Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

Phóng viên chiến trường: Trương Duy Nhất

Phạm Ngọc Cương
Đọc cái tin “Bộ Công an ra Lệnh bắt khẩn cấp và Lệnh khám xét khẩn cấp đối với Trương Duy Nhất…” mà thấy buồn nôn.
Thực chán nẫu cái cách quản lý thô lậu và giật cục của nhà cầm quyền Việt Nam lâu nay trong đủ mọi đàng từ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá giáo dục tới an ninh. Thật khó tìm ra một điểm sáng nào!
Có gì nguy hại cấp kỳ cho an ninh quốc gia và an toàn xã hội mà phải rao to lên là “ khẩn cấp” ở đây thế?
Dẫu là con vật cũng có quyền sống của nó chứ không phải cứ đụng tý là bắt, là nhốt. Đưa tin theo kiểu báo cáo thành tích và khủng bố tinh thần, kiểu sớm bắt trúng tội phạm hình sự như vậy thật chướng. Nếu như ngày nào đó trên cổng thông tin điện tử hay báo giấy của cơ quan an ninh loan tin bắt khẩn cấp, khám xét khẩn cấp tư gia “đồng chí” X, Y, Z nào đó thì tôi nghĩ ngành an ninh vẫn cần thêm chữ “ông” hay “bà” vào trước tên, họ của bất kỳ ai. Dù là trong “thể chế pháp quyền XHCN” đi nữa thì trước phán quyết của toà án, không phải cứ có bàn tay của ngành an ninh rờ tới là đều nghiễm nhiên bị coi như tội phạm.

Hơn nữa nước Việt Nam không cần những cú huých cho rơi sâu nhanh hơn xuống vực kiểu này. Không cần bắt khẩn cấp ông Trương Duy Nhất hay ông Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Sinh Hùng…hay bất kỳ ông, bà nào khác. Trấn áp và khủng bố không mang lại đồng thuận để rút ngắn khoảng cách phát triển, để bảo vệ vững chắc cương vực quốc gia, để mưu cầu “độc lập, tự do, hạnh phúc” như tiêu chí nhà cầm quyền nêu ra và ngày càng tỏ ra không hiệu quả, phản tác dụng trong việc quản trị xã hội.
Chế độ độc tài toàn trị chỉ có thể kê gối cao mà ngủ nếu họ bóp chặt được cái dạ dầy và đúc khuôn được đồng loạt não bộ của dân chúng. Nhưng khi lực đã bất tòng tâm với hai món bửu bối đó chỉ còn mỗi võ thượng cẳng chân hạ cẳng tay là hù doạ, uy hiếp, và trấn áp thì tức là chính kẻ cầm quyền, nếu không sớm tỉnh táo và thay đổi, cũng sắp tới lúc đứt bữa rồi!
Các vụ bắt giữ như bát “thuốc đắng” chẳng “dã tật” được về tư tưởng cho bất kỳ nhân cách chín chắn nào và nhiều phần chỉ dẫn gần hơn đến ngòi nổ của sự bùng nổ mâu thuẫn xã hội.
Anh là con nhà nòi cộng sản (cộng sản thời ông cụ của anh khác một trời một vực với cộng sản hôm nay), tư tưởng đầu đời được nhuộm kỹ lưỡng dưới mái trường XHCN. Từng hành nghề nhà báo thành công tại một tờ báo lớn TW- một công việc “thơm” trong thể chế. Từng gặp nhiều cấp chức sắc… Thật dư dả yếu tố làm nên một quan cách mạng có hạng! Vậy mà cơ quan an ninh CHXHCN Việt Nam phải bắt khẩn cấp và di lý khẩn cấp anh ra Hà Nội.
Hôm đầu gặp Trương Duy Nhất không hiểu sao tôi bỗng hỏi anh về nỗi sợ của những người không bẻ cong ngòi bút (hay bàn phím) ở Việt Nam. Anh bộc trực luôn: Sợ chứ. Và tôi tin anh ngay từ đó.
