Đào Hữu Nghĩa Nhân
Một chiều thu quạnh quẻ, nơi một ngọn đồi trông ra thung lũng Ngàn
Mây. Ngọn đồi nơi tọa lạc một ngôi chùa cũ kỹ cùng tên buồn hiu quạnh.
Bỗng chiều nay vang tiềng chuông báo hiệu buổi thuyết pháp kỳ lạ. Thường
ngày như mọi ngày vị sư trụ trì chùa già khọm chỉ thuyết pháp cho đám
nông dân quanh làng. Nhưng hôm nay ngài có buổi thuyết pháp cho đám phật
tử cao cấp. Điều kỳ lạ là chỉ có đám quan tai to mặt lớn, cùng với các
nường phu nhơn sang trọng bóng lẫy thơm lừng cũng của các cụ nột, dự
thính buổi thuyết pháp này. Một vài bà lão nông quê mùa muốn đi cầu kinh
cho buổi tối cũng bị từ chối được phép tham dự.
Buổi thuyết pháp chiều mưa hôm nay của sư cụ bàn về thuyết nhân quả
nhà phật. Cái thứ thuyết chết tiệt mà đám nông dân vô cùng kính cẩn khi
ngộ thuyết. Thay vì làm cái chuyện bẻ trộm quả bí ngô thì đố ai dám vì
quả báo mất con bò chẳng hạn. Cái thuyết nớ sư cụ cũng giảng giải vô
cùng đơn sơ. Nó tợ như các con làm chuyện bậy bạ bằng vay nặng lãi khủng
của ngân hàng nhà nước trước đây hay gái giang hồ vay cho son phấn,
tiêu vặt của đám giang hồ ma cô! Được cái lũ nông dân nghèo nghe chuyện
này ai cũng vả mồ hôi mẹ mồ hôi con tuôg tuông ào ạt, mới khiếp làm
sao!?
Vì là các quan to đùng, đảm các chức quan trọng lo cho đám thảo dân
hiền lam lũ, nên bài giảng của sư cụ về nhân quả lại liên quan đến lão
quan thuế vụ. Sau khi nhìn khắp qua một lượt các quan đầu hói, mặt mày
bóng nhảy vì ẩm thực bổng lộc của dân. Sư cụ vội nhìn xuống chiếc áo nâu
sòng vàng ệch của mình loang lổ vệt mồ hôi thời gian, Lòng sư cụ có
chút nôn nao bối rối vì cái sự khiếm nhã của mình! Ngài tằng hắn với
giọng đều đều nhập môn bài giảng.
"Chuyện xưa kể rằng có một vị quan thuế vụ nọ vốn tính tình tham lam
độc ác. Hắn luôn tìm đủ mọi cách để lấy được nhiều tiền bạc từ những
người nông dân đến nộp thuế cho hắn… Một hôm có một bác nông dân đến xin
khất hắn sang lần khác nộp tiền vì trong nhà bác không còn đến một hột
gạo mà ăn. Bác năn nỉ đến gẫy lưỡi hắn mới chấp nhận.
Bác nông dân ra về nhưng vô ý đánh rơi một đồng tiền vàng, nhiều gấp
bao nhiêu lần số tiền bác phải nộp thuế. Hắn nhìn thấy bèn lấy chân dẫm
lên và tự nhủ:“Cho mày chết, có tiền không chịu nộp thì ông lấy hết”.
Bác nông dân ra khỏi cửa thấy mất tiền liền quay lại hỏi. Hắn nói: “Mày
mà cũng có tiền để rơi ở cửa quan à? Thôi xéo đi cho khuất mắt”. Bác
nông dân cố nài nỉ: “Đó là tiền người ta nhờ tôi mua thuốc, ông có nhặt
được làm ơn cho tôi xin”. “Ta mà thèm sờ vào đồng tiền bẩn thỉu của nhà
ngươi à? Thôi cút ngay”. Bác nông dân không biết làm thế nào đành lủi
thủi ra về…
Trời lũ lụt mất ba hôm, tên thu thuế không về nhà được đành phải ở
lại nơi làm việc. Khi trời quang mây tạnh, hắn quay về nhà và thấy vợ
hốc hác, đầu bù tóc rối. Nhà cửa lung tung, lộn xộn. Hắn rất ngạc
nhiên và hỏi vợ: “Con đâu, mình?”. Vợ hắn trả lời: “Con chết rồi”. Hắn
hét lên: “Chết rồi, tại sao nó chết, ôi đứa con trai bé bỏng yêu quý của
ta, tại sao nó chết?”. Vợ hắn đau khổ trả lời: “Trước khi bão lũ, con
mình bị ốm, em đã nhờ bác hàng xóm đi mua thuốc hộ. Em biết bác ấy không
ưa anh nên dặn với vợ bác ấy đừng bảo là em nhờ. Nhưng không hiểu sao,
bác ấy bảo rằng, bác ấy đánh mất tiền ở chỗ làm việc của anh. Sau đó bão
lũ quá, em không thể mua thuốc cho con, nó ốm nặng quá và đã chết…”
Hắn đứng như trời trồng, mặt xanh mét không nói được câu nào…
Nghe xong câu chuyện nhân quả động trời ấy. Các quan mặt mày biến
sắc. Thần thái lão nào trông cũng nhợt nhạt, đầy lo lắng ưu tư. Riêng
các nường phu nhơn của các quan lo lắng bội phần,...
