Hồ Anh Hải
Giáo dục Phần Lan bắt đầu được dư luận quốc tế quan tâm từ sau khi
Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển OECD tổ chức các kỳ thi PISA
(Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International
Student Assessment). Thành công xuất sắc của học sinh Phần Lan trong các
kỳ thi này đã làm cả thế giới ngạc nhiên.
PISA là bài kiểm tra kiến thức của các trẻ em 15 tuổi, thực hiện 3
năm một kỳ tại hơn 40 địa điểm cho gần nửa triệu HS trên toàn cầu. PISA
mới tiến hành được 4 kỳ (2000-2003-2006-2009) thì Phần Lan giành được vị
trí thứ nhất trong 3 kỳ đầu. Tại PISA 2009 họ đứng thứ hai về khoa học,
thứ ba về đọc hiểu và thứ sáu về toán học.
Sau một thời gian say sưa tranh cãi về cuốn Chiến ca của Mẹ Hổ, cuối
cùng phương pháp giáo dục của Phần Lan lại đang trở thành một chủ đề
nóng ở Mỹ sau khi nước này chiếu bộ phim tài liệu Chờ đợi Siêu nhân [1],
vạch ra các vấn đề tồn tại của giáo dục công lập Mỹ, có so sánh với
Phần Lan. Báo The Economist của Anh Quốc còn kiến nghị các nhà lãnh đạo
châu Âu tạm ngừng công việc để đến Phần Lan dự các giờ học cấp phổ
thông, tìm hiểu xem vì sao học sinh nước này giỏi thế. Người Trung Quốc
càng hết lời ca ngợi giáo dục Phần Lan. Một bà mẹ đem hai con sang Phần
Lan sống mười mấy năm, tự mình trải nghiệm thực tế giáo dục từ vườn trẻ
đến đại học của xứ này, sau đó nhận xét: So với Phần Lan thì giáo dục
Trung Quốc chỉ là một bãi rác lớn. Cần nhấn mạnh: người Phần Lan không
hề coi trọng mọi kỳ sát hạch học sinh, kể cả PISA, họ không bao giờ mở
các lớp chuyên để đào tạo “gà nòi” đi thi PISA như ở một số nước khác.
GS Pasi Sahlberg, nhà giáo dục nổi tiếng, Tổng Giám đốc Trung tâm Luân
chuyển và Hợp tác quốc tế Phần Lan (National Centre for International
Mobility and Cooperation, CIMO) nói: “Chúng tôi chuẩn bị cho trẻ em học
cách để học chứ không phải học cách để làm một bài kiểm tra. Chúng tôi
không quan tâm nhiều tới PISA. Nó không phải là thứ chúng tôi nhắm
tới”.Chính người Phần Lan cũng không hiểu tại sao HS họ lại chiếm vị trí
hàng đầu trong các kỳ kiểm tra PISA, bởi lẽ họ đâu có quan tâm gì tới
việc xếp hạng. Nhưng khi các đoàn cán bộ giáo dục từ khắp thế giới kéo
đến Phần Lan tìm hiểu kinh nghiệm dạy và học của xứ này thì họ mới để ý
tới chuyện ấy. Ngành du lịch Phần Lan cũng khởi sắc nhờ thành tích của
ngành giáo dục.
Triết lý giáo dục đúng đắn
Giáo dục Phần Lan vận hành theo một triết lý (tư tưởng) giáo dục độc
đáo, thể hiện ở quan điểm đối với học sinh và giáo viên: hai chủ thể
quan trọng nhất này của nhà trường phải được quan tâm và tôn trọng hết
mức.
Sự ưu ái HS thể hiện ở chỗ ngành giáo dục phải làm cho nhà trường trở
thành thiên đường của trẻ em! Muốn thế người Phần Lan đã hủy bỏ mọi
chuyện khiến lũ trẻ đau đầu nhức óc như cạnh tranh (hoặc dưới mỹ từ “thi
đua”), xếp hạng giỏi kém trong học tập và các kỳ sát hạch thi cử. Ở cấp
tiểu học hoàn toàn không có kiểm tra kiến thức. Nhiệm vụ của giáo viên
là làm cho HS hào hứng học tập, say mê hiểu biết, quan tâm tập thể và xã
hội. Tóm lại, HS không phải chịu bất cứ một sức ép nào trong học tập.
