Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Bỏ đảng để trở thành tự do

Lê Diễn Đức
Tháng 8 năm 2013, trong một bài viết nói về việc ông Lê Hiếu Ðằng, cựu phó chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc TP. HCM, kêu gọi thành lập đảng Dân Chủ Xã Hội, tôi có nói:
“Sự khởi xướng và lời kêu gọi của ông Lê Hiếu Ðằng ít tính khả thi, vì chẳng ai đi bỏ một đảng có lý tưởng, giờ là lý tưởng tiền hay sổ hưu, để đi theo một cái đảng khơi khơi, không hề có cương lĩnh và chương trình hành động chính trị. Hơn nữa, nếu 'tính sổ' với đảng CSVN và thấy bị phản bội, lẽ ra ông phải tuyên bố từ bỏ đảng CSVN ngay lập tức. Như thế mới có sức thuyết phục và thu hút. Vẫn ở trong đảng CSVN mà kêu gọi, thành lập đảng, đẻ ra một đảng kiểu 'anh em' của đảng CSVN với cùng ý thức hệ và chủ nghĩa Mác-Lenin thì hóa ra chỉ 'bình mới rượu cũ', vô nghĩa”.
Giờ đây, ngày 4 tháng 12 năm 2013, ông tuyên bố:
“Tôi tên Lê Hiếu Ðằng là đảng viên đảng CSVN, hơn 40 tuổi đảng. Nay tôi tuyên bố công khai ra khỏi đảng CSVN vì: Ðảng CSVN bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc) mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc. Ði ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân. Tôi xin xác định đây là quyết định của tôi”.

Như vậy, có thể nói, chỉ trong vòng hơn ba tháng qua đã diễn ra một cuộc chiến nội tâm mãnh liệt. Ông Ðằng đã từng đối diện với cái chết, phải vật vã trải qua căn bệnh hiểm nghèo và ông đã “viết trên giường bệnh” để nói lên tâm tư của mình về đảng và về tương lai của dân tộc. Nhưng một con người có hơn 40 tuổi đảng, bao nhiêu năm gắn bó với lợi ích của đảng, như ông, thật không dễ dàng từ bỏ. Trong thâm tâm ông vẫn muốn đảng nhìn nhận sai lầm để thay đổi, chuyển hóa. Ông không đủ can đảm ra khỏi hàng ngũ những người mà ông đã sát cánh từng ấy năm tranh đấu.
Nghe tiếng ông trả lời phỏng vấn của BBC Việt ngữ rất yếu, lựa chọn hay nhắm mắt buông xuôi cũng là cả một vấn đề.
Nhưng “con chim trước khi chết cất tiếng bi ai, con người trước khi chết nói lời thật lòng”. Tôi tin rằng ông đã sàng lọc những lợi, hại. Và theo bài phỏng vấn, việc Quốc Hội thông qua bản Hiến pháp sửa đổi trong ngày 28 tháng 11, là cú hích chót, đẩy ông qua phía khác, phía của con người tự do và đối diện với bên ác là đảng CSVN.
“Việc tôi tuyên bố ra khỏi đảng là hệ quả tất yếu của bài viết của tôi trước đây khi nằm trên giường bệnh. Nhưng do hoàn cảnh, do gia đình mà mình chưa thực hiện được. Nhưng bây giờ đã đến lúc thấy cần phải làm. Mình đã tuyên bố thì việc đầu tiên là chính bản thân mình phải ra khỏi đảng đã, rồi đến những người khác sẽ xem, nếu thấy việc làm của mình mà chính đáng họ sẽ hưởng ứng. Với lại bây giờ thấy đảng đã tệ hại quá đi. Vừa rồi Quốc Hội thông qua bản Hiến pháp tôi thấy đi ngược lại hoàn toàn nguyện vọng, ý kiến của nhân dân. Tình hình kinh tế xã hội ngày càng xuống cấp, không thể nào chấp nhận được một cái đảng như vậy. Mình là một thành viên của đảng, dù sao mình cũng có trách nhiệm. Bây giờ mình ra khỏi đảng thì mình không còn trách nhiệm gì nữa. Mình là một công dân tự do. Với tư cách là một công dân tự do, mình có phạm vi hoạt động rộng rãi hơn, không bị vòng kim cô ràng buộc, mình có thể hoạt động rộng rãi, có thể sử dụng được tất cả các quyền công dân để mình đấu tranh” - ông nói trong cuộc phỏng vấn của trang Bauxite Việt Nam.
