Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Cách làm bài giảng trực tuyến

Giáp Văn Dương
Sau khi giới thiệu kênh giáo dục trực tuyến GiapSchool[1], tôi nhận được khá nhiều câu hỏi về cách thức soạn bài giảng trực tuyến dưới dạng video clip bằng máy tính. Vì thế, bài viết này có mục đích chia sẻ những kinh nghiệm của tôi, thu được trong quá trình làm các video clip bài giảng này. Tôi hy vọng những kinh nghiệm còn thiếu sót này sẽ giúp ích được ít nhiều cho các thầy cô giáo, hoặc những người muốn chia sẻ kiến thức với cộng đồng.
1. Bốn câu hỏi khởi đầu
Trước khi tiến hành làm các bài giảng trực tuyến, bạn phải trả lời rõ ràng 4 câu hỏi sau: Giảng cho ai? Giảng cái gì? Giảng để làm gì? Giảng như thế nào?
Chỉ khi nào bạn trả lời rõ ràng được 4 câu hỏi này, bạn mới ý thức được ý nghĩa việc làm của mình. Khi đó, bạn sẽ tìm ra cách làm phù hợp nhất, trọn vẹn nhất.
Vì mỗi người có một cách trả lời riêng cho các câu hỏi này, nên tôi sẽ để ngỏ câu trả lời cho các bạn. Trong các phần sau, tôi sẽ giới thiệu làm các video bài giảng trực tuyến mà không sử dụng camera ngòai để quay. Cách làm này có ưu điểm là đầu tư nhân lực và vật lực thấp. Một mình bạn cũng có thể làm được. Việc bạn lựa chọn cách làm này, hay cách quay bài giảng theo kiểu truyền thống, là theo sở thích cá nhân, và theo điều kiện của riêng bạn.

2. Giảng bài với máy tính cá nhân
Với máy tính bàn, bạn cần trang bị tối thiểu một microphone, một loa và nếu muốn có hình ảnh của mình xuất hiện trong bài giảng, thì cần thêm một webcam. Nếu muốn chữ trên bài giảng là chữ viết tay thì trang bị thêm Wacom Bamboo Tablet, một loại bảng vẽ điện tử cho phép chuyển những gì mình viết trên bảng này lên màn hình máy tính. Và tất nhiên một phần mềm có khả năng ghi lại màn hình và âm thanh. Có rất nhiều phần mềm phù hợp với việc này, như Camstudio[2], Camtasia recorder[3]
Tôi đã thử Camstudio cho bài giảng được soạn bở powerpoint, thấy kết quả rất tốt. Tôi được biết, Khanacademy[4] dùng Camtasia recorder để ghi hình và âm thanh, kết hợp với Wacom Bamboo Table để có chữ viết tay trên video clip bài giảng.
Để giảng bài bằng máy tính cá nhân, trước hết bạn cần soạn bài giảng bằng power point, hoặc một phần mềm trình bày tương tự. Bạn cũng có thể soạn bài và giảng bài trực tiếp trên nền một phần mềm viết, vẽ nào đó. Sau đó bạn chạy phần mềm ghi hình (Camstudio hoặc Camtasia recorder) để ghi lại toàn bộ màn hình máy tính và lời giảng. Bạn có thể ghi chọn lọc một vùng nào đó trên màn hình để chỉ tập trung vào phần chứa nội dung bài giảng, tránh các phần không liên quan bị lẫn vào video clip của bạn.
Tất nhiên, để có thể sử dụng thành thạo các phần mếm này, bạn phải làm quen, có thể một buổi hoặc một ngày, và đọc hướng dẫn trước khi sử dụng.
3. Giảng bài với máy tính bảng ipad
Nếu bạn có máy tính bảng ipad, bạn có thể làm các video bài giảng trực tuyến với sự hỗ trợ của các phần mềm chuyên dụng (app) như ScreenChomp[5], Educrations[6], Doceri[7], Lecture Capture, ReplayNote[8], Explain Everything[9]… Các phần mềm này đều có trong App Store. Bạn phải mua, thường là vài đô-la, hoặc tải về miễn phí. Trong đó, ScreenChomp và Educreation là dễ sử dụng nhất, còn Explain Everything là phức tạp nhất. Riêng Doceri thì có thể dùng cả trên ipad và máy tính bàn, tức có thể xử lý bài soạn trên ipad bằng máy tính cá nhân thông thường. Tùy yêu cầu mà bạn chọn phần mềm phù hợp với mình. Để viết, bạn có thể dùng tay hoặc bút cảm ứng.