GS Sahlberg nói: “Chúng tôi không tin vào thi cử, không tin rằng có một kỳ thi thống nhất là việc tốt. 12 năm học đầu tiên trong đời HS chỉ có một kỳ thi duy nhất vào lúc các em đã ở độ tuổi 18-19, đó là kỳ thi trước khi vào đại học. Nhờ thế thầy và trò có nhiều thời gian để dạy và học những gì họ ưa thích. Các thầy cô của chúng tôi tuyệt đối không giảng dạy vì thi cử, HS cũng tuyệt đối không học vì thi cử. Trường học của chúng tôi là nơi học tập vui thích 100%. Ưu điểm của chế độ học tập ở Phần Lan là ươm trồng tinh thần hợp tác chứ không phải là tinh thần cạnh tranh. Chúng tôi không lo HS sau này sẽ cảm thấy sợ hãi khi bước vào xã hội đầy cạnh tranh”.
Luật pháp Phần Lan quy định không được dùng cách xếp hạng hoặc cho
điểm để đánh giá các HS trước lớp 6. Khi các thầy cô muốn bình xét năng
lực và biểu hiện của HS nào đó thì họ phải dùng văn bản ghi lại sự đánh
giá, có thuyết minh cặn kẽ, chứ không được đơn giản dùng điểm số hoặc
thứ bậc xếp hạng để bình xét. Bởi lẽ mỗi HS đều có sở trường của riêng
mình, giáo viên chỉ có thể thông qua nhiều hình thức hoạt động để tìm
hiểu HS và khai thác phát huy tiềm năng của các em.
Có người cho rằng trong môi trường không có so sánh, không có cạnh
tranh, không có sát hạch thi cử thì HS sẽ không có động lực để học tập.
Thực ra HS Phần Lan vẫn có thi đại học, kỳ thi duy nhất sau 12 năm học,
cạnh tranh cũng rất quyết liệt, nhưng khi ấy HS đã trưởng thành. Người
ta cố gắng không để HS cạnh tranh với nhau quá sớm. Các nhà trường ở
châu Á cạnh tranh với nhau rất gay gắt, đó là do giáo viên, phụ huynh,
HS và mọi người luôn so bì lẫn nhau. Người Phần Lan không làm như vậy,
họ trau dồi cho HS tinh thần Hợp tác quan trọng hơn cạnh tranh, nhấn
mạnh ở cấp mẫu giáo và trung tiểu học lại càng cần tạo ra bầu không khí
không có cạnh tranh. Đây là một ưu điểm của chế độ giáo dục Phần Lan.
Một nhà tâm lý học từng nói: “Hôm nay HS biết hợp tác với nhau thì
ngày mai họ sẽ có năng lực cạnh tranh”. Muốn giỏi cạnh tranh thì trước
hết phải biết mình, rồi tìm hiểu người khác. Biết mình để tự tin. Biết
người, tức biết đối phương, là để hiểu được ưu điểm của họ; điều ấy thực
hiện được trong quá trình hợp tác với họ, qua đó sẽ có được năng lực
cạnh tranh. Trau dồi năng lực sáng tạo trong môi trường chan hòa tình
người thì tốt hơn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, vì khi ấy người
ta không muốn chia sẻ kinh nghiệm cho người khác, và cũng không muốn
mạo hiểm, như vậy sao có thể có được sức sáng tạo. Vì thế người Phần Lan
chủ trương HS học hỏi lẫn nhau, chia sẻ với nhau thành công của mình.
Người Phần Lan trau dồi cho học sinh tinh thần Hợp tác quan trọng hơn cạnh tranh,
nhấn mạnh ở cấp mẫu giáo và trung tiểu học lại càng cần tạo ra bầu
không khí không có cạnh tranh. Chủ thể quan trọng thứ hai của giáo dục
là giáo viên cũng phải được sống trong môi trường ít sức ép nhất. Thầy
cô giáo phải được xã hội tôn trọng hết mức. Muốn vậy, cũng như với HS,
đối với giáo viên, nhà trường áp dụng nguyên tắc không so sánh, không
xếp thứ hạng hoặc cho điểm các giáo viên, không tổ chức thi tay nghề
giảng dạy, cũng không làm bản nhận xét đánh giá giáo viên.
