Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Sự im lặng của con sói

VietTuSaiGon 
RFA
Xin mở ngoặc, có hai vấn đề cần tường minh trước khi đi vào câu chuyện. Đó là khái niệm Hậu Cộng sản và thân phận trí thức nhằm ám chỉ đối tượng nào? Khái niệm Hậu Cộng sản, có lẽ cũng không mới nhưng chưa phổ thông, ám chỉ những công tử đỏ, hoàng tử đỏ thời cơ chế thị trường, trong lúc quyền lực phe nhóm, thế lực Cộng sản hoàn toàn nằm trong tay họ nhưng phương thức kinh tế thì lại là kinh tế thị trường, đây là cách chơi “gom bi” trong bàn billiard quyền lực mà nhà cầm quyền Việt Nam đã khéo giữ cơ, dồn bi, giấu bi để đến nước cuối, họ nắm thế “thượng phong”.
Về những trí thức, trong khuôn khổ bài viết này, người trí thức mà tác giả muốn nói đến là những trí thức tỉnh thức trước vận mệnh đất nước và số phận nhân dân, họ đã dấn thân cho công cuộc tự do, dân chủ, nhân quyền và bảo toàn biên giới quốc gia, họ xứng đáng với hai chữ Trí Thức – những con người hiểu biết, thông tuệ và có lòng tha thiết với quốc gia, quốc dân.

Mấy ngày gần đây, tin về Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực nhằm phát biểu thông điệp của anh: Cần phải có nhân quyền và cần phải đối xử như một con người với nhau, dù ở chốn lao tù. Có thể cách hiểu về thông điệp của TS Vũ chưa đúng, chưa chính xác, nhưng người viết vẫn   tin rằng đó là thông điệp mà vị luật sư đang ngồi tù này đưa ra. Vì suy cho cùng, động cơ anh tuyệt thực thì có rất nhiều, tù nhân lương tâm ở Việt Nam thì có một triệu lẻ một lý do và nguyên nhân dẫn đến việc họ lìa bỏ đời sống hoặc tuyệt thực phản đối, nhưng với anh Vũ, giọt nước làm tràn ly, dẫn đến quyết định tuyệt thực của anh là những quyền rất cơ bản được qui định bằng văn bản pháp luật dành cho tù nhân đã không được các cai ngục thực hiện, từ chuyện gặp người thân trong gia đình cho đến những yêu cầu tối thiểu của anh.
Hãy hình dung anh Vũ đang tiều tụy dần, đang ngồi thế bán già hoặc kiết già để định tâm, tiếp tục quán chiếu về thân phận của tù nhân lương tâm và công lý, tiếp tục suy tư về thân thể, sinh mệnh của con người trong thời đại anh đang sống, và cũng có thể, anh sẽ suy tư về dòng máu thơ ca trong huyết quản của anh, suy tư về những câu thơ như “Bèo giạt về đâu hàng nối hàng/ Mênh mông không một chuyến đò ngang… Củi một cành khô lạc mấy dòng…” của thân sinh anh, cố thi sĩ Huy Cận. Dường như những câu thơ máu tim này đã dự cảm thân phận của người trí thức trong thời đại mà họ đã/đang sống.
Một thân phận ngục tù ngay trong chính tâm linh, tư tưởng của mình, thân phận của vật hiến tế chế độ, không nhìn thấy tương lai tri thức nhân loại mà chỉ nhìn thấy tương lai công thần và quyền lực phe nhóm. Có lẽ cũng chính vì thế, đến cuối đời và đến khi chết đi, thi sĩ Huy Cận cũng mãi mãi được xem là công thần của chế độ, ông chưa bao giờ được trọng vọng đúng nghĩa một trí thức, nhân sĩ, thi sĩ của nhân loại. Đó là thế kẹt bi lớn nhất trong bàn billiard chế độ mà ông đã chọn.