Con người Trương Duy Nhất là sự tổng hợp của nhiều thứ. Ở bề nổi là vẻ bộc trực, năng động, xốc vác, dũng khí, quyết liệt của một chiến tướng. Ở bề chìm là một bản lĩnh lớn dám sống thẳng và sống song hành với điều mình nghĩ; và trên hết là nỗi sợ (cá nhân dĩ phải có) đã lùi xuống hàng dưới để nhường chỗ đứng trang trọng nhất trong tâm hồn anh cho sự đau xót phải thốt thường xuyên thành lời trước cái chung là hiện tình đất nước, trước những cơ hội liên tiếp bị bỏ lỡ của dân tộc này hàng ngày hàng giờ trong suốt nhiều năm nay.
Trao đổi với anh tôi không thấy anh bài binh bố trận cho một cuộc chiến lợi ích cá nhân nào. Anh cho tôi biết không thích lân la gặp lãnh đạo, hồi còn làm báo có lần đi họp bỗng thấy lãnh đạo tiến lại vỗ vai hỏi: Đang xây nhà hả? Anh bảo vâng. Vậy thôi và tuyệt nhiên không xin xỏ gì theo kiểu tố khổ xin xỏ cấp trên rủ lòng thương. Tôi nghĩ, quả thực nếu muốn, thì một con người sắc sảo như anh có dư dả cơ hội để tranh thủ vơ, vét hay lợi dụng trong một cơ chế quá ư thừa mứa lỗ hổng này. Phụ huynh cả nước đang chạy chí chết cho con cháu thoát khỏi nền giáo dục Việt mà chưa một lần anh hỏi tôi về chuyện con trẻ du học nước ngoài. Cháu gái của anh vẫn theo học từ nhỏ tới nay ở các trường trong cùng một thành phố. Anh đã ngỡ ngàng khi tôi bảo chiếc xe Toyota Camry cũ của anh ở Canada giá chỉ khoảng hai ngàn đô. Mấy quảng cáo chỉ gắn chơi trên trang Web của anh không thu đồng nào mà thu thì sẽ có đủ loại phép tắc, nhiễu nhương đi kèm.
Đang yên ấm trong một guồng quay chơi chơi mà vẫn dư sống (nhà báo cỡ nào thì phong bì được nhận cỡ ấy, mà phong bì thì rắc khắp mọi bàn từ hội thảo họp hành, sơ kết, tổng kết,…) Ở một thể chế mà…bổng lộc (không thuế má) là chính, lương là phụ không mấy người đủ nhân cách và bản lĩnh dám quyết nhẩy ra tự mình lo cuộc sống ngoài cơ chế. Anh không đợi phải ăn no nê cơm canh “của đảng”, nghỉ hưu, hạ cánh an toàn mới lên tiếng. Cuối năm ngoái tôi hỏi anh là anh có dự kiến nổi cuộc sống khó khăn sau khi bỏ báo không? Anh nhận là ra ngoài mới thấm thật không dễ sống, nhưng anh không hối tiếc vì được sống đúng với nỗi đam mê của mình.
Anh rất quí, chiều và hiểu bạn. Lần đầu vào Đà Nẵng thấy anh rất bối rối khi báo là mình cái gì cũng chỉ có một. Một nhà, một con, một vợ, một xe. Và nhà lại nhỏ nên không tiện cho tôi về nghỉ. Lần sau dẫu có người bạn khác sẵn lòng cho tôi tá túc anh vẫn hân hoan đón tôi về nhà anh vì vợ anh và cháu ra Hà Nội ít ngày. Anh dành cho bạn cái phòng sang và tiện nghi nhất trong nhà.
Nhiều người thấy góc nhìn của anh là thẳng thắn tới cực đoan. Cá nhân tôi thấy việc góp ý kiến ý cò ở Việt Nam là nước đổ đầu vịt. Nhưng vẫn không ít người cho rằng còn nước còn tát, đổ nước lạnh thì dĩ là vô dụng rồi, đổ ít nước ấm may ra vịt có tỉnh táo ra chăng?
