Vấn đề hai lá cờ, hay lá cờ thứ ba nào đó thực sự đã được nhiều
người Việt trong ngoài nước bàn đến nhiều lần , gần đây hai cây bút
Jonathan London và Huy Đức đã tham gia bằng hai bút pháp và những cách
tiếp cận, định hướng vấn đề khác nhau , nhưng tựu trung cũng nói đến gốc
gác của hai lá cờ, tâm trạng của những người “đứng “ dưới hai lá cờ đó
và sau cùng , dù cách diễn giải khác nhau , cả J. London và Huy Đức lẫn
một số người viết liên can đều có gần chung một đề nghị là tránh để sự
khác biệt của hai lá cờ đó làm tổn hại thêm cho ước muốn tìm đến sự tự
do , dân chủ , công bằng, hoà giải cho người Việt Nam cùng với sự vẹn
toàn lãnh thổ và thịnh vượng , hoà bình .
Thế giới mạng lại được khuấy động vì việc cờ quạt này , đồng thời sau
hay bên dưới những bài viết liên quan đều vẫn tràn ngập những comments ,
nhẹ nhàng thì góp ý thuận nghịch một cách ôn hoà , những cái đầu nóng ý
thức chính trị , căn cước riêng tư ở cả hai phía “ cờ “ thì lại có dịp
chửi rủa , nhục mạ , lên án từ người viết đến người tham gia tranh luận .
Điều đáng lưu ý là hầu như đa phần các tranh luận nóng bỏng nhất vẫn là
từ những người Việt xa xứ ôm giữ lá cờ Vàng gốc gác và một số các tay
viết vẫn được gọi là “ Dư Luận Viên “ của nhà nước Việt Nam đứng ra “
xuất chiêu “ bảo vệ lá cờ Đỏ , phần còn lại là những ngòi bút “mát “ hơn
như J. London , Huy Đức , Gocomay , Oanh Yen Thi Pham , Phạm Thị Hoài …
Điều đặc biệt ghi nhận là hầu hết những người được coi là “Bất Đồng
Chính Kiến “ , “ Phản Kháng Chế Độ “ , là những người hoặc cựu đảng viên
đảng cộng sản Việt Nam ( csvn) , cựu viên chức , cựu chiến binh, trí
thức của chế độ cộng sản , người không cộng sản , chống cộng sản trong
nước , đa số đều giữ thái độ yên lặng trước vấn đề nhậy cảm này . Việc
hai người trẻ Phương Uyên và Nguyên Kha kèm lá cờ Vàng trong các tài
liệu phản kháng Trung Quốc xâm lăng và đảng cộng sản Việt Nam là chọn
lựa của hai bạn , tuy nhiên nhiều người chống chế độ csvn khác trong
nước , kể cả những người đã , đang bị cầm tù , hầu như không ai dùng lá
cờ hay biểu tượng nào để gắn vào sự phản kháng của mình .
Hai lá cờ ấy đã một lần cùng lên tiếng tại Đức , hai nhóm người Việt
xa xứ , xuất xứ Bắc Nam khác biệt, hoàn cảnh đến nước ngoài cũng khác
biệt , tuy nhiên lần đầu tiên họ xuất hiện bên nhau dưới hai lá cờ chia
chung lịch sử cuộc nội chiến đẫm máu ở hai phía đối nghịch mà những con
người Việt Nam hôm ấy ở Đức không hề nhìn nhau hằn thù , khích bác , họ
chỉ cùng nhau lên tiếng bảo vệ đất nước chống kẻ ngoại xâm phương Bắc .
Vào gần cuối thập niên 80 các trại tỵ nạn người Việt ở Hồng Kông đặc
biệt có số đông thuyền nhân tỵ nạn đến từ miền Bắc bên cạnh các đồng
hương , đồng cảnh đến từ các tỉnh duyên hải phía Nam . Ở các trại tỵ nạn
Philippines, Nhật Bản và Đông Nam Á hầu như chỉ có tuyệt đại đa số ra
đi từ miền Nam . Dù từ đâu đến các thuyền nhân Việt Nam ở Hồng Kông và
các nơi khác đều chứng tỏ mình là “ Nạn Nhân Chính Trị của Chế Độ CSVN
“để được thế giới tự do đón nhận vào định cư như người tỵ nạn chính trị.
