Bùi Tín
Cũng chính vì những lý do tương tự mà Bộ Chính trị đã giải thể
trên thực tế Viện điều tra dư luận xã hội được lập ra ngay sau khi Việt
Nam hội nhập với thế giới. Lúc này là dịp tốt để các chiến sỹ dân chủ và
các blog tự do lập ra một cơ quan điều tra dư luận xã hội một cách công
bằng, công khai, vô tư như ở nhiều nước dân chủ văn minh.
Việc sửa đổi Hiến pháp được lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam coi là sự việc hệ trọng nhất trong năm nay. Họ dự định phiên họp đầu năm đưa ra bản dự thảo đầu tiên, phiên họp giữa năm - hiện đang diễn ra - bổ sung thành một bản dự thảo mới, và cuối năm vào tháng 10 sẽ thông qua bản dự án cuối cùng, thành bản Hiến pháp mới.
Hà Nội long trọng tuyên bố Hiến pháp là đạo luật gốc của quốc gia,
rằng ý chí của nhân dân có ý nghĩa quyết định, rằng sẽ lấy ý kiến của
toàn dân và những ý kiến xác đáng của nhân dân sẽ được tiếp thu trong
bản Hiến pháp mới, theo tinh thần lấy dân làm gốc.
Cho đến nay, ai cũng có thể thấy rõ là họ nói vậy nhưng không mảy may
làm như họ nói. Việc lấy ý kiến của nhân dân chỉ là hình thức, có thể
nói trắng ra là «vờ vịt». Trên thực tế, mọi sự đều phải theo ý kiến của
Bộ Chính trị, không được trệch ra ngoài một ly. Các cuộc thảo luận ở
Quốc hội chỉ là trò độc diễn nhạt nhẽo, những màn kịch vụng về, thách
thức trí tuệ của mọi công dân đã trưỏng thành, am hiểu tình hình.
Đã có nhiều lập luận kỳ khôi. Có đại biểu muốn giữ nguyên tên nước là
Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), biện luận rằng danh xưng
như thế đã quá quen thuộc với nhân dân ta và nhân dân thế giới hơn 30
năm rồi, biết bao ký kết với quốc tế, với Liên Hiệp Quốc đã dùng danh
xưng ấy rồi, nên không nên xáo trộn nữa. Hơn nữa đây là định hướng cho
tương lai cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) với mục tiêu dân
giàu nước mạnh, xã hội tiến bộ, dân chủ bình đẳng, văn minh, không nên
bỏ đi. Lại có đại biểu viện cớ là thay danh xưng của nước ta sẽ dẫn đến
phải thay trong biết bao danh xưng khác, trên công văn, giấy tờ, bảng
hiệu ở khắp mọi nơi, mọi cấp, mọi ngành, chi phí hành chính sẽ vô cùng
tốn kém.
Toàn là những điều ngụy biện, không mảy may có giá trị, trước lập
luận vững vàng rằng CNXH chưa ai hình dung nổi hình thù ra sao, bao giờ
đạt đến, lại đã phá sản hoàn toàn trong các thể nghiệm ở hàng chục nước,
bị coi là tội ác, không có một lý do gì để giữ lại.
Còn 2 cái cớ là «đã quen» và «tốn kém» rất dễ bị bẻ gẫy. Tại sao
trước kia danh xưng VN Dân chủ Cộng hòa tồn tại hơn 35 năm, với nhiều
hội nghị và ký kết với quốc tế, với Liên Hiệp Quốc, đã quen với Việt Nam
và thế giới, khi cần vẫn phải thay bởi danh xưng CHXHCNVN vào năm 1980?
Lúc ấy sao lại bỏ qua cái cớ «đã quen» và «tốn kém» để thay tên nước?
Hóa ra họ muốn nói xuôi hay nói ngược đều được, rất tùy tiện.
Còn việc chi phí hành chính quá lớn, cần tiết kiệm, cũng là lý sự
cùn. Chi phí hành chính cần thiết có thấm vào đâu so với lãng phí hàng
ngàn tỷ đồng ở Dung Quất, hàng mấy chục ngàn tỷ cho Vinashin, với cái
núi nợ của các tổng công ty quốc doanh lên đến mấy trăm nghìn tỷ đồng
nữa, có đại biểu nào dám ngăn ngừa trước?
Cuộc thảo luận về sửa đổi Hiến pháp là sự kiện nổi bật về tình trạng
«anh đi đường anh, tôi đường tôi». Nói rõ ra là « đảng đi đường đảng,
dân đường dân». Dân muốn thay đổi vài điều cơ bản cần thiết rất hợp với
thực tế, còn đảng muốn thay hàng trăm chỗ lặt vặt nhưng không đổi một
điều nào có thể gọi là đổi.
Hiện nay các vấn đề cơ bản nhất đều đối lập triệt để như vậy.
