Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Trò vụng về gán tội cho Trương Duy Nhất

Người Buôn Gió
Như thường lệ, trước lúc xét xử một người bất đồng chính kiến những tờ báo tự đứng tên Nhân Dân như QĐND, CAND... và một số tờ báo khác lại diễn trò kết tội trước phiên tòa để trấn áp dư luận trước.
Mới đây tờ báo CAND có đăng bài của phóng viên nặc danh với nội dung hàm hồ buộc tội cựu nhà báo Trương Duy Nhất bằng những luận điệu tạp nham, rẻ tiền.
Trong một đống hổ lốn luận điệu kết tội Trương Duy Nhất của bài báo này, người ta không biết đâu là điểm mấu chốt để kết tội Trương Duy Nhất về mặt pháp lý. Đâu là thứ trò cãi vã, chửi bới, buộc tội của mụ hàng xóm mất gà. Từ luận điệu "phủ nhận xương máu" cho đến "gây hoang mang quần chúng" rồi sai lệch trong việc gọi chủ tịch ủy ban nhân dân TP thành thị trưởng, sai lệch khi gọi ngày 30-4 là quốc hận... đến một đống lôm côm khác là "bôi nhọ chính phủ, cá nhân, tổ chức..." và "đưa ra hình ảnh không đúng về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam"...
Tất cả những thứ bát nháo này, có thể kết tội gì cho Trương Duy Nhất.? Ngoài cái mục đích để cô lập dư luận ủng hộ hay bênh vực cá nhân Trương Duy Nhất. Dễ dàng có thể thấy người viết bài báo này chỉ có mục đích là làm sao nhét thật nhiều tội danh, nhiều suy luận kết tội lên người cựu nhà báo Trương Duy Nhất.

Cuối cùng thì phần kết bài báo cũng nhắc đến tội danh của Trương Duy Nhất, đó là "lợi dụng quyền tự do ngôn luận, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà Nước, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà Nước.."
Đến đây thì người ta mới rõ bài viết "chấm điểm bộ tứ" hay việc Trương Duy Nhất xếp hạng tín nhiệm cho quan chức chính phủ mới thực sự là lý do khiến anh bị bắt. Và tội chính thức của anh ta trong cái mớ bòng bòng, hỗn độn mà tờ báo đưa ra là "bôi nhọ lãnh đạo".
Nhìn chung thì vụ án Trương Duy Nhất và Cù Huy Hà Vũ đều có một điểm giống nhau là cùng một đối tượng "lãnh đạo" bị bôi nhọ trong bài viết của hai người.

Bức ảnh Trương Duy Nhất được đánh dấu X to tướng không phải có hàm ý gì không. Hay là lời cảnh cáo bất cứ ai nhắc tới đồng chí X nào đó trong BCT mà ông Trương Tấn Sang đã nói.
Dù sao thì Trương Duy Nhất cũng thể hiện một cá tính bất khuất hơn nhiều những tên bồi bút chỉ trích anh về lương tâm, đạo đức của người cầm bút. Liệu những kẻ cầm bút chỉ trích anh có đủ can đảm khi đối diện với án tù mà vẫn bảo vệ chính kiến trong bài viết của mình như chính bài báo phải công nhận. Trương Duy Nhất khảng khái nhận mình là tác giả bài viết, nhưng anh không nhận đó là sai lầm hay phạm tội. Điều đó chứng tỏ anh là một người viết có trách nhiệm lương tâm với phát ngôn của mình, trả giá để bảo vệ những gì mình nói. Một con người cầm bút phải có nội tâm và niềm tin, tri thức lớn mới dám bảo vệ quan điểm của mình trước những đe dọa tù đầy. Thời gian 7 tháng tù giam đã không khuất phục được Trương Duy Nhất, việc phải đưa anh ra tòa xét xử là một thất bại của những kẻ muốn hăm dọa anh.
Một con người cứng rắn và hiểu biết như thế, sao phải cần một đứa nặc danh nào khuyên uốn lưỡi năm hay bảy lần cơ chứ.? Họ dám viết và dám trả giá để khẳng định nội dung bài viết của mình là đúng với lương tri, hiểu biết của họ. Đó mới chính là cái tát vào những kẻ bồi bút, nặc danh không dám nhìn thẳng vào sự thật xã hội, kinh tế, chính trị mà vì chút bổng lộc cơm thừa, canh cặn đã uốn bút để tâng bốc, vẽ mầu mè nên một thực trạng xã hội be bét. Những kẻ như thế chắc cũng uốn lưỡi năm bảy lần khi viết, để đến khi cuối bài còn biết dấu tên ký bút danh ất ơ nào đó. Tiếc rằng cái cân nhắc năm bảy lần của kẻ ấy không phải là viết đúng sự thật mà để chọn bút danh dấu tên thật mình.
Uốn lưỡi bảy lần để viết sự thật là một chuyện. Còn uốn lưỡi bảy lần để cân nhắc lợi cho mình, tránh cái hại, mặc sự thật ra sao thì ra thì rõ là cái uốn lưỡi của bọn tiểu nhân, bồi bút.
Thế mà cũng bày đặt dạy người.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"