
Dew Nguyễn

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"