Sau Trại Cấm Hồng Kông và năm 1989 thì thuyền nhân Việt Nam còn phải
qua kì thanh lọc cam go để được công nhận là người Tỵ Nạn Chính Trị chạy
trốn csvn , người thất bại phải chấp nhận cưỡng chế hồi hương về Việt
Nam. Theo Wikipedia thì từ 1975 đến 1990 có 143,000 thuyền nhân Việt Nam
đến Hồng Kông , trong số đó hơn 67,000 người đã phải hồi hương về Việt
Nam, những người bị cưỡng chế hồi hương đã đấu tranh, chống đối kịch
liệt , có khi bị đàn áp thô bạo ném lên những chuyến tầu đau buồn về lại
Việt Nam .
Một ngày 30 tháng Tư tại trại tỵ nạn Việt Nam ở Hồng Kông hai nhóm
thuyền nhân Bắc Nam đã xung đột bạo động với nhau gây ra đám cháy lớn và
nhiều nạn nhân thương vong , chính phủ Hồng Kông phải huy động cả lực
lượng quân đội lẫn cảnh sát dã chiến để khống chế cuộc bạo loạn này .
Khi nhóm Thuyền Nhân Nam Việt Nam tổ chức ngày “ Quốc Hận 30/4 “ với là
cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của Việt Nam Cộng Hoà , những bài diễn văn, khẩu hiệu
vang dội chống cộng sản xâm lược cưỡng chiếm miền Nam tình cờ có đoạn
nói đến “ Bọn Xâm Lược Từ Miền Bắc “ , đa số thuyền nhân gốc Bắc thoạt
đầu cũng tham gia cuộc lễ để bầy tỏ chính kiến ” tỵ nạn chống csvn ” ,
nhưng một số nhỏ người trẻ gốc Quảng Ninh , Hải Phòng vốn là vùng đất
ngang tàng sứ biển, sứ cảng, bỗng cảm thấy câu nói đụng chạm đến chất
…Bắc của mình, lời ra tiếng vào , kẻ bị mắng là “ Việt Cộng nằm vùng “ ,
kẻ phản đối sự “ xâm phạm gốc gác“ . Cuộc chiến sau cùng bùng nổ lan
rộng , điều bi hài nhất là phía “ Thuyền nhân tỵ nạn cs miền Bắc “ không
biết lấy gì làm “ Cờ phe ta “ chống lại phe …tỵ nạn Cờ Vàng , sau cùng
một rồi nhiều là cờ Đỏ tự chế đã được kéo lên cho “ chiến tuyến “ bảo vệ
… danh dự gốc Bắc . Ở Hải Ngoại người Việt Tỵ Nạn bàn tán là cộng sản
mở cửa tù ở Quảng Ninh cho tội phạm chậy đến Hồng Kông phá hoại “ chính
nghĩa “ của người tỵ nạn miền Nam . Người viết bài nầy đã có một năm làm
việc tình nguyện giúp thuyền nhân Việt Nam , cả Bắc lẫn Nam , khi họ đã
bị giam giữ trong các Trại Cấm Hồng Kông vào cuối thập niên 80 . Câu
chuyện hai lá cờ và ngày 30/4 bạo loạn đẫm máu ấy đã được nhiều thuyền
nhân đáng tin cậy ở cả hai phía , một số tu sĩ làm việc cho người tỵ nạn
VN và viên chức Liên Hiệp Quốc kể lại cho người viết.