Cá nhân tôi, ban đầu tôi dùng đồng thời Lecture Capture, ReplayNote và Explain Everything. Lecture Capture dễ dùng nhất nhưng ra mực không mượt nên chữ xấu. ReplayNote chữ đẹp, dễ sử dụng nhưng không có tính năng zoom. Còn Explain Everything thì phức tạp hơn, xuất clip cũng mất thời gian hơn, nhưng có thể phóng to thu nhỏ. Đến nay, tôi dùng chủ yếu là Explain Everything, tuy mất nhiều thời gian xuất video clip, nhưng tính năng zoom của nó phù hợp với triết lý giảng bài của tôi hơn cả.
Tôi cũng phải nói rằng, các app này đều có hạn chế riêng, có thể do người viết phần mềm chưa phải là những giảng viên chuyên nghiệp nên không hình dung được hết những yêu cầu cần phải có để tạo ra một bài giảng tốt. Hy vọng, trong tương lai những phần mềm tốt hơn sẽ xuất hiện, giúp cho việc bài giảng trực tuyến được thuận lợi và dễ dàng hơn.
Ngòai ra, trước khi sử dụng, tất nhiên, bạn phải dành thời gian tìm hiểu và đọc các hướng dẫn, thường khá dễ, thì mới dùng được các phần mềm này.
Tôi đã mất hơn một tuần chỉ để tìm kiếm và thử nghiệm các app này. Tuy nhiên, soạn và giảng dùng ipad tuy có cơ động, nhưng không thể tốt như khi dùng máy tính cá nhân. Lý do là với máy tính cá nhân, bạn có thể dùng nhiều phần mềm hỗ trợ mạnh hơn, việc xử lý dữ liệu và biên tập bài giảng sau đó cũng sẽ tốt hơn. Do đó, tôi sẽ sớm trở lại sử dụng máy tính cá nhân để soạn và giảng bài.
Hy vọng, những chia sẻ này sẽ tiết kiệm được thời gian và công sức cho các bạn.
4. Soạn bài, giảng bài, biên tập
Trước khi làm các video clip bài giảng, bạn phải soạn bài, sau đó giảng bài có thu âm ghi hình, và biên tập các video bài giảng thô này thành các video clip hoàn chỉnh.
Chất lượng của việc soạn bài phụ thuộc vào kiến thức, tài liệu tham khảo, và năng lực chuyên môn của riêng bạn. Không ai có thể làm thay bạn việc này được.
Lưu ý rằng thời gian đọc, tham khảo tài liệu, bố trí nội dung, soạn bài…, tức thời gian chuẩn bị, thường lâu hơn thời gian giảng bài thực.
Chất lượng của việc giảng bài phụ thuộc trước hết vào chất lượng bài soạn, hoặc kiến thức trong đầu của bạn, sau đó là phương pháp sư phạm, như cách thức truyền đạt, phong thái, giọng nói, khả năng giữ nhịp, khả năng liên kết các mục của bài giảng, thậm chí cả ngọai hình của bạn nếu ghi hình trực tiếp kiểu truyền thống. Với việc giảng bài trên lớp, đây là một phần khó. Với việc giảng bài trực tuyến, vì không có phản hồi trực tiếp của học sinh, nên việc này còn khó khăn gấp bội.
Sau khi có các video clip bài giảng thô rồi, bạn thường phải dùng các phần mềm biên tập để có được các video clip hoàn chỉnh. Với máy tính cá nhân thông thường, dễ dùng và có lẽ phổ biến hơn cả là Movie Maker của Windows. Nếu bạn dùng ipad hoặc các dòng máy tính của Apple, bạn có thể dùng iMovie để biên tập. Thời gian biên tập, thường mất nhiều hơn cả thời gian giảng bài.
