Thùy Linh
Thùy Linh: Cuối tuần mình phóng tác bài phát biểu của thủ tướng NTD ở Đối thoại Shangri-La 2013. Hehe...
Thưa Ngài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng,
Thưa Ngài Chủ tịch nước Trương Tấn Sang,
Thưa Ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,
Thưa Quý vị và các bạn,
Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn ngài Internet, vị hoàng đế của
toàn thể thế giới, cám ơn blog đã giúp tôi có điều kiện đến với các quý
vị.
Kể từ năm 1991 Tim Berners Lee ở trung tâm nghiên cứu nguyên tử châu
Âu CERN phát minh ra Word Wide Web (WWW) dựa theo ý tưởng về siêu văn
bản được Ted Nelson đưa ra từ năm 1985. Có thể nói đây là một cuộc cách
mạng vĩ đại vì người ta có thể truy cập, trao đổi thông tin một cách dễ
dàng, nhanh chóng.
Sau đó cũng vào cuối thập niên 1990, hình thức blog ra đời và phát
triển thì cuộc đối thoại của các blogger với các vị đã được đẩy lên tầm
cao mới. Cuộc đối thoại trên mạng giữa chúng ta thực sự đã trở thành một
trong những diễn đàn đối thoại về mọi mặt trong xã hội Việt Nam hôm
nay. Cá nhân tôi tin rằng, sự có mặt của đông đảo các blogger trên các
diễn đàn mạng thể hiện sự quan tâm, nỗ lực cùng nhau gìn giữ hòa bình và
an ninh cho đất nước trong một thế giới đầy biến động.
Thưa Quý vị và các bạn,
Ngôn ngữ và cách thể hiện dù có khác nhau, nhưng chắc chúng ta đều
đồng ý với nhau: nếu không có lòng tin thì không thể thành công, việc
càng khó càng cần có niềm tin. Việt Nam chúng ta có câu thành ngữ “mất
lòng tin là mất tất cả”. Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu
nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có
thể gây ra nguy cơ xung đột trong xã hội. Lòng tin cần được nâng niu,
vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với
chuẩn mực chung của nhân loại và phải được thể hiện bằng thái độ chân
thành.
Trong thế kỷ 20, Việt Nam vốn là chiến trường ác liệt, bị chia rẽ sâu
sắc trong nhiều thập kỷ giữa người Việt với người nước ngoài, giữa
người Việt với nhau. Có thể nói đất nước ta luôn cháy bỏng khát vọng hòa
bình. Muốn có hòa bình, phát triển, thịnh vượng thì phải tăng cường xây
dựng và củng cố lòng tin giữa người dân với chính quyền. Nói cách khác,
chúng ta cần cùng nhau chung tay xây dựng lòng tin vì sự thịnh vượng
của đất nước. Đó cũng là chủ đề mà tôi muốn chia sẻ với quý vị và các
bạn tại blog hôm nay.
Trước hết, các blogger chúng tôi có niềm tin sâu sắc vào tương lai
tươi sáng trong sự hợp tác phát triển của Việt nam với các nước trong
khu vực và thế giới. Nhưng với xu thế tăng cường cạnh tranh và can dự,
nhất là từ nước láng giềng lớn như Trung Quốc, thì bên cạnh sự hợp tác
là tiềm ẩn những rủi ro tiêu cực vô cùng lớn mà chúng ta cần phải cùng
nhau chủ động ngăn ngừa.
Việt Nam đang ở trung tâm của ba nền kinh tế lớn nhất thế giới và
nhiều nền kinh tế mới nổi. Việc hợp tác, liên kết đa tầng nấc, đa lĩnh
vực đang diễn ra hết sức sôi động và ngày càng thể hiện là xu thế chủ
đạo. Điều này là cơ hội hết sức lạc quan cho đất nước chúng ta.
