Trà Giang
Bài viết sau đây có đụng đến tên một số người, dù được viết tắt, gắn
với địa danh có thật, đầy đủ để kiểm chứng, nhưng không có mục đích nói
về những cá nhân đó về những hành vi đặc trưng của họ. Bởi như vậy sẽ
không nói được hết về họ và về những hành vi đặc trưng tương tự ở những
người khác cùng loại hình với họ ở những địa danh khác. Mục đích của bài
viết chỉ đơn giản chứng minh, báo động tiếp tục cho một quá trình không
bình thường nhưng đã trở thành bình thường trong đất nước được gọi tạm
bằng tiêu đề của bài viết.
Ông N. H. B., qua thời gian làm Bí thư tỉnh ủy ở một tỉnh miền Trung,
đã làm được 3 việc riêng rất lớn. Thứ nhất, ông đã đặt tên cho một
trường học ở địa phương này bằng tên của anh ruột ông, một liệt sĩ tử
trận tại một tỉnh phía Nam; kế theo sự đặt tên đó, ông đã dùng thế mạnh
uy quyền của mình để “kêu gọi” sự “ủng hộ” của nhiều doanh nghiệp để xây
dựng một số hạng mục cho ngôi trường đó với số vốn nhiều tỉ đồng. Thứ
hai, ông đã vận động cho con trai mình được cấp phép đầu tư một dự án
khu dân cư cao cấp có diện tích vài chục hecta ở sát nách khu đô thị
tỉnh lị, núp dưới bóng một công ty có một đại diện pháp nhân người Hàn
Quốc cha căng chú kiết nào đó. Thủ tục cấp phép đầu tư hết sức nhanh
chóng, thuận lợi để đến hiện nay, đất ruộng màu mỡ trở thành đất bỏ
hoang và hàng trăm hộ nông dân đang ngồi ăn dần cái đuôi thạch sùng tiền
đền bù của mình, rồi sẽ hết và bơ vơ. Thứ ba, suýt nữa, cùng với dự án
chung cư đô thị đó, ông cho lấp con sông chính của tỉnh để làm một cái
đập dâng với mục đích tạo công trình ăn chơi giải trí phụ để thu hút sức
mua của những căn biệt thự và các công trình dịch vụ dự kiến sẽ được
xây trong khu đô thị mới của con ông.
Nhờ công tích sự nghiệp ấy, ông được điều động thăng cấp thủ trưởng
của một cơ quan tối cao của hệ thống pháp chế nước nhà. Một ông bí thư
khác lại được điều về, nhanh chóng khẳng định mình bằng việc xem thường
tất cả các vị dưới quyền cao tuổi của địa phương, gây rối lên trong công
tác nhân sự nhân việc cái gọi là thực hiện nghị quyết trung ương 4, mà
thực chất là hiện thực hóa mưu đồ sắp xếp quyền lực và quyền lợi theo ý
của một số người để chuẩn bị hết nhiệm kỳ, tiện thể ra oai với những cán
bộ trẻ đang tham vọng ngấp nghé vào một số vị trí đặc quyền của tỉnh,
qua đó tranh thủ kiếm chác từ nguồn chạy chức chạy quyền mà cái nghị
quyết trên đã nói đến như một việc phổ biến. Cùng với việc làm mà ông
gọi là “cuộc cách mạng” đó của tỉnh, ông cũng không quên đền ơn đáp
nghĩa người tiền nhiệm bằng việc tiếp tục “vận động” các doanh nghiệp hỗ
trợ cho ngôi trường đặc biệt nói trên mà hiện thực nhất là ngày
22/5/2013 vừa qua, trực tiếp ông đương bí thư đã đến trao 1 tỉ đồng của
một công ty nhà nước thuộc tập đoàn dầu khí để xây dựng nhà tập đa năng
của trường, trong tổng số vốn 6,2 tỉ đã huy động được từ các doanh
nghiệp khác.
Điều không bình thường đã trở thành bình thường bộc lộ qua một số
việc nêu trên, mà từ đó có thể khái quát cho những hiện tượng khác đang
diễn ra trong đời sống kinh tế chính trị của đất nước là:
1. Việc đặt tên trường đó có thực hiện được không nếu đó không phải
là anh ruột của bí thư tỉnh ủy? Còn bao nhiêu anh hùng liệt sĩ khác chưa
được lấy tên để đặt, trước hết là cho các trường học?
2. Việc lợi dụng quyền lực để “kêu gọi”, thực sự là gợi ý, cưỡng ép
các doanh nghiệp góp tiền xây dựng cho một ngôi trường như vậy nghĩa là
gì và có thể làm được không nếu ngôi trường ấy không mang tên anh ruột
ông bí thư tỉnh ủy? Còn bao nhiêu ngôi trường xập xệ ở hầu khắp các địa
phương miền núi, bao nhiêu học sinh dân tộc thiểu số bán trú phải ở
trong những căn chòi với bữa ăn toàn rau, mì tôm và thịt chuột, ếch nhái
tranh thủ từ nền kinh tế cộng sản nguyên thuỷ ở những chốn sơn cùng
thuỷ tận này?
3. Cả hai việc trên đều xuất phát từ việc khai thác uy quyền của
những quan chức đảng và mối quan hệ của các vị này với các doanh nghiệp,
doanh nhân, nhất là lĩnh vực tư nhân. Mối quan hệ gắn kết thân thiết
này là gì trong hệ thống kinh tế chính trị Việt Nam hiện nay? Làm thế
nào để xây dựng “chủ nghĩa xã hội” khi công việc hàng ngày của một ông
bí thư chủ yếu là gặp gỡ riêng, làm việc, nhận lời mời cơm, tiếp khách
đến chào...đối với các doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là những cuộc tiếp
chớp nhoáng vài ba phút tại nhà riêng, với những nụ cười rất tươi khi
từ biệt, là việc nghe doanh nghiệp doanh nhân mồi chài, hiến kế trục lợi
nhiều hơn là nghe ý kiến tham mưu của cán bộ cấp dưới? Liệu có lành
mạnh, bình thường không khi một ông bí thư tỉnh ủy đến ngồi dự một cuộc
gọi là hội thảo của một công ty tổ chức tại một sở, mà thực chất là đi
lừa phỉnh chào bán hàng thiết bị giáo dục bởi công ty ấy là sân sau, là
người nhà của ông bí thư?
4. Những món tiền gọi là tài trợ của các công ty nhà nước được sử
dụng nói trên thuộc phạm trù nào của nền kinh tế định hướng xã hội chủ
nghĩa? Liệu những người chủ, giai cấp tiền phong, tức là công nhân của
các công ty này có quyền được biết về những món chi tiêu đó không?
Đó là những câu hỏi khó từ những việc làm tưởng là rất khó. Nhưng nó
vẫn làm được vì những cơ sở thiết chế và thể chế xã hội chủ nghĩa vốn có
của nó, xuất phát từ sự độc quyền lãnh đạo không thể buông được. Những
việc như thế không thể diễn ra ở các nước tư bản chủ nghĩa dẫy chết; nó
diễn ra ở đây, để làm chứng cho quá trình đảng dùng cơ sở xã hội chủ
nghĩa cũ để hướng đến những mục tiêu tư bản hoang dã mới trong chiếc
bánh vẽ đổi mới.
Trà Giang