Hà Hiển
Nhân ngày “Báo chí cách mạng Việt Nam”, xin được đăng lại entry
dưới đây. Bài viết đã cũ nhưng tác giả cho rằng nó vẫn còn tính thời sự
vì vấn đề mà nó nêu ra cho đến ngày hôm nay vẫn chưa chịu cũ ở “đâu
đó” (người viết mới học được cụm từ này từ báo chí “lề phải”), khi mà
người ta vẫn say sưa với thứ “nước đường” có tên là “định hướng thông
tin” mà không biết rằng bản thân họ, khi đã say sưa quá thì cũng rất dễ
bị lạc hướng bởi chính cái sự “định hướng” mà mình đầu têu ra ấy – mà
hậu quả có thể bi thảm khôn lường cho chính họ – như sự kiện xảy ra ở
Romania năm 1989 là một cảnh báo không thừa.
Từ chuyện xảy ra cách đây 20 năm tại Romania
Những ngày này cách đây 20 năm (bài này được viết vào cuối năm 2009),
thế giới chứng kiến chế độ độc tài gia đình trị Ceauşescu mang danh
nghĩa XHCN sụp đổ tại Romania, dẫn đến việc 2 vợ chồng ông bị những
người tham gia chính biến xử tử vào ngày 25/12/1989.
Sự kiện bi thảm trên và những nguyên nhân của nó đã được đề cập, phân tích và đánh giá khá đầy đủ trên trang Bách khoa toàn thư mở (WIKIPEDIA) nhưng trên trang đó tôi chú ý nhất đoạn được trích dưới đây:
“…Tới năm 1989, Ceauşescu đã có những dấu hiệu hoàn toàn chối bỏ
thực tế. Trong khi cả đất nước đang trải qua thời gian cực kỳ khó khăn
với những hàng dài người trước các cửa hàng thực phẩm rỗng không, ông
thường xuất hiện trên đài truyền hình nhà nước trong các cửa hàng đầy ắp
thức ăn, tới thăm những lễ hội thực phẩm và nghệ thuật lớn nơi người
dân mang tới cho ông những thực phẩm ngon lành và ca ngợi thành tựu
“tiêu chuẩn sống cao” đạt được dưới quyền cai trị của ông. Những đội
cung cấp thực phẩm sẽ lấp đầy các cửa hàng trước khi ông đến, và thậm
chí những chú bò được nuôi nấng tử tế sẽ được chở đi khắp nước để tham
gia vào các cuộc thăm viếng các nông trang của ông. Các mặt hàng chủ lực
như bột mì, trứng, bơ và sữa rất khó kiếm và hầu hết mọi người bắt đầu
phải phụ thuộc vào mảnh vườn nhỏ của mình trong những mảnh sân khu tập
thể hay tại vùng nông thôn để sống. Cuối năm 1989, những buổi phát sóng
hàng ngày trên TV,,,với những con số thu hoạch được cho là kỷ lục, trái
ngược hoàn toàn với sự thiếu hụt mà người dân thường Romania đang trải
qua ở thời điểm ấy.
Một số người, tin rằng Ceauşescu không biết về điều đang diễn ra
trong nước, tìm cách trao cho ông những lá thư thỉnh nguyện và phàn nàn
trong các chuyến viếng thăm vùng nông thôn của ông. Tuy nhiên, mỗi lần
có một lá thư, ông lại chuyển nó lập tức cho các thành viên đội an ninh.
Việc Ceauşescu có đọc bất kỳ lá thư nào hay không vẫn là điều chưa được
biết. Theo những lời đồn đại ở thời ấy, những người muốn trao thư trực
tiếp cho Ceauşescu đều có nguy cơ bị trừng phạt bởi cảnh sát mật. Mọi
người rất chán nản trong việc này và nói chung xuất hiện cảm giác rằng
mọi thứ đang rất tồi tệ…”
Trong khi vào tháng 11 cùng năm đó, Đại hội lần thứ 14 Đảng CS
Romania đã diễn ra với việc Ceauşescu được bầu lại làm Tổng Bí thư. Nếu
ai đã từng theo dõi sự kiện cực kỳ hoành tráng này được phát trong
chương trình thời sự của Đài truyền hình Việt Nam thời ấy thì sẽ không
dám nghĩ đến sự thay đổi đến chóng mặt sau đó 1 tháng. Có thể cảnh tượng
những cuộc mit-tinh quần chúng khổng lồ trên đường phố chào mừng thành
công của đại hội đảng và tung hô lãnh tụ – “người dẫn đường vĩ đại”
Ceauşescu – và việc cứ vài phút một lần, diễn văn của ông lại bị ngắt
quãng bởi những tràng vỗ tay như sấm dậy và thời gian được tính cho vỗ
tay còn nhiều hơn cả thời gian đọc diễn văn ấy đã làm cho nhà độc tài
cực kỳ yên tâm về vị thế lãnh đạo cho đến suốt đời của mình. Và chính
những cảnh tượng huy hoàng như vậy được diễn đi diễn lại trên trên các
phương tiện thông tin đại chúng đã càng làm tăng thêm phần cay đắng cho
sự sụp đổ xảy ra chỉ 1 tháng sau đó.
