Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Một vài suy nghĩ về “nghệ thuật” trị dân của một nhà nước độc tài (1)

Song Chi
Một chế độc độc tài toàn trị đã tồn tại đủ lâu như chế độ cộng sản ở VN có nhiều cách để cai trị dân chúng, để kiểm soát từ trạng thái tinh thần, cảm xúc của người dân cho đến việc lèo lái, định hướng dư luận theo ý nhà cầm quyền.
Một trong những cách thức đó là tập cho người dân trở nên vô cảm trước tất cả những sự bất công phi lý, bất bình thường, kể cả bất lực của bộ máy cầm quyền, hay trước tất cả những cái ác cái xấu trong xã hội.
Ở VN bây giờ, ngày nào mở báo ra, bật TV lên (mà báo chí truyền hình nhà nước hẳn hoi chứ không phải của các “thế lực thù địch” chuyên bịa chuyện nói xấu đảng ta nhà nước ta nhé) mà lại không thấy đủ loại tin tức tiêu cực trong mọi lĩnh vực.
Những hiện tượng tham nhũng, lãng phí, phá hoại nền kinh tế, phá hoại tài sản chung của đất nước nhan nhản khắp nơi, khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa, đời sống khốn khổ của các tầng lớp nhân dân lao động đặc biệt là công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị bên cạnh một thiểu số những kẻ có chức có quyền với thu nhập gấp hàng chục hàng trăm lần và mức sống khác hẳn một trời một vực…Thái độ quan liêu cửa quyền, thói quen coi thường nhân dân, đứng trên luật pháp của nhà cầm quyền; nạn hối lộ, phong bì trở thành một thứ bôi trơn trong mọi hoạt động của xã hội; nạn chạy bằng chạy điểm, chạy chức chạy chỗ….Rồi cướp giết hiếp các kiểu, càng ngày càng tàn bạo, dã man; tai nạn giao thông từ bao nhiêu năm nay vẫn cứ thản nhiên cướp đi khoảng 11, 12 nghìn sinh mạng mỗi năm, chưa kể hàng nghìn người khác phải bị thương tật, tàn phế suốt đời; rồi nào thực phẩm “bẩn”, độc hại tràn lan…

Tất cả những thứ tiêu cực với mức độ ngày càng gia tăng đó khiến người dân từ giận dữ bức xúc, phản ứng mạnh lúc đầu, dần dần trở nên quen, thờ ơ, vô cảm, hoặc chán ngán, mệt mỏi, và đó chính là điều mà nhà cầm quyền muốn.
Không phải nếu bây giờ chúng ta có nghe đến những vụ phá hoại kiểu như Vinashine, Vinaline hoặc lớn hơn nữa, những vụ ăn dày như mấy cái nhà vệ sinh 29 mét vuông của học sinh mà hơn 600 triệu kia hay mức lương khủng “trên đầu trên cổ người nông dân” của lãnh đạo Vinafood 2 gần 80 triệu đồng/tháng còn Vinafood 1 xấp xỉ 56,5 triệu đồng/tháng, trong lúc người nông dân vất vả quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, trực tiếp làm ra lúa gạo xuất khẩu cho đất nước thì thu nhập chỉ khoảng 500,000 đồng/tháng…hay những cái chết bất thường của một số người dân khi bị mời lên đồn công an làm việc, những các ác kiểu như “mạng chó đổi mạng người” v.v… và v.v… thì dư luận cũng chỉ “sốc”, “choáng” vài ba bữa rồi lại quên hay sao? Những cái chép miệng, những câu nói kiểu như “Biết rồi, khổ lắm nói mãi”, hay “Cái nước mình nó thế” là bằng chứng cho một thái độ buông xuôi, mặc nhiên chấp nhận đó của mọi người.
Và trong khi chúng ta quen dần hay quên đi, thì những sự tiêu cực, những cái phi lý, cái xấu cái ác tiếp tục tồn tại, hoặc tình hình trở nên xấu đi theo năm tháng mà chúng ta không hay. Chúng ta “thấy mà không thấy”. Không chỉ người dân mà cả nhà cầm quyền cũng vậy, thay vì thay đổi, sửa chữa tận gốc rễ của hệ thống chính trị xã hội thì họ lại mặc kệ đó, cứ như thể không thấy không biết thì những cái ung nhọt, ung thư đó sẽ tự lành, trong khi thực tế trái lại.
Chuyện tranh chấp trên biển Đông giữa VN và TQ và mối nguy cơ đe dọa độc lập chủ quyền của VN cũng vậy. Còn nhớ năm 2007, khi Quốc vụ viện nước này thông qua việc thành lập thành phố Tam Sa nhằm quản lý 3 quần đảo trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo tranh chấp với Việt Nam: Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa), hàng trăm sinh viên học sinh, văn nghệ sĩ trí thức tại hai thành phố Sài Gòn, Hà Nội đã xuống đường biểu tình phản đối nhiều tuần liên tiếp-những cuộc biểu tình lần đầu tiên kiểu này sau mấy chục năm đảng cộng sản cầm quyền trên phạm vi cả nước. Rồi cộng đồng người Việt ở các quốc gia khác nhau trên thế giới cũng biểu tình phản đối. Kết quả là TQ phải tạm dừng kế hoạch thành lập thành phố Tam Sa.
