Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Hassan Rohani, một người ôn hòa vừa đắc cử tổng thống Iran

Nguyễn Văn Huy
Theo Thông Luận

Trong cuộc bầu cử tổng thống tại Iran ngày 16/06/2013, ứng cử viên thuộc khuynh hướng ôn hòa, giáo sĩ Hassan Rohani (64 tuổi) đã đắc cử ngay trong vòng đầu với 18.613.329 phiếu (50,71%) trong tổng số 36.704.156 phiếu bầu, cao gấp ba lần ứng cử viên bảo thủ Mohammad Baqer Qalibaf, thị trưởng Teheran, về hạng nhì với 6.077.292 phiếu (16,55%).
Dân chúng Iran đã tích cực tham gia vào cuộc bầu cử này. Hơn 36 triệu người (72,2%) trong tổng số 50 triệu cử tri được quyền bỏ phiếu trong một quốc gia có gần 75 triệu dân sinh sống trên một diện tích rộng 1 648 195 km2.
Theo dự trù, lãnh tụ tối cao Ayatollah (đại giáo chủ) Ali Khamenei sẽ phê chuẩn kết quả bầu cử ngày 03/08 sắp tới, sau đó tân tổng thống Hassan Rohani sẽ tuyên thệ trước quốc hội.

Giáo sĩ Hassan Rohani, 64 tuổi, sinh ngày 13/11/1948 trong một gia đình Hồi giáo shia tại thành phố Sorkheh, tỉnh Semnan. Năm 1969, ông vào Đại học Teheran và đậu cử nhân luật ba năm sau đó. Du học sang Anh, ông lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ luật ở Đại học Glasgow Caledonian, Scotland. Về sự nghiệp, ông Rohani đã từng giữ những chức vụ như lãnh đạo các ủy ban Quốc phòng và Chính sách Đối ngoại trong quốc hội, chỉ huy không quân Iran và phó tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang. Ông Rohani nói thành thạo tiếng Anh, Ả Rập và Ba Tư, viết gần 100 cuốn sách và bài báo cũng như thực hiện 700 dự án nghiên cứu.
Ông Rohanithường được dư luận biết tới như một người "trung hòa" về tôn giáo. Trước kia, ông là một nhân vật theo xu hướng bảo thủ, sau đó đã ngả theo phe giáo sĩ Akbar Hachemi Rafsandjani (1989-1997), cựu tổng thống xu hướng ôn hòa. Trong cuộc đầu phiếu vừa qua, ông Rohani đã giành được thắng lợi một phần cũng nhờ giáo sĩ Mohammad Khatami, cựu tổng thống thuộc phe cải tổ (1997-2005), người đã kêu gọi và hô hào cử tri Iran dồn phiếu cho ứng cử viên Rohani.
Khi vừa hay tin giáo sĩ Rohani đắc cử tổng thống ngay trong vòng đầu ngày 16/06 vừa qua, hàng nghìn người trong khắp các thành phố và thị trấn tại Iran đổ ra đường phố ăn mừng, hô vang và vỗ tay. Giao thông tắc nghẽn trên những đường cao tốc và đường phố chính trong thủ đô Teheran, tiếng còi của xe hơi và xe gắn máy bóp vang inh ỏi.
Qua sự đắc cử của ông Rohani, phe cải tổ đã gần như được hồi sinh trên sân khấu chính trị tại Iran sau nhiều năm chịu áp lực bởi phe bảo thủ, mà đại diện làc ựu tổng thống Mahmoud Ahmadinejad vừa mãn nhiệm. Kể từ năm 2009 và từ sau vụ đàn áp dữ dội phong trào phản kháng tiếp theo sau việc tổng thống Ahmadinejad tái đắc cử, phe cải tổ ở Iran đã bị cô lập và chịu những áp lực rất nặng nề. Hàng chục nhân vật lãnh đạo theo xu hướng ôn hòa và cải cách đã bị bắt giam hoặc bị gạt ra khỏi bộ máy cầm quyền. Hai cựu ứng cử viên tổng thống Mir Hossein Moussavi và Mehdi Karoubi bị quản thúc tại gia từ năm 2011 sau khi kêu gọi những người ủng hộ họ xuống đường phản đối gian lận bầu cử.
