Nguyễn Hưng Quốc
Chỉ trong hơn hai tuần, chính quyền Việt Nam ra lệnh bắt khẩn cấp hai blogger nổi tiếng ở Việt Nam: bắt Trương Duy Nhất tại Đà Nẵng vào ngày 26/5 và sau đó, bắt Phạm Viết Đào tại Hà Nội vào ngày 13/6. Cả hai đều bị buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 Luật hình sự Việt Nam.
Trước đó, ở Việt Nam, công an và chính quyền cũng đã từng bắt bớ và
kết án nhiều người với tội danh tương tự: “lợi dụng các quyền tự do dân
chủ”. Tôi tò mò vào đọc lại bộ Luật hình sự Việt Nam, thấy ghi:
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do
tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ
khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ
chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm
hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Đọc xong, thú thực, tôi vẫn không hình dung được cụ thể cái gọi là
tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” ấy là như thế nào cả. Tôi sống ở
Tây phương khá lâu, hiếm khi nghe đến các tội thuộc loại đó. Ở Tây
phương, người ta nói nhiều đến tội lợi dụng quyền lực chứ không ai nói
đến tội lợi dụng tự do dân chủ. Noam Chomsky có một cuốn sách nổi tiếng
tiêu biểu cho cách nhìn ấy: Failed States: The Abuse of Power and the
Assault on Democracy (Các nhà nước thất bại: Lợi dụng quyền lực và tấn
công dân chủ) do Holt Paperbacks xuất bản năm 2007, ở đó, Chomsky tập
trung sự phê phán vào chính phủ, chủ yếu là chính phủ Mỹ, trong việc can
thiệp bằng quân sự vào nội bộ các nước khác.
Chomsky là một trí thức khuynh tả nổi tiếng vừa như một người có
những suy nghĩ độc lập vừa như một người chống chính phủ (Mỹ) đến mức
cực đoan, do đó, ông vừa được nể trọng vừa bị phê phán gay gắt bởi chính
giới trí thức Mỹ. Tuy nhiên, điều ông nhấn mạnh hoàn toàn đúng: điều
đáng lo ngại trong việc bảo vệ tự do và dân chủ không phải là vấn đề lợi
dụng hay lạm dụng các quyền tự do dân chủ của dân chúng mà chính là
việc lợi dụng và lạm dụng quyền lực của những kẻ cầm quyền. Có thể nói
nếu bản chất của dân chủ là vấn đề phân quyền và kiểm soát quyền lực,
nguy cơ lớn nhất mà mọi nền dân chủ lúc nào cũng phải đối diện là việc
lợi dụng quyền lực. Nói đến nhu cầu hoàn thiện dân chủ chủ yếu là nói
đến việc hoàn thiện các phương thức hạn chế các sự lợi dụng và lạm dụng
ấy.
Cách nói “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” của chính quyền Việt Nam,
vốn rất xa lạ với thế giới Tây phương, vừa nghịch lý vừa vô lý.
Nó nghịch lý ở nhiều điểm. Thứ nhất, trong hoàn cảnh Việt Nam hiện
nay, ai cũng biết, dân chúng không có nhiều tự do dân chủ để lợi dụng.
Thứ hai, nói đến lợi dụng là nói đến giới hạn, một người bị buộc tội là
lợi dụng một cái gì đó khi người ấy vượt qua khỏi cái giới hạn mà nó cho
phép; tuy nhiên, tự do của mỗi người vốn lại vô giới hạn trong chừng
mực nó không đụng đến tự do của người khác. Như vậy, ở đây sẽ có ba
trường hợp: Một, đối với những lãnh vực hoàn toàn không có quan hệ đến
người khác, đến bất cứ ai cả, tôi có quyền tự do tuyệt đối; hai, tôi
phải biết dừng lại khi chạm đến biên giới của quyền tự do của người khác
(ví dụ, tôi có thể nói bất cứ điều gì về tôi nhưng tôi lại không có
quyền bới móc đời tư của người khác; tuy nhiên, trong trường hợp này,
tôi sẽ không bị buộc tội là lợi dụng tự do của tôi mà là tội xâm phạm
vào đời tư người khác hoặc làm hại đến thanh danh người khác); và ba,
cái gọi là “biên giới” của tự do của mỗi người lại không phải là một cái
khung cố định: một số người, khi quyết định tham gia vào chính sự, trở
thành một thứ nhân vật công cộng (public figure), đã mặc nhiên tự nguyện
hy sinh phần lớn cái gọi là riêng tư của mình: Với những người ấy, việc
vạch trần nhiều chi tiết thuộc về đời tư, ví dụ thu nhập hay tài sản
của họ hoặc gia đình họ, không còn bị xem là xâm phạm vào đời tư của
nhau nữa. Trong cả ba trường hợp ấy, cái gọi là lợi dụng quyền tự do
không hề hiện hữu. Thứ ba, cách nói lợi dụng dân chủ lại càng nghịch lý
vì dân chủ, tự bản chất, là quyền từ dưới lên (của dân chúng đối với
giới lãnh đạo qua việc bầu cử cũng như phê bình và kiểm tra), nhưng trên
thực tế, về phương diện cơ cấu, lại thuộc về phía trên, ở những người
cầm quyền: Chỉ có những người cầm quyền mới có thể lợi dụng dân chủ; với
dân chúng, những người thấp cổ bé miệng thì vô phương.
Hơn nữa, việc lên án các hành vị lợi dụng quyền tự do dân chủ của dân
chúng còn vô lý vì ở Việt Nam hiện nay, nguy cơ phổ biến và trầm trọng
nhất, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của mọi người và vận mệnh của
đất nước nhất, chính là việc lợi dụng quyền lực chứ không phải là lợi
dụng tự do dân chủ. Tham nhũng: lợi dụng quyền lực. Mua quan bán chức:
lợi dụng quyền lực. Đưa con cháu mình vào những chức vụ vượt quá khả
năng và không đúng quy định về bổ dụng: lợi dụng quyền lực. Tạo cơ hội
cho thân nhân làm giàu một cách bất chính: lợi dụng quyền lực. Trấn áp
các quyền tự do căn bản và các biểu hiện căn bản của dân chủ: lợi dụng
quyền lực. Chà đạp lên nhân quyền, bắt bớ những người không làm gì khác
ngoài việc phát biểu ý kiến và chính kiến của mình: lợi dụng quyền lực.
Khẳng định thế lãnh đạo độc tôn của đảng mình, bất chấp nguyện vọng của
dân chúng, yêu cầu của dân chủ và xu hướng phát triển của nhân loại: lợi
dụng quyền lực.
Ở Việt Nam hiện nay, nhìn đâu cũng thấy lợi dụng quyền lực. Quyền lực
nhỏ: lợi dụng ít; quyền lực lớn: lợi dụng nhiều. Lợi dụng quyền lực từ
tên công an đứng đường đến đến các bộ trưởng, các thứ trưởng, thủ tướng,
chủ tịch nước và vô số những kẻ gọi là lãnh đạo chủ chốt khác. Tai họa
lớn nhất mà dân chúng Việt Nam phải gánh chịu hiện nay là lợi dụng quyền
lực. Nhu cầu khẩn thiết nhất để xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và
phát triển cao phải bắt đầu từ một điểm chính: hạn chế lợi dụng quyền
lực.
Bắt bớ và trấn áp những người dân bình thường với tội danh “lợi dụng
các quyền tự do dân chủ” là một cách lợi dụng quyền lực một cách thô
bạo. Và trơ trẽn. Trơ trẽn vì nó đánh tráo khái niệm “lợi dụng”.