Trần Đức Việt, nhà báo tự do
Dân Luận
Nghe tin nhân dân Văn Giang (Hưng Yên) thu hoạch vụ chiêm đầu tiên
trên đất bị cưỡng chế, chúng tôi vội đến hỏi thăm, chia vui cùng bà con.
Cuộc đấu tranh của bà con kéo dài đã 9 năm, bằng cả một cuộc kháng
chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đến nay có vụ chiêm đầu mùa. Thóc
mới, gạo mới thơm phức, lòng bà con cũng rộn ràng. Đây là kết quả ban
đầu của cuộc chiến đấu gay go, gian khổ, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả
máu đổ xuống.
Nhớ lại năm 2004, ba cấp chính quyền ở Hưng Yên tiến hành thu hồi
đất, xây dựng khu đô thị mới. Gọi là thu hồi, nhưng thật ra là cướp đất,
cướp trắng trợn trên tay bà con. Nhân dân gửi đơn khiếu nại, kêu cứu
đến các cấp chính quyền từ địa phương đến trung ương đều không được giải
quyết sao cho có lý, có tình. Đêm 7 rạng sáng ngày 8/1/2009, chính
quyền dùng công an phối hợp với các loại côn đồ, đầu gấu bất ngờ đến
cướp đất. Nhân dân không kịp chuẩn bị đành để bọn giặc nội xâm cướp
trắng đất trên tay. Không chịu đầu hàng bọn giặc nội xâm, nhân dân gửi
nhiều đơn khiếu nại lên các cấp. Bà con bầu ra một "Bộ tham mưu Xuân
Quan" gồm những người tích cực, hiểu pháp luật để giúp bà con đấu tranh.
Đơn từ gửi đi khắp nơi như bươm bướm nhưng chính quyền lạnh lùng tiếp
tục chuẩn bị... cưỡng chế.
Đầu năm 2012, tiếng súng của ông Đoàn Văn Vươn nổ vang ở Tiên Lãng,
Hải Phòng. Nhân dân cả ba xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao bỗng nhiên
bừng tỉnh. Một đoàn đại biểu nhân dân ba xã đến Tiên Lãng tìm hiểu tình
hình, thăm hỏi gia đình ông Vươn. Khi đoàn đại biểu trở về, công an đến
gặp thăm dò động tĩnh. Công an nói chuyện về súng, giá cả các loại súng:
Giá súng bây giờ một triệu một khẩu. Đại biểu dân phản đối: Không phải,
chúng tôi đã mua được súng chỉ có giá 500.000 đến 750.000 đồng một khẩu
thôi. Đã mua đủ súng rồi. Nghe tin chính quyền huyện sẽ cưỡng chế vào
ngày 20/4/2012 Bộ tham mựu Xuân Quan quyết định coi đây là vụ chống giặc
nội xâm, cần chống trả như cách ông Đoàn Văn Vươn đã làm ở Tiên Lãng.
Bộ tham mưu dự tính khả năng lực lượng cưỡng chế sẽ thực hiện vào đêm,
giống như hồi tháng 1/2009 nên tổ chức nhân dân ra canh giữ cánh đồng,
đốt lửa suốt đêm. Đây là những đêm sôi sục, nhiều nhà báo và những người
yêu nước, thương dân từ khắp nơi đổ về cánh đồng Xuân Quan, phối hợp
đấu tranh. Nhưng chính quyền huyện Văn Giang đã lùi ngày cưỡng chế sang
24/4. Đêm 23/4, Bộ tham mưu Xuân Quan họp bàn lần cuối, tranh luận gay
gắt. Kết quả cuộc tranh luận này là ý kiến bảo vệ sinh mạng cho cả người
đi cưỡng chế và bị cưỡng chế thắng thế. Rạng sáng ngày 24/4 các bình ga
được rút bỏ khỏi đống củi tẩm dầu. Cuộc cưỡng chế diễn ra với tiếng nổ
ran từ các quả nổ của công an ném ra. Sau này, trong một lần nói chuyện
với công an, người dân Xuân Quan nói: Chỉ vì nghĩ rằng công an đi cưỡng
chế cũng là con em mình nên dân mới rút bình ga ra, còn nếu đây là giặc
ngoại xâm thì chắc chắn sẽ bị tiêu diệt sạch, không sót một mống. Cưỡng
chế xong, nhóm côn đồ, đầu gấu của công ty ngày đêm đi tuần trên đường
làng, thấy dân ra là đánh. Bộ tham mưu Xuân Quan quyết định tổ chức một
trận đánh "giằn mặt" đối với nhóm đầu gấu, từ đó chúng hết nghênh ngang,
không dám bén mảng đến khu vực cưỡng chế.