Theo một số nhà phân tích quốc tế, sau chiến thắng của ông Rohani, phe cải tổ cần phải thấy rằng đòi ông Rohani, một nhân vật thuộc cánh trung hòa, thực hiện những đòi hỏi quá mức (tự do dân chủ ngay tức khắc) và cực đoan (loại bỏ vai trò lãnh đạo tối cao của giáo chủ Hồi giáo shia) sẽ phá hủy cơ may được tạo ra từ cuộc bầu cử vừa qua, như đã từng xảy ra dưới thời tổng thống Khatami.
Sau 8 năm áp dụng chính sách bảo thủ cứng rắn và mị dân của cựu tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, dân chúng Iran đã biểu lộ ước muốn thay đổi trong ôn hòa qua Hassan Rohani, người chủ truơng phục hồi lại sinh hoạt kinh tế bị suy đồi dưới quyền lãnh đạo của người tiền nhiệm. Tất cả mọi tầng lớp xã hội đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là giới trung lưu trước đây vẫn từng được ưu đãi. Chính sách cấm vận của thế giới phương Tây đã làm xuống cấp thêm nền kinh tế, lợi tức thu được do dầu lửa đã giảm xuống còn một nửa. Thêm vào đó, dân chúng Iran cũng muốn loại bỏ lo âu bị oanh tạc bởi những "kẻ thù" (Do Thái, Hoa Kỳ và NATO), nhất là không muốn tiếp tục bị cô lập với thế giới bên ngoài, đặc biệt là thế giới phương Tây.
Chiến thắng của ông Rohani đã được cả thế giới hoan nghênh, các nước phương Tây hy vọng tân tổng thống Iran sẽ đáp ứng các yêu cầu của cộng đồng quốc tế về hồ sơ hạt nhân (Liên Hiệp Quốc và IAEA) và Syria. Chỉ riêng Israel không tin vào lập trường ôn hòa của ông Rohani và vẫn yêu cầu các cường quốc duy trì áp lực lên Cộng hòa Hồi giáo Iran về chương trình hạt nhân của nước này có thể được sử dụng vào mục đích quân sự.
Trong chương trình tranh cử, ông Rohani đã từng nêu lên khả năng thảo luận trực tiếp với Hoa Kỳ, "kẻ thù truyền thống" của Iran, nhưng ông nói ngay là chính phủ của ông sẽ không phải là một chính phủ thỏa hiệp và đầu hàng. Là người chủ trương đối thoại, chắc chắn tổng thống Rohani sẽ bình thường hóa quan hệ với những đối thủ khác trong vùng, Do Thái và Saudi Arabia. Trong nhiệm kỳ của ông, hồ sơ Syria và các nhóm quân (Hezbollah, Shia Iraq và Iran) sang giúp tổng thống Bachar al-Assad chắc chắn sẽ được giải quyết sớm.
Ông Rohani cũng chủ trương một chính sách mềm dẻo hơn so với các cường quốc nhằm giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, buộc Teheran ngưng các chương trình hạt nhân, nhưng yêu cầu các nước phương Tây công nhận quyền của Cộng hòa Hồi giáo Iran tiếp tục thực hiện những cuộc thí nghiệm hạt nhân vì những mục tiêu hòa bình (năng lượng). Nhưng trong thực tế, không chắc là tổng thống Rohani có thể làm những thay đổi lớn về chính sách hạt nhân, bởi vì hồ sơ này do ban lãnh đạo tối cao của Iran, mà người đại diện là giáo chủ Ali Khamenei, trực tiếp nắm giữ.
Tóm lại, mặc dù chiến thắng của ứng cử viên ôn hòa Rohani mang lại hy vọng cho Iran và thế giới, nhưng trong thể chế hiện nay của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, với một sân khấu chính trị đầy những liên minh phức tạp, khó có thể có một sự thay đổi căn bản trong chính sách của Teheran.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"