Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Việt Nam – Việt Kiều và một số ngộ nhận

Hope
Bài viết sau không nhằm phá hoại “khối đại đoàn kết dân tộc”, ngược lại, chỉ ra một số ngộ nhận giữa hai bên cộng đồng người Việt trong nước và ngoài nước. Giúp chúng ta hiểu nhau hơn, và hiểu nhau thì sẽ dễ thông cảm, chia sẻ với nhau hơn, âu cũng là một cách “hòa hợp, hòa giải dân tộc”.
Đã 38 năm sau cuộc vượt biển vĩ đại, 18 năm sau khi Mỹ gỡ bỏ cấm vận Việt Nam, kết nối giữa những người Việt trong nước và cộng đồng người Việt hải ngoại năm 2013 là một xa lộ của những đường truyền Internet tốc độ cao, những cuộc chuyện trò qua điện thoại hàng giờ, những webcam & email, chat được sử dụng “như cơm bữa” và những chuyến đi về (chủ yếu là về) giữa hai bờ Thái Bình Dương quanh năm suốt tháng. Những tưởng mọi xa cách đã được xóa nhòa, mọi vướng mắc đã được tháo gỡ, tuy nhiên “đây đó” (nói theo kiểu đồng chí X) vẫn còn một số ngộ nhận, hiểu biết sai lệch về nhau không đáng có. Có dịp trải qua cuộc sống ở hai bờ xa cách, người viết xin chia sẻ một số khác biệt này:

Ngộ nhận của Việt Kiều về Việt Nam

+ Do học những trường lớp “lô-cồ” (local, địa phương) ở Việt Nam, học từ những giáo sư người Anh chính thống hoặc giảng viên từ những khóa huấn luyện tiếng-Anh-kiểu-Anh, tiếng Anh của người Việt trong nước, đặc biệt là những người di dân qua Mỹ sau này là tiếng-Anh-kiểu-Anh, không “chuẩn” bằng tiếng-Anh-kiểu-Mỹ (của người bản xứ):
SAI! Đồng ý là ở các trường cao đẳng, đại học ở Việt Nam, bộ môn English được gọi là “tiếng Anh”, không nhất thiết nghĩa là tiếng-Anh-kiểu-Anh. Bản thân người viết từng học ở một trường đại học dân lập, dù cũng có một số tiết học được giảng dạy & giao lưu trực tiếp với một số sinh viên người Anh. Đa phần giáo trình học là của Mỹ và về cơ bản là được đào tạo tiếng-Anh-kiểu-Mỹ. Một số thầy cô giáo có dịp đi công tác ngoài nước nhiều, thì đặc biệt nói theo kiểu Mỹ và nhấn mạnh những ưu điểm cũng như tính ứng dụng cao của tiếng-Anh-kiểu-Mỹ cho sinh viên.
Một yếu tố quan trọng nữa là Việt Nam dù là một nước nghèo, thì ở những đô thị lớn, cuộc sống người dân có thể nói là khấm khá. Giàu có thì không hẳn nhưng truyền hình cáp (cable TV), rồi Internet, Wifi hay smartphone có gắn Internet không phải là điều gì to tát ngoài tầm với. Cộng thêm sự nhanh nhạy của giới trẻ nên tốc độ cập nhật nắm bắt thông tin từ Internet khá là theo kịp thế giới. Ví dụ những chương trình như “Vietnam Idol” hay “Vietnam's Got Talent” trước khi chính thức có phiên bản tiếng Việt thì giới trẻ Việt Nam đã “rành 6 câu vọng cổ” từng thí sinh American Idol hay chia sẻ với nhau các clip America's Got Talent rồi, cũng hồi hộp theo dõi bình chọn trong… bụng và vui buồn cùng những thắng thua của thí sinh Mỹ trên… truyền hình cáp. Toàn bộ những chương trình này truyền hình này đều có xuất xứ Mỹ!
+ Cũng về đề tài tiếng Anh, Việt Kiều tại Mỹ khá dễ dãi khi phán “Người Việt trong nước và người Việt mới di cư sang Mỹ chỉ viết được (tiếng Anh) chứ nói chuyện giao tiếp (ứng dụng) thì ú ớ”.
SAI! Như đã trình bày ở trên, người Việt trong nước, thông qua sức mạnh của Internet, cũng có một vốn ngoại ngữ kha khá. Để nói chuyện uyên bác, hàn lâm thì không dám nhưng giao tiếp thông thường thì có thể đáp ứng. Có thể thấy qua những status bằng tiếng Anh của giới Facebooker người Việt, hay những diễn đàn công nghệ lớn ở Việt Nam như HDVietnam thì những bình luận, phát biểu, review của giới chuyên môn trên quốc tế được Việt hóa, chia sẻ một cách rộng rãi và mạnh mẽ. Những bộ phim “bom tấn” của Hollywood không chừng được bạn trẻ Việt Nam “duyệt” trước cả cộng đồng người Việt hải ngoại. Các bạn trẻ Việt Nam xem phim Mỹ với phụ đề Việt hay để phụ đề tiếng Anh, hay thậm chí không cần cả phụ đề để trau dồi tiếng-Anh-kiểu-Mỹ không phải là hiếm! Nói đa số người Việt không biết tiếng Anh thì có phần đúng, chứ những người đã qua trường lớp và có khả năng viết tốt thì vấn đề giao tiếp đối với họ, có thể nói là chuyện nhỏ!
+ Công nghệ, đặc biệt là công nghệ nghe nhìn & giải trí ở Việt Nam còn nghèo nàn và lạc hậu. Cùng lắm là để khoe mẽ và đua đòi hơn là ứng dụng vào cuộc sống một cách thuần thục.
SAI! Người Việt trong nước rất nhạy công nghệ, đặc biệt do ở sát với Trung Quốc nên những công nghệ mới và giá rẻ của TQ đổ bộ qua Việt Nam rất nhanh và nhiều (điểm cộng duy nhất của “Tàu Khựa” đối với dân Việt?). Còn nhớ cách đây chắc cũng 5-7 năm người viết đã thấy một bạn trẻ dùng điện thoại (TQ!) xem TV online, người này chỉ là một tay trang điểm nghiệp dư (nôm na không phải là thành phần trí thức). Rồi đầu HD, Blue-Ray, chuẩn HDMI… cũng đã được tầng lớp người Việt trẻ cập nhật từ rất sớm. Người viết cũng đã từng sắm Iphone 4 đời đầu (cho tới nay vẫn còn dùng, chứng tỏ không phải là đua đòi se-sua) và ngao du sơn thủy trong nước với Google Map qua sóng 3G. Rồi thú chụp ảnh bằng máy ảnh thay ống kính đắt tiền, với những ống kính giá lên đến 1.000 USD cũng không phải là cá biệt trong giới trẻ yêu nhiếp ảnh ở Sài Gòn.
+ Việt Kiều cho rằng đồng đô-la có giá, trong khi đời sống ở Việt Nam thì nghèo nàn. Ôm một mớ “đô” về Việt Nam là tha hồ ăn chơi “mút mùa Lệ Thủy”.
SAI! Việt Nam nghèo thì đúng nhưng giá cả thì mắc nhất nhì thế giới. Giá xe hơi thì hẳn mọi người đều biết, người Việt mua 1 chiếc xe hơi bằng người Mỹ mua 2-3 chiếc. Giá xăng ở Việt Nam nghe đâu cũng cao hơn giá xăng tại Mỹ. Một triệu đồng ở Việt Nam tương đương với 50USD mỹ, với mức lạm phát tồi tệ hiện nay, “quay qua quay lại” là đã xài hết; trong khi đó, 50 USD ở Mỹ nếu chi xài tiết kiệm có thể sống qua được một tuần hoặc hơn. Một buổi mua sắm chợ trời (chợ đồ cũ, đồ rẻ) vui vẻ có khi chưa đến 30 USD. Một ly cà phê tiết kiệm ở Tim Hortons cũng chỉ 2 USD tương đương 40.000 đồng hay một cái hambuger mini ở McDonald's cũng chỉ 3-4 USD tương đương 60-80.000 đồng… mức giá như vậy đối với người Việt trong nước là không mắc! Nên nhớ thu nhập và đời sống Mỹ cao hơn so với Việt Nam (thu nhập bình quân đầu người gấp 29 lần). Có một bạn trẻ Mỹ sau khi “nghe kể” vể Việt Nam tuyên bố sẽ gom góp chừng mười-mấy-ngàn-đô qua Việt Nam ăn xài thoải mái, thậm chí còn tính mở công ty ở lại làm ăn. Người viết chỉ biết mỉm cười…
+ Việt Nam hổng có/ hổng biết gì hết trơn! Việt Nam có biết gane Angry Bird trứ danh không? Việt Nam có đại diện hãng xe Audi rồi chưa? Túi xách hàng hiệu đẳng cấp Louis Vuitton hàng chính hãng? Cà phê Starbucks, Pizza Huts? Wifi, 3G? KFC?
SAI! Thưa là ngoại trừ Starbucks mới có gần đây và mạng 4G chưa có (do mấy đại gia 3G chưa kịp thu hồi vốn cho hạ tầng 3G) ngoài ra là có hết rồi và có lâu rồi. Và người dân Việt Nam dù chưa có nhưng đã biết và luôn sẵn lòng chào đón những tên tuổi lớn như IKEA, 7-eleven, Walmart, McDonald’s… mở cửa tại Việt Nam.