Có thể nói thông tin có định hướng tại Romania thời đó đã làm cho nhà
độc tài không thể đánh giá đúng tình hình và là nguyên nhân cực kỳ quan
trọng dẫn đến sự sụp đổ chế độ và cái chết bi thảm của vợ chồng ông.
… đến sự kiện Khe Sanh cách đây hơn 40 năm
Khe Sanh là 1 trận quyết chiến ác liệt và đẫm máu xảy ra tại chiến
trường miền nam Việt Nam giữa quân đội Bắc Việt Nam và quân đội Mỹ năm
1968 mà sau đó cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng.
Trận Khe Sanh nổi tiếng đến nỗi nó cũng được Tổng thống Mỹ Obama nhắc đến trong bài diễn văn nhậm chức của ông.
Chuyện bên nào trong trận chiến đó thực sự giành chiến thắng về quân
sự đã được nhiều nhà phân tích đánh giá kèm theo những số liệu cụ thể về
tổn thất, mục tiêu đặt ra và mức độ hoàn thành những mục tiêu ấy của
mỗi bên nhưng đây không phải là chủ đề mà người viết bài này muốn bàn ở
đây. Nhưng có một điều đã dược khẳng định là bất chấp tổn thất lớn về
sinh mạng, sự kiện Khe Sanh cũng như cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968
của các lực lượng Bắc Việt Nam đã tác động tiêu cực đến dư luận Mỹ và từ
những sự kiện này, chính phủ Mỹ đã phải chịu những sức ép nội bộ rất
lớn để cuối cùng phải đi đến quyết định rút ra khỏi cuộc chiến vài năm
sau đó, dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ Sài Gòn năm 1975.
Và phải nói rằng, để tạo nên những sức ép này tại nội bộ của nước Mỹ
cũng như khích lệ tinh thần chiến đấu hy sinh của chiến sĩ, sự phấn
khởi, đồng thuận của dân chúng tại hậu phương miền bắc có sự đóng góp
rất lớn của các phóng viên chiến trường, thường được gọi là các “chiến
sĩ trên mặt trận thông tin”…
Điều này cũng đã được thể hiện trong 1 bài viết của ông Đỗ Phượng,
nguyên TGĐ TTX VN nói về chuyện làm báo trong đó có những thông tin khá
thú vị như sau:
“…Nhớ lại 30 năm trước, nhóm nhà báo phương Tây có 2 người Mỹ gặp
những người lãnh đạo TTXVN. Họ bảo: Các ngài là hãng thông tin của nhà
nước. Có phải mỗi thông tin của các ngài đều do lãnh đạo Đảng cấp trên
duyệt! Không trả lời trực tiếp câu hỏi, người lãnh đạo Thông tấn kể lại
những mẩu chuyện vui về mặt trận Khe Sanh. Ông kể lại 1 loạt tin, bài,
ảnh phát đi hồi đó rồi nói vui: Chỉ có rất ít tính chân thật trong những
thông tin đó….Các bạn có thể phê phán chúng tôi theo quan điểm của các
bạn về chức trách và hành nghề của nhà báo. Còn chúng tôi… là công dân
VN. Và đã là công dân VN thì nghĩa vụ cao cả nhất là góp phần thắng Mỹ…”
Con dao 2 lưỡi?
Cách đây mấy năm, người viết bài này được xem chương trình “Chiếc nón
kỳ diệu” trên VTV3 với chủ đề “Báo chí cách mạng Việt Nam” và người
dẫn chương trình quen thuộc là anh Lại Văn Sâm. Người lọt vào vòng thi
cuối cùng phải nói đúng ô chữ để trả lời cho câu hỏi đưa ra là “Tiêu chí
của báo chí cách mạng Việt Nam là gì?”. Cả thí sinh và tất cả khán giả
có mặt tại trường quay đã không thể đưa ra câu trả lời chính xác khi hầu
hết mọi người đều cho rằng đó là “TRUNG THỰC” trong khi đáp án mà anh
Lại Văn Sâm cuối cùng đưa ra là “ĐỊNH HƯỚNG”.
Những điều mà ông Đỗ Phượng, bậc lão làng trong “Làng báo cách mạng
Việt Nam” viết ở trên có thể là 1 ví dụ tiêu biểu vê hiệu quả to lớn mà
sự ĐỊNH HƯỚNG ấy mang lại trong chiến tranh cách đây 30 – 40 năm…
Nhưng đó là thời chiến.
Còn trong thời bình thì việc tiếp tục áp dụng “thủ pháp” ấy có hiệu
quả lợi hại đến đâu? Và liệu nó có phải là “con dao 2 lưỡi” không nếu
tham khảo sự kiện xảy ra cách đây 20 năm tại Romania?
Xin giành phần trả lời cho các bạn nhà báo.