Nguyễn Văn Tuấn
Dân Luận: Thay cho lời bình luận, Dân Luận xin dẫn một lời cảm thán từ blogger 5xu về việc giật sập bức tượng học giả Trương Vĩnh Ký tại Sài Gòn sau năm 1975:
"Cái tượng này ở sau Nhà thờ Đức bà, bị phá sau 1975. Hình như từ hồi phá cái tượng này, giáo dục Sài Gòn đi xuống. Giờ để chấn hưng giáo dục, việc đầu tiên phải dựng lại cái tượng này.
Ông học giả này là một chú bé mồ côi miền tây nhà quê, sống và chết hoàn toàn trong thế kỷ 19. Tức là lý lịch gia đình bần nông, và bản thân không thể nào chống đảng, chống chủ nghĩa xã hội được. Ông học ở Penang, thuộc Anh lúc đó, nên không phải do Pháp cài cắm. Tóm lại chả có lý do gì mà hạ tượng của ông ấy sau 1975.
Mặt khác ông ấy xứng đáng được dựng 1000 cái tượng ở Việt Nam. Xứng đáng hơn Lenin là cái chắc. Vì ông ấy quá uyên bác, làm cầu nối VN - Châu Âu, dịch dọt rất nhiều, viết khảo cứu rất nhiều, có công phát triển và truyền bá chữ quốc ngữ (cực sớm). Và là ông tổ nghề báo Việt Nam. Với ai chưa biết thì có thể vào wikipedia tìm từ Trương Vĩnh Ký."
Bình luận về sự kiện dân Ukraina giật sập tượng Lenin một vị giáo sư
sử học ở Việt Nam cho rằng đó là một hành động vô văn hoá. Ông còn nói
thêm rằng người dân Việt Nam trân trọng và biết ơn Lenin vì ông ấy “đại
diện cho ‘ý tưởng xây dựng xã hội tốt đẹp’ vốn là điều ‘cả thế giới mong
muốn’.” Tôi cứ phân vân về hai ý này, vì nó không đúng với thực tế.
Câu làm tôi phân vân là người Việt Nam trân trọng và biết ơn Lenin.
Đúng là có một số người mang dòng máu Việt mang ơn Lenin, không hẳn vì
lí tưởng chủ nghĩa xã hội, mà vì lí do thực tế và “trần ai” khác. Những
người trong đảng thì chắc là biết ơn ông Lenin. Đảng thì có trên 2 triệu
người, cộng với thân nhân nữa thì chắc xấp xỉ 10 triệu người. Dân số
Việt Nam là 90 triệu (tính chẵn) và đa số nghèo và chắc chẳng cần biết
ông Lenin là ai cũng như chẳng có mang ơn gì ông ấy. Người Việt ở hải
ngoại thì chắc chắn ghét ông ấy. Những người đau khổ vì những chính sách
mang màu sắc của ông ấy cũng chẳng muốn thấy tượng ông ấy ở VN. Như
vậy, có thể ước tính rằng cứ 1 người biết ơn Lenin thì có khoảng 9 người
không biết đến ông Lenin. Do đó, cụm từ “Người dân Việt Nam” e rằng quá
cường điệu.
Còn nói rằng cả thế giới mong muốn lí tưởng XHCN thì tôi nghĩ chắc là
đoán mò thôi. Cái chủ nghĩa đó đã hết đất sống, đã mất sức sống, đã gây
ra bao nhiêu thảm hoạ cho thế giới và Việt Nam. Tôi nghĩ nếu làm thử
một điều tra xã hội thì sẽ biết số người ủng bộ CHXH chẳng bao nhiêu
đâu. Bên Âu châu người ta thậm chí còn có nghị quyết lên án cái chủ
nghĩa đó nữa. Bên Đông Âu, những nước theo XHCN cũ nay cấm không có các
biểu tượng của XHCN xuất hiện nơi công cộng.
Tôi có phần đồng ý là việc giật sập tượng là một hành động không đẹp,
xét về mặt văn hoá. Nếu phán xét như vậy thì chúng ta cũng có thể nói
người Việt cũng nhiều lần hành xử kém văn hoá. Sau năm 1975, biết bao
nhiêu tượng của các nhân vật thời trước 1975 bị giật sập và phá tan
hoang. Đường xá thì bị thay tên đổi họ. Những con đường mang tên các
danh nhân lịch sử đới Trần, Lý, Lê, Đinh, v.v. vốn là di sản chung của
dân tộc cũng bị nhường cho những người du kích và những người từng tham
gia cách mạng. Những con đường mang tên lí tưởng đẹp và phổ quát (như
Công Lí, Tự Do) đều bị thay bằng tên của những sự kiện mà không bao
nhiêu người công nhận. Do đó, trách người Ukraina là “manh động” và kém
văn hoá có lẽ không công bằng khi chính những người gắn bó với cái chủ
nghĩa đó lại từng làm như thế.