Tuy nhiên ông vẫn còn ngộ nhận. “Giải phóng dân tộc” thực chất chỉ là phương tiện cho đảng CSVN thực hiện cuộc chiến đưa chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam. Bởi vì, trong cuộc chiến này, đảng CSVN đã tiêu diệt mọi lực lượng yêu nước khác. Hàng triệu người đã đi theo đảng CSVN đánh Pháp, đuổi Nhật, chống Mỹ cũng chỉ vi tiếng gọi “giải phóng dân tộc” thiêng liêng ấy. Những người ngã xuống chẳng hề đọc sách của Mác-Lênin hay hiểu biết gì về chủ nghĩa cộng sản. Họ đã bị lừa gạt bằng những khẩu hiệu “giải phóng dân tộc” khỏi ách nô lệ và cơm áo ruộng đất cho dân nghèo.
Ðảng CSVN vẫn là một băng đảng như trước, chẳng phải bị thoái hóa, biến chất, mà bản chất ác độc, lật lọng và dối trá được phát triển hơn, ở đỉnh cao. Hãy suy nghĩ kỹ về những tội ác liên tục của đảng CSVN trong cuộc cải cách ruộng đất, của Tết Mậu Thân 1968, Nhân Văn Giai Phẩm, hay vụ xét lại chống đảng, của các cuộc trừng phạt những người bất đồng chính kiến...
Khi nắm quyền lực tuyệt đối trên cả nước, họ có cơ hội thể hiện con người thật của mình. Mục tiêu của họ đã đạt được, bây giờ là lúc hưởng lợi. Chống đối ư? Ðã có bộ máy công an đàn áp khổng lồ và hệ thống nhà tù trải rộng khắp đất nước.
Cũng cùng ngày, ông Phạm Chí Dũng, nhà báo tự do, vào đảng CSVN năm 1993, đã gửi đơn xin ra khỏi đảng tới đảng ủy Viện Nghiên Cứu Phát Triển, trực thuộc Ủy Ban Nhân Dân TP. HCM, nơi ông sinh hoạt.
Trong tâm thư của mình, ông Phạm Chí Dũng viết: “Ðảng Cộng Sản hiện thời chỉ còn mang bóng hình và hơi thở của các nhóm lợi ích. Lời thề trung thành với đảng Cộng Sản của tôi đã bị thực tế đau đớn thẳng thừng phủ nhận”.
Ông đặt câu hỏi “một khi đảng đã không còn đại diện cho quyền lợi của đại đa số người dân, vì sao chúng tôi phải tiếp tục trung thành với đảng?”
“Tôi tự nhận thấy đảng Cộng Sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân, và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của đảng cùng lời thề của tôi khi vào đảng. Do vậy tôi không còn phù hợp với vai trò và nghĩa vụ một đảng viên trong đảng Cộng Sản”, ông Dũng viết.
Ngoài ông Lê Hiếu Ðằng, ông Phạm Chí Dũng, còn có bác s? Nguyễn Ðắc Diên, một nhà hoạt động xã hội khác ở TP. HCM, cũng đã quyết định từ bỏ đảng CSVN.
Cho đến nay, những người tuyên bố bỏ đảng công khai không nhiều, trong đó phải kể đến ông Huỳnh Nhật Hải và ông Huỳnh Nhật Tấn bỏ đảng vào cuối năm 1988, khi đang giữ chức vụ quan trọng và nhà văn, Ðại Tá Phạm Ðình Trọng, bỏ đảng từ năm 2009. Nhưng trong thực tế, nhiều người khác thôi không sinh hoạt đảng và từ bỏ đảng một cách âm thầm.
