Nguyễn Cường
Phỏng vấn cô Kateřina Procházková, phóng viên thường trú của
Đài Phát thanh Séc tại khu vực châu Á vừa có chuyến đi tới Việt Nam,
gặp gỡ bloger và những nhà hoạt động xã hội. Dưới đây là một số nhận
xét của cô về tình hình ở Việt Nam hiện nay trong bài phỏng vấn của
Nguyễn Cường.
Lý do gì để chị có cảm hứng thực hiện chuyến đi tới Việt Nam?
Từ nhiều tháng trước, tôi đã chuẩn bị và có kế hoạch đi Việt
Nam, vì tôi vẫn theo dõi tình hình không chỉ ở đây mà còn cả khu vực.
Động lực cho chuyến đi này của tôi chính là những ngăn cấm hà khắc và
vô lý của chính phủ Việt Nam đối với những bloger và những người hoạt
động xã hội, không khác gì ở Trung Quốc hay bắc Triều Tiên. Tôi muốn
được tận mắt thấy tình hình và xác minh những gì xảy ra, đang thay đổi
ở đất nước vẫn theo chế độ cộng sản này.
Là nhà báo từ CH Séc, chị có gặp khó khăn gì khi xin thị thực nhập cảnh vào Bắc Triều Tiên, Trung Quốc hay Việt Nam không?
Có, đặc biệt khi xin visa với danh nghĩa là nhà báo tôi vẫn
luôn gặp khó khăn, nhất là ở Trung Quốc nơi tôi làm việc. Với chuyến đi
Việt Nam, do điểm xuất phát của tôi là Hồng Kong nên thị thực tôi
nhận được dễ dàng. Nhưng tất nhiên điều này cũng có thể thay đổi bất
cứ lúc nào. Bởi ở Việt Nam tôi không phải là nhà báo được phê chuẩn và
cấp phép hoạt động chính thức. Qua bạn bè trong ngành và các đồng
nghiệp tôi được biết điều này càng khó khăn hơn.
Chuyến đi VN của chị thế nào? Chị đi những đâu và gặp gỡ được nhiều người không?
Với sự giúp đỡ của bạn bè Việt Nam qua quen biết trong thời
gian làm việc khá lâu ở khu vực, tôi đã được gặp rất nhiều người thú
vị. Đó là những facebooker và những người hoạt động xã hội hàng đầu ở
Việt Nam (thành viên của Mạng lưới Blogers Việt Nam 258, của phong
trào No-U ở Hà Nội và thành phố HCM). Đó là những người đang đấu tranh
vì nhân quyền và tự do và họ không hề sợ hãi trước sự đe dọa của chính
quyền đối với cá nhân, với người thân trong gia đình họ. Tôi nhận
thấy mong muốn của họ là tranh đấu cho nhân quyền và tự do. Thật sự là
những buổi gặp gỡ rất ấn tượng.
Chị có nhận xét gì về tình hình chính trị, xã hội ở Việt Nam? Chị có thể so sánh với tình hình Trung Quốc, Bắc Triều Tiên?
Nhìn từ xa thì tình hình Việt Nam có thể nói ổn định và hài hòa
hơn so với Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên. Nhưng sự thật thì số blogger
và số người hoạt động xã hội bị bắt giữ, giam cầm lại nhiều hơn so
với Trung Quốc. Những quy định ngăn cản hay cấm đoán ở Việt Nam cũng
chẳng khác gì ở Trung Quốc, những vi phạm quyền con người hay cản trở
tự do cũng phức tạp và ở mức độ nghiêm trọng tương tự. Nhưng thật ngạc
nhiên là ít người nói tới điều đó, cứ như không có Việt Nam vậy. Như
là không có ai trên thế giới thấy hoặc để ý tới. Liệu có phải do chính
người Việt Nam đang sợ thay đổi, sợ biến động hay sợ không ổn định?