Đất thu hồi xong, công ty bỏ hoang, trong khi dân thì mất phương tiện
canh tác kiếm sống, trong dân bắt đầu gặp nhiều khó khăn. Bộ tham mưu
Xuân Quan bàn bạc, đi đến quyết định tập hợp các hộ dân chưa nhận tiền
đền bù ra san lấp lại khu vực cưỡng chế, trồng lúa và chuối cải thiện
đời sống. Trong suốt một tháng, bà con san lấp được trên 15 mẫu và mua
mạ giống từ Thái Bình về gieo mạ, cấy lúa. Bà con bầu ra một Ban chủ
nhiệm hợp tác xã quán xuyến mọi việc. Ban chủ nhiệm có 24 thành viên,
trong đó có một chủ nhiệm và 4 phó chủ nhiệm, là các lão nông nhiều kinh
nghiệm nhất. Tin bà con thành lập Ban chủ nhiệm hợp tác xã được nhiều
cơ quan truyền thông nước ngoài tìm hiểu và đưa tin. Điều đáng ngac
nhiên nhất đối với truyền thông hải ngoại là nhiều thành viên tích cực
trong Bộ tham mưu Xuân Quan không có tên trong Ban chủ nhiệm. Trong một
cuộc phỏng vấn, nhà báo hải ngoại hỏi đi hỏi lại một thành viên Bộ tham
mưu Xuân Quan: Vi sao anh không tham gia Ban chủ nhiệm? Trả lời: Ban
chủ nhiệm do dân bầu, không nhất thiết ai ở bộ tham mưu thì cũng ở ban
chủ nhiệm. Thật ra thì câu chuyện cũng đơn giản: Bộ tham mưu Xuân Quan
cần đến người hiểu pháp luật, còn Ban chủ nhiệm thì cần những người am
hiểu sâu sắc nghề nông. Ban chủ nhiệm đã xây dựng một hình thức "hợp tác
xã" rất mới, toàn tâm toàn ý với nhân dân, hoàn toàn không có hiện
tượng tham ô, tham nhũng, rong công phóng điểm như các hợp tác xã của
nhà nước trước đây. Bà Lê Thị Hiền, 82 tuổi, thành viên ban chủ nhiệm
nói: Tôi già nhưng vẫn ra ruộng làm việc để nuôi con cháu tôi. Bà con kể
lại, bà Hiền ra ruộng từ sớm và về rất muộn, ngày công lao động của bà
rất cao nhưng bà ủng hộ cho ban chủ nhiệm, không tính công. Khi được hỏi
về nguyên nhân nào làm bà tích cực như vậy thì bà bảo: Vì tôi làm việc
trên đất của tôi, để giúp con cháu tôi. Trước kia nhà tôi có 4 mẫu
ruộng, là đất của cha ông tôi ăn bột, dành dụm tiền mua được. Nghe theo
lời kêu gọi của nhà nước nhường cơm xẻ áo cho người túng thiếu, gia đình
tôi đã giao ruộng cho hợp tác xã (nhà nước), rồi được hợp tác xã giao
lại năm miếng để sản xuất. Đây là đất của chúng tôi, không phải đất của
nhà nước. Tôi làm việc trên đất của tôi, để nuôi con cháu tôi nên tôi
phải hết lòng.
Điều bà Hiền nói thật đơn giản, mộc mạc nhưng chứa đựng môt chân lý
lớn trong khoa học kinh tế chính trị. Bao nhiêu năm nay các nhà triết
học, kinh tế chính trị học tranh cãi về động lực phát triển trong lao
động sản xuất và các mô hình tổ chức để tạo điều kiện cho sản xuất phát
triển. Các tranh luận này làm xuất hiện nhiều "chủ nghĩa", "học thuyết",
"lý luận", "tư tưởng", tựu trung lại vẫn để chỉ ra động lực sản xuất và
thiết kế mô hình tốt nhât quản lý lao động sản xuất. Ông V.I. Lenin cho
rằng động lực mạnh nhất là lao động tập thể, không có bóc lột và thiết
kế ra mô hình hợp tác xã trong nông nghiệp với hi vọng đây là mô hình
tốt nhất xây dựng xã hội mới với tên gọi XHCN. Tuy nhiên, khi áp dụng mô
hình này, dù là hợp tác xã cấp thấp, cấp cao hay tiến lên nông trang
tập thể, công xã nhân dân thì vẫn thiếu hiệu quả, năng suất vẫn kém các
nước tư bản. Thế mà theo chỉ dẫn của Các Mác: "Một xã hội ra đời sau sẽ
thắng xã hội trước vì cho một năng suất lao động cao hơn", vậy thì theo
chỉ dẫn này, chế độ XHCN tất yếu sẽ chết, do năng suất lao động thấp.
