Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

‘Song ngữ’ của báo chí nhà nước



Phạm Chí Dũng
Báo chí, truyền thông mạng tham gia đưa tin bài, phóng sự về vụ Tiên Lãng
Báo chí, truyền thông mạng tham gia đưa tin bài, phóng sự về vụ Tiên Lãng
Hiện tình, dường như báo chí Việt Nam chỉ còn thốt lên được tiếng mẹ đẻ vào lúc chào đời. Nhưng một ngôn ngữ khác – tiếng nói phản biện dân chủ cho quyền lợi dân quyền và dân sinh – thì lại vẫn ngủ ngon như chưa bao giờ được ngủ.
‘Trùm mền’
Ngày Báo chí Việt Nam 21/6/2013…
Một nhà báo giấu tên rười rượi ánh mắt: “Viết cái gì nữa khi người viết không còn được nói lên tiếng nói của chính họ?”“Tham nhũng là nỗi sợ hãi bế tắc của cả dân tộc, nhưng chưa bao giờ và chưa ở đâu người ta dám tìm ra lối thoát bằng cách gọi thẳng tên của một nhóm lợi ích nào đó. Sau vụ nhà báo Hoàng Khương bị truy tố rồi nhận án tù, cánh phóng viên hầu như im bặt trong một nỗi sợ vô hình, còn người dân lại chứng kiến những cảnh sát giao thông hiện hình trong tư thế núp lùm để chặn bắt xe cộ…”. Hình ảnh bị xem là “núp lùm” của những bộ sắc phục màu vàng vẫn thường bị dòng người trên đường liên tưởng với tâm thế “trùm mền” của gần hết 700 tờ báo được xem là “đỏ”.
Tương tự như năm 2012, ngày kỷ niệm vinh dự nhất của báo chí Việt Nam năm nay lại trùng với thời điểm mà một kỳ họp của Quốc hội khóa XIII “thành công tốt đẹp”.
Suốt một tháng trời diễn ra kỳ họp quốc hội trên, trong khi nhiều các hãng tin phương Tây như AP, Reuters, The New York Times, BBC, RFI, VOA, RFA… cùng giới truyền thông xã hội ở Việt Nam ầm ào con sóng bình luận về những sắc thái và động thái không mấy bình thường nơi nghị trường Việt Nam, tuyệt đại đa số báo chí nhà nước lại như lắng giọng trong một thứ ngôn ngữ không thành tiếng.
Ánh mắt của nhà báo giấu tên còn trở nên xa xăm hơn khi biểu tả về không khí Quốc hội: “Hàng trăm đại biểu mà còn không phát biểu thì báo giới im lặng thật ra đâu có gì lạ! Nói mãi nhưng có thay đổi được gì đâu!
Ngay như cái quan hệ cấp thiết đến đời sống người dân là chuyện không thể có quy định về thu hồi đất đối với các dự án kinh tế – xã hội trong Luật đất đai mà Ủy ban thường vụ quốc hội còn kiên trì bảo lưu theo hướng ngược lại, thì còn nói gì đến những luật lệ khác như trưng cầu dân ý hay biểu tình!”.
Không những cơ quan đại diện cho quyền lợi dân chúng như thể quay lưng với chủ đề ý dân, suýt nữa cánh nhà báo còn bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội “cấm cửa” tham dự phiên bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt – một sự kiện lần đầu tiên diễn ra tại nơi được coi là “thánh đường dân chủ”.
Với nhiều tờ báo và nhà báo, “dân chủ tác nghiệp” từ lâu nay đã trở thành một cụm từ hiếm muộn.
Uẩn ức lớn nhấtKhông tính đến các hội nghị trung ương của Đảng vẫn thường mang sắc tố bảo mật đến mức tối đa, báo chí chỉ còn hiếm hoi cơ hội tham gia vào những cuộc gặp mặt mang tính phổ thông và công khai hơn, cũng là dịp để trang báo trở thành cầu nối đúng nghĩa giữa cơ quan dân cử, chính quyền với đại đa số cử tri và người dân – đối tượng thường thiếu thốn cơ hội để bày tỏ chính kiến. Bối cảnh năm 2013 cũng đang thật sâu sắc và bùng nhùng hàm ý: chưa bao giờ lịch sử quốc hội và chính quyền Việt Nam lại phải chứng kiến cơn bão tố suy thoái kinh tế cùng phân hóa xã hội ghê gớm như hơn hai năm qua, với nhiều nguồn cơn được chỉ mặt về các nhóm lợi ích và nhóm thân hữu, nhưng lại chẳng có bất cứ một chứng thực nào cho tên tuổi của chúng.
Nhiều năm qua, những vấn nạn trên đã kéo dài triền miên trong vô số uẩn ức, và được kết tinh trong những gì mà cơ quan dân cử cao nhất Việt Nam chưa hoặc không muốn thỏa mãn cho đòi hỏi của dân chúng.
2013 lại là minh chứng sống động nhất cho hố phân cách giữa hiện tình quốc gia và tiếng nói báo chí. Với tư cách chỉ là kẻ đứng bên ngoài hành lang quốc hội, báo chí đang tự dẫn ra cho mình một uẩn ức lớn nhất: điểm kết thúc của tiếng nói phản biện.Ngôn ngữ chính thống của báo chí vụt lắng bặt. Hình ảnh đeo bám rõ rệt nhất mà người ta có thể nhận ra là vài ba nhà báo tìm cách phỏng vấn Dương Trung Quốc – nhân tố cuối cùng còn sót lại của “thế hệ vàng”. Còn “thế hệ vàng” những đại biểu quốc hội như Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Lân Dũng, Đỗ Trọng Ngoạn… đã không còn bất kỳ manh mối nào, tính đến giờ phút này.
“Quốc hội nào, Chính phủ nấy” – như một ẩn ý của Dương Trung Quốc. Nhưng là một nhà sử học, có lẽ những ý tưởng của ông cũng chỉ dừng lại ở đó. Sự im lặng triết học của người đi vào lịch sử quốc hội với chất vấn về văn hóa từ chức có thể đã trở thành điểm nhấn cuối cùng cho tâm lý “thoái khẩu” phổ biến trong đại trà các đại biểu quốc hội.
Với tâm trạng đồng cảm không kém dù không hoàn toàn tán đồng tư thế cam tâm như nhiều nghị sĩ, báo chí đành phải tự hài lòng với cái thế chông chênh tưởng như cân bằng của họ.
Hai ngôn ngữ cách biệt
Trong dĩ vãng tươi đẹp, báo chí nhà nước đã từng có được những điểm nhấn dị biệt và mất thăng bằng hơn hẳn so với hiện thời.Cũng là tấm lòng sắt son với sự nghiệp và thiên chức của mình. Từ năm 2006 – 2007 trở về trước, người ta có thể kể đến khuôn mặt của Tuổi Trẻ, Phụ nữ TP.HCM, Thanh Niên, Đại Đoàn Kết…, với những tên tuổi như Kim Hạnh, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Sơn Phước, Thế Thanh, Lý Tiến Dũng… Song, thời gian trôi qua và những người được gọi là “thế hệ vàng” trong báo chí ấy cũng đã trôi dạt, để lại dấu ấn duy nhất là nỗi hổ thẹn cho lớp đàn em đi sau.
Uẩn ức tích nén lại càng dễ bùng nổ. Vào đầu năm 2012, điều tưởng như vận hội mới đã đến với các tờ báo Việt Nam khi vụ Tiên Lãng ở Hải Phòng nổ ra. Hơn 1.400 bài báo chỉ trong hai tháng với tinh thần ủng hộ “người nông dân nổi dậy” Đoàn Văn Vươn đã đủ cho thấy thái độ phản ứng đến thế nào của báo giới.