Liệu họ có phải là những hạt nhân cho một phong trào bỏ đảng đồng loạt? Nếu tạo được một phong trào như thế thì sẽ là khởi đầu của sự tan rã của đảng CSVN và một sự chuyển biến có ý nghĩa sẽ nảy sinh ngay từ nội bộ đảng. Nhưng tôi không nghĩ như thế.
Trong bối cảnh hiện tại, hành động của họ có thể gây nên một sự biến đổi trong tư duy của giới trí thức. Nhưng câu “còn đảng, còn mình” có lẽ không chỉ dành riêng cho công an mà dành cho hàng triệu đảng viên. Gia nhập đảng để leo cao, vào sâu, là con đường thăng tiến, gắn với lợi ích, tiền bạc, chứ chẳng phải vì lý tưởng gì.
Trong bất cứ cuộc cách mạng nào, người trí thức cũng là tiên phong, dẫn dắt, lãnh đạo quần chúng, nhất là khi dân trí còn thấp, ý thức chính trị còn rất ngây ngô, vẫn chưa nhận diện hết bản chất của đảng CSVN.
Thế nhưng, giới trí thức Việt Nam vốn hèn nhát, cơ hội và nửa vời. Tinh thần dấn thân của họ cũng chỉ nằm ở mức tranh đấu nhưng phải tồn tại, không dám chấp nhận hy sinh. Chủ nghĩa “sổ hưu” vẫn là gánh nặng không dễ gì trút bỏ.
Chính bản thân ông Lê Hiếu Ðằng cũng nhìn thấy. Ông nói:
“Mọi người phải tích cực lên, đấu tranh mạnh mẽ, kể cả không sợ bắt bớ tù đày. Chỉ có kẻ yếu mới thích bắt bớ tù đày. Nếu mạnh thì phải đối thoại. Thí dụ như trường hợp của tôi chưa có ai đến đối thoại với tôi. Tôi nói thêm bây giờ chính là lúc của nhân sĩ trí thức. Bao giờ cũng vậy, xã hội nào cũng vậy, thời kỳ nào cũng vậy, nhân sĩ trí thức phải đi đầu, phải giương cao ngọn cờ đấu tranh, phải dũng cảm, đừng có sợ. Bây giờ là mình phải phá tan không khí sợ hãi mà bao nhiêu năm, từ năm 1954 đến giờ, do mấy ông tạo nên. Bây giờ tôi thấy, ai cũng sợ, cái gì cũng sợ. Sợ ma, sợ quỷ, sợ cái quái quỷ già mình là con người tự do, mình sợ cái gì. Mình không sợ vì mình là chính nghĩa, và như vậy mình làm việc đúng thì không thể ai nói gì, làm gì được mình hết. Ðừng có nói chưa chín muồi. Tôi hy vọng nhân sĩ trí thức đừng có đặt vấn đề chưa chín muồi hoặc là chưa đúng lúc. Chín muồi là do tác động của xã hội dân sự. Xã hội dân sự mạnh lên thì sẽ có tác động. Mà muốn xã hội dân sự mạnh thì nhân sĩ trí thức phải làm”.
Bỏ đảng CSVN là tự dứt mình khỏi ràng buộc và trở thành con người tự do, là đúng với lương tri và trách nhiệm của công dân. Bởi vì thực chất, đảng CSVN hiện nguyên hình là một băng đảng tội phạm có tổ chức, một tập đoàn của các phe nhóm lợi ích và thân hữu, thâu tóm toàn bộ đặc quyền vào tay của một số ít để chia xẻ, trục lợi tài sản và tài nguyên của quốc gia. Nguyễn Phú Trọng đã phải thú nhận “tham nhũng thành đường dây có tổ chức” đó sao?
Sự chần chừ vì sợ hãi và mặc cảm sẽ kéo dài hơn số phận bi đát của một đất nước đang trượt dài trên con đường tương lai bất định, nơi mà trong đó cái ác hoành hành, cái thiện bị chà đạp.
Albert Camus nói rằng: “Không có tự do cho con người khi không chế ngự được sự sợ hãi trước lúc chết”.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"