Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Đại sứ David Shear tại cộng đồng người Việt ở Nam California!

Vũ Anh
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông David Shear
Nếu những người Mỹ gốc Việt Nam tại quận Cam vẫn tiếp tục trông đợi và hy vọng ông David Shear, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam mang đến cho họ những lời lẽ và những sự việc mà phần đông những người đón tiếp ông khoái nghe thì họ sẽ thất vọng ngay. Qua 3 buổi tiếp xúc với báo chí và cộng đồng tại Trung Tâm Le-Jao, Trung Tâm Phục Vụ Cộng Đồng Địa Hạt I và nhà hàng Làng Ngon, ông được mô tả là một người hiểu rõ phải nói như thế nào để người Mỹ gốc Việt ở quận Cam “nghe được”, nhưng “nghe vậy mà không phải vậy”. Là người được giới ngoại giao Mỹ mô tả là rất nhạy bén với các vấn đề của Đông Nam Á và giầu kinh nghiệm ngoại giao với các nước trong vùng bờ biển bên kia Thái Bình Dương, có vợ người Trung Hoa, nói thông thạo tiếng Quan Thoại, ông Shear đến Việt Nam vào lúc tình hình nhân quyền tại đây ngày một xấu đi và theo lời kể lại của chính ông rằng trong bối cảnh rất tế nhị, ông đã giúp vào việc Hà Nội chịu thả Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân và Luật sư Lê Công Định. Nhưng ông nhắc lại nhiều lần là kết quả thương lượng về nhân quyền với nhà cầm quyền Việt Nam rất “khiêm tốn”. Cho nên khi nhấn mạnh về tiếng nói của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Mỹ, Đại sứ David Shear nhìn nhận rằng nó có ảnh hưởng lớn đối với ông và có thể gây ảnh hưởng tại Việt Nam, có lẽ ông cũng muốn gởi ra một thông điệp theo đó ông muốn khuyến khích cộng đồng người Mỹ gốc Việt tiếp tục cuộc vận động cho nhân quyền Việt Nam, không nên để cho nó bị gián đoạn vì bất cứ lý do gì.

Trước hết chúng ta cần căn cứ vào những lời tuyên bố của Đại sứ Shear để thiết lập một bảng ghi nhớ về chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Việt Nam trong giai đoạn này, gồm 4 mục đích:
1. Phát triển quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ hơn.
2. Hợp tác ngoại giao và an ninh.
3. Giúp đỡ giáo dục và môi trường.
4. Liên tục và không ngừng nghỉ kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam cải thiện và tôn trọng nhân quyền.
Tuy xác định lý do ông liệt kê việc kêu gọi Hà Nội tôn trọng nhân quyền ở ưu tiên thứ tư vì ba ưu tiên trên có liên hệ đến nó. Nói cho ngay, mới nghe thì điều này có vẻ hữu lý, nhưng suy nghĩ kỹ người ta có thể thấy màn kịch treo đầu dê bán thịt chó qua những lời tuyên bố của ông Shear.
Một mặt, Đại sứ Shear làm đúng bổn phận của một đại sứ của Hiệp Chủng Quốc dù đến với một cộng đồng thiểu số người Mỹ gốc Việt thì cũng phải có miếng trầu là đầu câu chuyện. Miếng trầu mà ông mời là lời tuyên bố chắc nịch rằng tiếng nói của cộng đồng người Mỹ gốc Việt có ảnh hưởng mạnh với sứ quán Mỹ ở Hà Nội và với Việt Nam. Nhưng sau đó câu chuyện được mở đầu thì lại liên quan đến kết quả mà ông mô tả là rất “khiêm tốn” trong việc sử dụng áp lực nhân quyền mà các nhà ngoại giao Mỹ thường sử dụng đối với Hà Nội để đổi lại Việt Nam có thể mua vũ khí sát thương của Hoa Kỳ. Bao nhiêu lâu nay, trên bề mặt của cục diện chính trị rất phức tạp tại Việt Nam, hồ sơ nhân quyền tồi tệ vẫn là trở ngại cho việc Hoa Kỳ muốn muốn lôi kéo Việt Nam vào mạng lưới ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương trong đó có hải lộ quan trọng là Biển Đông, điều mà Hoa Kỳ không thể một mình làm cứng với Bắc Kinh được. Kim ngạch buôn bán khổng lồ giữa Mỹ và cái thị trường béo bở về giá nhân công rẻ tại lục địa với dân số gần 1.5 tỷ người khiến cho Washington khó lòng ra oai với Bắc Kinh.
Cũng như vậy, cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng không thể gây áp lực có hiệu quả ngay đối với chính quyền Hoa Kỳ để họ biến những nguyện vọng của các công dân Mỹ gốc Việt thành một áp lực có hiệu quả nhanh chóng đối với nhà cầm quyền Việt Nam. Chúng ta có thể nhìn trong quá khứ để nhận ra điều này và để rút ra bài học. Ngay tại Việt Nam Cộng Hòa thời chiến tranh, luật sư Trương Đình Dzu cùng với Trần Văn Chiêu lập liên danh tranh cử Tổng Thống với danh hiệu “Bồ Câu” và liên danh này đã thua Liên Danh Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ.