Sau đó, mỗi khi TQ có những hành động leo thanh vi phạm chủ quyền của VN, người dân lại xuống đường, nhưng những cuộc biểu tình ngày càng bị đàn áp dữ dội hơn, còn về phía nhà cầm quyền VN thì họ trước sau như một chỉ cho người phát ngôn Bộ ngoại giao phản đối mồm với những câu chữ lặp đi lặp lại như học thuộc lòng. Hậu quả là TQ nhận ra họ có thể lấn tới nữa mà cũng chẳng hề hấn gì. Trong mấy năm qua, khi từ người dân cho đến nhà cầm quyền VN đều không có thêm phương sách đối phó gì mới thì TQ đã đi được những bước rất dài trong hành trình lấn chiếm từ từ, không đánh mà thắng, từng bước thiết lập chủ quyền thực tế ở Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông.
Ở Hoàng Sa, Trung Quốc đã cho xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố Tam Sa, xây dựng các tòa nhà chính quyền thành phố, ngân hàng, bưu điện, bệnh viện, cửa hàng, đài khí tượng, trạm hải dương, trạm phát điện, sân bay, bến cảng và các công trình dân sinh khác. TQ cũng xây dựng công trình cung cấp nước, tổ chức bầu hội đồng nhân dân thành phố, bầu thị trưởng, Chủ tịch UBND thành phố Tam Sa, tổ chức tour du lịch ra Hoàng Sa…Ngày 10 tháng 4 năm 2011, Đài phát thanh Nhân dân Trung ương Trung Quốc và Đài Phát thanh-Truyền hình Hải Nam đã bắt đầu mở trạm phát sóng vô tuyến FM trên đảo Phú Lâm v.v…Mới đây, chúng ta lại thấy những hình ảnh TQ xây nhà nổi trái phép trên đảo Gạc Ma hoặc Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa đánh chiếm được của VN năm 1988, bộc lộ âm mưu thôn tính lâu dài.
Trên biển Đông, TQ xua hàng trăm hàng ngàn tàu cá của ngư dân có sự yểm trợ của các loại tàu hải giám, ngư chính, ngang nhiên đánh bắt cá trong những khu vực thuộc lãnh hải của VN, trong khi ngư dân VN thì thường xuyên bị tàu TQ rượt đuổi, đánh chìm, thậm chí nổ súng bắn cháy…Mục đích của TQ là nhằm ép cho ngư dân VN chỉ còn có thể đánh bắt sát bờ, lâu dần mặc nhiên công nhận chủ quyền của TQ trên hầu như toàn bộ biển Đông…
Thế nhưng, bây giờ trước tất cả những diễn biến xảy ra ấy, người VN đã trở nên quen dần, không còn nghĩ đến chuyện xuống đường biểu tình mà có xuống thì cũng nhanh chóng bị dập tắt, bị bắt bớ, thậm chí kết án tù.
Những vụ bắt bớ gần đây cũng vậy. Càng ngày đảng và nhà nước cộng sản VN càng trở nên mạnh tay hơn đối với tất cả những ai lên tiếng về thực trạng chính trị xã hội, phê phán chính quyền ở VN. Bản phúc trình toàn cầu 2013 của Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền đã bày tỏ sự quan ngại trước sự thụt lùi về tình hình nhân quyền ở VN:
Tính đến cuối năm 2012, có ít nhất 40 nhà hoạt động bị kết án và xử nhiều năm tù theo các điều 79 (lật đổ), 87 (phá hoại đoàn kết), 88 (tuyên truyền chống nhà nước), 89 (phá rối an ninh) và 258 (xâm phạm lợi ích nhà nước) của bộ luật hình sự, cho thấy sự gia tăng đáng kể so với năm 2011. Ngoài ra, có thêm ít nhất 31 người khác bị bắt và tạm giam chưa xét xử, tính đến hết năm 2012.” (“Việt Nam: Leo thang đàn áp những người phê phán chính quyền”, Human Rights Watch).
Mới đây nhất, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, ba blogger lần lượt bị bắt: cựu nhà báo Trương Duy Nhất, nhà văn Phạm Viết Đào, Đinh Nhật Uy anh trai của sinh viên Đinh Nguyên Kha người mới bị kết án 8 năm tù về tội tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong phiên tòa gây phẫn nộ dư luận vào tháng Năm, cùng với sinh viên Nguyễn Phương Uyên. Cả ba đều bị bắt về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân” theo điều luật 258 Bộ Luật Hình sự.
Nếu như trước đây các blogger, người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động dân chủ thường bị bắt theo điều 88 “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hay điều 79 “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” thì bây giờ là điều 258, có vẻ như nhẹ hơn. Cả 3 blogger trên đều không thuộc về một tổ chức đảng phái chính trị nào, đều chưa bao giờ đòi hỏi những điều như xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, xóa bỏ đảng cộng sản hay đa nguyên đa đảng.
