Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Vụ Phương Uyên và Nguyên Kha


Dư luận sau phiên tòa xét xử hai thanh niên Phương Uyên và Nguyên Kha bỗng trở nên sôi động kỳ lạ. Tôi cố gắng tìm đọc thông tin của cả hai lề để có điểm nhìn tham chiếu. Nhưng thông tin lề phải không thấy có gì đặc biệt. Thông tin lề trái tương đối nhiều. Không biết thông tin lề trái tường thuật có chính xác không, nhưng với những gì tôi đọc thấy thì hai thanh niên này quả là có khí phách ở phiên tòa. Phương Uyên nói rằng: "Tôi là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì thật sự tôi không cam tâm... Việc tôi làm thì tôi chịu, xin nhà cầm quyền đừng làm khó dễ mẹ hay gia đình của chúng tôi. Chúng tôi làm để thức tỉnh mọi người trước hiểm họa Trung Quốc xâm lược đất nước, và cuối cùng là chúng tôi làm xuất phát từ cái tấm lòng yêu nước nhằm chống cái xấu để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp tươi sáng hơn.", còn Nguyên Kha tuyên bố: "Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội". Những câu nói này khiến tôi nhớ tới những tiền bối cộng sản ở những phiên tòa của thực dân Pháp như Lý Tự Trọng nói: "Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác. Tôi tin rằng nếu các ông suy nghĩ kỹ thì các ông cũng thấy cần phải giải phóng dân tộc, giải phóng những người cần lao như tôi". Tôi nghĩ đó là những con người như Milan Kundera viết: "Chính xác là khi thế giới nội tâm của họ biến đổi mà Bézoukhov hay Bolkonsky tự xác định mình là những cá thể; mà họ khiến ta kinh ngạc; mà họ trở nên khác biệt; mà tự do của họ bùng cháy lên, và cùng với nó, là bản sắc của cái tôi của họ; đấy là những khoảnh khắc thơ: họ sống những khoảnh khắc đó với một cường độ lớn cho đến nỗi toàn bộ thế giới chạy ùa đến cùng họ với cả một đám rước say sưa những chi tiết huyền diệu". Tôi tin là đã có một thế hệ mới, những con người đang đi tới "ngực dám đón những phong ba dữ dội / chân đạp bùn không sợ những loài sên" và tương lai thuộc về họ.

Tuyên bố của Nguyên Kha là cả một vấn đề pháp lý: chống Đảng có phải là một tội không? Vấn đề pháp lý này buộc mỗi chúng ta phải suy nghĩ về tính chính đáng của nó. Tôi nhớ luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, Hà Huy Sơn từng viết thư yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích điều 88 của bộ luật Hình sự: thế nào là tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhưng cho đến nay tôi không nghe thấy có tin tức gì. Tôi phỏng đoán Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa giải thích về điều 88. Đây chính là một vấn nạn pháp luật rất lớn. Cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về giải thích pháp luật đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Giá như Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, ví dụ như, chống Đảng là chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì có phải mọi thứ trở nên rõ ràng, và sẽ không còn ai đặt câu hỏi như Nguyên Kha và sẽ hạn chế rất nhiều vi phạm pháp luật. Như vậy, ngay cả khi cho rằng Nguyên Kha phạm tội theo điều 88 thì chính Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã góp phần tạo ra hành vi phạm tội của công dân vì đã không giải thích luật pháp cho minh bạch khi có yêu cầu giải thích. Sự vô trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khiến cho công dân phạm pháp.
Thư yêu cầu trả tự do cho Uyên Phương và Nguyên Kha, theo tôi, không có mấy tác dụng vì đã có tiền lệ thư yêu cầu trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ. Áp lực như vậy chưa đủ nặng cân. Song có lẽ cấp thiết và hữu ích hơn cả là tạo áp lực buộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải giải thích điều 88, thế nào là tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"