Chủ trương của ông Dzu là chấm dứt chiến tranh, ngưng oanh tạc Miền Bắc và thương lượng với Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam để tìm một giải pháp hòa bình. Vì quan điểm này mà sau đó Luật sư Trương Đình Dzu bị bắt và bị đưa ra tòa, bị kết án và đi tù cho tới năm 1975 mới được Tổng Thống Trần Văn Hương ra lệnh thả. Thời điểm luật sư Trương Đình Dzu bị chính quyền VNCH nhốt tù, Hội Ân Xá Quốc Tế, nhóm phản chiến Mỹ, Nhật và Pháp đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, cộng thêm với những lời khuyến cáo của một vài thượng nghị sĩ Mỹ mà tiếng nói của họ có sức nặng chẳng hạn như TNS McGovern của đảng Dân Chủ. Nhưng dư luận và những áp lực ấy chẳng đi đến đâu, mặc dù rằng sau đó vào Tháng 11 năm 1968, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ đã phải đọc một bài diễn văn tại Quốc Hội Lưỡng Viện VNCH chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị 4 bên tại Paris, trong đó có MTDTGPMNVN, điều mà ông Trương Đình Dzu đã từng chủ trương.
Những cảnh ngộ của lịch sử như vậy rõ ràng có tác dụng giúp cho chúng ta hiểu một điều: Chính sách đối ngoại của Mỹ và giá trị Mỹ đôi khi bị chính đồng minh của mình làm trở ngại. Nói một cách khác, tại nhiều quốc gia trên thế giới, những áp lực chính trị từ Hoa Kỳ đến tay các vị đại sứ để họ thực hiện trong nhiều trường hợp rất bị giới hạn. Đại sứ David Shear tại Việt Nam cũng không thoát ra khỏi trường hợp này. Nhưng so sánh với thời của các vị đại sứ tiền nhiệm từ ông Douglas Brian “Pete” Peterson, Raymond Burghardt, Michael Marine cho đến Michael Michalak, và nay là Đai sứ David Shear người ta có thể thấy sức nặng của Sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội ngày nay gia tăng hơn nhiều so với trước đây. Cứ theo như lời của Đại sứ David Shear, ông còn gặp được Hòa Thượng Quảng Độ chứ còn ngay như ông Peterson muốn đến thăm vùng Cao Nguyên Trung Phần mà còn không được phép nói chi đến việc gặp những nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam.
Khi đưa ra cho báo chí những hình ảnh về hoạt động tại Việt Nam, Đại sứ David Shear dường như cũng muốn nhấn mạnh rằng phải qua một thời gian khá dài, Hoa Kỳ mới cải thiện được vị trí cho những người đi sứ tại Việt Nam. Nó không dễ dàng như nhiều người tưởng, nhất là Việt Nam ngày nay chưa lệ thuộc nhiều vào viện trợ quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ. Từ nhiều thập niên, áp lực của Hoa Kỳ chỉ mạnh đối với các quốc gia đồng minh nếu nó được đi kèm bằng số viện trợ lớn lao do Washington cung cấp. Đó là lý do tại sao áp lực cải thiện nhân quyền của Hoa Kỳ đối với Việt Nam mới chỉ ở lời khuyên là “nên” chứ chưa tới mức “phải” thực hiện nếu không thì bị cúp viện trợ.
Chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ đang bị làm khó vì sự trỗi dậy của Trung Quốc. Sự trỗi dậy của một con hổ ốm đói nay đã no nê và bắt đầu có “bát ăn bát để” khiến cho Hoa Kỳ đứng ở một vị thế khá chênh vênh, khó bảo được Hà Nội phải làm thế này và không được làm thế kia. Cho nên, Hà Nội đồng ý với Đại sứ David Shear thả Lê Công Định, Nguyễn Quốc Quân, nhưng lại bắt Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên đưa ra tòa kết án rất nặng. Sau đó đưa 14 thanh niên công giáo và tin lành ra xử cũng với những cái án “trên trời”. Human Rights Watch, Tổ Chức Các Phóng Viên Không Biên Giới phản ứng, chỉ trích và đòi thả cũng chẳng có tác dụng gì.
Tuy nhiên, những biến chuyển thời sự trên là một thực tế giúp cho những nhà tranh đấu và vận động nhân quyền những bài học về sự kiên nhẫn cần có khi làm công việc này. Trong lịch sử các cuộc tranh đấu cho nhân quyền, chưa có một cuộc tranh đấu nào có kết quả tức khắc hay có kết quả trong một thời gian ngắn. Nhưng ngược lại nó vẫn là một chất dầu nóng thấm dần vào cơ thể và có tác dụng dần dần làm tan các vết bầm. Đối với những người Mỹ gốc Việt Nam trên liên bang Hoa Kỳ, Đại sứ David Shear không phải là chỉ là đại sứ của họ. Ông đi sứ nhân danh quyền lợi của quốc gia Hoa Kỳ. Điều thấy rõ nhất là Hoa Kỳ ngày nay không còn giữ được vị trí lãnh đạo thế giới tự do với tư cách của một anh sen đầm quốc tế nữa. Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ gặp nhiều trở ngại vì thế giới tự do ngày nay phức tạp hơn thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây rất nhiều. Và trong bối cảnh này, các đại sứ Hoa Kỳ tại những quốc gia nhỏ không còn là một ông “trời con” như Cabot Lodge, Ellsworth Bunker hay Graham Martin khi xưa nữa.
Tôi tin rằng nếu hiểu được như thế, chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi thấy rõ ràng Đại sứ David Shear phải treo đầu heo mới bán được thịt chó và đồng thời cũng nhận rõ rằng cái giá của cuộc tranh đấu hay vận động nhân quyền là phải kiên trì và liên tục không ngừng nghỉ. Trên con đường dài đó, chắc chắn những nhà tranh đấu sẽ rất nhiều lần phải uống mật đắng chứ không phải chỉ trông đợi uống nước đường để che giấu những thất vọng. Vấn đề là chúng ta có dám chấp nhận cái giá của thời gian hay không.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"