Nếu đánh giá "hợp tác xã" mới xuất hiện ở Văn Giang bằng cách nhìn của
chủ nghĩa Mác-Lenin thì chúng ta thấy gì?
Điều đầu tiên dễ thấy nhất là mô hình ở Văn Giang chứa đựng rất nhiều
yếu tố XHCN. Về mặt chính trị, đây là mô hình "chính quyền của dân, do
dân, vì dân" rất điển hình, thoả mãn các yêu cầu khắt khe mà Lenin đề ra
trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng khi tổng kết kinh nghiệm của Công
xã Pari. Lenin nói: Hai điểm cơ bản để nói dân chủ vô sản hơn một triệu
lần dân chủ tư sản, ngay ở các nước tư bản dân chủ nhất là: Một, Người
đứng dầu công xã hạ mức lương của mình xuống ngang lương một công nhân
thường; hai, bất kỳ cán bộ nào của công xã nếu không hoàn thành nhiệm
vụ cũng bị cách chức ngay lập tức. Đối chiếu 2 tiêu chuẩn cơ bản này vào
Ban chủ nhiệm ở Văn giang chúng ta thấy Ban chủ nhiệm chính là mô hình
công xã Pari trong hoàn cảnh Việt Nam. Vẫn theo Nhà nước và cách mạng,
Lenin cho rằng công xã thất bại vì không thực hiện "chuyên chính vô
sản". Ở Văn Giang chúng ta không thấy dấu vết của bất kỳ công cụ "chuyên
chính " nào. Bộ tham mưu Xuân Quan có dáng dấp của một "bộ máy chuyên
chính" đã lập tức giải tán sau khi thành lập Ban chủ nhiệm. Chúng ta có
thể xem Bộ tham mưu Xuân Quan là đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng luôn có
thể được thành lập lại bất kể lúc nào nếu có những áp lực đe doạ sự tồn
tại của Ban chủ nhiệm. Cái hay chính là ở đó, không có chuyện công thần,
tham quyền cố vị, không có những "siêu quyền lực" đặt trên ý nguyện của
nhân dân, tất cả chỉ để tạo ra một tổ chức dân sự phát huy mọi khả năng
phát triển kinh tế trong cộng đồng dân cư. Mô hình Văn Giang có nhiều
điểm hay, nhưng việc bàn sâu xin để dịp khác.
Bây giờ xin nói qua ý nghĩa của việc xuất hiện mô hình Văn Giang.
Nếu Hội đồng lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam kịp nhận ra nhân
tố mới ở Văn Giang thì nên thừa nhận ngay mô hình này và nghiên cứu để
phát triển rộng khắp. Sở dĩ Văn Giang vửa có một vụ chiêm bội thu chính
là vì giải quyết vấn đề cốt lõi về quyền sở hữu đất. Đối với nhà nước,
đất là do nhà nước thống nhất quản lý, nhưng ở Văn Giang người dân coi
đất là của họ, không phải của nhà nước. Đấy là lý do làm người dân lao
động hết mình, không so đo tính toán. Mới nhìn chúng ta tưởng như ở đây
có mâu thuẫn giữa quyền sở hữu của nhà nước và quyền sở hữu của nông dân
đến mức không điều hoà nổi, chỉ có thể giải quyết bằng con đường "cưỡng
chế". Nhưng thật ra việc giải quyết rất đơn giản, chỉ cần công nhận
quyền sở hữu đất đai của tập thể, ở đây là của Ban chủ nhiệm, thế là
xong. Quyền sở hữu đất của tập thể (Ban chủ nhiệm) không phải là nhà
nước nhưng vẫn là nhà nước, không phải của dân mà vẫn là của dân. Ban
chủ nhiệm trở thành một "cơ quan dân sự" có thực quyền tại địa phương,
vừa bảo đảm lợi ích của dân, vừa bảo đảm lợi ích nhà nước. Muốn vậy thì
ngay trong Luật đất đai nên sửa đổi: Đất đai thuộc sở hữu nhà nước và
sở hữu tập thể, tức là thừa nhận một hình thức sở hữu tập thể song song
với sở hữu nhà nước. Thừa nhận như vậy thì việc "giải phóng mặt bằng" sẽ
khác đi nhiều, chủ yếu là thoả thuận giữa cơ quan nhà nước với tập thể
của dân chứ không phải làm việc với từng hộ dân. Điều này sẽ làm tăng
tính "dân sự" ở cơ quan nhà nước, đồng thời nâng cao tri thức của dân
trong các giao dịch dân sự với nhà nước. Chúng tôi nghĩ "liều" rằng đây
là mô hình xã hội dân sự của ngày mai đang hình thành trong xã hội hôm
nay. Có một khác biệt duy nhất cần nhắc lại: Mô hình này không có dấu
vết của bất kể hình thức "chuyên chính" nào.