Tuy nhiên, nhìn lại những gì mà Việt nam đã làm thì có nhiều quan
ngại sâu sắc. Nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng bị lệ thuộc vào Trung
Quốc, trong khi những kẻ bành trướng đang xâm chiếm biển Đông và áp đặt
hết sức ngang ngược tham vọng của họ lên Việt nam và các nước khác, bất
chấp luật pháp quốc tế và cách hành xử văn minh. Các blogger không khỏi
quan ngại trước những nguy cơ và thách thức ngày càng lớn đối với hòa
bình và an ninh không chỉ riêng với Việt Nam từ phía Trung Quốc.
Cạnh tranh và can dự vốn là điều bình thường trong quá trình hợp tác
và phát triển. Các blogger luôn hiểu rõ điều đó và chấp nhận cạnh tranh
với gần 1000 tờ báo của đảng, nhà nước và chỉnh phủ. Nhưng nếu sự cạnh
tranh và can dự từ phía chính quyền mang những toan tính áp đặt, bảo
thủ, vì lợi ích nhóm, vì quyền lợi của riêng mình, bất chấp sự bất bình
đẳng, trái với luật pháp, thiếu minh bạch thì không thể củng cố lòng tin
giữa người với người, giữa người dân với chính quyền. Chính sự mất lòng
tin dễ dẫn tới chia rẽ, nghi kỵ và nguy cơ kiềm chế lẫn nhau, ảnh hưởng
tiêu cực tới hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam đang tụt hậu
chính vì chính quyền đã đánh mất lòng tin vào người dân, mất khả năng
lắng nghe, đối thoại, mất khả năng đổi mới.
Những diễn biến khó lường về sự khủng hoảng toàn diện, sâu sắc, triệt
để trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, văn
hóa… trên cả nước đã kéo theo sự mất lòng tin nghiêm trọng vào cách điều
hành của chính phủ. Hơn nữa, trên biển Đông, Trung Quốc đang cố tình
biến biển Đông thành vùng biển có tranh chấp, đánh đuổi ngư dân Việt
Nam, ngang nhiên tuyên bố chúng ta đang xâm phạm lãnh thổ của họ đã gây
nên tình hình an ninh hết sức nghiêm trọng. Chính Trung Quốc đang có
những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những
hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị
cường quyền. Điều này gây nên sự phẫn nộ cao độ với mọi tầng lớp nhân
dân.
Người dân cũng biết rất rõ rằng, trong tương lai, sẽ có trên 3/4 khối
lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và
2/3 số đó đi qua Biển Đông. Chỉ cần một hành động hiếu chiến của Trung
Quốc sẽ gây nên xung đột, làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này và
nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh
chịu hậu quả khôn lường.
Ở trong nước, các nguy mất an ninh do người dân không được pháp luật
bảo vệ, các cơ quan hành pháp lạm quyền gây nên xung đột giữa cơ quan
chính quyền với người dân đang ngày càng trầm trọng. Sự đàn áp tôn giáo,
sắc tộc, bao che lợi ích nhóm, sự vị kỷ, vô cảm, coi thường tính mạng
người dân…vẫn hiện hữu. Những thách thức mang tính lỗi hệ thống ngày
càng trở nên gay gắt.
Có thể nhận thấy những thách thức và nguy cơ xung đột giữa người dân
và chính quyền là không thể xem thường. Ai cũng hiểu, nếu để xảy ra mất
ổn định do kinh tế suy kiệt, mất lòng tin vào đường lối, chính sách và
những người cầm quyền, dẫn đến những xung đột mang màu sắc đàn áp đều để
lại những hậu quả nặng nề, mà người thua là toàn thể dân tộc Việt Nam.
Vì vậy, cần khẳng định rằng, cùng nhau đối thoại, thay đổi, tìm lối đi
mới cho đất nước, từ bỏ con đường sai lầm hơn 80 năm qua là nhiệm vụ và
trách nhiệm, cũng là lợi ích chung của tất cả người Việt Nam. Đối với
người dân, lòng tin vào chính quyền phải được nhìn từ những thay đổi
ngay và luôn, với sự thực tâm và chân thành của chính quyền.
