Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Ba và bài học về lòng can đảm

Người can đảm là một người có khả năng vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình để dám nói lên hoặc làm điều gì mình tin là đúng. Với anh em chúng tôi, ba tôi là một gương can đảm, người bao giờ cũng cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình để sẵn sàng bảo bọc gia đình và bênh vực cho những người quanh ông.

Theo báo Người Việt
M&M

Những lời chúc và buổi tiệc nhỏ trong gia đình nhân ngày Father’s Day năm nay rồi cũng qua. Giờ đây, tôi xin dành những giờ phút cuối ngày để viết đôi dòng về ba tôi.
Sống bên ba từ nhỏ, nhưng tôi thật sự biết rất ít về cách hành xử của ba khi đối diện với những chuyện khó khăn, nguy hiểm, cho đến khi ba tôi dắt anh em chúng tôi đi vượt biên chuyến cuối cùng.
Ngày đó, ghe ra tới cửa biển, sóng rất cao làm ghe lắc lư dữ dội. Hầu hết người trên thuyền bị say sóng, ói mửa và ngất ngư như muốn xỉu, kể cả những thanh niên lực lưỡng và chú H., tài công của tàu. Vì chú tài công không đủ sức điều khiển ghe trong cơn sóng dữ, nên bác Mười Do, người phụ lái trong sông, phải cầm tay lái điều khiển cho chiếc thuyền dài 10 thước, được đóng với điều kiện để chỉ đi trên sông, vượt sóng Thái Bình Dương; và ba tôi, với kiến thức trong ngành công chánh, giữ tọa độ của hải bàn, ghi chú cặn kẽ giờ giấc, hướng gió, tốc độ của ghe để xác định vị trí của ghe trên bản đồ.
Ấy vậy mà khi ra đến hải phận quốc tế, trời yên, biển lặng thì chú tài công cùng một số thanh niên lực lưỡng tuyên bố: “Đến đây, ai mạnh thì sống, ai yếu thì chết!” Họ kết thành một khối, để trong hoàn cảnh xấu, họ sẽ lấy sức mạnh hà hiếp số người còn lại. Tôi vẫn còn nhớ lần ba tôi kêu anh em tôi lên nóc ghe, thì thầm cho chúng tôi biết chuyện gì đang xảy ra, lén dúi vào tay anh tôi một con dao xếp, rồi bảo “Nếu ba có chuyện gì, anh em phải bảo bọc lẫn nhau”.
Vào buổi chiều thứ năm kể từ khi ra khơi, ghe chúng tôi cập đất liền của Mã Lai Á. Vì nơi chúng tôi cập bến là một kho dầu nên cảnh sát Mã Lai dồn chúng tôi vào một khu trên bãi cát cạnh bờ biển, lục soát hành lý và đứng gác với hàng chục nhân viên với đầy đủ súng ống. Ba tôi đứng ra đại diện cho mọi người trên thuyền tiếp xúc với giới chức Mã Lai để xin tỵ nạn. Đêm đó, chúng tôi ngủ lại bờ biển.
Vào giữa khuya, vì không ngủ được, ba tôi trông thấy nhóm cảnh sát Mã Lai xầm xì và có những thái độ rất lạ; họ chỉ trỏ vào những người đàn bà và thiếu nữ trong đoàn và lảo rảo quanh các cô. Thấy vậy, ba tôi giả như cần kiếm đồ, gây ra tiếng động cốt đánh thức mọi người trong đoàn để cảnh sát Mã Lai không dám làm bậy. Có lẽ việc ba tôi đánh thức mọi người đã làm vỡ kế hoạch của cảnh sát Mã Lai nên họ hậm hực tiến đến ba tôi và đòi lục soát. Ba tôi điềm tĩnh nói, “Từ chiều đến giờ, các ông đã lục soát nhiều rồi, tuy nhiên, các ông có thể tiếp tục nếu muốn”. Trước sự bình tĩnh của ba tôi và hàng chục cặp mắt của thuyền nhân, nhóm cảnh sát giãn ra xa. Bằng tiếng Việt, ba tôi kêu gọi mọi người cố thức để bảo vệ cho phụ nữ trong nhóm.
Sang đến Pulau Bidong, với sự tin tưởng và quý mến của Cao Uỷ Tỵ Nạn LHQ cùng ban điều hành trại người Việt, ba tôi được mời làm người đại diện cho đồng bào khi tiếp xúc với Cao Uỷ và Cảnh Sát Mã Lai. Mỗi khi có vấn đề giữa thuyền nhân và cảnh sát, ba tôi cùng chú ĐC Tâm, trưởng trại, bao giờ cũng là những người đứng mũi chịu sào để giải quyết. Ngoài ra, ba tôi không bao giờ từ nan khi được đề nghị đi Kuala Lumpur hoặc Bangkok để thông dịch cho những thuyền nhân ra toà hầu nhận diện và khởi tố hải tặc Thái và Mã Lai.
Sau 4 tháng ở Bidong, gia đình chúng tôi được chấp thuận đi định cư tại Mỹ và được chuyển sang trại chuyển tiếp Sungei Besi ở Kuala Lumpur. Trại này được đặt dưới sự điều hành của viên Đại Úy cảnh sát Mã Lai tên Amin, nổi tiếng độc ác với người tỵ nạn. Trưởng trại phía người Việt, lần nữa, là chú ĐC Tâm. Có lần, một thuyền nhân, vì lý do nào đó, bị cảnh sát bắt vào văn phòng trại. Tại đây, trước mặt chú Tâm, ông Amin nhân cơ hội mạt sát người Việt. Trước tình cảnh đó, chú Tâm, một cựu giáo sư đại học ở Việt Nam, dáng người nho nhã, trói gà không chặt, đã nổi giận bạt tay viên đại úy này. Amin lồng lên, đánh chú Tâm và cho người bắt, cùng với lời hăm dọa rằng sẽ mang chú ra cạo đầu trước văn phòng trại, một cách cảnh sát Mã Lai dùng để làm nhục người tỵ nạn.
Được tin này, ba tôi cùng các chú HĐ Trực (phó trại nội vụ), chú Hoan (trưởng khu Hoa Kỳ) cùng tất cả trưởng khu, trưởng khối trong ban điều hành trại, ra ngồi trước văn phòng trại cùng với thông điệp cho UNHCR và đồn cảnh sát Mã Lai: “Nếu đại úy Amin cạo đầu trại trưởng ĐC Tâm, tất cả chúng tôi cũng sẽ tự cạo đầu”. Trước áp lực của UNHCR và ban điều hành trại người Việt, Amin đã không dám cạo đầu mà phải thả chú Tâm.
Người can đảm là một người có khả năng vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình để dám nói lên hoặc làm điều gì mình tin là đúng. Với anh em chúng tôi, ba tôi là một gương can đảm, người bao giờ cũng cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình để sẵn sàng bảo bọc gia đình và bênh vực cho những người quanh ông.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"