5. Cần một triết lý riêng
Khi giảng bài trực tuyến, tôi nhận thấy rõ, mỗi bài giảng thực sự là một tác phẩm sáng tạo, vì thế đòi hỏi những đầu tư thích đáng trong việc chuẩn bị, thiết kế và triển khai. Nhưng trên hết là một hệ thống các ý tưởng, các quan niệm làm bệ đỡ phía sau các bài giảng này. Đó có thể là các quan niệm rất cụ thể về một chủ đề nào đó; nhưng cũng bao gồm cả các quan niệm rộng hơn về các thang giá trị; các quan niệm về thực tại và diễn giải; về chủ quan và khách quan; về xác định và bất định; về tri thức và cảm xúc; về khả năng và giới hạn; về tự do và nguyên tắc; về sự bất khả; về cái Thật, cái Thiện và cái Đẹp; về bản chất con người…
Xuất phát từ các quan niệm này, bạn sẽ thiết kế và triển khai các bài giảng của mình. Trong quá trình đó, bạn phải tạo được một phong cách, hay một triết lý riêng. Việc này quả thật không đơn giản. Với cá nhân tôi, phải mất hơn một tháng suy nghĩ, thử và lựa chọn, tôi mới hình thành được triết lý riêng cho việc giảng bài của mình. Đó là bài giảng theo thời gian thực, nhưng tổ chức bài giảng theo sự tiến hóa của tự nhiên và sắp xếp chúng theo mạch ký ức của con người. Cụ thể: Từ một màn hình đen kịt, như huyền vũ thuở ban sơ, cô đơn, hoang mang và huyền bí; cảm giác gần giống như khi ta nhìn lên bầu trời vào một đêm không trăng, lác đác đó đây một vài vì sao nhỏ; rồi từ đó tiếng nói, con chữ và hình vẽ xuất hiện; sự sống bắt đầu và tiến hóa dần thành những tổ chức phức tạp; thành con người với bao buồn vui hy vọng, bao điều cần khám phá. Cái khách quan của tri thức lạnh lùng và cái chủ quan đầy cảm xúc của người giảng sẽ hòa quyện vào nhau trong suốt mạch giảng. Nhưng cũng giống như cuộc đời, tất cả rồi sẽ qua đi để trở thành ký ức. Những lớp ký ức chồng chất lên nhau và được xếp vào một góc nhỏ ở phía trái màn hình, để hiện tại nảy nở sinh sôi. Chỉ khi nào cần thiết, ta mới truy hồi trở lại ký ức. Còn không, tất cả sẽ chỉ là hiện tại. Một hiện tại ngay trên màn hình: ở đây, bây giờ; trong một mạch thời gian vừa tĩnh lặng, vừa cuộn chảy.
Mỗi bài giảng sẽ có một số phận riêng như chính mỗi con người. Chính vì thế, chúng phải có một ký ức để nhớ về, một hiện tại còn ngổn ngang và một tương lai bất định, dù chúng ta đã cố gắng hoạch định nó. Cũng chính vì thế, chúng cần một phong cách riêng, một triết lý riêng để sống.
6. Đưa bài giảng đến với cộng đồng
Sau khi đã có bài giảng hoàn chỉnh, bạn phải đưa được bài giảng của mình đến với cộng đồng. Cách phổ biến nhất là upload các bài giảng này lên youtube, sau đó chia sẻ các đường link đến những người quan tâm, thông quan Facebook, email, hay bất cứ công cụ giao tiếp trực tuyến nào khác.
Nếu dùng Educreations, ReplayNote… thì bài giảng của bạn sẽ được upload trực tiếp lên server của các app này. Bạn sẽ có tài khỏan và đường link của các bài giảng này, và có thể theo dõi các bài giảng liên quan cộng đồng sử dụng phần mềm này (ví dụ với Educrations). Khi đó, bạn chỉ cần chia sẻ đường link bài giảng với cộng đồng.
Nếu có điều kiện, bạn có thể lập một trang blog, hoặc sang hơn là một trang web riêng, để đăng tải các bài giảng này.
7. Nhận phản hồi
Sau khi đã đăng tải các bài giảng lên mạng internet, bạn cần lắng nghe các phản hồi để điều chỉnh. Lý do: khi giảng bài, bạn không có bất cứ phản hồi nào từ học viên thực để có thể điều chỉnh tại chỗ, nên bạn phải lắng nghe phản hồi sau đó để điều chỉnh về nội dung, phương pháp, các tiếp cận, thậm chí cả lỗi trong bài giảng do người học chỉ ra… để khắc phục sai sót nếu có, và rút kinh nghiệm cho các bài giảng sau được hoàn thiện hơn.
Việc tiếp nhận và xử lý các phản hồi này cũng đòi hỏi thời gian và một sự kiên nhẫn không kém gì việc soạn bài, giảng bài và biên tập bài giảng.