Nhiều người cứ ghét là phủ định sạch trơn. ĐCS bên cạnh vô vàn cái sai lầm cũng có những công tích lớn cần ghi nhận. Ví dụ chuyện xoá thần tốc giặc dốt (mù chữ) ngay sau năm 1945. Hôm đón tôi tại sân bay Đà Nẵng khi xe anh đã rời bãi đỗ xe để vào thành phố thấy tôi còn ngoái nhìn lại cái sân bay mới của thành phố biển miền Trung anh hiểu cái sự lượng định trong đầu một người đặt chân đến gần như đủ loại sân bay quốc tế như tôi liền nói: “Được cái sân bay như thế này là mừng lắm rồi, mừng lắm rồi Cương ơi!”. Chúng tôi im lặng mà cùng đồng cảm với nhau niềm vui trước những bước đi dẫu bé nhỏ nhưng thật đáng khích lệ của đất nước.
Một người chủ yếu sống ngoài Việt nam còn người kia là ở trong nước mà cách nhìn sự vật của anh với tôi thật gần gũi. Anh chỉ tôi các lá cờ cắm chi chít trên từng vỉa hè góc phố và nói rằng đấy không còn là cờ nữa mà là …rác. Phố xá đã chật chội, nhếch nhác mà hàng ngày lại phô trương cờ xí rợp trời. Nếu bớt cờ quạt đi sẽ thông thoáng biết bao nhiêu và cuộc sống sẽ nhẹ nhõm, bớt bệnh hình thức, khoa trương thêm thần thực chất.
Ngồi trên xe anh vừa cầm lái vừa diễn thuyết đến lạc cả giọng về sự bất lực của nhiều cấp trong việc quản trị đất nước. Những chuyện nhỏ mà thể hiện rõ “nhân cách” “tầm vóc” của những nhân vật tai to mặt lớn đương thời. Có dựng cái tượng Phật ở Đà Nẵng mà thành chuyện cả hai ông đứng đầu chính phủ và thành phố vốc từng nắm kim loại quí ném xuống nền móng lúc khởi công. Và sau đó còn những ì xèo là ông ném sau thì sẽ át được vía ông ném trước. Chuyện có tay mới lên uỷ viên BCT mà nhâng nhâng đi xe cả đoàn hú còi inh ỏi vào phố cổ đi bộ Hội An. Nhiều lúc tôi cảm tưởng cái tính yêu ghét rành mạch, rõ ràng của anh chứ không phải cái xe kéo phăng phăng chúng tôi trên đường. Khéo anh quăng vô lăng, mất lái và chúng tôi gặp tai nạn mất vì chính người lái chả còn để ý gì tới lái mà đang bị cảm xúc cuốn trôi theo trong xe.
Để cho tâm hồn không cong queo thì ngòi bút cần phải thẳng! Chưa một nhà báo hay blogger Việt trong nước nào nhận diện và vẽ chân dung các “chính khách” cỡ bự của Việt Nam đương đại rõ hơn Trương Duy Nhất.
Hàng ngũ “bảo hoàng” hôm nay hoá ra đang gồm rất nhiều kẻ thực chất là giáo điều (sống bằng suy nghĩ của người khác) và cơ hội (đủ loại lợi ích cá nhân và nhóm).
Cái Việt Nam cần lúc này là sự khai mở tư duy để hàng ngũ của những người cấp tiến ngày một dài ra.
Song hành cùng tính thời sự nóng hổi trong các bài báo của anh là xác xuất mất an toàn cao cho cá nhân anh. Nhưng trên hết là sự thôi thúc không thể khoan nhượng với cái xấu. Khát khao về một sự canh tân và đổi mới từng bước cho đất nước. Nhiều người cứ thích hô hào là phải thay đổi hết toàn bộ cái cơ chế này, hay phủ định sạch trơn ĐCS thì đất nước mới mong ngóc đầu lên được. Tôi thấy đó là một cái nhìn lý tưởng nhưng xa rời thực tế. Trừ phi những người đó có khả năng tiến hành một cuộc cách mạng.
