Ban Biên Tập Tổ Quốc
Đối thoại Shangri-La 2013, qui tụ các bộ trưởng quốc phòng của các
nước trong khu vực Thái Bình Dương, đã là một cơ hội lớn cho Việt Nam để
lôi kéo sự chú ý của thế giới về tình trạng căng thẳng trên Biển Đông
trước sự lộng hành ngày càng trắng trợn của Trung Quốc. Trên thực tế,
một lần nữa, nó đã chỉ là một cơ hội bị bỏ lỡ.
Ông Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ loanh quanh lặp lại cái mà ông gọi là
"lòng tin chiến lược" của chế độ CSVN, nghĩa là hy vọng hão huyền vào
một "tương lai tươi sáng trong hợp tác phát triển của khu vực". Cụm từ
"lòng tin chiến lược" này, được nhắc lại gần hai chục lần trong bài phát
biểu 15 phút của ông Dũng, hoàn toàn vô nghĩa bởi vì chính ông Dũng
cũng phải nhìn nhận đang có "những nguy cơ và thách thức ngày càng lớn
đối với hòa bình và an ninh" và "đâu đó đã có những biểu hiện đề cao
sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật
pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền".
Chọn lựa hiển nhiên của Việt Nam là đưa vấn đề ra công pháp quốc tế.
Thế giới sẽ không có chọn lựa nào khác hơn là bênh vực Việt Nam để bảo
vệ trật tự quốc tế và an ninh trên Biển Đông, nơi gần một nửa hàng hóa
trao đổi trên thế giới phải đi qua. Trong những điều kiện bình thường,
nghĩa là nếu Việt Nam tôn trọng những giá trị nhân quyền phổ cập, Hoa Kỳ
và các nước dân chủ sẽ bênh vực những quyền lợi chính đáng của Việt
Nam, nhất là khi Trung Quốc đang trở thành mối quan ngại chung.
Thế nhưng ông Dũng đã từ chối bàn tay đưa ra của thế giới khi ông
khẳng định Việt Nam sẽ "không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên
lãnh thổ Việt Nam" và "không liên minh vớinước này để chống lại nước
khác". Tại sao không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ
Việt Nam nếu những căn cứ quân sự đó đồng thời cũng bảo đảm an ninh và
chủ quyền cho Việt Nam? Đó đã là chọn lựa thông minh của Đức, Nhật, Hàn
Quốc, Úc và Thổ Nhĩ Kỳ. Tại sao lại không liên minh với nước này để
chống lại nước khác khi "nước khác" mạnh hơn mình gấp bội và đang ra mặt
xâm lấn mình?
Không phải là chính quyền CSVN không thấy sự vô lý của những lập
trường máy móc này. Họ cũng muốn được thế giới bảo vệ nhưng họ muốn một
cách mà thế giới không thể chấp nhận. Ông Dũng nói: "Chúng tôi mong muốn
thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên
thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (trên) nguyên tắc độc lập chủ quyền,
không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau". Làm sao các nước dân chủ
có thể không can thiệp vào nội bộ của Việt Nam khi chính quyền Việt Nam
chà đạp nhân quyền, nghĩa là vi phạm Hiến Chương LHQ? Người ta không
đặt điều kiện để được cứu nguy, chưa nói điều kiện vừa vô lý vừa vô đạo.
Đặt điều kiện như thế là từ chối sự bảo vệ của thế giới mà Việt Nam
đang rất cần và chấp nhận lệ thuộc Trung Quốc dù mất đất, mất đảo, mất
biển.
Lý do của chính quyền CSVN không khó nhìn ra. Đó là vì chính cái
"lòng tin chiến lược" thầm kín của họ. Lòng tin đó là, một mặt, muốn
được sự yểm trợ của thế giới dân chủ thì phải chấp nhận dân chủ nhưng,
mặt khác, họ tự biết đã mất mọi cảm tình của nhân dân Việt Nam và sẽ bị
đào thải ngay trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên. Họ biết chỉ có thể tồn
tại bằng cách tiếp tục đàn áp để duy trì chế độ toàn trị. Và họ đã chọn
chống lại nhân dân Việt Nam để tồn tại