Để xây dựng lòng tin giữa người dân và chính quyền, giữa người dân
với nhau, cần thượng tôn pháp luật, xây dựng cấp bách nhà nước tam quyền
phân lập, phải đấu tranh thực sự với nạn tham nhũng, xây dựng đội ngũ
công quyền có trách nhiệm, nâng cao hiệu quả thực thi một cách minh
bạch, công khai.
Trong lịch sử Việt Nam, dân tộc ta đã phải gánh chịu những mất mát
không gì bù đắp được khi là nạn nhân của các cuộc chiến tranh, sau đó là
tham vọng xây dựng đất nước đi theo một ý thức hệ mù quáng, nạn cường
quyền, tham nhũng…Trong thế giới văn minh ngày nay, Hiến chương Liên hợp
quốc, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung đã
trở thành giá trị của toàn nhân loại cần phải được tôn trọng ngay tại ở
Việt Nam. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng lòng tin đang dần
biến mất trong đời sống xã hội của đất nước chúng ta.
Mỗi người dân luôn phải là một công dân có trách nhiệm đối với sự tòn
vong của đất nước. Mỗi quan chức, mỗi người dân, mỗi blogger dù già hay
trẻ cần xây dựng mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cao hơn
là có lòng tin sâu sắc lẫn nhau. Người có chức quyền, có ưu thế hơn
những công dân khác phải đóng góp nhiều hơn, đồng thời có trách nhiệm
lớn hơn trong việc tạo dựng và củng cố lòng tin cho người dân. Mặt khác,
những tiếng nói đối lập, những sáng kiến đúng đắn hữu ích của công dân
phải được tôn trọng, không bị qui chụp, lên án, bắt giam. Nguyên tắc đối
thoại giữa chính quyền và người dân, giữa người với người, giữa các
blogger với nhau phải được hình thành và duy trì trên cơ sở tư duy đó.
Các blogger hoàn toàn chia sẻ quan điểm rằng, bất cứ tiếng nói nào,
dù nhỏ bé, không giống với đường lối của nhà nước đều có thể gắn kết
người đó với phần còn lại.
Các blogger cũng đồng tình với ý kiến rằng, sự hợp tác tin cậy và
trách nhiệm giữa chính quyền và người dân sẽ đóng góp tích cực cho lợi
ích chung của đất nước. Chúng ta đều hiểu rằng đất nước Việt Nam đủ rộng
cho tất cả các xư hướng, các quan điểm khác nhau cùng tồn tại. Tương
lai của Việt Nam sẽ được tạo dựng bởi vai trò và sự tương tác của tất cả
các đảng phái, khunh hướng chính trị khác nhau.
Trong quá trình phát triển, các blogger tin rằng, Việt Nam cần sự can
dự chiến lược của các nước lớn vì hòa bình, ổn định và phát triển.
Chúng ta có thể kỳ vọng nhiều hơn vào vai trò của các nước lớn, nhất là
Hoa Kỳ. Và đặc biệt cần cảnh giác với Trung Quốc.
Hiện nay dù nhờ internet phát triển mạnh nên việc đối thoại giữa
những ý kiến bất đồng đã tạo ra nhiều cơ hội để mọi người bộc lộ ý kiến
để giúp tìm giải pháp cho những thách thức đang đặt ra với đất nước.
Nhưng có thể nói rằng, vẫn còn thiếu – hay ít nhất là chưa đủ – lòng tin
giữa chính quyền và người dân trong việc thực thi các quyền tự do cơ
bản đó. Bằng chứng là các cuộc đấu tranh ôn hòa của các blogger vẫn bị
chính quyền kết án, thậm chí rất nặng. Điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến
việc xây dựng sự tin cậy lẫn nhau trước các thử thách vô cùng trầm
trọng của đất nước. Một khi không đủ lòng tin cần thiết thì việc thực
thi các cuộc cải cách sẽ khó mà tiến hành có hiệu quả, không thể đi đến
giải pháp cho mọi vấn đề lớn hay nhỏ của đất nước.