Ngành giáo dục không làm cái việc đánh giá, xếp hạng chất lượng các
trường. Nhờ thế tất cả giáo viên đều rất tự tin, ai cũng tự hào về
trường mình. Họ giải thích: Nếu thầy cô còn coi thường trường mình thì
HS sao có thể tin vào nhà trường?
GS Sahlberg nói: “Rất nhiều quốc gia tiến hành cải cách giáo dục xuất phát từ mặt hành chính, thậm chí tham khảo giới kinh doanh, đưa phương thức vận hành công ty vào áp dụng trong trường học, lập chế độ thưởng phạt. Cách làm như thế là không đúng. Chúng ta đều biết, trừ khi nhà trường có giáo viên giỏi, trừ khi chúng ta luôn đào tạo chuyên môn cho giáo viên và giúp đỡ họ, trừ khi xã hội biết tôn trọng giáo viên, nếu không thì cải cách giáo dục sẽ không thể thành công”.
Điều đó xuất phát từ nhận thức: Nếu xã hội đã không tín nhiệm chính
thầy cô giáo của mình thì còn nói gì tới việc HS tin yêu và nghe lời
thầy cô? Một khi thực thi cơ chế đánh giá xếp hạng giáo viên thì tất
nhiên giáo viên bị xếp hạng thấp sẽ còn đâu uy tín để dạy các em? Một
nhà trường bị xếp hạng kém thì còn ai muốn cho con mình vào học? Như vậy
giáo dục còn có ý nghĩa gì?
Nếu bạn hỏi bất cứ quan chức nào của Bộ Giáo dục Phần Lan về chất
lượng giáo viên xứ này thì họ sẽ nói: “Tất cả thầy cô giáo của chúng tôi
đều giỏi như nhau!”. Họ cũng nói: “Tất cả các trường của chúng tôi đều
giỏi như nhau!” “Tất cả các HS của chúng tôi đều giỏi cả”. Câu trả lời
ấy nói lên sự tự tin của một quốc gia đã thực sự đạt được sự bình đẳng
trong giáo dục, vì vậy họ có quyền nói như thế. [2]
Giáo viên cũng phải được sống trong môi trường ít sức ép nhất. Muốn
vậy, cũng như với HS, đối với giáo viên, nhà trường áp dụng nguyên tắc
không so sánh, không xếp thứ hạng hoặc cho điểm các giáo viên, không tổ
chức thi tay nghề giảng dạy, cũng không làm bản nhận xét đánh giá giáo
viên.
Nhằm thực hiện được các nội dung triết lý kể trên, Bộ Giáo dục Phần
Lan nêu yêu cầu cực cao đối với chất lượng giáo viên, chỉ tuyển những
người có tinh thần hết lòng phụng sự nhân dân và đạo đức nghề nghiệp cao
thượng, và hơn nữa còn tạo điều kiện tốt nhất tiếp tục đào tạo họ. Về
trình độ chuyên môn, toàn bộ thầy cô giáo tiểu học và trung học đều phải
có bằng thạc sĩ trở lên, và phải có chứng chỉ đạt yêu cầu sát hạch tư
cách giáo viên. Người giỏi mới được làm giáo viên. Các trường sư phạm
tuyển sinh rất khắt khe, tỷ lệ thi đỗ chỉ đạt 10%. GS Sahlberg cho biết:
trong năm 2010 có khoảng 6.600 ứng viên tranh nhau 660 chỗ giảng dạy ở
cấp tiểu học. Nghề giáo thực sự là nghề cao quý, được xã hội trọng vọng.