Bộ Chính trị của đảng muốn duy trì tên nước là CHXHCNVN, muốn giữ tên
đảng là đảng Cộng sản, mà không lý giải nổi thế nào là CNXH, thế nào là
chủ nghĩa CS, bao giờ thì có CNXH và CNCS, trong khi đại bộ phận nhân
dân, nông dân, lao động, trí thức, doanh nhân đều muốn từ bỏ những danh
xưng cổ lỗ, giáo điều, ảo tưởng, không thực tế ấy.
Bộ Chính trị muốn duy trị bằng mọi giá nền độc quyền đảng trị thể
hiện trong Điều 4, trong khi một tỷ lệ lớn nhân dân, trí thức, nông dân,
lao động muốn bỏ, cho rằng niềm tin phải tự nó tồn tại và luôn biến đổi
không thể áp đặt và bất biến. Dân nhìn rất rõ độc đảng là phản dân chủ,
là nuôi dưỡng tệ chuyên quyền, quan liêu, tham nhũng, là phá hoại đất
nước.
Để cố áp đặt bằng mọi giá, kể cả bằng cái giá trơ mặt trước sự lật
tẩy thái độ giả dối, ăn gian của Bộ Chính trị do những công dân bình
thường thực hiện, lãnh đạo đã tỏ rõ thêm thái độ khinh dân, xa dân, một
mực đối lập với dân, trái ngược với phương châm họ vừa đưa ra ở Hội nghị
Trung ương 7 vừa qua là «trọng dân, gần dân, hiểu dân và tin dân».
Việc gì mà Bộ Chính trị phải ra lệnh bắt khẩn cấp blogger Trương Duy
Nhất, vội đóng blog Một góc nhìn khác của nhà báo này, khi ông Nhất vừa
làm một cuộc thăm dò của riêng mình về mức độ tín nhiệm của một số uỷ
viên Bộ Chính trị và các viên chức cao cấp nhất trong chính phủ và Quốc
hội, ngay trước khi Quốc hội lấy (thăm dò) phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu
tín nhiệm 49 nhân vật.
Họ bị chạm nọc. Vì những con số họ đưa ra là đã có 26 triệu ý kiến
góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp, rồi trên 70% ý kiến muốn giữ nguyên
danh xưng của nước hiện nay…đều là ngụy tạo, bịa đặt, vô lý, dựng đứng
tùy hứng, không có ai kiểm tra. Việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín
nhiệm sắp diễn ra cũng sẽ là những trò hề được biết trước như thế.
Nhà báo Trương Duy Nhất bộc trực, ngay thẳng, tuy không thuộc tổ chức
nào, đảng phái nào, đã thực hiện việc thăm dò dư luận của riêng mình,
và đưa ra những tỷ lệ ngược với những con số do bộ máy đảng sắp đưa ra.
Nhà báo này đã không chịu đi theo con đường của đảng, dứt khoát đi vào
con đường ngay thật, phản ánh đúng sự thật của lòng dân.
Cũng chính vì những lý do tương tự mà Bộ Chính trị đã giải thể trên
thực tế Viện điều tra dư luận xã hội được lập ra ngay sau khi Việt Nam
hội nhập với thế giới. Lúc này là dịp tốt để các chiến sỹ dân chủ và các
blog tự do lập ra một cơ quan điều tra dư luận xã hội một cách công
bằng, công khai, vô tư như ở nhiều nước dân chủ văn minh.
Điện thoại đã phổ cập, điện thoại cầm tay không còn hiếm, máy tính
điện tử cũng được dùng rộng rãi, nhân dân sẽ rất hoan nghênh khi cơ quan
điều tra dư luận xã hội định kỳ công bố kết quả điều tra của mình về sự
kiện này, nhân vật nọ, theo nhiều mẫu người, độ tuổi, nghề nghiệp, địa
phương trong xã hội (như trong chừng 1.000 người). Đây sẽ là một công cụ
có hiệu quả và đáng tin cậy để phản ánh lòng dân một cách trung thực.
Lúc ấy cái hiện tượng «đảng đi đường đảng, dân đường dân» sẽ rõ rệt,
không ai còn có thể nhập nhằng «lòng đảng là ý dân» được nữa. Lúc ấy các
đại biểu Quốc hội sẽ phải suy nghĩ mình đại biểu cho ai đây, cho đảng
hay cho đa số nhân dân.
Sự chia tay này sẽ là tất yếu, vì khi Bộ Chính trị đã coi dân là thù
để đàn áp, đa số đảng viên CS ở cơ sở sẽ ngả về phía nhân dân . Lúc này
còn có đảng viên CS nào tin rằng 16 ủy viên Bộ Chính trị nắm trọn quyền
lực hiện nay đang đặt quyền lợi của toàn dân lên trên hết. Vì sự thật đã
rõ ràng là họ đang đặt quyền lợi riêng tư của phe nhóm lên trên hết.