Mới đây tại Praha, tôi có tham dự một buổi gặp mặt với
nhà văn Trung Quốc Jen Lien-kche (Nhân dịp ra mắt sách Bốn Quyển
Sách, ông Jen Lien-kche, nhà văn TQ đã được mời tới nói chuyện tại Thư
viện Vaclav Havel, Praha-ND). Trả lời cho câu hỏi của thính giả về
tình hình TQ, ông Jen đã nói, đại ý là bản thân họ (người dân Trung
Quốc) và cá nhân ông ấy cũng không biết được ngày mai TQ sẽ thế nào và
đang đi về đâu? Trong khi những người cộng sản TQ và cả VN đều nói về
sự ổn định nhưng có lẽ tình hình thực tế hoàn toàn không phải vậy.
Liệu chúng ta có sắp chứng kiến những biến đổi như Đông Âu thời kỳ 80
thế kỷ trước hay những thay đổi ở thế giới Ả Rập, Libye… cách đây vài
năm?
Sau những lần gặp gỡ với các bạn Việt Nam cả ở miền Bắc lẫn
miền Nam, tôi tin rằng người dân Việt Nam đã sẵn sàng cho một sự thay
đổi. Vấn nạn tham nhũng và hối lộ đã đến mức, theo tôi là không thể
chấp nhận được. Còn chính phủ thì không hề có bất cứ động thái nào. Ít
ra, như ở Trung Quốc, một số quan chức cao cấp còn bị trừng trị, đằng
này ở Việt Nam không có gì xảy ra. Chỉ thấy những người có chức quyền
chia chác của cải và ăn cắp của dân nghèo, của tầng lớp người dân
trung bình và của nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ có người giầu ở
Việt Nam là càng giầu thêm. Vấn đề chỉ còn là thời gian, bao giờ thì
người dân Việt Nam xuống đường, liên kết lại và đòi hỏi sự thay đổi.
Tất nhiên, nếu có sự thay đổi hay biến động ở Trung Quốc thì sự thay
đổi ở Việt Nam sẽ càng nhanh hơn, dễ dàng hơn.
Chị có nghĩ là dư luận CH Séc còn biết quá ít về những
vi phạm về nhân quyền ở Việt Nam? Trong thời gian sang thăm VN, Chị
có tiếp xúc với một số cá nhân trong Mạng lưới Blogger 258, nhóm No-U
Hà Nội và thành phố HCM. Cảm tưởng của chị ra sao?
Đúng thật là người Séc biết quá ít về Việt Nam và về những gì
đang xảy ra ở đất nước này. Điều này càng kỳ lạ là cộng đồng người Việt
Nam là cộng đồng thiểu số có số lượng người nhiều thứ 3 ở đất nước
chúng tôi. Nhưng có lẽ, một phần cũng do sự khép kín, sự bưng bít
thông tin của quốc gia này. Hoặc có thể như nhiều người khẳng định là
bởi người Việt Nam không muốn công khai, không muốn được quan tâm tới
khó khăn, đau khổ của mình.
CH Séc có thể và có nên tham gia vào việc hỗ trợ, ủng
hộ các phong trào đối lập ở VN không? Đại sứ quán CH Séc ở HN có thể
hỗ trợ và giúp đỡ họ như những ngoại giao đoàn các nước như Thụy Điển,
Phần Lan, Na Uy, Hoa kỳ…ở Hà Nội không?
Chắc chắn. Ở Cộng hòa Séc có rất nhiều tổ chức phi chính phủ có
thể giúp đỡ người Việt Nam. Nhưng theo tôi, họ không biết nhiều về
tình hình…
Chị có thể nói một chút về bản thân mình?
Tôi sinh ra và học ngành báo chí ở khoa Triết, đại học Ostrava
và đại học Glasgow, Scotland. Sau đó tôi tiếp tục theo học ở châu Á,
thường xuyên có mặt từ năm 1997 và sống ở đó đã 10 năm nay. Từ năm 2011
tôi làm việc như phóng viên của Đài phát thanh CH Séc tại châu Á.
Cảm ơn chị đã dành thời gian trả lời.
Nguyễn Cường - vietinfo.eu