Ngành giáo dục thiết lập một hệ thống dựa trên tinh thần trách nhiệm,
cho phép giáo viên được quyền tự do nhất định trong việc giảng dạy. HS
cũng được quyền tự chọn phương thức học tập của mình. Giáo viên lên lớp
bình quân 3 tiết mỗi ngày (so với 7 ở Mỹ), do đó có nhiều thời gian để
sáng tạo bài giảng truyền được cảm hứng cho HS.
Một quốc gia không có cơ chế đánh giá hoặc xếp thứ hạng giáo viên và
HS, không yêu cầu thầy trò tranh vị trí thứ nhất, thế mà lại được cộng
đồng OECD xếp hạng có nền giáo dục phổ thông tốt nhất. Khi biết tin này,
chính những người Phần Lan rất ngạc nhiên.
Giấc mơ bình đẳng giáo dục
Trước thập niên 70 thế kỷ XX, giáo dục Phần Lan chưa có gì đáng tự
hào. Ngành giáo dục thực hiện chế độ quản lý tập trung, có rất nhiều quy
chế ràng buộc công việc của giáo viên. Thời ấy HS đến 10 tuổi đều phải
qua một kỳ thi, dựa theo kết quả thi để phân ban, một loại là lớp phổ
thông, một loại là lớp học nghề; việc phân ban đó quyết định tương lai
các em một cách võ đoán, tương lai cả cuộc đời phụ thuộc vào một kỳ thi.
Kết quả thi được cho điểm từ 4 đến 10; điểm 10 là điểm số cao nhất;
điểm 4 là trượt. Thời ấy các em HS tuổi còn nhỏ mà đã biết dùng đẳng cấp
để so bì lẫn nhau, qua điểm số mà cho rằng mình kém hoặc hơn người
khác. Trong mỗi lớp lại còn chia ra các nhóm HS tùy theo năng lực, các
em luôn so kè lẫn nhau.
Về sau giới chức giáo dục Phần Lan nhận thấy cách làm như vậy là
không tốt, bởi lẽ mỗi người đều có năng lực và cách biểu hiện khác nhau.
Làm như vậy chẳng khác gì bắt voi, chim cánh cụt và khỉ thi tài leo
cây; dùng tài leo cây làm tiêu chuẩn đánh giá năng lực của chúng là rất
vô lý. Vì thế ngành giáo dục nước này đã quyết định hủy bỏ chế độ chia
đẳng cấp, không dùng điểm số để phân chia thứ bậc nữa. Các giáo viên
nhanh chóng nhận thấy cách làm này là tốt. Nhờ thế đã thay đổi không khí
học tập trong trường, thầy trò hợp tác với nhau, đoàn kết nhất trí. Từ
thập niên 80, mọi hình thức sát hạch và thi cử, kể cả chế độ thi thống
nhất chung cho các trường đều bị hủy bỏ.
Một nội dung nữa của triết lý giáo dục Phần Lan là toàn thể HS phổ
thông trong cả nước phải được hưởng nền giáo dục như nhau, không thể để
con nhà giàu được học tốt hơn con nhà nghèo, con em người da trắng được
học tốt hơn con em người da màu di cư từ châu Phi châu Á đến. Tư tưởng
bình đẳng giáo dục ấy được Nhà nước Phần Lan nêu ra trong một đạo luật
ban hành năm 1860. Từ năm 1915, giáo dục được thừa nhận là một quyền
công dân.
Trong đợt cải cách giáo dục tiến hành vào những năm 70 thế kỷ XX,
ngành giáo dục Phần Lan nêu ra ước mơ HS trong cả nước đều được học
trong các trường công chất lượng tốt [3]. Họ gọi ước mơ ấy là Giấc mơ
Phần Lan (The Finnish dream). Sự nghiệp giáo dục của họ phát triển liên
tục, bền vững suốt 40 năm nay chính là nhờ tất cả các nhiệm kỳ Chính phủ
nước này đều nối tiếp nhau thực hiện bằng được giấc mơ bình đẳng giáo
dục ấy, dù đảng phái nào lên cầm quyền cũng vậy.