Ở Việt Nam mỗi lần diễn ra đại hội thể thao khu vực ASEAN , được gọi
là SEA Games , đội túc cầu Việt Nam là một đội mạnh thường vào đến chung
kết , những ngày diễn ra chung kết bóng đá Sea Games có đội Việt Nam
vào chung kết thì cả đất nước lên cơn sốt ủng hộ đội nhà . Khắp đường
phố Hà Nội , Sàigòn và thành phố khắp nước , tại các nơi tập trung
thường là quán càfê, quán ăn , câu lạc bộ và cả trên đường phố đều rực
một mầu cờ đỏ , băng đỏ quấn đầu , người trẻ , người già , đàn ông hay
phụ nữ khi nhập vào những đám đông ấy đều đồng thanh hét lớn “ Việt Nam
Chiến Thắng “ và tung vẫy những là cờ Đỏ sao Vàng . Người viết hình dung
nếu lúc này một người nào liều mạng tung ra một là cờ khác mầu và hô
lên khẩu hiệu “ Hãy dẹp cờ Đỏ cs “ , hẳn nhiên đám đông cuồng nộ này sẽ
vung những cán cờ Đỏ của “ đội nhà “đập nát kẻ “ nội tuyến” , “ phản bội
“ấy .
Vâng , những là cờ Đỏ ở Hồng Kông, hay Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà
Nẵng , Sài Gòn , đôi khi từ cả những du học sinh từ Việt Nam , người đi
xuất khẩu lao động , ngay cả các bạn trẻ con cháu người miền Nam đang
sống trong nước , kể cả hậu duệ của những người đã “ Bỏ phiếu chống cộng
bằng chân , bằng tầu , thuyền “ từ 1954 đến sau 1975 , con cháu những
người đã đi ODP, HO , có khi họ cũng ở trong dòng người cuồng say SEA
Games và bóng đá ấy mà không hẳn phải là người ủng hộ chế độ cộng sản
hiện hữu ở Việt Nam qua lá cờ “đội nhà, nước mình “ấy .
Vâng, nếu bạn đến Little Sàigòn, San Jose ở California , Houston,
Dallas ở Texas nước Mỹ , hay Cabramatta , Bankstown , Footscray,
Springvale , Perth , Adelaide , Brisbane ở Úc , đến vùng Việt Nam ở
Paris , London , Toronto , Ottawa, ở Berlin, Munich vào ngày 30 tháng Tư
hàng năm mà vẫy lên ngọn cờ Đỏ nêu trên , tôi cũng chắc chắn là lá cờ
ấy sẽ thấm đỏ máu oán hận trong ba mươi giây.
Cuộc chiến đau thương đã phủ cờ trên trăm ngàn người con Việt Nam ,
cũng đã truy điệu và phong liệt sĩ cho hàng triệu người Việt khác dưới
một sắc cờ , nó cũng đã giết hàng triệu người không hề chọn lá cờ nào và
vẫn không có yên vui , hạnh phúc cho đến ngày hôm nay dưới lá cờ chiến
thắng .
Chính quyền Việt Nam hiện hữu và những người chống lại chế độ này
khắp nơi hãy lắng nghe những là cờ ấy nói tiếng nói của riêng nó đại
diện cho những thực thể thực tế riêng và nỗi đau nhục nhược tiểu chia
chung .
Vâng, ai cũng biết câu “Được làm vua , thua làm giặc “ , lá cờ do kẻ
thắng làm ra hay nắm giữ như biểu tượng quyền bính , tuy nhiên quyền
bính và cả vàng son xưa cũ đều không tồn tại vĩnh viễn , chỉ có tiếng
nói đồng thuận vào lúc đúng nhất , hợp với ý nguyện chính đáng của nhân
loại và nhân dân sẽ tự nó xoá đi những khác biệt của sắc màu và chính
kiến.
Trước mắt , tôi muốn được ôm hôn những người Việt Nam đồng bào của
tôi khi họ không chăm chú vào lá cờ mang theo mà chỉ cùng nhau thét lên
tiếng phẫn nộ đòi cứu nước . Xin đừng buộc tội hay suy tôn bất cứ là cờ
nào mà hãy nhìn vào tâm tư những người Việt Nam đang đòi hỏi nhiều hơn
một mầu cờ .
Nghi Tưởng
Cuối tháng Năm 2013
Cuối tháng Năm 2013