8. Ước luợng chi phí
Rất khó để ước lượng chi phí cho việc làm các bài giảng trực tuyến này, vì chi phí lớn nhất là thời gian. Mà giá trị của thời gian lại phụ thuộc từng cá nhân. Với bạn, giá của một giờ làm việc có thể là 1000 USD/giờ, nhưng với tôi lại có thể thấp hơn, nên rất khó đưa ra một ước lượng chính xác. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng thời gian để làm đơn vị tính, thì trung bình, tổng thời gian để tạo ra được một video clip bài giảng dài 10 phút là khoảng 2-3 giờ, tùy mức độ khó dễ và nguồn tư liệu sử dụng trong nội dung bài giảng. Với những vấn đề thuộc chuyên môn của bạn, thời gian có thể ngắn hơn, chỉ khoảng 1 giờ. Nhưng với những vấn đề mới thì thời gian tìm đọc và xử lý tài liệu có khi lên đến cả ngày, hoặc hơn.Ngòai ra, để có đầy đủ thiết bị có thể tạo ra các bài giảng này, bạn phải đầu tư tối thiểu một máy tính/máy tính bảng và một số thiết bị phụ trợ. Số đầu tư này ước tính khoảng 1000 USD với giá hiện thời.
Nếu đầu tư thêm trang thiết bị khác, sách vở, tư liệu tham khảo, và nhất là một phòng thu đúng tiêu chuẩn, thêm một chuyên viên kỹ thuật để xử lý nhiễu âm thanh và hình ảnh, thì chất lượng các video clip này sẽ được cải thiện gấp bội. Những đầu tư này có thể lên đến hàng chục, hoặc hàng trăm nghìn đô-la. Điều này vượt quá khả năng của hầu hết chúng ta, trong đó có tôi. Vì vậy, chúng ta phải chấp nhận làm việc với những gì mình đang có, dù không được ưng ý.
Nếu bạn đã đọc được bài viết này, nhiều khả năng bạn đã có máy tính cá nhân hoặc máy tính bảng riêng, nên chi phí để khởi động không còn là vấn đề đáng lo ngại. Điều cần lo ngại là bạn có đủ muốn, đủ đam mê để thực hiện hay không mà thôi.
9. Những khó khăn lường trước
Để làm quen và sử dụng thành thạo các công cụ đã nêu trên, có thể bạn phải mất một vài ngày, hoặc một vài tuần. Tuy nhiên, với những khó khăn mang tính kỹ thuật này, phần lớn chúng ta đều có thể vượt qua nếu muốn.
Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, khó khăn nhất là phải giảng cho máy tính chứ không phải cho những học viên thực đang ngồi trước mặt bạn. Khi giảng bài cho học viên, bạn sẽ có phản hồi ngay tức thì, và sẽ điều chỉnh tốc độ, phong cách, nội dung bài giảng… theo các phản hồi đó. Nhưng màn hình máy tính thì không thể làm được điều đó, nên chẳng còn cách nào khác là bạn phải tự dò dẫm. Với bài giảng thực trên lớp, nhịp điệu bài giảng sẽ diễn ra một cách rất tự nhiên, phù hợp nhất phong thái với bạn. Nhưng với bài giảng trên máy tính, bạn phải kiểm soát nó một cách nhân tạo và có chủ ý, sao cho bài giảng không rời rạc, buồn ngủ.
Ngòai ra, khi giảng bài trên lớp, bên cạnh nội dung bài giảng thì bạn có rất nhiều công cụ để sử dụng hỗ trợ, như động tác tay, lời nói, ánh mắt, nụ cười, khoảng lặng, phản ứng và hưởng ứng của học sinh… Những điều này làm cho bài giảng của bạn dễ dàng và trơn tru hơn rất nhiều sơ với giảng bài trên máy tính. Vì với máy tính, bạn chỉ có một công cụ duy nhất là giọng nói. Bạn phải điều khiển nó như điều khiển một dải lụa mềm xuyên suốt bài giảng, sao cho người nghe không rời rạc, chán nản và bỏ giữa chừng. Lý tưởng nhất là bên cạnh kiến thức chuyên môn thì bạn có thêm tố chất của một MC hoặc một diễn viên tấu hài. Khi đó, bài giảng của bạn sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều.