Cái nhìn của Trương Duy Nhất thực tế hơn. Phải có những con người năng động và quyết liệt, có khả năng và trách nhiệm như những hạt nhân tốt rồi từng bước mới tiến tới thay đổi cơ chế ù lì và lạc hậu. Đừng ảo vọng thay cả cái vườn khi một cái cây ra hồn còn không có. Vì vậy, anh công khai kêu gọi những con người kém năng lực phải nên ra đi. Từ một nền độc tài vô trách nhiệm cần bước qua một nền độc tài trách nhiệm rồi sau sẽ tới nền dân chủ sơ khai rồi bài bản. Anh quá hiểu những yếu kém của giàn nhân sự quốc gia hiện nay. Khi không còn sự chọn lựa nào khả dĩ thì trong rất nhiều cái xấu hãy chọn cái ít xấu hơn cả.
Quan điểm, lực lượng chính trị mạnh hay yếu là do sự cộng hưởng hay từ khước nó của tinh thần toàn xã hội. Tôi có thể nêu quan điểm rằng quân đội Việt Nam hai miền trong thế kỷ XX là hai đội quân thất trận. Chả vinh quang, hơn thua gì chuyện anh em trong nhà đâm chém nhau hơn nữa bại cả hai trận hải chiến dưới tay Trung Quốc, làm mất biển, mất đảo. Thật chẳng vẻ vang gì khi lãnh thổ, lãnh hải quốc gia dưới tay người Việt quản trị trong mấy thập kỷ qua đều nhỏ hơn dưới sự cai trị của chính quyền bảo hộ Pháp. Nhưng quan điểm khắt khe đó dù ít nhiều được thực tế lịch sử hậu thuẫn lại không thấy có nhiều sức sống vì tổn thương quá nhiều tinh thần dân tộc hiện thời. Có thể phải chờ thêm nhiều thập kỷ nữa quan điểm đó mới có chỗ đứng rộng rãi (hoặc là không bao giờ) trong nhận thức chung của toàn xã hội. Nhưng điều đó không thể cấm cản tôi nêu ra điều đó ngay từ bây giờ vì tôi có quyền nêu chính kiến của mình như một lời cảnh tỉnh cho căn bệnh tưởng là “cái rốn” của vũ trụ, là “lương tâm của thời đại” là “ điểm đến của nhân loại” của dân tộc hôm nay.
Nhiều người thắc mắc về chuyện làm sao Trương Duy Nhất có thể đi lại được khắp nơi. Sự thật là nếu muốn chơi ngông thì làm bất kỳ chuyện gì cũng đều có thể rất tốn kém. Ở Việt Nam để có một chỗ bám chuyên cơ theo chân các quan chức hàng đầu ra nước nọ nước kia là phải chung chi cả mấy chục ngàn đô. Du ngoạn kiểu chúng tôi, ở nhà bạn, đi xe nhà vừa vui vừa khoẻ.
Chủ tịch nước Việt Nam DCCH, ông Hồ Chí Minh từng lang thang không có một nghề nghiệp ổn định và danh giá suốt 37 năm… Nhưng hôm nay, dù người Việt trong hay ngoài nước, chẳng vẻ vang và thuyết phục gì khi kêu gọi dân chủ và phát triển trong tấm thân tàn ma dại. Nếu Trương Duy Nhất hay bất kỳ ai đó có thể có cuộc sống tốt và lại toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự phản biện nhằm thăng hoa cho toàn xã hội thì đó là điều mừng.