Đến thời con trai ông – Cù Huy Hà Vũ – một nhà trí thức cách mạng, tiếp nối dòng máu cách mạng của ông, nhưng đây là cuộc cách mạng mang gương mặt mới lạ so với thời của ông, cuộc cách mạng giải phóng quyền làm người, đấu tranh cho công lý và lòng yêu thương giữa con người với con người (vì chỉ có công lý cộng với lòng yêu thương giữa con người với con người mới mang lại nhân quyền trọn vẹn), ông đã sẵn sàng đâm đơn tố cáo, khiếu kiện một ông thủ tướng mang đất tổ tiên cho người Trung Quốc – kẻ bành trướng, xâm lăng truyền kiếp của Việt Nam, sẵn sàng đối mặt với ủy ban nhân dân thành phố Huế để khiếu kiện, lấy lại công bằng cho những ngôi mộ, lăng mộ bị trù dập… Nhìn chung, tất cả những gì Luật sư Vũ hành động đều xoay quanh trục Nhân Ái và Công Lý. Và, đau đớn ở chỗ, chính vì Nhân Ái và Công Lý, ông lại bị nhà cầm quyền bắt giam, đày đọa và khủng bố.
Điều này, từ câu chuyện của Luật sư Vũ cùng rất nhiều câu chuyện bị hành hạ của các tù nhân lương tâm khác ở Việt Nam, cho thấy rằng chính thể hiện tại không chấp nhận sự có mặt của Nhân Ái và Công Lý. Những ai đấu tranh cho điều này đều bị hành hạ đến chết. Thế nhưng, trong tình trạng như thế, TS Vũ thừa thông minh để nhận ra, ông vẫn cứ đấu tranh và tuyệt thực, vì sao ông lại lựa chọn cách này?
Đương nhiên, không ai ngoài TS Vũ có quyền đưa ra câu trả lời, và nếu có đưa ra dự đoán, thì cũng chỉ đúng trên một khía cạnh nào đó thôi, chỉ có TS Vũ mới đủ tư cách đưa ra câu trả lời này. Trong tầm phỏng đoán thiển cận và không liên đới tri thức cũng như sự cố, mỗi người đều có thể đưa ra nhận xét hoặc phỏng đoán. Phỏng đoán trong bài viết này là rất có thể, TS Vũ muốn lấy cái chết của mình để đánh động lương tri nhân loại một lần nữa, buộc nhân loại phải giật mình nhìn lại thân phận của một trí thức Việt Nam nói riêng và thân phận của con dân Việt Nam nói chung.
Trong lúc nhân loại đã bước đi mạnh mẽ trên con đường văn minh, nhân bản, mà tại Việt Nam, một tù nhân lương tâm đã phải tuyệt thực, bày tỏ thái độ phản đối những cai ngục xử tệ với mình. Buồn cười nhất là anh Vũ đã tuyệt thực hơn nửa tháng nay, lẽ ra, với một con người bình thường nhất, nhìn thấy đồng loại nhịn ăn để bày tỏ thái độ bất bình vì sự cư xử của mình, họ phải giật mình suy nghĩ lại, thay đổi thái độ nhằm ít nhất là bảo toàn mạng sống của người đang tuyệt thực, thậm chí công khai xin lỗi và bằng mọi giá bồi thường danh dự cho người kia để thể hiện mình biết ăn năn, hối lỗi… Nhưng ở đây thì không, khắp thế giới đều nhận biết sự việc, riêng bộ máy công quyền thì “không biết” vẫn im lặng, vẫn nói cười và vẫn sang nước khác để bắt tay, nói năng, ngủ nghỉ, thương lượng và tuyên bố tình trạng nhân quyền Việt Nam rất ổn định nhờ vào chính sách an ninh rất ổn định… Mặc cho những trí thức quị ngã vì mất dần sức sống trong thân thể tiều tụy, mất dinh dưỡng!
Suy cho cùng, cách hành xử như vậy, chỉ cho thấy một bộ máy công quyền hết sức man rợ và không coi trọng mạng người. Và, nếu anh Vũ qua đời trong nhà giam, điều này chứng minh với thế giới rằng ý chí và sức mạnh của lòng Nhân Ái, niềm tin Công Lý đã được chuyển hóa thành vĩnh cửu cùng hình ảnh Cù Huy Hà Vũ. Công quyền, bạo lực và độc tài chỉ có thể giết chết thân thể con người, nhưng không bao giờ chạm được đến ý chí tự do và niềm tin công lý cũng như lòng nhân ái trong mỗi người. Vì điều đó thuộc về ý chí Thượng Đế. Những ai xâm phạm đến Thượng Đế đều phải trả giá, bây giờ khác xưa, quả báo nhãn tiền, không đợi đến kiếp sau đâu! Đợi rồi xem!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"