Ít thấy nước nào có được giấc mơ giáo dục đẹp như thế, nó kích động
lòng người và gợi mở bao ý tưởng tuyệt vời, nó giúp thu hẹp tới mức tối
thiểu sự khác biệt giữa các trường và khoảng cách giữa HS kém nhất với
HS giỏi nhất, giảm đáng kể ảnh hưởng của địa vị kinh tế-xã hội của phụ
huynh đối với HS. Các trường đều không có cơ chế đào thải HS khi các em
chưa đủ 10 tuổi; tất cả HS đều có cơ hội học tập bình đẳng. Điều đó xuất
phát từ nhận thức: Tâm hồn trong trắng ngây thơ của trẻ em cần được sự
dẫn dắt đúng đắn của người lớn trong môi trường trong sạch thuần khiết
chứ không phải môi trường cạnh tranh tàn nhẫn của thế giới người lớn.
Phải thay đổi tư duy nếu muốn học được gì từ giáo dục Phần Lan
Rõ ràng tư duy giáo dục của người Phần Lan rất độc đáo. Nguyên tắc
giảm hết mức sức ép đối với HS, chủ trương thực hiện trường nào, thầy
trò nào cũng giỏi như nhau của họ khác xa lối dạy và học nhồi nhét kiến
thức cũng như chủ trương xây dựng các trường lớp “chuyên” thường thấy ở
phương Đông. Phải chăng chừng nào chưa thay đổi tư duy thì khó có thể
học được điều gì từ huyền thoại giáo dục Phần Lan?
Các phụ huynh Á Đông lo chuyện học tập của con với tư duy không để
con thua kém ngay từ vạch xuất phát, chỉ lo đưa con vào học trường nổi
tiếng, bắt con học kiểu nhồi vịt khi chúng còn bé tẹo. Người ta quá say
sưa với những cuộc thi kiến thức, buộc tâm hồn trong trắng thơ ngây của
lũ trẻ phải nhồi nhét bao nhiêu kiến thức thế gian người lớn từ cổ Hy
Lạp tới hậu hiện đại mà chẳng biết có trau dồi được chút đầu óc sáng tạo
nào cho chúng hay không [4]. Cha mẹ đua nhau dạy con từ khi còn là bào
thai, đưa con vào lớp năng khiếu từ tuổi mẫu giáo, thi HS giỏi, thi
Olympic, học thêm, học hè. Tư duy ấy làm họ hao tổn công của, chỉ làm
mồi cho bao kẻ cơ hội vớ bẫm bằng cách mở các trường lớp nhắm vào nhu
cầu của họ. Cả xã hội lao vào thi cử, học để mà thi, cho nên học vẹt chứ
không phải học để có năng lực sáng tạo. HS chấp nhận mọi kiến thức được
dạy mà không dám nghi ngờ, phản biện.
Cần phải thấy quan niệm không để con em thua kém ngay từ vạch xuất
phát là có hại cho sự trưởng thành của trẻ em. Mục đích của giáo dục phổ
thông là trau dồi luân lý đạo đức, gợi mở tri thức. Một nền giáo dục
quá chú trọng điểm số và cạnh tranh sẽ chỉ làm tổn thương trí tuệ và tâm
hồn thuần khiết của trẻ em. Thật đáng thương những đứa trẻ thơ ngây hết
cặm cụi học ở trường lại vùi đầu làm bài tập ở nhà, không còn thời gian
rảnh rỗi, lúc nào cũng sống trong sức ép căng thẳng do người lớn tạo
ra. Học tập đáng lẽ là niềm vui lại trở thành gánh nặng, thành nỗi lo
âu, thâm chí sợ hãi của chúng. Điều đó không thể không ảnh hưởng tới sự
phát triển tâm sinh lý bình thường của trẻ.
Hàn Quốc có một Thần đồng thất bại. Đó là Kim Ung-Yong sinh năm 1962,
được sách Kỷ lục Guinness công nhận có IQ cao nhất thế giới: trên 210.