Cũng từ vụ Thái Bình năm 1997, mãi gần đây người ta mới nhận ra chân dung của báo chí Việt Nam đang vừa phân hóa sâu sắc, vừa hội tụ gần như đầy đủ những yếu tố mà một số cơ quan vẫn thường lo sợ là “diễn biến hòa bình”.
Chỉ có điều, năm 2012 chỉ có ý nghĩa như một cuộc “khởi nghĩa hụt” của báo chí lề phải. Cho đến gần giữa năm đó, có vẻ như tâm trạng lo ngại về việc “quyền lực thứ tư” lộng hành đã xâm chiếm tất cả các cơ quan trong nội bộ. Cũng từ thời điểm ấy, một chiến dịch mang tên “Tuyên giáo” đã được quán triệt đến từng tờ báo.
Hiện tình, dường như báo chí Việt Nam chỉ còn thốt lên được tiếng mẹ đẻ vào lúc chào đời. Nhưng một ngôn ngữ khác – tiếng nói phản biện dân chủ cho quyền lợi dân quyền và dân sinh – thì lại vẫn ngủ ngon như chưa bao giờ được ngủ.
Bản lĩnh và nhân cách của báo chí cũng vì thế vẫn được bạn đọc dân Việt khơi gợi mổ xẻ đầy chua cay. Người ta vẫn dùng đến những tính từ không thể lột bỏ được tính cách miệt thị để chỉ những tờ báo chỉ thuần túy phát ra ngôn ngữ đường lối nhưng khác hẳn với lòng dân.
Giới blogger – “người anh em cùng cha khác mẹ” của báo chí lề phải – là một trong những nguồn dẫn đặc trưng về những tính từ như thế.
Quá ít người viết so với hơn hai chục ngàn tấm thẻ nhà báo được cấp phát bởi Bộ thông tin truyền thông, nhưng những gì mà cánh truyền thông xã hội làm được trong những năm qua xứng đáng được giới báo chí quan chức tham khảo, ít nhất về lòng tự trọng và những gì còn lại thuộc về dân tộc.
Theo BBC  
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"