Việt Nam đang bị thế giới cộng sổ nợ về các “thành tích” quản trị quốc gia và nhân quyền. Từ đầu năm đến nay đã bắt giữ và kết tội 33 người vì bất đồng chính kiến. Hôm nay mấy người bạn quốc tế hỏi tôi là ở Việt Nam còn có gì đang phát triển? Thật là câu hỏi khó! Bức tranh Việt lâu nay tối thui. Chính trị lủng củng, kinh tế be bét, đạo đức suy đồi, giáo dục xuống cấp… Ồ còn có một thứ là căn bệnh duy ý chí của nhà cầm quyền vẫn thấy đang phát triển một cách đáng kinh ngạc cùng hệ quả trực tiếp của nó là sự chà đạp thô bạo quyền sống quyền làm người của không chỉ Trương Duy Nhất mà là của gần 90 triệu dân. Sứ quán Việt Nam tại các nước nên làm tổng kết từ báo chí và tin tức các nước xem thế giới họ nhìn Việt nam qua vụ này và lâu nay xám xịt chừng nào. Đừng mong họ mãi ủng hộ và giúp đỡ khi ta cứ thích một mình một chợ và theo đuổi các thang giá trị quá ngược ngạo với họ.
Cái hay của Trương Duy Nhất là anh đã thường chỉ ra một cách nhanh chóng và ngắn gọn, ý Đảng, nhà nước và lòng dân hôm nay thường cách xa, nhiều khi đối chọi nhau như thế nào. Ý kiến của anh được nhiều người thuộc đủ mọi tầng lớp tại Việt Nam trong nước khá thấu hiểu và đồng cảm. Ngay cả nhiều người đương quyền cũng không hẳn là cự tuyệt với cái nhìn của anh vì họ thấy đó như một tiếng nói giám quan hiệu quả.
Hơn nữa góc nhìn của anh mang tính nghiêm túc đường dài. Buồn là vẫn còn có quá ít góc nhìn như thế. Nhưng cũng không nên đổ tất cả cho mặt bằng dân trí. Những năm cuối của thế kỷ trước cả thế giới (được tiếng là văn minh) Phương Tây chả ồn lên với các chuyện của công nương Diana và thái tử Charles (một đôi mà cả tài đức và dung mạo chỉ ở mức tầm tầm) đó sao? Truyền thông và xã hội Việt hôm nay ồn lên với mấy cô chân dài nhưng vụ Trương Duy Nhất trên không gian mạng và trong lòng dân cũng đang sôi sục. Một nước không ai nói là kém cỏi trong thang bậc văn minh là Thuỵ Sỹ mà ở nhiều vùng chỉ có 20% học sinh là học tiếp lên phổ thông trung học. Một lần nữa cái làm nên sự khác biệt lớn lao giữa Việt Nam hôm nay và phần còn lại của thế giới văn minh là bản lĩnh của giới lãnh đạo và văn hoá sống của dân chúng.
Một dân tộc yếu là một dân tộc mà các bộ phận của nó không chịu chấp nhận nhau hay cao hơn nữa là không thể cảm thông và tin cậy nhau nên không thể cùng làm việc hiệu quả với nhau. Chúng ta đang là một dân tộc như thế khi chiến trường đang hiện hữu ngay chính giữa những người luôn gọi nhau là “đồng chí” với nhau, giữa người dân và chính quyền, giữa người Việt trong và ngoài nước.
Với nghiệp của mình, anh thành một phóng viên chiến trường thực thụ tại một chiến trường khốc liệt giữa cái khát khao thay đổi và ù lì, công bằng chung và lợi ích nhóm, phát triển và bảo thủ tụt hậu. Người phóng viên ấy đã trúng đạn từ một chính trường tối dạ, nông cạn, mù quáng và giáo điều. Nhưng không phải anh mà là sinh mạng chính trị của nhà cầm quyền lại thêm một vết tử thương.
Đau đời có cứu được đời đâu”(1) có lẽ đã không còn đúng trong trường hợp này.
Ít nhất, những hưng phấn tuyệt vời mà dũng khí và tài năng người phóng viên ấy mang lại đã cứu rỗi phần nào cho sự hèn kém và nhàm chán của câu chuyện Việt Nam hôm nay!
Phạm Ngọc Cương
Toronto 27/5/2013
(1) Các vị La hán chùa Tây Phương - Huy Cận

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"