Vì đã có kinh nghiệm giảng bài cả trên lớp và trên máy tính, nên nếu phải so sánh hai việc này thì tôi có hai so sánh sau, bạn tùy chọn cách nào dễ hình dung nhất đối với mình:
  • Giảng bài trên lớp giống như khi bạn vẽ tranh với quyền được sử dụng nhiều màu sắc khác nhau. Đó là các phương tiện hỗ trợ cho bài giảng như tư thế đi lại, động tác tay, lời nói, ánh mắt, nụ cười, phản ứng và sự cộng hưởng của học sinh, thậm chí khoảng lặng…. Còn giảng bài trên máy tính, bạn giống như đang vẽ tranh với một màu duy nhất. Đó là giọng nói. Bạn có thể chọn màu xanh, đỏ, tím, vàng, đen… tương ứng với chất giọng cố hữu của mình, với các mức độ đậm nhạt khác nhau do bạn tự điều chỉnh, nhưng đó chỉ là một màu duy nhất, và là tất cả những gì bạn có thể sử dụng để vẽ.
  • Khi giảng bài trên lớp, bạn được sống, được thể hiện cảm xúc với những con người thực sự đầy sinh động. Còn khi giảng bài trên máy tính, bạn phải sống và thể hiện cảm xúc với một vật thể vật lý, đó là màn hình máy tính. Điều này quả thật không dễ, đòi hỏi bạn phải rất tĩnh, rất thoát, rất trống rỗng, hoặc có hỗ trợ cảm xúc của người bên cạnh, như thể bạn đang giảng bài cho họ nghe, thì mới có thể làm tốt được.
Vẽ một bức tranh và lấp đầy các khoảng trống bằng chỉ một màu duy nhất là không dễ. Cá nhân tôi, với những bài giảng đầu tiên, tôi phải giảng đi giảng lại đến 5-7 lần, vì chỉ cần nói nhịu, nói sai, hay vấp một chỗ nào là đã có thể phải làm lại. Và chỉ khi đến bài giảng thứ 77, tôi mới tạm làm chủ được được việc giảng bài trên máy tính của mình. Vì thế, bạn cần kiên nhẫn, và đặc biệt, bạn phải thật tĩnh, thật thoát, thật trống rỗng, giống như khi thiền định vậy, thì mới có thể thực hiện hiệu quả.
Ngòai những khó khăn trên, tiếng ồn và sự phân tâm cũng là những khó khăn mà bạn cần lường trước. Đặc biệt, bạn phải nhận được sự ủng hộ của những người thân thiết nhất. Nếu không, bạn sẽ bị coi như một kẻ tâm thần, khi cả ngày chỉ ngồi lảm nhảm một mình trước màn hình máy tính mà không lo gì đến chuyện cơm áo gạo tiền.
10. Hãy đi, rồi sẽ tới
Nếu bạn có một đội ngũ hỗ trợ trong việc soạn và giảng bài thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Khi đó, bạn không cần phải vượt qua tất cả các khó khăn một mình, mà luôn có đồng đội ở bên cạnh. Việc soạn bài, giảng bài, ghi hình, biên tập… sẽ mang tính chất công nghiệp, với những quy tắc và tiêu chuẩn chung, nên sẽ dễ dàng hơn vì luôn có điểm tựa ở phía sau bạn. Nhưng nếu bạn làm tất cả một mình, như tôi chẳng hạn, thì bạn cần lường trước những khó khăn để không bỏ cuộc.
Cũng giống như trong mọi việc sáng tạo khác, để có một tác phẩm tầm tầm thì rất dễ, nhưng để có một tác phẩm hòan mỹ thì gian khó vô cùng. Vì thế, khi gặp khó khăn, mọi việc sẽ dễ dàng hơn nếu bạn không cầu toàn. Những lúc đó, bạn phải biết bao dung với chính mình.
Đến đây, tôi viết đã khá dài, nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều thiếu sót. Tôi hy vọng những chia sẻ này sẽ không làm bạn nản chí, mà ngược lại, sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn các khía cạnh của việc làm bài giảng trực tuyến, để thêm quyết tâm thực hiện. Vì ít nhất, cũng đã có hơn một người mò mẫm và vượt qua.
Trước khi kết thúc, chỉ xin lưu ý bạn rằng, dù bạn làm một mình, hay với đồng đội, thì điều quan trọng nhất là bạn phải bắt đầu. Hành trình nào cũng khởi đầu bởi một bước chân. Hãy đi, rồi sẽ tới...
Chúc các bạn thành công!
_________________

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"