Khó có thể hình dung được một Việt Nam muốn phát triển mà bị chia rẽ,
xung đột trong nội bộ dân tộc như bây giờ, không khác gì thời Chiến
tranh Lạnh. Sự tham gia của các blogger vào đời sống chính trị của đất
nước đánh dấu thời kỳ phát triển mới của dân chủ, tiến tới hình thành
một mặt trận đấu tranh vì một Việt Nam dân chủ, tự do, hạnh phúc cho
toàn thể người Việt nam trên khắp thế giới. Thành công bước đầu của nền
dân chủ non trẻ là thành quả của cả quá trình kiên trì đấu tranh, xây
dựng lòng tin và văn hóa đối thoại, ý thức trách nhiệm chia sẻ vận mệnh
của đất nước của người dân đã biết tham gia vào một xã hội dân sự.
Các blogger luôn ngưỡng vọng về trường hợp của Mi-an-ma như một ví dụ
sinh động về kết quả của việc kiên trì đối thoại trên cơ sở xây dựng và
củng cố lòng tin, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau, mở ra một
tương lai tươi sáng không chỉ cho Mi-an-ma mà là tấm gương lớn cho Việt
Nam noi theo.
Đã có những bài học sâu sắc về giá trị nền tảng của nguyên tắc đồng
thuận, chấp nhân sự khác biệt giữa các khuynh hướng chính trị để duy trì
sự đối thoại vì tương lai của đất nước. Việt Nam chỉ mạnh và phát huy
được vai trò của mình khi là một khối đoàn kết thống nhất trên cơ sở bao
dung sự khác biệt. Một Việt Nam tan rã, nghèo đói, mất lòng tin sẽ tự
đánh mất vị thế ở khu vực và thế giới, không có lợi cho bất cứ ai. Muốn
làm được điều đó, chính đảng hiện nay cần hy sinh những quyền lợi của
bản thân, hướng đến lợi ích chung của dân tộc, chứ không phải là một đất
nước mà các chính sách hầu như xuất phát từ lợi ích của một nhóm người.
Trách nhiệm của chính quyền là nhân thêm niềm tin trong giải quyết các
vấn đề của xã hội, tăng cường đối thoại, kết hợp hài hòa lợi ích quốc
gia với quyền lợi của người dân.
Thưa Quý vị và các bạn,
Trong suốt lịch sử mấy ngàn năm, người dân Việt Nam đã chịu nhiều đau
thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Hơn bao giờ hết người dân Việt
Nam luôn khao khát hòa bình và mong muốn đóng góp vào việc xây dựng một
xã hội dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái. Để có một nền dân chủ thực sự
và bền vững, thì tiếng nói đối lập của bất kỳ công dân nào cũng cần phải
được tôn trọng…Việc chia sẻ, đối thoại cần cởi mở trên tinh thần xây
dựng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Chúng ta cần khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Với truyền
thống hòa hiếu, người Việt Nam trong nước luôn mong muốn cùng những
người Việt khác trên toàn thế giới để xây dựng một nước Việt Nam giàu
mạnh, dân chủ, tự do, bảo vệ độc lập, chủ quyền, bình đẳng với các nước
khác trên thế giới.
Người dân Việt Nam kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập,
tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa trên tất cả các phương diện, chính
trị, kinh tế, xã hội, quân sự…Người dân Việt Nam mong muốn làm bạn với
tất cả các nước trên thế giới theo tiêu chuẩn nhân văn của nhân loại.
Thưa Quý vị và các bạn,
Dân chủ, tự do, thịnh vượng, hòa bình, và phát triển là mục tiêu sống
còn, là nguyện vọng tha thiết, là tương lai chung của đất nước Việt
Nam. Trên tinh thần cởi mở của Đối thoại Internet, các blogger kêu gọi
tất cả các công dân hãy bằng những hành động cụ thể cùng cất lên tiếng
nói tranh đấu vì một Việt nam dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Xin cảm ơn Quý vị và các bạn./.