Trong lòng các lão quan ông và quan bà dự buổi thính giảng ấy đều có
chung một nỗi sợ về luật nhân quả. Tự chiếu rọi thấy bàn tay gây nhân
của mình tay nào cũng nhúng chàm quá sâu.
Đợi cho đám thính giả bình tâm sư cụ mới lên tiếng:
- Luật nhân quả của nhà phật luôn bình đẳng với mọi người. Bất kỳ ai,
dù là anh nông dân ở đáy xã hội hay các vị quan chức tai to mặt nhớn.
Tuy chỉ có điều là ai biết ăn năn, hối cải sớm trong lúc gây ra nhân thì
sẽ được chiếu cố xem xét của Bồ Tát. Thậm chí nếu biết cách có thể hóa
giải được tất thảy mọi tội lỗi!?
Nghe xong câu hóa giải gợi mở của sư cụ, các quan trong lòng khấp khởi hy vọng. Ai cũng nhao nhao tranh nói:
- Chúng con đây quả thật thưa thầy cũng gây lắm nhân tốt xấu lẫn lộn.
Nhân tốt đếm mãi chẳng hết bàn tay. Còn nhân xấu e rằng đếm cả đời cũng
chả hết. Chi bằng sư cụ chỉ cho một liệu pháp hành tâm mà hóa giải cho
lũ chúng con đây!?
Hớp vội một ngụm nụ vối ủ đã mười ngày chua lét, ngài thủng thẳng
đáp: "Cái tay quan thuế trên sở dĩ "hưởng" quả liền tay là vì trước giờ
chỉ biết ăn mà không ị! Các con đây chắc cũng rứa. Chi bằng chia sẻ lại
cửa thiền chút của rơi của rớt, để ta liệu mà tìm cách nói hộ cho với
đức từ bi! Ngày xưa Phật từ bỏ chốn giàu sang để đi tìm giác ngộ và giải
thoát. Giải thoát phải chăng là ước mơ của con người tìm một hạnh phúc
vững bền thoát khỏi mọi ưu phiền. Chính vì lẽ đó chốn thiền môn càng to,
rộng và hoành tráng chừng nào thì phật càng ưu ái ngụ cư.
Nay ta khuyên các con mở rộng hầu bao, mời thầy, mướn thợ. xem phong
thủy, mời các vị cao tăng khắp chốn về xây chùa cho thiệt hoành tráng
vào,... Chỉ có thế mới hy vọng luật nhân quả không hiển linh đời đời
trong gia tộc các con!
Từ dạo ấy người ta thấy nơi nơi xây chùa. từ Đại Tự Nam chà bá, Suối
Tiên Tự to oạch, Bái Đính linh thiêng,... Miền tây thì có chùa Trầm kỳ
nam, dựng hình dựng tượng công đức khắp nơi. Quan to thì làm lễ rướt
ngọc phật hoành tráng ở hải ngoại về, xây chùa ngoài hải đảo xa xăm.
Chốn quan trường thì thành phủ, thành miếu, thành nơi thờ tự. Phật giáo
hưng thịnh chưa từng thấy trong thời góp của. Các quan thành tâm cầu tự,
tụng niệm. Các ngày lễ thiêng. chùa linh hiển khói mịt ngày đêm, cúng
bái rộn ràng, chiêng chập ầm ĩ,...
Quả thật cũng từ dạo ấy các quan ra sức mà gieo nhân xấu cũng chẳng
phải lo hưởng quá xấu. Chỉ có điều lạ là thay vì luật nhân quả ứng với
người gieo nhân. Chẳng biết sư cụ ở chùa thung lũng Ngàn Mây vái kiểu
chi mà các quan càng gieo nhân xấu bao nhiêu đám dân đen càng "hưởng"
quả xấu nhiều bấy nhiêu tương ứng!
Sau cái đận thuyết pháp cho đám quan lại ấy. Sự cụ thôi không còn
thuyết pháp cho đám nông dân nghèo nữa. Ngài cũng thôi trụ trì cái chùa
Ngàn Mây thổ tả thuở hàn vi. Thay vào đó ngài được phong thánh, trở
thành sư quan. Công việc của ngài giờ bận rộn lắm nên ngài phải dùng xe
đời mới. Áo nâu sòng xưa giờ là lụa Tân Cương, trang sức của ngài cũng
xứng tầm với công đức ngài đã làm cho quan. Phòng nhập thiền của ngài
giờ đây rì rì phả hơi lạnh mùa gió lào và nhả chút ấm bát nhã mùa đông.
Ngoài kinh kệ phật pháp, ngài cũng tụng niệm thêm đạo đức tiền nhân.
Cái nước vối ủ thiu thối ngày trước được thay bằng nước nhân sâm, tổ
yến, nhờ thế mà các ngài mới đủ sức khỏe thờ phụng và giác ngộ cùng lúc
hai con đường, con đường phật pháp và con đường vô đạo pháp!
Đắc đạo cùng lúc hai con đường quả là chuyện xưa nay hiếm của các sư
quan đỏng đảnh! Thiên đường giác ngộ nào cũng to. Mai này có nhập tịch
vào cõi nát bàn, tha hồ mà hưởng thụ hạnh phúc đời đời!