Mới 4 tuổi Kim đã được học và đọc được ba ngoại ngữ Nhật, Đức, Anh. Sau
đó chú bé được mời vào học khoa Vật lý Đại học Hanyang. 7 tuổi, Kim được
Cơ quan Không gian NASA mời sang Mỹ. Tại đây anh học xong đại học và
lấy bằng tiến sỹ vật lý khi chưa đầy 15 tuổi. Sau 10 năm ở Mỹ, Kim quyết
định về nhà để… phụng dưỡng cha mẹ, chọn con đường làm người kỹ sư xây
dựng bình thường, tránh xa mọi vinh quang của danh hiệu thần đồng.
Khưu Thành Đồng - người Hoa đầu tiên được tặng huy chương Fields Toán
học (1982) - từng khuyên Trung Quốc bỏ các kỳ thi Olympic, vì các
nghiên cứu sinh Trung Quốc do ông hướng dẫn tuy đều là HS giỏi thi
Olympic nhưng rất kém năng lực sáng tạo. Ngược lại, Einstein học tiểu
học, trung học, đại học đều rất bình thường, thậm chí bị chê là chậm
hiểu. Hồi học trung học ông từng bị đuổi học một lần, thi đại học lần
thứ hai mới đỗ. Nhưng điều đó đâu có ảnh hưởng tới sức sáng tạo vĩ đại
của ông.
Quá nhấn mạnh giáo dục ngay từ khi trẻ còn nhỏ, nóng vội nhồi nhét
quá nhiều kiến thức cho trẻ thực ra là cách làm mâu thuẫn với chính lời
của cổ nhân Trung Quốc: Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người [5],
coi giáo dục là việc lâu dài, cần hết sức nhẫn nại chờ đợi. Đời người là
cuộc chạy marathon, chỗ nào, lúc nào cũng là vạch xuất phát, phải học
suốt đời thì mới giỏi, người dẫn đầu lúc mới xuất phát chưa chắc đã là
người về nhất sau chót. Người Phần Lan không vội vàng bắt lũ trẻ học quá
căng thẳng mà dần dần từng bước gợi mở ở chúng lòng ham học, ham khám
phá, ham sáng tạo chứ không ham thành tích, ham điểm số cao, thứ hạng
cao.
Vài số liệu về Phần Lan (theo CIA Factbook và các nguồn khác):
Diện tích 338.145 km2. Số dân 5,26 triệu. Số người đi học 1,9 triệu. Số
trường học các loại 5103. GDP năm 2011: 195,6 tỷ USD (PPP). GDP đầu
người 38.700 USD. Chi phí giáo dục (2007) chiếm 5,9% GDP hoặc hơn 15%
ngân sách. Có hơn 3500 trường tiểu học và trung học.
[So sánh: Singapore 5,35 triệu dân và giàu
hơn (GDP đầu người 59.900 USD) nhưng số trường tiểu-trung học ít hơn
Phần Lan gần 10 lần; Hà Nội 6,5 triệu dân có 1444 trường tiểu-trung
học].
_________________
Ghi chú:
[1] "Waiting for Superman", được tặng giải thưởng phim tài liệu hay nhất năm 2010 tại Sundance Film Festival.
[2] Báo Trung Quốc kể chuyện khi đến thăm một trường phổ thông ở Mỹ,
đoàn cán bộ giáo dục Trung QuốcQ có tặng nhà trường hai con gấu trúc
nhồi bông với đề nghị dùng để thưởng cho hai HS giỏi nhất. Ông hiệu
trưởng cảm ơn và nói “Ở trường chúng tôi em nào cũng giỏi như nhau cả”.
[3] Finnish Lesson #3: What can we learn from educational change in Finland? http://www.pasisahlberg.com /blog/?p=32.
[4] Tôi đã tận mắt thấy chương trình lớp 10 ở Singapore dạy HS tác
phẩm Macbeth, một vở bi kịch viết bằng thứ English cổ của Shakespeare
cực kỳ khó hiểu ngay cả với người Anh; hơn nữa thày dạy là người
Singapore thì HS chỉ có thể học vẹt chứ sao mà tiếp thu nổi.
[5] Thập niên dục thụ, bách niên dục nhân (It takes ten years to grow
trees, but a hundred years to rear people). Xin chớ nhầm với câu “Vì
lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” của Chủ
tịch Hồ Chí Minh.