Ngộ nhận của Việt Nam về Việt Kiều

+ Cứ Việt Kiều là giàu bởi vì có, và có nhiều “đô”!
SAI! Việt Kiều xài “đô” là phải rồi bởi vì ở Mỹ xài tiền Minh Râu hổng được. Nhưng mà “có nhiều đô” thì cần phải coi lại. Ở Việt Nam chầu nhậu một triệu đồng còn bao nhau được, chứ ở Mỹ đi nhậu thì phải xách bia theo mỗi người một thùng 12 chai Corona giá khoảng 15 USD. Phận làm nhà hàng, quần quật từ sáng đến tối được phát cho 10USD (200.000 đồng!) tiền bo là mừng húm rồi có bữa chỉ được 6-7 đô, còn mới vô thì được cố định 2 đô/ ngày làm việc. Người viết cũng chứng kiến một ông Mỹ khi mua đồ, cô thu ngân thối thiếu 10 cents (tức là 2.000 đồng) ổng quay lại đòi cho đủ. Có Việt Kiều về nước ăn xài quá tay phải gọi điện về Mỹ nhờ bạn bè gom góp mỗi người gửi cho mấy trăm đô để đủ sống còn đến ngày hồi Mỹ. Còn mua nhà, mua xe rả góp nhiều năm hoặc không có khả năng thanh toán bị nhà băng kéo là chuyện thường tình ở Mỹ.
+ Cứ Việt Kiều là sang!
SAI! Việt Kiều cũng 5-7 đường Việt Kiều. Có trải nghiệm cuộc sống ở hải ngoại rồi mới thấy, đi liền với cái “danh” Việt Kiều là một quá trình cọ xát đau thương và “đổ mồ hôi sôi nước mắt”… với mỗi Việt Kiều ổn định kinh tế và vững vàng về vị thế trong xã hội, là một câu chuyện phấn đấu vươn lên đáng ngưỡng mộ. Trải qua một loạt những bể dâu từ quê hương xứ sở qua đến xứ người, họ vẫn sống lương thiện, giữ được đạo nghĩa, cốt cách người Việt. Họ thật sự là thế hệ “xứng danh – và làm rạng danh Việt Kiều”!
Tuy nhiên cũng còn đó một dạng Việt Kiều “tay không bắt cướp”: chữ nghĩa bẻ đôi không biết, qua Mỹ rồi vẫn mang thói hiếp đáp, thượng đội hạ đạp, nịnh nọt kéo bè kéo phái, quỵt từng đồng lẻ của đồng hương, tranh thủ đi nhậu chùa... Nói đến đây chợt nhớ câu “Con lừa có đến thánh địa vẫn là con lừa!”

Lời kết

Người viết trong một dịp uống bia với một vài anh Việt Kiều Mỹ. Trong bàn có một anh Việt Kiều xài điện thoại Iphone của Apple trong lúc nói chuyện cao hứng ảnh chỉ cái điện thoại ảnh đang dùng và nói "Ở Việt Nam đó hả, cũng bày đặt xài Iphone, mà đâu có xài hết 1/3 chức năng. Mua chủ yếu là khoe ta đây xài Iphone mà thôi!" Anh đó nói không sai, ở Việt Nam cũng có lắm người thừa tiền mua điện thoại xịn để khoe khoang nhưng thật hồ đồ nếu áp đặt nhận định đó cho tất cả người Việt trong nước. Người viết cũng biết chuyện một Việt Kiều lâu năm phải nhờ một người Việt mới “chân ướt chân ráo” sang Mỹ đi thông dịch giúp mở một tài khoản ngân hàng, đó không phải là chuyện cá biệt nhưng cũng chẳng đại diện cho một cộng đồng Hải Ngoại ưu tú.
Bài viết chia sẻ một số trải nghiệm để thấy người Việt hải ngoại, xuất phát từ tâm thế của người ở xứ sở tự do nhìn về quê hương còn trong tù đày, thành ra thương cảm nhưng đôi khi quá mức thành ra khinh khi/ đánh giá thấp đồng bào còn ở lại trong nước. Đồng ý rằng Việt Nam dưới triều đại Cộng Sản thì “tệ hơn vợ thằng Đậu thiệt” nhưng mà người Việt trong nước cũng có cái để mà tự hào, ở đây không phải là tự tôn mà là tự tin (càng không phải là “tự sướng”). Rằng giữa những kìm kẹp đàn áp của cộng sản và bủa vây của chính sách ngu dân, vẫn còn đó một thế hệ người Việt trong nước lội ngược dòng vươn lên từ một xã hội ngập tràn bất công và bất trắc! Để thấy rằng, ở Việt Nam hay ở Mỹ trong một số hoàn cảnh nhất định, cũng có người này người kia. Xin mỗi người chúng ta tự nhắc nhở, tránh cái nhìn thiên kiến cho bên kia như người cộng sản vẫn hay làm.
Bài viết dưới quan điểm của một “Việt Kiều” sống ở Mỹ chưa đủ lâu, chắc chắn không tránh khỏi những quan điểm mang tính cá nhân và sai sót. Rất mong những vị cao nhân góp ý, sửa sai cho những ý còn chưa chuẩn hay còn thiếu trong bài viết.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"