Trước những vụ bắt bớ vô lý, những phiên tòa bất công xảy ra càng nhiều, hậu quả là gì? Một mặt, nó làm cho những người đã, đang và sắp lên tiếng không còn cảm thấy sợ hãi việc bị bắt, bị tù nữa, người ta nói về chuyện mình có thể cũng sẽ bị bắt một cách điềm nhiên, người ta âm thầm chuẩn bị tâm lý cho mình và gia đình rằng cái ngày ấy có thể sẽ đến, và người ta vẫn tiếp tục viết. Đó là điều tích cực. Mặt khác, cái sự quen dần ấy cũng khiến người ta không giận dữ phản đối mạnh mẽ, mà cứ để cho nhà cầm quyền ngang nhiên bắt hết người này đến người khác.
Cùng lúc với tình trạng bắt bớ, kết án tù những người dám lên tiếng phê phán nhà cầm quyền là những tin tức rò rỉ về tình trạng bị ngược đãi của các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị trong nhà tù cộng sản: blogger Điếu Cày và blogger Công lý và Sự thật bị chuyển trại giam ra miền Bắc nhằm mục đích làm cho việc thăm nuôi của gia đình trở nên khó khăn hơn, nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh bị đánh trong tù, kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức bị biệt giam 10 ngày, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ bị đối xử không theo đúng luật pháp dành cho tù nhân đến uất ức phải tuyệt thực nhiều ngày nay v.v…
Và chúng ta cũng đang bị trở nên quen dần với điều này. Không ai làm gì, hoặc có làm thì cũng chẳng ăn thua gì với nhà cầm quyền. Về phía nhà cầm quyền, cũng đã trở nên chai lì, trơ mặt trước sự lên án của thế giới hay những lời chỉ trích nặng nề của người dân thể hiện trên các trang blog, mạng xã hội, báo chí nước ngoài. Ai lên án, ai chửi cứ chửi, họ cứ bắt, cứ đàn áp, làm gì được nhau?
Để đối phó lại, người dân cần phải có những tổ chức, phong trào dân chủ cần phải có những tổ chức-nhưng ở VN lại chưa có nổi. Có tổ chức, mới có chiến lược hành động với nhà cầm quyền, từng bước lấn dần buộc nhà cầm quyền phải lùi dần, cho đến lúc buộc phải đối thoại, phải thay đổi.
Chẳng hạn, với vấn đề phản đối TQ leo thang trên biển Đông, tổ chức biểu tình như thế nào, khi bị đàn áp thì sẽ làm gì, bảo vệ những người quan trọng ra sao, sau biểu tình tiếp theo sẽ là gì…Ngay việc gửi một cái đơn kiến nghị hay đơn yêu cầu, nếu nhà cầm quyền không trả lời thì bước thứ hai sẽ là gì, tiếp tục gây sức ép buộc họ phải trả lời ra sao. Hay trước những vụ bắt bớ phi lý, những sự ngược đãi tù nhân lương tâm trong tù cũng vậy, phải làm gì, chứ không thể cứ bộc phát, cứ bị động trước mọi cách hành xử từ phía nhà cầm quyền.
Hành động tuyệt thực của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, tiếp theo hàng chục người khác trong và ngoài nước đồng hành tuyệt thực theo là rất can đảm, cao cả, nhưng đối với một chế độ phi nhân, coi mạng người như cỏ rác, coi thường luật pháp, coi thường dư luận trong và ngoài nước…như nhà nước cộng sản VN, phải nói là không ăn thua.
Hãy nhìn cách đối phó của nhà nước VN qua vụ Cù Huy Hà Vũ. Nếu là một chế độ biết coi trọng sinh mạng con người cho dù là một người tù chính trị, họ sẽ đáp ứng những đòi hỏi của tù nhân sau một thời gian người tù ấy tuyệt thực. Nhưng ở đây nhà cầm quyền lại không làm như vậy, họ cũng lờ đi lý do vì sao ông Cù Huy Hà Vũ phải tuyệt thực, nhưng lại cho truyền thông báo chí của đảng đi làm những video clip cắt dán, dối trá nhằm bôi nhọ ông Vũ, tuyên bố rằng ông Vũ không tuyệt thực. Cũng sẽ có một số lượng người tin theo báo đảng, một số người khác dù biết “thành tích” bóp méo sự thật của nhà nước VN, cũng sẽ trở nên hoang mang.
Vấn đề là gia đình ông Cù Huy Hà Vũ, những người ủng hộ ông cũng như báo chí độc lập sẽ làm gì tiếp theo trước những đòn chơi bẩn của nhà cầm quyền? Rõ ràng, nếu chỉ có những cá nhân đơn lẻ đương đầu với nhà cầm quyền thì cho dù có báo chí "lề dân" hỗ trợ, vẫn chưa đủ để ứng phó trước mọi thủ đoạn của nhà cầm quyền.
(còn tiếp)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"